Để bảo hiểm y tế đến được với toàn dân

Thục Anh tổng hợp
22:16, ngày 02-08-2012

TCCSĐT - Ngày 2-8-2012, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo "Xây dựng Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020" với sự tham gia của đại diện các bệnh viện, các bộ ngành, sở y tế và bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố.

Tính đến hết năm 2011 cả nước có gần 56 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 64% dân số. Đến cuối năm 2011 đã có 818 bệnh viện của 59 tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng phương thức thanh toán theo định suất.

Từ năm 2010, phương thức thanh toán theo định suất đã được Luật Bảo hiểm y tế quy định là một trong ba phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là tạo được một cơ chế tài chính hướng tới mục tiêu bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân. Sau 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế cho thấy, bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng, đóng góp về tài chính và thực hiện được định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nước ta.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua, công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo hiểm y tế chưa được quan tâm đúng mức và chưa chuyển tải được tính nhân văn của bảo hiểm y tế trong chia sẻ cộng đồng giữa người khỏe và người ốm, phòng tránh rủi ro tài chính liên quan tới đau ốm, nhất là với nhóm người nghèo. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế chưa cao trong nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo, gia đình nông dân (nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp) có mức sống trung bình, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do khu vực thành thị; một số đơn vị, tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm chính sách bảo hiểm y tế cho người lao động (hơn 6 triệu người lao động trong các doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm y tế, 74% người cận nghèo chưa tham gia bảo hiểm y tế). Việc tiếp tục mở rộng sự tham gia của các nhóm đối tượng này đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ trong công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách xã hội hoá.

Đối tượng là người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí.

Các đối tượng khó khăn như hưu trí, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng kinh tế - xã hội khó khăn đã mua bảo hiểm y tế, được thanh toán 100% khi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế xã; được thanh toán 95% tại các bệnh viện công lập từ tuyến huyện trở lên.

Các đối tượng học sinh, sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ 30% để tham gia bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh phải chi trả 20% chi phí, 80% chi phí còn lại sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán.

"Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020" được thực hiện nhằm mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm y tế về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng và giảm mức chi trực tiếp từ người sử dụng dịch vụ; tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển. Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là: Tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế và từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phấn đấu đến 2015 giảm chi tiêu trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình xuống dưới 40%.

Thạc sỹ Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả bước đầu, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân như việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế còn chậm, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế chưa cao, ngoài những đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế người lao động trong các doanh nghiệp, hộ cận nghèo, tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế còn thấp; công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách bảo hiểm y tế chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế. Một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu thông tin về những quy định của Luật Bảo hiểm y tế; vai trò quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chưa phát huy đầy đủ, các chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế, kế hoạch thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố; sự phối hợp liên ngành trong tổ chức thực hiện Luật Bảo hiểm y tế ở một số tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ.

Đối tượng là người cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia gia bảo hiểm y tế, khi đi khám, chữa bệnh và người bệnh chỉ phải đóng 20% chi phí của số tăng thêm.

Ngoài ra, để giảm tối thiểu tác động đến người dân khi viện phí tăng, Bộ Y tế đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định để các tỉnh tái lập Quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh người nghèo. Quỹ này hoạt động dựa trên nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa để hỗ trợ cho một số đối tượng có khó khăn, kể cả người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn như ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim... 


Bà Tống Thị Song Hương cũng cho biết, Đề án đã đưa ra một số giải pháp như: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế trình Quốc hội năm 2013 theo hướng quy định tham gia bắt buộc theo hộ gia đình; xây dựng gói quyền lợi cơ bản; sửa đổi bổ sung quy định về thanh toán chuyển tuyến…; phải có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của hệ thống chính trị xác định rõ vai trò và trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đổi mới nội dung với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của bảo hiểm y tế cũng như nghĩa vụ của mỗi người dân trong tham gia bảo hiểm y tế; công tác tuyên truyền sẽ được phân công cụ thể cho các bộ, ngành liên quan đến các nhóm đối tượng; nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với việc đầu tư, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở thông qua thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, xây dựng gói quyền lợi phù hợp, tăng cường thực hiện xã hội hóa y tế, đa dạng các loại hình khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế, nghiên cứu áp dụng phương pháp thanh toán chi trả phù hợp bảo đảm nguồn Ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác và hỗ trợ mức đóng cho một số đối tượng; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phân định rõ trách nhiệm và tăng cường công tác thanh, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp...

Các đại biểu đã tập trung thảo luận một số giải pháp nhằm mở rộng tỷ lệ bao phủ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính, giảm chi tiêu tiền túi của người bệnh; chỉ tiêu bảo phủ bảo hiểm y tế của từng địa phương...

Thời gian gần đây, một loạt các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống liên tục tăng giá như điện, gas, xăng và mức đóng viện phí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bắt đầu từ tháng 8 này, một số bệnh viện tuyến trung ương hàng chục địa phương trên cả nước sẽ thực hiện việc thu viện phí mới như Cao Bằng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ… đáng lưu ý có nhiều dịch vụ sẽ tăng giá từ 20 đến 70 lần. Song người có bảo hiểm y tế vẫn vững tâm vì giá viện phí mới có cao hơn, thì đa phần do bảo hiểm y tế chi trả.

Hiện chỉ có khoảng 36% dân số còn lại chưa có thẻ bảo hiểm y tế (đây là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên) bị ảnh hưởng khá mạnh thì phải thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân dưới các hình thức thích hợp của mỗi hộ gia đình./.