Dù gặp nhiều khó khăn do lạm phát và tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng năm 2008, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt con số kỷ lục: 64 tỉ USD, tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Tuy nhiên, để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều vướng mắc, bất cập cần được khẩn trương khắc phục.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 năm (2001- 2005), Việt Nam thu hút 18,5 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI); năm 2006 đạt trên 12 tỉ USD; năm 2007 vượt ngưỡng 20 tỉ USD, tăng gần 70% so năm 2006. Đặc biệt, năm 2008, lượng vốn FDI đạt 64,01 tỉ USD, trong đó 60,2 tỉ USD là cấp mới.

Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2008 nhờ hàng loạt dự án lớn, trong đó lớn nhất là hai liên doanh thép của tập đoàn Lion (Ma-lai-xi-a) và Vinashin với 9,79 tỉ USD, đưa Ma-lai-xi-a, lần đầu tiên, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với 14,9 tỉ USD. Hai lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng vốn đăng ký, với gần 50%; trong đó, các dự án thăm dò và khai thác dầu tại Việt Nam thu hút 17,5% tổng vốn FDI.

Trong năm 2008, Ninh Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá là 2 tỉnh thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước. Tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên vị trí hàng đầu với dự án liên doanh sản xuất thép giữa tập đoàn Lion (Ma-lai-xi-a) và Vinashin nói trên. Các vị trí tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Phú Yên, việc cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo bước đột phá cho một tỉnh còn khó khăn như Phú Yên trong việc thu hút đầu tư, đưa địa phương này lọt vào hàng thứ 7/10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Ở tỉnh Long An, nguồn vốn FDI bên cạnh việc góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đã tạo ra việc làm cho khoảng 70.000 lao động. Có thể khẳng định rằng, những thành tựu thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn các tỉnh phía Nam trong hơn 20 năm qua là rất lớn. Chỉ tính trên địa bàn 8 tỉnh và thành phố thuộc thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh , Bình Phước) đã thu hút được 6.375 dự án FDI, với số vốn đăng ký lên tới 52,5 tỉ USD, chiếm 65,6% về số dự án và 54,6% về số vốn đăng ký so với kết quả thu hút FDI của cả nước trong 20 năm qua; hiện có tới trên 90% số dự án đã đăng ký đang còn hiệu lực hoạt động.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trong cả nước. Các doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu và đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tạo ra nhiều việc làm mới; đưa ra nhiều mô hình và bài học kinh nghiệm cho cả nước về lĩnh vực này, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam và nâng cao chất lượng nguồn vốn này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, và tất cả các quốc gia đều đang áp dụng các biện pháp kích cầu, là một thách thức mà Việt Nam cần vượt qua trong năm 2009 này. Đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án FDI, tiếp tục thúc đẩy xúc tiến đầu tư, là những nhiệm vụ quan trọng cần được chú trọng thực hiện trong thời gian tới.

Có thể nói rằng, bên cạnh những thành công nổi bật trong thu hút FDI năm qua, thì vấn đề tồn tại cũng rất bức xúc là tiến trình giải ngân vốn FDI chậm, chưa được 1/5 tổng vốn đăng ký. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu: Một là, hệ thống hạ tầng như giao thông, cảng biển, thông tin liên lạc, nguồn nhân lực v.v… còn bất cập, làm hạn chế khả năng tiếp nhận lượng vốn đầu tư tăng ồ ạt vượt rất xa dự tính ban đầu. Hai là, bộ máy hành chính còn nhiều yếu kém, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chưa chuyển kịp với tốc độ tăng rất mạnh nguồn vốn đầu tư. Ba là, do việc bàn giao mặt bằng chậm, chẳng hạn, có những dự án nhà đầu tư phải chờ đợi từ 5- 10 năm mới được giao mặt bằng để xây dựng nhà máy.

Hiện nay, trong hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập. Chẳng hạn, do chưa có quy định rõ ràng về ngành nghề và việc quy định chưa theo các chuẩn của thông lệ quốc tế, nên khi hướng dẫn và thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đều phải sử dụng hệ thống phân ngành của Liên hợp quốc (mà Việt Nam tham gia ký kết trong cam kết với WTO).

Nội dung xúc tiến đầu tư mới chỉ dừng lại ở quảng bá, giới thiệu tiềm năng, mà chưa đề ra được một chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn và có chiều sâu; nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, trình độ còn hạn chế nên ảnh hưởng đến khả năng tiếp xúc trực tiếp; kinh phí thiếu; thông tin quảng bá đơn điệu, chậm được cập nhật; tính chủ động trong xúc tiến đầu tư còn yếu, bị động, vẫn còn nặng tâm lý chờ nhà đầu tư đến thay vì chủ động tìm kiếm, tiếp xúc, chào mời...”.

Thẩm quyền của cơ quan xúc tiến đầu tư còn mờ nhạt; mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư như hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, có nơi cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc ủy ban nhân dân tỉnh hoặc văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh; có nơi lại thuộc sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Công Thương hay sở Ngoại vụ. Điều này gây khó khăn cho việc phối hợp của cơ quan xúc tiến đầu tư với các sở, ngành, cũng như triển khai hoạt động liên kết xúc tiến đầu tư liên vùng.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho nguồn vốn FDI, cũng đến lúc phải coi trọng chất lượng nguồn vốn này để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Hiện nay, với số vốn đăng ký bình quân mỗi dự án xấp xỉ 9 triệu USD, phần lớn các dự án FDI thời gian qua đều có quy mô nhỏ và vừa; các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp. Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý lo ngại về hiện tượng các dự án FDI vào Việt Nam không đều trên các lĩnh vực, trong đó các dự án chủ yếu được đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, sân golf, nhà máy thép v.v…, trong khi các lĩnh vực như nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến… nguồn vốn đầu tư FDI chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dự án lớn đều tập trung vào lĩnh vực bất động sản, chưa gắn với việc phát triển kết cấu hạ tầng của các ngành mũi nhọn mà Thành phố đang hướng đến như công nghệ cao, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục và các ngành có giá trị gia tăng cao khác...

Vấn đề bảo vệ môi trường khi triển khai các dự án đầu tư FDI cũng rất cần được quan tâm thỏa đáng. Trên thực tế, đã có một số trường hợp phải trả giá về ô nhiễm môi trường do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gây ra. Hiện vẫn có không ít các nhà đầu tư lợi dụng sự quản lý yếu kém của cơ quan chức năng để tranh thủ đầu tư bằng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Một số địa phương đã kiên quyết từ chối các dự án có giá trị đầu tư lớn nhưng có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như Đà Nẵng từ chối cấp phép cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép và dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy của nước ngoài với tổng số vốn đăng ký khoảng 2,5 tỉ USD vì lo ngại dự án này sẽ tác động xấu đến môi trường.

Nhìn tổng thể, sự tăng trưởng kinh tế của đất nước ta những năm qua đã cho thấy hiệu quả rõ rệt từ nguồn FDI đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ quốc tế vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 39 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Đa-vốt (Thụy Sĩ), với mức tăng trưởng trên 6% và thu hút trên 60 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp trong năm 2008, Việt Nam được Hội nghị đánh giá là một trong số ít điểm sáng về thu hút đầu tư của khu vực. Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam trong những năm tới, đồng thời khẳng định tiếp tục đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam bất chấp bối cảnh khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu.

Đó là những tín hiệu tốt lành, gián tiếp khẳng định sự ổn định chính trị, khả năng tiềm tàng cũng như tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tương lai./.