Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng có vị trí hết sức quan trọng. Làm tốt công tác này là góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.

Bảo đảm công bằng trong chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự hy sinh bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của các thế hệ người Việt Nam, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hy sinh, hàng triệu người suốt đời mang trên mình thương tật, hoặc di chứng của chiến tranh. Sự hy sinh vì đất nước của đồng bào và chiến sĩ ta là vô giá, không gì sánh nổi, đó là biểu thị lòng yêu nước oanh liệt của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cách đây 61 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày “Thương binh - Liệt sĩ” để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh và tỏ lòng biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng bào đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Với truyền thống đạo lý của dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng phấn đấu làm được nhiều việc tốt trong lĩnh vực chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng. Đường lối, chủ trương nhất quán, trước sau như một của Đảng ta đối với người có công với cách mạng đã được thể chế hóa về mặt Nhà nước phù hợp với tình hình cách mạng trong mỗi thời kỳ và từng giai đoạn cụ thể, góp phần ổn định chính trị, xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta, tạo nên nét đẹp mới trong đời sống xã hội của đất nước và dân tộc.

Chính sách đối với người có công với cách mạng không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, một vấn đề xã hội vừa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài. Việc ban hành hàng loạt những văn bản pháp quy nhằm xử lý những vấn đề bất hợp lý về chính sách, chế độ và những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, bảo đảm sự công bằng trong chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, để phù hợp với sự chuyển đổi của nền kinh tế, từ đó đề ra những chính sách phù hợp với từng giai đoạn của cách mạng ở nước ta. Sự kế thừa chọn lọc hệ thống chính sách đó là xuất phát từ quan điểm đổi mới của đất nước, từ tính tất yếu khách quan, cấp thiết của đời sống xã hội, tình hình đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Ngày 28-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “ Bà mẹ Việt Nam anh hùng” bao trùm 13 đối tượng người có công và gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công, tiếp đó đối tượng người hoạt động trong kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ cũng được quy định trong đối tượng của Pháp lệnh Người có công như: người hoạt động trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã hy sinh, từ trần và thân nhân của người có công. Đến nay, cả nước đã có trên 8 triệu người có công, 47 nghìn bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng, hơn 1 triệu liệt sĩ, hơn 1 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học...

Cùng với việc bảo đảm trợ cấp ưu đãi thường xuyên, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được ban hành và thực hiện như: chính sách ưu đãi về nhà ở, chính sách ưu đãi trong giáo dục, đào tạo đối với con người có công, chăm sóc sức khỏe, ưu tiên vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh và người có công, tạo điều kiện cho con em họ có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống... Hệ thống cơ sở sự nghiệp phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công bao gồm các cơ sở nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng, điều dưỡng luân phiên, các trung tâm chỉnh hình đã có những hoạt động hiệu quả, năng động phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Những phát sinh và tồn đọng đang được các cấp, các ngành và địa phương tích cực giải quyết như: xác nhận, công nhận người hưởng chính sách ưu đãi, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ...

Phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác này. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: chăm lo tốt hơn đối với các gia đình chính sách và những người có công với cách mạng, bảo đảm tất cả các gia đình chính sách có cuộc sống bằng, hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân dịa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân đối tượng tự vươn lên.

Để thực hiện mục tiêu đó của Đảng, cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hàng ngàn việc làm tốt đẹp đã nảy nở từ thôn bản, làng xã, đường phố không những tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn chăm sóc người có công với nước mà còn góp phần vào công cuộc đổi mới, làm giàu, xóa đói, giảm nghèo trong đời sống của các gia đình chính sách.

Bằng những việc làm thiết thực, trong những năm qua, được sự quan tâm hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được thực hiện sâu rộng với các chương trình: Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận được sự ủng hộ 5.000 tỉ đồng, xây mới 243.412 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 104.125 nhà với tổng số tiền là 2.389 tỉ đồng, giúp đỡ trên 300.000 gia đình chính sách có nhà ở ổn định, tặng 604.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, 15.000 vườn cây tình nghĩa trị giá hàng trăm tỉ đồng.

Đặc biệt, những năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cán bộ và nhân dân trong cả nước, được tổng kết và nhân rộng điển hình từ khu dân cư đến xã, phường, là nơi hội tụ sức mạnh to lớn của “lòng dân, ý Đảng” và trở thành phong trào xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Sau 10 năm phát động, cả nước đã có 9.636 xã, phường được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cấp bằng công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng theo 6 tiêu chuẩn mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quy định thống nhất. Đời sống của các gia đình có công với cách mạng được ổn định và phát triển. Hiện nay, cả nước đã có 85% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.

Một số nội dung cần gấp rút triển khai thực hiện

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TW, ngày 14-12-2006, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng cần làm tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả chính sách ưu đãi; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách, bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa như: xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, ưu tiên đào tạo và tạo việc làm đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thứ ba, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để anh chị em thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của gia đình, xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.

Thứ tư, tổ chức sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, những thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống cách mạng, nêu những tấm gương sáng cho thế hệ con cháu noi theo. Nhân rộng mô hình làm tốt phong trào, chú trọng phát huy dân chủ, công khai mọi chính sách về lĩnh vực người có công với cách mạng.

Thứ năm, để thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương mình, cơ quan mình, khơi dậy truyền thống yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cùng Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước./.