Nhìn lại năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO
TCCSĐT- Nhằm góp phần đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra và kiến nghị với Đảng và Nhà nước những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO”.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo |
Sau báo cáo đề dẫn của PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nêu những vấn đề cần tập trung thảo luận, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cũng như trên 50 tham luận gửi đến Hội thảo đã đề cập đến rất nhiều vấn đề, ở nhiều khía cạnh, liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO. Có thể khái quát thành một số mảng nội dung lớn sau:
Khẳng định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện hơn
Cạnh tranh vừa là động lực, vừa là điều kiện để doanh nghiệp tự khẳng định vị trí của mình so với các đối thủ. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được hiểu là khả năng của doanh nghiệp tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế của mình thông qua việc hạ thấp chi phí sản xuất, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ, tăng tiện ích cho khách hàng... nhằm duy trì và mở rộng thị phần, đạt được mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành. Xét cho cùng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đó đưa ra thị trường quyết định. Bởi vậy, người ta thường dựa vào hai tiêu chí là giá trị sử dụng và giá cả của hàng hóa để đánh giá sức cạnh tranh của hàng hóa, từ đó đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành bại không chỉ của doanh nghiệp, mà còn của quốc gia dân tộc. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chịu tác động của cả những yếu tố bên trong doanh nghiệp và những yếu tố bên ngoài. Những yếu tố bên ngoài tác động bất lợi đến hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta, theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sĩ Kiêm, đó là, vừa ra nhập WTO, doanh nghiệp nước ta đã phải chịu những chấn động do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, tình trạng giảm phát rồi lạm phát cao, các chính sách điều tiết để ứng phó với tình hình mới chỉ dừng lại ở các biện pháp tình thế. Trụ được qua những biến động mạnh như vậy cũng là một kết quả đáng được ghi nhận của doanh nghiệp.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế chủ trì Hội thảo. |
Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau khi gia nhập WTO, tỷ trọng các mặt hàng hàng may mặc, dày dép, đồ điện tử, vật liệu xây dựng… của Việt Nam đã gia tăng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước nhờ các doanh nghiệp cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của người tiêu dùng. Thị trường bán lẻ nước ta tuy quy mô không lớn nhưng có tốc độ phát triển nhanh, nên Việt Nam liên tục được xếp thứ hạng cao về chỉ số phát triển kinh doanh bán lẻ (GRDI).
Cùng chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự cho rằng, trong 5 năm qua, không chỉ có số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, doanh nghiệp trưởng thành cả về quy mô vốn, khả năng quản lý, điều hành mà cả số lượng, chất lượng, chủng loại và mẫu mã hàng hóa cũng tăng và đa dạng. Doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt cơ hội thu hút vốn nước ngoài, mở rộng thị trường để tăng đầu tư phát triển, đặc biệt là thị trường dệt may, thủy hải sản và nông sản. Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ra nước ngoài, mở văn phòng đại diện ở nước ngoài... Những kết quả bước đầu như vậy sau 5 năm hội nhập là "bàn đạp” để kinh tế Việt Nam trỗi dậy. TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bổ sung thêm: doanh nghiệp đã chú trọng nhiều tới chiến lược về giá cả, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như các khâu phân phối sản phẩm. Theo TS Lê Kim Sa (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), một điểm mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam sau khi gia nhập WTO là khả năng thâm nhập thị trường tiềm năng – lợi thế về tìm kiếm thị trường. Việc phát hiện ra những phân khúc thị trường mới, những nhu cầu tiềm ẩn của người tiêu dùng là lợi thế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào sân chơi quốc tế, tạo ra tác động tích cực đến quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là khi cá tra bị áp thuế chống phá giá của Mỹ thì các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng được thị trường ở Nhật Bản và châu Âu.
Những bất cập, yếu kém và những yếu tố tác động tiêu cực đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta
Kết quả của một số cuộc điều tra của doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp duy trì lợi thế thị trường nhờ yếu tố giá thành sản phẩm. Dưới góc độ cạnh tranh bền vững, đây không phải là một kết quả khả quan bởi các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào lợi thế về hạ thấp chi phí sản xuất, trong đó chủ yếu là chi phí lao động, nguyên liệu, quản lý… Việc chạy đua về giảm chi phí khiến các doanh nghiệp phải lựa chọn nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng, sử dụng lao động không phù hợp với các quy định của luật pháp hoặc chất lượng lao động không cao. Về lâu dài, hướng cạnh tranh này sẽ không giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được với phân khúc thị trường cao cấp, nơi mà người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá cả sản phẩm, dịch vụ cao nhưng đòi hỏi chất lượng phải tương ứng.
Chúng ta chưa có nhiều thương hiệu đạt được trình độ quốc tế, ngoài một mặt hàng nông sản xuất khẩu có vị thế dẫn đầu thế giới là hồ tiêu, sau đó là gạo và cà phê. Đó là do hiện nay các thiết bị máy móc và nguyên vật liệu của phần lớn của chúng ta vẫn phải nhập khẩu; chưa sáng tạo được mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; cách làm vẫn rất thủ công, lực lượng lao động chưa được đào tạo chuyên sâu… Tất cả những yếu tố này đã khiến giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp và hàng xuất khẩu của chúng ta không cao.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan khẳng định, sau 5 năm gia nhập WTO, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam so với trước tuy đã tăng lên nhiều nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Cụ thể là, các doanh nghiệp hiện nay đang thiếu “5T và 1C” là: “Tiền”, “Tài”, “Thông tin”, “Tình”, “Tín” và “Công nghệ”. Thiếu nổi bật của các doanh nghiệp nước ta hiện nay là thiếu tiền, khoảng 80-90% vốn của doanh nghiệp là đi vay ngân hàng. Lao động trong các doanh nghiệp mới dừng ở mức rẻ còn chất lượng chưa cao. “Thông tin” được hiểu là đầu ra và cả đầu vào của sản phẩm, thì các doanh nghiệp yếu cả từ việc nắm thông tin các sản phẩm của doanh nghiệp đến việc maketing. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, hay còn gọi là “Tình”, hiện nay giữa các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Chữ “Tín” trong doanh nghiệp hiện chưa được thực sự được đề cao, còn “Công nghệ” thì đều được thừa nhận là còn lạc hậu. Theo đánh giá sơ bộ, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ. Một phần do chạy theo lợi ích trước mắt, một phần có khó khăn chi phối nên không ít doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đối với đầu tư đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ công nghệ. Trên thực tế, việc đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ rất "khiêm tốn" trong doanh thu của doanh nghiệp. Vào thời điểm này, khi thế giới đã chuyển sang "kinh tế xanh" thì Việt Nam vẫn đang “miệt mài” với nền “kinh tế nâu” và công nghệ sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp FDI tích cực đầu tư vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và tiêu hao năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép, khai thác nguyên liệu thô…, đơn giản là bởi môi trường giờ đây đã trở thành giá trị.
Một nhược điểm nữa, theo ông Lương Văn Tự là, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chạy theo lợi ích trước mắt, nặng về lo giá cả sòng phẳng, ít quan tâm đến phát triển thị trường lâu dài, nếu không sớm thay đổi thì chỉ một biến động nhỏ cũng dễ dẫn đến đổ vỡ. Chúng ta cam kết trong WTO sẽ kết thúc lộ trình mở cửa tối đa sau 7 năm. Như vậy, thời gian chỉ còn lại 2 năm nữa, đồng thời chúng ta cũng đang tiếp tục đàm phán lộ trình mở cửa sâu rộng hơn với Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), song các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn có tâm lý đợi “nước đến chân mới nhảy”.
Bổ sung thêm một điểm yếu khác của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương chia sẻ, sự liên kết với đối tác trong nước và khu vực của doanh nghiệp chưa chặt chẽ, tâm lý doanh nghiệp thường là “làm tất ăn cả” nên chưa đảm bảo yếu tố bền vững, trái với xu thế liên kết, hợp tác hiện nay.
Bên cạnh những yếu kém nội tại của doanh nghiệp còn có những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài như, sự nhũng nhiễu, thoái hóa biến chất của một bộ phận đội ngũ cán bộ, sự yếu kém, bất cập của cách điều hành, thủ tục hành chính rườm rà cũng làm doanh nghiệp mất rất nhiều thời cơ, mà trong kinh doanh, mất thời cơ là mất sức cạnh tranh.
Một số kiến nghị, đề xuất
Để có một cộng đồng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh, nhiều ý kiến đề xuất cần tập trung vào một số nội dung:
- Để có thể đứng vững và tăng sức mạnh trên thương trường, Nhà nước cũng như doanh nghiệp cần coi đầu tư vào đổi mới và nâng cao trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp là một trong những việc làm có tính chiến lược. Chính trình độ khoa học công nghệ của doanh nghiệp có vai trò quyết định nhất đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và làm cho doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp có khả năng vượt qua các rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu đưa ra. Các doanh nghiệp cần dành một tỷ lệ thích đáng các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho việc đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hình thành các dây chuyền sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, phù hợp với sự phát triển nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng dân cư từng khu vực và trên thế giới. Các doanh nghiệp phải xúc tiến sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ không phế thải, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu - tức là "công nghệ xanh". Gắn kết với vấn đề này, mỗi doanh nghiệp phải nắm vững, hiểu biết thấu đáo, cặn kẽ các cam kết và rào cản trong khuôn khổ WTO để đầu tư cho đúng và theo đó là phòng tránh rủi ro và thực hiện đầy đủ các cam kết. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng chiến lược phát triển, lộ trình hội nhập cho mình một cách thích ứng và an toàn nhất.
- Xây dựng được bộ tiêu chí xác dịnh thế nào là một doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh, để căn cứ vào đó đánh giá, phân loại được một cách chính xác những doanh nghiệp nào là doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh.
- Để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt ở tầm khu vực và quốc tế, Quốc hội, trong phiên họp đầu năm 2012, nên dành thời gian thích đáng nghe đại diện doanh nghiệp, tổ chức xã hội trực tiếp trình bày quan điểm của mình về các vấn đề luật pháp đang cản trở hoạt động kinh doanh và đầu tư, các kiến nghị về đổi mới nội dung luật pháp, trên cơ sở đó quyết định nội dung và phương thức đổi mới hệ thống luật kinh tế.
Cần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thống nhất khuôn khổ pháp lý cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt loại hình sở hữu, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp chỉ thực sự lớn mạnh khi môi trường kinh doanh bình đẳng chứ không thể coi là mạnh khi chơi trên sân riêng với những luật riêng. Chính phủ, các bộ, ban, ngành cần tiếp tục hoàn thiện và đưa ra các văn bản pháp luật thực thi vào cuộc sống, tránh việc ùn tắc và hạn chế các khoảng trống trong quản lý nhằm xây dựng một chiến lược hội nhập WTO lâu dài định hướng cho phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn. Chính sách của Nhà nước cần có tầm nhìn trung và dài hạn, hạn chế việc xử lý tình thế, hoặc tình trạng luật thông, nhưng nghị định dưới luật lại thắt chặt. Nhà nước cần kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để giải thích, tháo gỡ, trả lời cho sát và có sự trợ giúp phù hợp như hỗ trợ doanh nghiệp về mặt chính sách: giảm thuế, hoãn thuế, tín dụng ưu đãi, giảm bớt phiền hà, giải quyết các khâu hành chính nhanh hơn, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường... Tất cả những hỗ trợ đó sẽ tạo ra yếu tố mới cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, sự giúp đỡ này phải được thực hiện theo lộ trình, lâu dài. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần tích cực đẩy mạnh các hợp tác ở cấp quốc gia với các nước và tổ chức kinh tế để cập nhật thông tin về thị trường. Đồng thời, Chính phủ tiên phong “mở cửa” các thị trường mới thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế. Sự quan tâm, chỉ đạo và phối hợp kịp thời với trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý cũng như những cán bộ công chức sẽ trở thành nguồn động viên tinh thần rất lớn cho các doanh nghiệp vượt lên.
- Chính quyền các cấp cũng cần có thêm các hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp như một hình thức tiếp nhận phản hồi những bất cập của quá trình vận hành chính sách. Từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp như thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh…
- Các doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường, tìm hiểu đối thủ và đối tác trong kinh doanh; xây dựng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng chiến lược hình ảnh và thương hiệu để có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam được đăng ký bản quyền trong nước và thế giới nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, thương hiệu trên thị trường các nước tiêu thụ sản phẩm đó.
- Nâng cao tính liên kết hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng doanh nghiệp để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh và phát triển. Các doanh nghiệp cần xây dựng tinh thần sẵn sàng liên kết, hợp tác, hiến kế làm giàu, giành thế cạnh tranh đi lên cùng với đồng đội một cách vững chắc, hiệu quả, an toàn trên con đường hội nhập quốc tế và WTO nói riêng. Theo GS.TS Đỗ Đức Bình (Đại học Kinh tế quốc dân), việc phát triển và mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, liên danh và liên doanh giữa các doanh nghiệp sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để khắc phục tính yếu kém từng mặt của mỗi doanh nghiệp, gắn kết các doanh nghiệp trong mối quan hệ nương tựa vào nhau, phụ thuộc và tùy thuộc vào nhau trong sản xuất kinh doanh. Điều đặc biệt quan trọng là các doanh nghiệp cần phải liên kết, hợp tác với nhau thông qua hiệp hội, ngành hàng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bằng các yếu tố thị trường như chất lượng tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, dịch vụ hậu mãi thuận tiện và hoàn hảo nhất, v.v.. và hơn nữa, yếu tố có tính quyết định, bền vững trong kinh doanh là các doanh nghiệp Việt Nam phải giữ "chữ tín" trên thương trường.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú kết luận Hội thảo. |
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nói, mặc dù chúng ta chưa có những tiêu chí đánh giá cụ thể, nhưng có thể khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm ra nhập WTO không bị “đè bẹp” như những lo lắng ban đầu của không ít người, song những thành tựu mà chúng ta đạt được chưa nhiều. Bài học rút ra sau 5 năm ra nhập WTO đối với kinh tế Việt Nam là làm sao phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của Nhà nước, doanh nghiệp và sản phẩm bằng các biện pháp thiết thực; tranh thủ công nghệ tiên tiến, bên cạnh đó phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập và rà soát khả năng cạnh tranh cả quốc gia. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ nhiều khâu, nhiều yếu tố, song cần tập trung vào các khâu then chốt, có tính quyết định. Bên cạnh điều kiện vĩ mô ổn định, thì lạm phát cũng cần được kiểm soát, hệ thống pháp luật phải nhất quán, minh bạch, bộ máy quản lý phải được cải cách để trong sạch và chuyên nghiệp hơn. Đây không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chính quyền các cấp và toàn xã hội, bởi nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố và chịu sự tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh./.
Nước Nga và những thách thức sau bầu cử  (16/03/2012)
Đọc bản đảng viên tự kiểm điểm trước đây, suy nghĩ về đảng viên tự kiểm điểm hiện nay  (16/03/2012)
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới  (16/03/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum  (15/03/2012)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm Hoàng Sa  (15/03/2012)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Lào Cai  (15/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển