Thành phố Ninh Bình nỗ lực phấn đấu trở thành đô thị loại II vào năm 2015
16:09, ngày 01-03-2012
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2015, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại.
Đây là chủ trương lớn và hết sức quan trọng để xây dựng và phát triển thành phố xứng tầm với vai trò, vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình, Báo Ninh Bình đã phỏng vấn đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu trên.
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, vào những ngày này, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố Ninh Bình đang ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật thành phố đã đạt được trong 5 năm qua?
Đồng chí Phạm Thanh Hà: Ngày 7-2-2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Ninh Bình. Đây là một sự kiện trọng đại, ghi nhận vị thế, những thành tựu to lớn của Đảng bộ, quân và dân thành phố đạt được trong nhiều năm qua. Sau 5 năm thành lập, thành phố Ninh Bình đã có bước phát triển nhanh chóng, vươn mình trở thành một thành phố trẻ đầy tiềm năng ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 18%, năm 2011 đạt 20,75%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ; nông nghiệp giảm mạnh, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có trên 500 doanh nghiệp và hơn 8.000 hộ kinh doanh cá thể. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị canh tác trên 1 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 87, 1 triệu đồng/ha. Thu ngân sách liên tục tăng cao, đóng góp từ 30-40% số thu ngân sách của tỉnh; năm 2007 tổng thu đạt 498 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên 1.041 tỷ đồng.
Cùng với phát triển kinh tế, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư nâng cấp ngày càng đồng bộ, từng bước văn minh, hiện đại. Tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 96%, tỷ lệ giao thông nội thành có vỉa hè đạt tiêu chuẩn chiếm 65%, có điện chiếu sáng công cộng đạt 77%, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nội thành được dùng nước máy đạt 100%. Những năm qua, thành phố rất chú trọng công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường để phát triển hài hòa, bền vững. Các lĩnh vực văn hóa - giáo dục của thành phố cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển sâu rộng, hiện nay toàn thành phố có 91,5% gia đình văn hóa và 88% cơ quan văn hóa.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, hàng năm có hơn 3.800 lao động được hỗ trợ việc làm; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2011 giảm còn 1,35%.
An ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo nên động lực mạnh mẽ đưa thành phố phát triển nhanh và toàn diện.
P.V: Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2015, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, yêu cầu của việc xây dựng thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II?
Đồng chí Phạm Thanh Hà: Thành phố Ninh Bình là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng thành phố ngày càng phát triển. Nhất là từ khi được công nhận là đô thị loại III (năm 2005), rồi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh (năm 2007), thành phố Ninh Bình tiếp tục được đầu tư nâng cấp và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, khởi sắc. Xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình trở thành đô thị loại II, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn thành phố, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật mới, tiền đề để thành phố bắt nhịp với sự phát triển của các đô thị khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng và ngày càng xứng tầm vị trí trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn thành phố. Theo đó, thành phố Ninh Bình sẽ trở thành một thành phố đẹp và hiện đại cả về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, các công trình công cộng, hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, một thành phố xanh, sạch, đẹp, có môi trường trong lành; con người thành phố hiếu khách, văn minh, lịch thiệp, thân thiện... Đó sẽ là những yếu tố quan trọng để thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch trong tương lai.
P.V: Đồng chí cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới để xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II?
Đồng chí Phạm Thanh Hà: Thành phố Ninh Bình đã và đang chủ động và tích cực tranh thủ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, hỗ trợ của các sở, ngành và Trung ương, đồng thời phát động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân thành phố hưởng ứng, triển khai thực hiện để sớm đạt được mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II.
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian tới đã được Thành ủy, UBND thành phố xác định, đó là: Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên để thu hút các dự án sản xuất, chế biến có thiết bị hiện đại và công nghệ thân thiện với môi trường.
Tạo bước chuyển biến đột phá về phát triển dịch vụ để hướng tới thành phố du lịch. Tiếp tục khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai các dự án kinh doanh khách sạn, nhà hàng, siêu thị và dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm thương mại chợ Rồng và các chợ xã, phường. Phát triển các khu phố, đường phố thương mại gắn với các tuyến đường văn minh đô thị. Quy hoạch, xây dựng một số tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm để phục vụ khách du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ để tạo nguồn thu ổn định lâu dài. Thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch khai thác nguồn thu từ giao đất và đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Cùng với các ngành chức năng của tỉnh nghiên cứu quy hoạch chung thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chi tiết các xã, phường; phân khu chức năng đảm bảo khoa học, hợp lý như: Khu chức năng, khu tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, quy hoạch khép kín các khu dân cư trên địa bàn; khu công viên cây xanh, trung tâm văn hoá - thể thao, điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng và một số không gian công cộng khác. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý quy hoạch, phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của chính quyền xã, phường trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là đường giao thông, hệ thống điện, cấp thoát nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng của 3 xã để đáp ứng đủ tiêu chuẩn thành lập phường. Cải tạo, nâng cấp hệ thống cống rãnh thoát nước sinh hoạt các khu dân cư cũ. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ đường giao thông được nhựa hoá, bê tông hoá đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình được dùng nước máy đạt 98% trở lên; 50% thôn, xóm (khu vực ngoại thành) có cống rãnh thoát nước; trên 90% đường giao thông nội thành có điện chiếu sáng công cộng và vỉa hè đạt tiêu chuẩn, tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội thành được thu gom đạt 90%; hoàn thành một số công trình trọng điểm do thành phố làm chủ đầu tư như: Dự án nạo vét và trồng cây xanh 2 bờ sông Vân; kè hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch; xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị, hệ thống chống ngập úng thành phố; cải tạo, nâng cấp công viên Thuý Sơn.
Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nếp sống văn minh đô thị và cách ứng xử có văn hoá của người dân thành phố. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp; có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, đặt lợi ích cá nhân trong lợi ích chung và vì sự phát triển của thành phố.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Duy trì và phát triển mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nhân dân Ninh Bình hướng tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh  (01/03/2012)
Tỉnh đoàn Ninh Bình phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh  (01/03/2012)
Phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Ninh Bình  (01/03/2012)
Nho Quan, Yên Mô phát động thi đua chào mừng kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh  (01/03/2012)
Hội nghị Tiểu ban Tuyên truyền kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh  (01/03/2012)
Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình dự lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh  (01/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển