TCCS - Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Thái Bình đã nổi tiếng với danh hiệu "Quê lúa" và "Bài ca năm tấn". Trong thành tích chung ấy, có sự góp phần không nhỏ của Quỳnh Phụ. Ngày nay, trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mảnh đất này vẫn trăn trở cho dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra hiện nay ở Quỳnh Phụ.

Chăn nuôi - hướng phát triển chủ lực để nâng cao giá trị kinh tế

Năm 2008 qua đi với nhiều khó khăn như lạm phát phức tạp, giá cả vật tư, hàng hóa, thức ăn chăn nuôi tăng cao, thời tiết rét đậm rét hại kéo dài, dịch bệnh phá hoại đàn gia súc, gia cầm..., song Quỳnh Phụ vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tổng giá trị sản xuất đạt 1.665 tỉ đồng (theo giá cố định 1994), trong đó, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đạt 752 tỉ đồng, tăng 7,58%, bình quân đạt 65 triệu đồng/ ha/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 553 tỉ đồng, tăng 24%, giá trị các ngành dịch vụ đạt 360 tỉ đồng, tăng 13,92%. Cơ cấu ngành kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nông nghiệp chỉ còn chiếm giữ 44,06%, công nghiệp và xây dựng cơ bản chiếm 32,76% và thương mại - dịch vụ đã tăng lên chiếm 23,18%. ở một vùng đất đang trở mình đi lên từ thuần nông truyền thống, những con số này đã nói lên phần nào sự nỗ lực của địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Mặc dù chú ý chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, song Quỳnh Phụ vẫn xác định, tiếp tục phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là tiềm năng và lợi thế để phát triển chăn nuôi. Lãnh đạo huyện định hướng cho bà con nông dân đặc biệt chú ý tới chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, từ trồng trọt chuyển sang chăn nuôi, từ chăn nuôi có tính chất nhỏ lẻ, phân tán, tự phát chuyển sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, tập trung. Tích cực xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa, phù hợp với thời kỳ đổi mới, hội nhập. Đặc biệt từ sau năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển biến đáng kể, phát triển nhanh và toàn diện về cả số lượng và chất lượng. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2008 đạt 235 tỉ đồng, tăng 12,44%, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp cũng tăng lên, chiếm 32,46%. Tổng diện tích trồng trọt hằng năm chỉ còn 31,839 ha, giảm 167 ha, song tổng giá trị trồng trọt vẫn đạt 468 tỉ đồng, tăng 5,64% so với năm 2007.

Với định hướng trên, năm 2008, Quỳnh Phụ đã chuyển đổi 21,34 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, chủ yếu là nuôi cá nước ngọt, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đưa tổng diện tích chuyển đổi trong toàn huyện đến nay là 470,69 ha. Huyện đã có cơ chế khuyến khích các chủ hộ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như: tạo cơ chế khuyến khích dân tự dồn đổi ruộng, kết hợp cho thuê hay thầu khoán nhằm giúp tạo mặt bằng xây dựng trang trại; tạo thuận lợi tối đa để dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giải ngân nhanh các khoản hỗ trợ của tỉnh để giúp các hộ dân tái đầu tư vào sản xuất; tăng cường mở rộng các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hướng dẫn bà con chọn giống cây trồng, vật nuôi, chọn lựa thức ăn, quy trình chăm sóc cho phù hợp... Chương trình "sind hóa" đàn bò và "nạc hóa" đàn lợn được phát triển và đạt kết quả tốt. Năm 2008, toàn huyện có 2.300 con bò lai sind và 2.108 lợn nái ngoại. Chăn nuôi thủy sản phát triển khá, đã có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt và khu chăn nuôi tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất thủy sản năm 2008 đạt 27 tỉ đồng; diện tích nuôi trồng đạt 970 ha, tổng sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.400 tấn, tăng 549 tấn so với năm 2007.

Kinh tế trang trại, gia trại ở Quỳnh Phụ tiếp tục phát triển nhằm thực hiện chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn. Hiện nay, phần lớn các xã, thị trấn trong huyện như Quỳnh Sơn, Quỳnh Hoa, Quỳnh Châu, Quỳnh Hải, Quỳnh Giao, An Ninh... đều xây dựng được mô hình chăn nuôi trang trại hoặc gia trại. Trên địa bàn huyện hiện có gần 8.000 con trâu và bò; gần 100.000 con lợn và 1,1 triệu gia cầm các loại. Diện tích nuôi thả thủy sản, chủ yếu là cá (trắm, mè, trôi...), đạt gần 900 ha, trong đó có nhiều diện tích đạt doanh thu 170 triệu - 200 triệu đồng/ ha/năm. Nhiều trang trại cho thu nhập hằng năm từ 700 triệu đồng đến một tỉ đồng (như trang trại chăn nuôi lợn ngoại của anh Đệ ở Quỳnh Sơn, anh Huynh ở Quỳnh Châu, anh Tùy ở Quỳnh Hội)... Nhiều xã tiếp thu giống mới như lợn siêu nạc hay bò lai sind, ngan Pháp, vịt siêu trứng; thủy sản có nhiều giống mới như cá chim trắng, chép lai 3 máu, cá lóc hoa... cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Nhiều cánh đồng đạt giá trị sản xuất bình quân trên 90 triệu đồng/ha, có nơi đạt trên 100 triệu đồng/ha. Quy hoạch và đang thực hiện các dự án chăn nuôi thủy sản tập trung tại các xã An Bài, An Thanh, An Mỹ, An Ninh, An Tràng; tiếp tục quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Quỳnh Hội, Quỳnh Hoa, Quỳnh Minh...

Chú trọng công tác bảo đảm "hậu cần" cho phát triển sản xuất

Điều quan trọng hàng đầu của việc sản xuất hàng hóa nói chung và chăn nuôi nói riêng là "đầu ra" cho sản phẩm đã được xử lý tốt ở Quỳnh Phụ. Do lựa chọn giống vật nuôi tốt - tiền đề cho việc ra sản phẩm chăn nuôi tốt, phù hợp nhu cầu thị trường, nên đầu ra tương đối ổn định, không bị tình trạng ế hàng. Từ năm 2006, huyện đã tổ chức những Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tổ chức các hoạt động hướng dẫn chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường thông tin về thị trường chung cả nước để bà con nông dân nắm được. Xác định rõ vấn đề: Hàng nông sản muốn có đầu ra ổn định và đạt giá cao thì phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng sản phẩm, do vậy, Huyện ủy rất quan tâm đến việc chỉ đạo và giám sát bà con nông dân thực hiện tốt những quy định này, sản phẩm trồng trọt bảo đảm số thời gian quy định về phun thuốc trừ sâu hay bón đạm mới được thu hoạch đem bán; sản phẩm chăn nuôi phải bảo đảm tiêu chuẩn cho phép về thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, huyện cũng xác định, việc tìm lối ra cho nông sản cần có sự liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), mà cán bộ huyện chính là cầu nối giữa các "nhà". Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nghiêm ngặt về quy trình sản xuất nông sản, ngoài thị trường tiêu thụ tại địa phương, sản phẩm chăn nuôi Quỳnh Phụ đã đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh Thái Bình. Điều này tác động tích cực trở lại tinh thần của bà con nông dân, khiến họ thêm hăng say sản xuất. Bởi chỉ khi được yên tâm về đầu ra cho sản phẩm, người nông dân mới yên tâm đầu tư vào việc xây dựng và mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung và quy mô lớn.

Bên cạnh đó, nhận thức rõ ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình bệnh dịch đối với ngành chăn nuôi, huyện rất chú trọng đến công tác phòng ngừa theo đúng phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Để làm tốt điều này, Quỳnh Phụ quan tâm sát sao việc hướng dẫn người dân tự phát hiện và phòng trị một số bệnh thông thường cho vật nuôi; công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên và đúng kỹ thuật. Đợt 1 năm 2009, 26 trong tổng số 38 xã, thị trấn của Quỳnh Phụ đã tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Trạm thú y huyện đã cung ứng 4.700 liều vắc xin dịch tả lợn, 3.000 liều văc-xin tụ dấu, 1.100 liều phó thương hàn, 950 liều tụ huyết trùng ở đàn trâu bò và 1.650 liều vắc xin phòng dại cho chó. Đặc biệt, cả 38/38 xã và thị trấn trong huyện đã tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm A H5N1 cho đàn gia cầm. Huyện cũng đã cung ứng trên 96.000 liều vắc xin cho các xã, thị trấn trong đợt tiêm phòng vụ xuân - hè năm 2009. Các hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng không để dịch bệnh phát sinh, tạo điều kiện cho công tác chăn nuôi phát triển ổn định. Quỳnh Phụ cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động buôn bán kinh doanh, giết mổ, vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc ra - vào trên địa bàn huyện để phòng ngừa dịch bệnh từ xa.

Định hướng phát triển cho tương lai

Mặc dù chú trọng phát triển chăn nuôi, nhưng Quỳnh Phụ không thực hiện chuyển đổi một cách máy móc, cực đoan, mà vẫn chú trọng khai thác tốt nhất lợi thế về nguồn lợi đất đai màu mỡ và hệ thống tưới tiêu thuận lợi để phát triển những cây trồng và giống lúa tốt có khả năng đem lại năng suất cao, tổ chức đánh giá và nhân ra diện rộng. Thực hiện quy hoạch vùng lúa chất lượng cao, vùng sản xuất cây màu và cây vụ đông năng suất cao giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến 2015, hiện địa phương đã có 22,25% diện tích lúa chất lượng cao. Triển khai và chỉ đạo có hiệu quả công tác khuyến nông, công tác bảo vệ thực vật, tổ chức chiến dịch diệt chuột bảo vệ cây trồng. Các mô hình giống lúa chất lượng cao như TH3-3, TH3-4, mô hình giống cây trồng mới như cà tím, lúa BC 15, sa-lát... được thực hiện tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ớt, là một trong số những loại cây có "thương hiệu" của huyện từ thời bao cấp, đã được quy hoạch một diện tích thích hợp cho phát triển. Hiện Quỳnh Phụ có từ 100 ha- 120 ha trồng ớt, sản lượng chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu dùng nội địa. Xã Quỳnh Hải đã xây dựng được những cánh đồng đạt trên 100 triệu đồng/ha nhờ loại cây này.

Chủ trương của Quỳnh Phụ trong năm 2009 là, tiếp tục thực hiện mô hình liên kết "Bốn nhà" và xây dựng thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch tại những xã ven thị trấn Quỳnh Côi. Mục tiêu năm 2009 đạt năng suất lúa 130 tạ/ha. Tổng kết, đánh giá thực chất hoạt động của các trang trại để chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng đất đai của loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh này. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp và bán công nghiệp. Tăng nhanh đàn lợn hướng nạc, lợn nái ngoại và đàn bò lai sind. Đánh giá hiệu quả kinh tế của vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Bài - Thanh - Mỹ, xã An Ninh, vùng chăn nuôi tập trung An Tràng, chỉ đạo các vùng chăn nuôi tập trung ở Quỳnh Hoa, Quỳnh Minh, Quỳnh Hội. Tổ chức hướng dẫn các cơ sở thành lập Hội chăn nuôi, Hội nuôi trồng thủy sản...

Với chủ trương, định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế và kế thừa liên tục những thành tựu đạt được thời gian qua, Quỳnh Phụ sẽ còn phát triển không ngừng, xứng đáng với truyền thống lâu đời của miền quê lúa Thái Bình dù trong hoàn cảnh khó khăn nào thì "lúa vẫn lên xanh tốt" và "đất vẫn cứ sinh sôi"... /.