TCCSĐT - Ngày 27-9, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “Già hóa dân số - Thực trạng, dự báo và đề xuất chính sách”  với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Dân số, Hội Người cao tuổi, Viện Chính sách công và Quản lý.

Cơ cấu dân số vàng là cứ có 2 người trong độ tuổi lao động thì có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc. Tại Việt Nam, độ tuổi lao động là từ 15 đến 59 tuổi, độ tuổi phụ thuộc trẻ là dưới 15 tuổi, độ tuổi phụ thuộc già là từ trên 60 tuổi. Dĩ nhiên, quan niệm thế nào là người cao tuổi giữa nước ta và  thế giới cũng khác nhau, như Quỹ Dân số Liên hợp quốc định nghĩa người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên, còn ở nước ta theo Luật Người cao tuổi là từ 60 tuổi trở lên, tính cả đối với nam và nữ. Mặc dù theo Bộ Luật Lao động, nữ giới 55 tuổi về hưu nhưng tới 60 tuổi họ mới được coi là người cao tuổi.

“Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn “dân số già” còn gọi là giai đoạn “dân số đã già” là khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên.

Theo TS. Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, ở Việt Nam, từ năm 2007, số người trong độ tuổi lao động đã gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc, như vậy, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng. Giai đoạn dân số vàng này, theo tính toán của các nhà khoa học thì kéo dài khoảng 30 năm.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ bước vào giai đoạn “già hóa dân số” vào năm 2017. Tuy nhiên, nếu với tốc độ gia tăng tương tự như năm 2010 thì đến 1-4-2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã là 10,1%, người từ 65 tuổi trở lên đã là 7,2% và như vậy, dù theo tiêu chí nào, chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” ngay từ năm 2011 rồi, sớm hơn 6 năm so với dự báo trước đây.

Đây là một thành tựu rất lớn của chúng ta, vì ước mong tuổi thọ là ước mong lớn của con người. Điều đó khẳng định tính ưu việt của chế độ ta, của sự phát triển kinh tế xã hội. Năm nay thế giới kỷ niệm tròn 7 tỉ người (31/10). Tuổi thọ trung bình thế giới là 47 tuổi (năm 1960) và đến 2010 là 68 tuổi. Tại Việt Nam, năm 1960 tuổi thọ bình quân chỉ đạt 40 tuổi nhưng tới 2010 lên đến 73 tuổi. Phải khẳng định sự già hóa dân số là thành quả của sự phát triển KT-XH, mà trực tiếp là y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình…

Hiện Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu. Hiện nay có khoảng 70% người cao tuổi ở nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng không có lương hưu. Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách như trợ cấp cho những người già cả, cô đơn, không nơi nương tựa. Chính sách này có từ trước năm 2000. Gần đây có thêm chính sách đối với người già không có người chăm sóc, phụng dưỡng cũng được hưởng chế độ trợ cấp theo Luật Người cao tuổi. Những người đủ 80 tuổi, thuộc hộ gia đình nghèo, không có người chăm sóc cũng được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng của Nhà nước. Ngoài ra, người cao tuổi khi qua đời được hưởng chế độ mai táng phí; người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh chúc thọ và tặng quà.

Dự thảo Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng cũng đề xuất một số giải pháp, trước mắt kiến nghị tăng tuổi về hưu hoặc tăng mức đóng bảo hiểm.

Bước vào giai đoạn này quá sớm so với dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vậy, chúng ta phải chủ động đối phó bằng cách: thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người già rộng khắp từ thành thị tới nông thôn, người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già, những trường hợp không có con cái hoặc con cái không có điều kiện chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ lãnh trách nhiệm chăm sóc khi họ về già. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu này, khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao, chúng ta sẽ đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh “cú sốc” với người cao tuổi./.