Quan hệ Mỹ - I-ran: Hy vọng mới

Vân Hương
10:15, ngày 13-02-2009
I-ran và chương trình hạt nhân của quốc gia này là chủ đề được chính quyền mới của Mỹ đề cập liên tục trong những ngày qua.

Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang báo hiệu một sự thay đổi lớn trong chính sách đối với I-ran, nhằm phục vụ cho chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-nít-xtan và Trung Đông.

Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Ô-ba-ma đã cam kết thực hiện chính sách tích cực với I-ran. Và trong bài diễn văn tuyên thệ nhậm chức của ông, tân Tổng thống Ô-ba-ma hứa hẹn về mối quan hệ mới với quốc gia này. Tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, ông đã ba lần nói tới kế hoạch đàm phán trực tiếp với I-ran và nhấn mạnh rằng đó là cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Tại sao Tổng thống Ô-ba-ma lại quan tâm tới I-ran đến như vậy? Bởi vai trò quan trọng của nước này trong cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-nít-xtan và cứu vãn tiến trình hoà bình ở Trung Đông đang lâm vào thế bế tắc. Chiến lược của Mỹ tại Áp-ga-nít-xtan hiện bị bao phủ bởi bóng mây đen của sự thất bại. Trong bản giải trình trước Quốc hội cuối tháng 1 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết thừa nhận rằng, quân đội Mỹ chỉ có thể điều thêm ba lữ đoàn với số lượng 12.000 quân tới Áp-ga-nít-xtan từ tháng 3 đến tháng 5 tới, so với yêu cầu của các tư lệnh Mỹ tại nước này phải cần thêm tới 30.000 quân. Trong khi đó, hiện nay, mới chỉ có một số ít nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đáp ứng đề nghị tăng thêm lực lượng tại Áp-ga-nít-xtan. Với vị trí địa lý và tiềm năng quân sự của mình, I-ran có thể giữ vững được an ninh tại các khu vực phía tây, bắc và miền trung của Áp-ga-nít-xtan. Mỹ chỉ phải đảm bảo an ninh ở các tỉnh phía nam, đông nam và khu vực biên giới giữa Áp-ga-nít-xtan và Pa-kít-xtan. Đặc biệt, I-ran còn có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động của nhiều nhân vật thân Ta-li-ban tại Áp-ga-nít-xtan, giúp cho cho Tổng thống nước này Ha-mít Kai-dai có sự hậu thuẫn cần thiết trong nỗ lực khôi phục an ninh và ổn định đất nước.

Tại khu vực Trung Đông, sự ủng hộ của I-ran đối với các lực lượng, tổ chức Hồi giáo cấp tiến, cũng tác động không nhỏ tới tiến trình hoà bình, đặc biệt trong cuộc xung đột Pa-lét-xtin - I-xra-en, I-xra-en - Li-băng... Chính vì thế, Tổng thống Ô-ba-ma sẽ không thể tìm được lời giải cho bài toán Áp-ga-nít-xtan, hay xung đột ở Trung Đông, nếu không hoá giải được sự thù địch, căng thẳng trong quan hệ Mỹ - I-ran đã tồn tại suốt 8 năm duới thời cựu Tổng thống G. Bu-sơ. Mà đề xuất của ông Ô-ba-ma tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với I-ran, chính là bước đi đầu tiên để thiết lập lại mối quan hệ tích cực với I-ran.

Tổng thống I-ran Ma-mút A-ma-đi-nê-giát cũng đã đón nhận khá tích cực những tín hiệu hoà giải của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, khi tuyên bố I-ran quan tâm tới đề nghị đối thoại của Mỹ và sẵn sàng xem xét khả năng cải thiện quan hệ với Oa-sinh-tơn, nếu nước này từ bỏ chính sách thù địch và tôn trọng độc lập, chủ quyền của I-ran. Điều đó có nghĩa, Tehran yêu cầu Oa-sinh-tơn phải có những hành động tích cực, cụ thể, trong đó phải thừa nhận quyền dân tộc của I-ran trong việc phát triển hạt nhân dân sự và cam kết không có chiến lược nhằm thay đổi chế độ của nước này. Thế nhưng, cũng không dễ để hai bên chấp nhận những yêu cầu của nhau, nếu không có lòng tin và sự sáng suốt để vượt lên những rào cản, định kiến giữa hai nước.

Mặc dù vậy, người ta vẫn hy vọng, với cam kết của Tổng thống Ô-ba-ma tạo dựng kỷ nguyên thay đổi ở nước Mỹ, Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có những thay đổi tích cực đối với I-ran, để hai bên nhanh chóng tiến hành đàm phán trực tiếp đầu tiên trong suốt 3 thập kỷ qua, mở ra thời kỳ mới tích cực trong quan hệ hai nước./.