Thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng dân số vì sự phát triển bền vững
TCCS - Những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội luôn quan tâm và chú trọng tới công tác dân số và phát triển. Theo đó, thành phố Hà Nội đầu tư cho mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, tập trung nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Vấn đề chất lượng dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Về công tác dân số trong tình hình mới” nhấn mạnh đến việc chuyển trọng tâm công tác dân số, từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, tập trung nâng cao chất lượng dân số. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể; bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số.
Đẩy mạnh công tác tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
Công tác dân số và phát triển luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, hướng tới mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến cho phụ nữ mang thai; tầm soát 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trẻ sơ sinh... Nhiều đề án, kế hoạch được ban hành và triển khai ở 30 quận, huyện, thị xã đã mang lại kết quả rõ rệt, bảo đảm sức khỏe và giảm thiểu các rủi ro liên quan. Nhằm nâng cao nhận thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người dân, đặc biệt là đối tượng trẻ em, thanh niên,… thành phố Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông.
Cùng với đó, thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện các dịch vụ liên quan đến sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Việc khám sức khỏe và được tư vấn trước kết hôn giúp các cặp vợ chồng sinh con khỏe mạnh và đặc biệt cần thiết nếu mang gien bệnh hoặc có vấn đề về sức khỏe sinh sản hoặc mắc bệnh đường tình dục. Nội dung khám thường bao gồm các bệnh truyền nhiễm và các bệnh di truyền (bệnh tan máu bẩm sinh thalassemia, hemophilia, bệnh teo cơ duchenne, teo cơ tủy, và một số bệnh hiếm gặp như các bệnh rối loạn chuyển hóa di truyền); trong đó, cần quan tâm là lịch sử bệnh tật của các thành viên trong gia đình, các yếu tố bệnh di truyền. Việc sàng lọc trước kết hôn sẽ giúp phát hiện cặp vợ chồng có nguy cơ sinh con bị bệnh di truyền hay không. Nếu cặp đôi có nguy cơ sinh con bị bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn phương pháp để có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, không bị bệnh di truyền. 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 63%. Số người áp dụng biện pháp tránh thai là gần 417 nghìn người (đạt 103,2% kế hoạch năm 2024). Để tăng cường sức khỏe tiền hôn nhân, Chi cục Dân số Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình. Tầm soát, khám sàng lọc cho nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn. Tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên tại cộng đồng,… góp phần bảo đảm hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.
Giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên
Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai của cả nước và cũng có mật độ dân số cao thứ hai trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tuy có giảm mỗi năm nhưng chưa bền vững. Tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao. Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, bình quân 2,22%/năm, mỗi năm tăng khoảng 160.000 người - tương đương dân số của 1 huyện, tạo ra áp lực lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực trong việc giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, góp phần ổn định quy mô dân số. Theo Chi cục Dân số Hà Nội, tính đến hết tháng 6-2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 2.950 trẻ ra đời là con thứ ba trở lên, đạt 6,6%, giảm 155 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt được mục tiêu 109 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sách, báo, văn hóa phẩm vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; khuyến khích hỗ trợ phát huy vai trò, vị thế của trẻ em gái.
Nhằm ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số, 6 tháng cuối năm 2024, các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp, trong đó đẩy mạnh nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số cho đội ngũ cán bộ dân số các cấp và chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ thực hiện các đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng dân số; thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền vận động tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; tập trung giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Những năm qua, để thực hiện tốt vai trò nòng cốt và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội luôn quan tâm và có những đề xuất cụ thể góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn Thủ đô. Thành phố Hà Nội cũng chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bảo đảm an sinh xã hội và quyền lợi của họ.
Phát huy truyền thống “kính già, yêu trẻ”, “kính lão, đắc thọ” của dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi, thành phố Hà Nội ban hành nhiều chế độ, chính sách chăm lo cho người cao tuổi, nhất là đối với người có công với cách mạng, người thuộc diện hộ cận nghèo, người cô đơn… Hằng tháng trợ cấp xã hội cho 364.152 người cao tuổi từ 60 tuổi đến 79 tuổi khuyết tật, nghèo, cô đơn, không nơi nương tựa; 92.166 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu. Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 882.643 người cao tuổi, đạt tỷ lệ 84,6%. Có 446.955 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; 509.121 người cao tuổi có sổ theo dõi sức khỏe ban đầu; người cao tuổi thành phố được đi xe buýt miễn phí; 2 cơ sở dưỡng lão của Nhà nước, 12 cơ sở dưỡng lão của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội góp phần chăm lo cho người cao tuổi. Thành phố Hà Nội có 157.962 người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, 9.178 người cao tuổi là chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ hộ kinh doanh cá thể ở địa phương, tạo việc làm cho 76.800 người, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững của địa phương. Trong giai đoạn 2022 - 2025 có ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề. Hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Giai đoạn 2026 - 2030 có ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...
Người cao tuổi được khuyến khích, động viên tham gia đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương. Hiện, thành phố Hà Nội có 61.830 người cao tuổi tham gia công tác đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hòa giải ở cơ sở, tổ an ninh tự quản; 63.430 người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, khuyến học; 35.711 người cao tuổi tham gia phòng, chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn thôn, khu dân cư...
Nhằm tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện trợ giúp y tế, như triển khai chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe người cao tuổi ở trạm y tế tuyến xã, ưu tiên nhóm người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên và từng bước mở rộng đến nhóm từ 65 tuổi trở lên. Thành phố Hà Nội phát triển Khoa Lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố; phát triển mạng lưới nhân viên chăm sóc, thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và cộng đồng. Giai đoạn 2022 - 2025, thành phố Hà Nội có trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám. chữa bệnh và được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng. Giai đoạn 2026 - 2030 có 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.
Thành phố Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 có 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát; 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Đồng thời, thành phố Hà Nội nghiên cứu các chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng, ngân sách của thành phố.
Những nỗ lực này không chỉ giúp thành phố Hà Nội nâng cao chất lượng dân số mà còn góp phần quan trọng và sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước./.
Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát  (20/10/2024)
Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực y tế của thành phố Hà Nội và những giải pháp cần thực hiện trong bối cảnh thực thi Luật Thủ đô năm 2024  (16/10/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên