Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 – Một đội ngũ, một mục tiêu, vượt mọi gian khó đưa dự án về đích
TCCS - Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vốn dĩ được biết đến là một trong những dự án khó khăn nhất cả nước, có những thời điểm rơi vào bế tắc, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến pháp lý. Song, với quyết tâm chính trị cao nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, đến nay dự án đã thực sự khởi sắc, sẵn sàng cho các mốc tiến độ mới, hướng tới mục tiêu hoàn thành, phát điện trong thời gian tới.
Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng công suất 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đây là Dự án nguồn điện cấp bách thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII. Sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Trong quá trình triển khai, dự án đã gặp vô vàn khó khăn, bị đình trệ do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thậm chí có thời điểm rơi vào bế tắc, đã có nhiều ý kiến cho rằng phải đưa “khẩn cấp” dự án vào danh sách dự án yếu kém ngành công thương. Nhưng vượt lên những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất của tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ các thời kỳ, đặc biệt từ tháng 7-2021 khi Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, dự án đã chuyển động mạnh mẽ, tiến độ đang từng bước được rút ngắn.
Với mục tiêu hoàn thành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 bảo đảm chất lượng với tiến độ vào cuối năm 2022, chỉ trong thời gian ngắn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống công trường, chỉ đạo, xử lý nóng từng vướng mắc, cơ chế, chính sách, tạo niềm tin và trên hết là kịp thời động viên người lao động tại dự án. Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, hằng tuần, Petrovietnam đều có báo cáo cập nhật tình hình triển khai, thi công tại dự án để kịp thời nắm bắt tình hình và xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh có thể ảnh hưởng đến tiến độ. Chính sự quan tâm và đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã tạo động lực, niềm tin cho tập thể lãnh đạo, người lao động Petrovietnam củng cố quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước đưa dự án vào guồng một cách nhanh chóng.
“Công trường phải đông người, phải có không khí sôi nổi, nhiệt huyết, đồng lòng nhất trí giải quyết việc chung. Chỉ có như vậy chúng ta mới vượt qua khó khăn, xử lý các vấn đề tồn tại của dự án”, đó là tinh thần được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành luôn nhấn mạnh trong các lần về thăm, làm việc tại dự án.
Cùng với sự quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, Petrovietnam, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Ban QLDA), Tổng thầu PETROCONs, các nhà thầu và các đơn vị trong ngành dầu khí đã và đang tập trung cao độ, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt, chạy thử nghiệm dự án. Ngay cả trong những ngày lễ, tết, đều đặn hằng tuần, lãnh đạo Tập đoàn vẫn trực tiếp xuống công trường kiểm tra tình hình, giao ban với Tổng thầu và lãnh đạo Ban QLDA cùng tháo từng vướng mắc, gỡ từng khó khăn, đồng thời khích lệ, động viên cán bộ, người lao động trên công trường.
Trong đó, đáng kể đến như việc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn, Ban QLDA đã điều động biệt phái hai Phó Trưởng ban, các cán bộ, chuyên gia sang Tổng thầu PETROCONs, cùng Tổng thầu củng cố bộ máy Ban điều hành tại công trường. Pertrovietnam cũng liên tục điều động cả lãnh đạo Tập đoàn cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật dày kinh nghiệm, chuyên môn cao từ các đơn vị trong Tập đoàn trực tiếp điều hành, tham gia hỗ trợ Dự án trong công tác chuẩn bị sản xuất, sửa chữa bảo dưỡng, chạy thử nghiệm thu...
Hiện trên công trường luôn có khoảng 1.000 - 1.200 kỹ sư công nhân thi công trực tiếp tham gia xây dựng, lắp đặt, bảo dưỡng sửa chữa, vận hành, chạy thử. Khoảng 30 đơn vị tham gia, bao gồm 22 nhà thầu thi công trong nước, 4 nhà thầu nước ngoài (Qingdao, SDC, ABB, BWBC); 5 đơn vị bảo dưỡng thiết bị trong và ngoài ngành dầu khí (PVPS, TSC, PVCFC, NPS, PV Power HT).
Lãnh đạo Petrovietnam cũng quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, đề cao tinh thần “Một đội ngũ, Một mục tiêu” tại dự án. Theo đó, Ban QLDA - Tổng thầu cùng các nhà thầu phải đồng lòng giải quyết việc chung, không được phép bàn lùi. Tinh thần này đã nhanh chóng thấm vào từng cán bộ, công nhân viên tại Dự án. Đơn cử như trong lần gần đây nhất (ngày 29-4-2022), đoàn công tác của Tập đoàn đến Ban QLDA vào lúc trưa muộn, dù đã quá giờ ăn trưa khá lâu nhưng lãnh đạo Ban QLDA cùng Tổng thầu vẫn đang tập trung trao đổi công việc ngay tại nhà ăn. Trong bữa ăn, các anh vẫn mỗi người xử lý mỗi việc, tranh thủ thông tin cho nhau. Thật xúc động khi được chứng kiến những hình ảnh rất đỗi bình dị nhưng thấm đẫm tình đồng đội của người dầu khí.
Đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan (dịch bệnh COVID-19 kéo dài, biến động giá cả, pháp lý,...), song dự án đã có chuyển biến tích cực, từng bước được kiểm soát, phấn đấu hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng (đã đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1 ngày 23-02-2022) và hướng tới mốc hòa lưới điện đồng bộ Tổ máy số 1 vào những ngày đầu tháng 5-2022.
Để làm rõ việc tại sao mốc đốt lửa lần đầu lại quan trọng như vậy, đoàn công tác đã tìm gặp anh Phan Thế Hưng, Trưởng phòng Công nghệ Thiết bị Ban QLDA. Anh Thế Hưng cho biết, nhiều người cho rằng đốt lửa lần đầu bằng dầu đối với nhà máy nhiệt điện là khá đơn giản. Nhưng thực tế đây là mốc tiến độ rất quan trọng, để thực hiện đốt lửa lần đầu của một tổ máy 600 MW, đội ngũ vận hành nhà máy phải thực hiện và kiểm soát tốt toàn bộ các hệ thống từ thiết bị chính đến thiết bị phụ trợ. Hay nói cách khác, đốt lửa lần đầu là sự khẳng định toàn bộ hệ thống thiết bị và công nghệ của nhà máy đều vận hành tốt trong thực tế.
“Thực hiện thành công đốt lửa lần đầu không chỉ khẳng định chất lượng máy móc thiết bị, mức độ an toàn khi vận hành, còn là sự củng cố niềm tin, khẳng định về kỹ thuật cho toàn bộ đội ngũ chuyên gia, cán bộ công nhân viên về khả năng vận hành tốt và hiệu quả nhà máy. Từ đây, chúng tôi sẽ nỗ lực triển khai các mốc tiến độ quan trọng tiếp theo như hòa lưới điện đồng bộ (dự kiến vào ngày 8-5-2022) và đốt than Tổ máy số 1 vào ngày 21-6-2022”, anh Thế Hưng cho biết.
Mặt khác, để dự án được vận hành ngày càng trơn chu, rút ngắn tiến độ theo thời gian, Petrovietnam đã nỗ lực thực hiện kiểm soát chặt chẽ bảo đảm các mốc tiến độ thông qua việc chỉ đạo Tổng thầu, Ban QLDA và Tư vấn PMC rà soát, cập nhật lại tiến độ các hạng mục, xây dựng tiến độ chi tiết tới cấp 4, cấp 5 và các giải pháp bù tiến độ (kế hoạch nhân lực, vật tư thiết bị, máy móc, chi phí…). Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm công tác quản trị rủi ro, tiến độ dự án, xử lý các tình huống dự phòng và đánh giá tổng thể Dự án.
Thông tin mới nhất vào ngày 6-5-2022, tại Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã tiến hành nhận điện ngược cho máy biến áp chính GSUT và máy biến áp tự dùng UAT của Tổ máy số 1 thành công. Việc nhận điện ngược thành công cho máy biến áp GSUT (T1) là một bước chuẩn bị quan trọng trước khi hòa đồng bộ Tổ máy số 1 vào lưới điện quốc gia theo đúng kế hoạch đặt ra. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng khẳng định quyết tâm của cán bộ công nhân viên Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Tổng thầu PETROCONs cùng các nhà thầu liên quan trong việc hoàn thành, đưa các tổ máy vào vận hành và phát điện thương mại theo đúng tiến độ mà Tập đoàn đề ra.
Mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm nay sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong điều kiện giới hạn của tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 đã được phê duyệt. Để dự án về đích đúng tiến độ, bên cạnh sự quyết tâm của tập thể người lao động dầu khí thì rất cần sự tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ/ban/ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình.
Có thể thấy rằng, dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành tốt từng mốc tiến độ và đang vững vàng hướng tới “đích” hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2022, đúng với cam kết của Petrovietnam trước Đảng, Chính phủ và nhân dân Thái Bình. Kết quả từ dự án này, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, niềm tự hào, sự tự tin của người lao động dầu khí. Không một khó khăn, thử thách nào có thể cản bước trước sự đoàn kết một lòng của những người lao động chân chính đi xây dựng những công trình “ích nước lợi dân”.
Theo báo cáo của Ban QLDA Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể của Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đạt 92,37%; công tác mua sắm hoàn thành khoảng 97,32%; công tác chạy thử hoàn thành khoảng 40%; công tác thi công xây lắp hoàn thành khoảng 93,88%.
Đặc biệt, việc đạt mốc đốt lửa lần đầu bằng dầu Tổ máy 1 vào ngày 23-2-2022 theo kế hoạch đề ra đã tạo tiền đề quan trọng tiến tới hoàn thành mốc hòa đồng bộ vào ngày 8-5-2022 và các mốc tiếp theo của dự án.
Petrovietnam tăng cường giải pháp quản trị biến động, đón đầu xu hướng, đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ  (07/03/2022)
Petrovietnam – hành trình 60 năm khởi nguồn và phát triển  (27/11/2021)
Nhiều công trình, hoạt động dầu khí rộn ràng cán đích  (25/11/2021)
BSR dự kiến trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025  (24/11/2021)
Petrovietnam - Sáu thập kỷ hướng về phía trước  (22/11/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển