Petrovietnam – hành trình 60 năm khởi nguồn và phát triển
TCCS - Trải qua 6 thập kỷ khởi nguồn và phát triển, các thế hệ người lao động dầu khí luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện ước nguyện của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước ta đó là “xây dựng ngành công nghiệp dầu khí mạnh”. Đến nay, ngành dầu khí Việt Nam, chủ lực là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tiến những bước dài, phát triển từ “không đến có”, trở thành niềm tự hào to lớn, là đầu tàu kinh tế của đất nước Việt Nam.
Hành trình của những người đi tìm lửa
Khởi nguồn từ tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự phát triển của ngành dầu khí trong tương lai, Đảng và Nhà nước ta sớm dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành dầu khí. Ngày 27-11-1961, Đoàn Thăm dò dầu lửa (gọi tắt là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập, đánh dấu sự ra đời của tổ chức dầu khí đầu tiên tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 27-11 hằng năm là Ngày truyền thống của ngành dầu khí Việt Nam.
Qua 6 thập kỷ, Petrovietnam trải qua các thời kỳ với mô hình hoạt động khác nhau: Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, đến nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam đã xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Từ chỗ không có dầu khí, đến nay công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí đã xác định được trữ lượng dầu khí của các phát hiện tới trên 1,4 tỷ tấn quy dầu; đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng còn lại của Việt Nam là 1,6 - 2,8 tỷ tấn quy dầu; đã khai thác được 414,3 triệu tấn dầu và 168,6 tỷ m3 khí. Với trữ lượng đã phát hiện và tiềm năng dầu khí đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng của đất nước trong những thập niên tới.
Petrovietnam hoàn chỉnh hệ thống tổ chức hoạt động theo mô hình toàn tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi. Xây dựng được đội ngũ những người làm dầu khí hùng hậu, với số lượng lao động gần 60.000 người có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước.
Petrovietnam luôn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế. Song song với việc thu hút đầu tư từ các công ty dầu khí quốc tế để phát triển các hoạt động dầu khí ở trong nước, Tập đoàn đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền và biên giới quốc gia trên biển. Tập đoàn luôn ý thức, trách nhiệm cao trong chia sẻ với cộng đồng, đóng góp vào công tác an sinh xã hội khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Riêng năm 2021, cùng với các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 1.000 tỷ đồng.
Với hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, Tập đoàn luôn ở trong tốp đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước. Hiện, quy mô tài sản của Tập đoàn hợp nhất xấp xỉ 41 tỷ USD, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn khoảng 21 tỷ USD. Chỉ tính từ năm 1986 đến hết năm 2020, tổng doanh thu của Tập đoàn đạt gần 400 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 110 tỷ USD. Có những thời kỳ nộp ngân sách chiếm tới gần 30% GDP của cả nước. Tập đoàn trở thành nòng cốt, là hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai - Hiệp Phước, Cà Mau, Dung Quất - Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Nghi Sơn - Thanh Hóa...
Ngoạn mục vượt “khủng hoảng kép”
Từ nửa cuối năm 2019, đặc biệt trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam cũng như thế giới trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Đối với ngành dầu khí Việt Nam, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển dưới “tác động kép” của đại dịch và giá dầu diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh chính.
Với phương châm hành động xuyên suốt năm 2020 “Quản trị biến động - Tối ưu giá trị - Đẩy mạnh tiêu thụ - Nỗ lực vượt khó - Nắm bắt cơ hội - An toàn về đích” và năm 2021 là: “Quản trị biến động - Tối đa giá trị - Mở rộng thị trường - Tận dụng cơ hội - Liên kết đầu tư - Phục hồi tăng trưởng”, Tập đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả gói giải pháp đồng bộ, với 5 nhóm giải pháp cụ thể: (i) về quản trị; (ii) về tài chính; (iii) về đầu tư; (iv) về thị trường; (v) về cơ chế chính sách. Đồng thời triển khai và thực hiện hiệu quả 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là: (i) bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động; (ii) bảo đảm sản xuất kinh doanh an toàn, liên tục; (iii) bảo đảm lưu thông nguyên nhiên vật liệu sản xuất, sản phẩm nhằm duy trì và ổn định thị trường; (iv) bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư.
Kết quả, năm 2019: giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) của Tập đoàn đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch, tăng 6,3% so với cùng kỳ; tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 736,2 nghìn tỷ đồng, vượt 123,9 nghìn tỷ đồng (vượt gần 20%) kế hoạch năm và tăng 17% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 108 nghìn tỷ đồng, vượt 20,5 nghìn tỷ đồng (vượt khoảng 23%) kế hoạch năm.
Năm 2020, trong khi hoạt động của nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới lâm vào khó khăn, hoạt động đình đốn, thua lỗ, thậm chí phá sản, xa thải công nhân, Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới có lãi, cụ thể: hoàn thành kế hoạch cả năm gia tăng trữ lượng dầu khí trước 6 tháng, đạt 15 triệu tấn quy dầu (kế hoạch năm là 10 - 15 triệu tấn quy dầu); tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 566 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 83 nghìn tỷ đồng bằng trên 100% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 19,9 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam. Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu. Kết quả khai thác dầu thô tháng 10-2021 vượt 6,6% kế hoạch, tính chung 10 tháng đạt 9,09 triệu tấn, vượt 12,4% kế hoạch 10 tháng. Từ đó, Petrovietnam đã đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách nhà nước 10 tháng đầu năm 2021 là 75,4 nghìn tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch năm và vượt 23% so với cùng kỳ. Tính đến đầu tháng 11-2021, Petrovietnam dành gần 1.000 tỷ đồng tham gia phòng, chống COVID-19, trong đó đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 hơn 554 tỷ đồng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương các trang thiết bị, vật tư y tế giá trị như máy thở, xe cứu thương... nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngày 19-11-2021, Tập đoàn đã hoàn thành chỉ tiêu 7,99 triệu tấn dầu của kế hoạch sản lượng khai thác trong nước năm 2021, về đích trước thời hạn 42 ngày. Với 1,67 triệu tấn dầu khai thác tại nước ngoài, đến ngày 22-11-2021, Petrovietnam hoàn thành chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu cả trong và ngoài nước là 9,72 triệu tấn, về đích trước thời hạn năm 2021 là 39 ngày. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, thua lỗ dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, từ kết quả trong quản trị điều hành, những đóng góp quan trọng của Petrovietnam thực sự là tâm huyết, tấm lòng của gần 60.000 người lao động dầu khí, thể hiện tình cảm, trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Hướng tới tương lai
Nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển cho thấy, các thế hệ người lao động dầu khí luôn vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn để ngành dầu khí có được những bước phát triển mạnh mẽ. Sức mạnh đó có được là nhờ sự đúc kết truyền thống và văn hóa của những người đi tìm lửa. Lãnh đạo Petrovietnam tâm niệm, trong điều kiện hiện nay, cách tri ân tốt nhất với lớp người đi trước là kế thừa, phát huy truyền thống và văn hóa dầu khí, hành động với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, không ngừng bồi đắp, gìn giữ giá trị cốt lõi: “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, giữ lửa nhiệt huyết trong tim, làm tròn trách nhiệm tìm dầu, phát triển chuỗi giá trị năng lượng để làm giàu cho Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, để phát triển bền vững, Tập đoàn đã và đang tập trung triển khai 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp là: (i) rà soát chiến lược và củng cố hệ thống quản trị; (ii) quản trị nguồn nhân lực và phát triển đội ngũ; (ii) quản trị tài chính và đầu tư; (iv) quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thị trường; (v) nâng cao việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hệ sinh thái quản trị; (vi) quản trị và kiểm soát rủi ro; (vii) xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đây cũng chính là thời kỳ Petrovietnam phải bám sát xu thế phát triển kinh tế - kỹ thuật - công nghệ của thế giới, chiến lược phát triển đất nước, bắt nhịp với xu hướng tất yếu về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng để hướng tới phát triển bền vững, chủ động thích nghi với các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế mới; tăng cường năng lực dự báo, quản trị rủi ro; ứng phó có hiệu quả các biến động, bất định; đối diện với suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nguy cơ đe dọa hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn trên Biển Đông...
Tự hào 60 năm phát triển cùng đất nước, Petrovietnam luôn hướng đến tương lai để dấn thân cống hiến và sẽ tiếp tục đồng lòng thực hiện sứ mệnh cao cả: “Tối ưu hóa nguồn năng lượng dầu khí, phát triển bền vững các nguồn năng lượng mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; kiên định hướng tới mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, phát triển Petrovietnam giữ vai trò nòng cốt, chủ lực, đầu tàu, có tiềm lực mạnh về tài chính và trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, có sức cạnh tranh cao, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam; tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính - tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, công nghiệp khí, chế biến dầu khí, công nghiệp điện và năng lượng tái tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao; bảo toàn và phát triển nguồn vốn; gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển./.
Nhiều công trình, hoạt động dầu khí rộn ràng cán đích  (25/11/2021)
BSR dự kiến trồng 1 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025  (24/11/2021)
Petrovietnam - Sáu thập kỷ hướng về phía trước  (22/11/2021)
Bản sắc văn hóa là sức mạnh làm nên thương hiệu PetroVietnam  (11/11/2021)
BSR tặng số thiết bị y tế trị giá 4 tỷ đồng cho Bệnh viện C Đà Nẵng  (23/10/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên