Petrovietnam: Điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021
TCCS - Ngày 7-7-2021, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức giao ban trực tuyến định kỳ với lãnh đạo các đơn vị thành viên để đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác nửa cuối năm 2021.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng và các đồng chí Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo các ban, văn phòng Tập đoàn, các đơn vị thành viên tham dự tại các điểm cầu trên cả nước.
Thực hiện tốt mục tiêu kép, đạt kết quả toàn diện, tích cực
Trong 6 tháng đầu năm 2021, với việc thúc đẩy các chiến dịch tiêm vắc-xin trên quy mô lớn và thực thi các gói kích thích kinh tế, các nền kinh tế lớn thế giới, như Mỹ, Trung Quốc và EU đã có những bước phục hồi kinh tế mạnh mẽ, dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Dù vậy, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là các vấn đề về tài chính, nợ công, lạm phát và sự phục hồi có sự phân hóa rõ nét phụ thuộc vào tiến trình tiêm chủng vắc-xin. Trong khi đó, vắc-xin ngừa COVID-19 vẫn chưa tiếp cận được tới các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và các nước kém phát triển, đồng thời đã và đang xuất hiện các biến thể mới của loại virus này.
Trong nước, 6 tháng đầu năm đã trải qua hai đợt bùng phát dịch COVID-19. Trong đó làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư hiện đang diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam, nơi có nhiều đơn vị, công trình dầu khí và một số khu công nghiệp, những địa bàn kinh tế năng động nhất đất nước, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa… của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2021 dự báo sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát tình hình đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, với việc kiểm soát tốt công tác an toàn, dịch bệnh, phát huy kinh nghiệm, hiệu quả trong quản trị điều hành, tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới và giá dầu tích cực, Petrovietnam đã bám sát kế hoạch, diễn biến tình hình thị trường, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ chính được giao. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng ngay trong tháng 5-2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng dầu thô, condensate vượt 15% so với kế hoạch, góp phần hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác quy dầu 6 tháng đạt 9,68 triệu tấn. Công tác sản xuất xăng dầu, phân đạm cũng vượt kế hoạch được giao.
Các chỉ tiêu tài chính đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 299,3 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch 6 tháng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020; nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 45,2 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch 6 tháng, tăng 33% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 21,3 nghìn tỷ đồng, vượt 165% kế hoạch 6 tháng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ 2020.
Các chỉ tiêu tài chính trên cho thấy lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn đạt được tích cực hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của giá dầu (gấp hơn 3 lần mức tăng giá dầu); Cụ thể giá dầu thô bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 66,8 USD/thùng, vượt 48% giá kế hoạch, trong khi đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn 6 tháng đầu năm vượt 165% kế hoạch. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 6 tháng đầu năm ước đạt 4,6%, thuộc nhóm các công ty dầu khí có hệ số ROE tốt trên thế giới. Có thể nói để đạt được kết quả rất khả quan này, không chỉ phụ thuộc vào yếu tố thuận lợi từ xu hướng tích cực của giá dầu mà phần lớn là do công tác quản trị đã được Ban Lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt chú trọng thực hiện. Song song với đó, là sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành xuyên suốt từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên và từng lĩnh vực cụ thể. Kết quả này đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cùng với đó, các mặt hàng chiến lược của Tập đoàn, như xăng, dầu, khí, điện, đạm,... không chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà đã cung ứng sản phẩm thiết yếu, góp phần bình ổn thị trường, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Petrovietnam đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư, từng bước giải quyết, tháo gỡ vướng mắc tại các dự án khó khăn, đạt một số bước tiến đáng ghi nhận; Thúc đẩy xây dựng các chuỗi giá trị nhằm tăng cường phối hợp, chia sẻ, tận dụng các lợi thế, nguồn lực của các đơn vị trong Tập đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động chung (đến hết tháng 6-2021, Tập đoàn đã triển khai 19 chuỗi liên kết). Công tác tối ưu, tiết giảm chi phí được triển khai tích cực. Tổng chi phí tiết giảm ước đạt 1.691,6 tỷ đồng, bằng 62% kế hoạch tiết giảm của năm 2021, đóng góp quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh chung của Tập đoàn.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn Tập đoàn. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, kiểm soát được lượng hàng tồn kho, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quán triệt thực hiện nghiêm túc và triệt để, bảo đảm an toàn tuyệt đối, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, đến nay Petrovietnam đã đóng góp hơn 500 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 và ủng hộ công tác phòng, chống dịch ở các địa phương trong cả nước. Petrovietnam cũng đã triển khai an toàn việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho gần 1 vạn lượt cán bộ, công nhân viên.
Đoàn kết, tiếp tục nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng ghi nhận nỗ lực của tất cả các đơn vị thuộc Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm, với nhiều đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhận định thách thức còn rất nhiều ở phía trước, đặc biệt là đại dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, giá dầu biến động khó lường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nỗ lực để hoàn thành kế hoạch cả năm. “Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hơn lúc nào hết, các đơn vị cần đoàn kết, đặc biệt là các đơn vị trong chuỗi giá trị cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nhau hoàn thành kế hoạch được giao”, đồng chí Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tổng kết giao ban, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch đại COVID-19, cũng như các khó khăn về việc làm, thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh,... nhưng bằng sự nỗ lực rất lớn của toàn Tập đoàn với nhiều giải pháp hiệu quả, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức toàn diện các kế hoạch được giao, đặc biệt về chỉ tiêu tài chính tăng trưởng cao, kỳ vọng sẽ sớm phục hồi so với giai đoạn trước dịch bệnh COVID-19.
Để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của 6 tháng cuối năm và cả năm 2021, đồng chí Lê Mạnh Hùng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tiếp tục cập nhật, tăng cường công tác dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường để nhận diện rủi ro, cập nhật giải pháp trong quản trị, điều hành linh hoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh; triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh phối hợp, tìm nguồn vắc-xin để tiêm cho cán bộ, công nhân viên trong toàn Tập đoàn vì mục tiêu an toàn cho người lao động, an toàn sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cân đối giữa sản lượng dầu và khí để hoàn thành chỉ tiêu quan trọng nhất là sản lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn; đẩy mạnh mở rộng thị trường khí, các sản phẩm lọc hóa dầu, cũng như các sản phẩm khác; tiếp tục nâng cao công tác quản trị, thúc đẩy việc tháo gỡ các vướng mắc ở các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, song song với việc tăng cường nắm bắt, giải quyết khó khăn cho các đơn vị; tiếp tục tối ưu đầu tư, tối ưu chi phí sản xuất, tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; hiện thực hóa các chuỗi liên kết trong Tập đoàn và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị./.
PVcomBank chung tay đẩy lùi COVID-19  (02/07/2021)
Petrovietnam với “chiến dịch” tiêm vắc-xin và mục tiêu kép  (02/07/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc: Xuất khẩu giữ đà tăng trưởng  (29/06/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch  (28/06/2021)
BSR kích hoạt các phương án cấp độ 2 phòng, chống đại dịch COVID-19  (28/06/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam