Điểm sáng của ngành dầu khí trong khủng hoảng kép
TCCS - Trong thời điểm cả thế giới khủng hoảng vì dịch bệnh COVID-19 và ngành dầu khí Việt Nam còn chịu thêm khủng hoảng từ việc giá dầu giảm sâu, thì những tín hiệu vui từ các dự án mới nhận trong năm 2020 của Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất thực sự là một điểm sáng. Đó là kết quả của một quá trình lâu dài, từ sự trăn trở, tạo điều kiện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, sự cố gắng của tập thể lãnh đạo Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất cùng tập thể người lao động công ty.
Ba tháng nhận gấp đôi số dự án nước ngoài trong 2 năm cộng lại
Dư luận luôn “điểm danh” Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) là một trong “12 đại dự án thua lỗ”, nhưng sự thua lỗ ấy phần nhiều vì lịch sử để lại từ thời Vinashin và những khó khăn về cơ chế. Vượt qua những khó khăn ấy, những năm qua, lãnh đạo DQS đã có những sự tính toán, chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để vươn ra thị trường nước ngoài. Thời gian này, DQS từng bước hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ, giấy phép để cho dock Dung Quất có thể nhận được tàu nước ngoài và sửa chữa ngắn ngày. Đồng thời xây dựng mạng lưới môi giới, cũng như kết nối với khách hàng tại nước ngoài; đặc biệt là các khách hàng tại thị trường tàu dầu và tàu container cỡ lớn.
Trên thị trường quốc tế, các shipyard của Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất vì tiềm lực tài chính, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn DQS rất nhiều. Họ cũng có cơ chế thông thoáng, được tạo điều kiện thuận lợi để nhận các đơn hàng nước ngoài. Chính vì sự cạnh tranh quyết liệt đó nên từ 2017 - 2019, DQS chỉ nhận được 3 sản phẩm của nước ngoài. Khi xảy ra dịch COVID-19 vào đầu năm 2020 thì các chủ tàu nước ngoài bắt đầu tìm kiếm các nhà máy, các công ty có đủ khả năng sửa chữa tàu cỡ lớn ở những nơi ngoài Trung Quốc. Và DQS đã tận dụng rất tốt cơ hội đó khi dock Dung Quất là sự lựa chọn hàng đầu trong khu vực. Theo thông tin từ DQS, từ tháng 1-2020, DQS nhận liên tiếp 6 tàu nước ngoài, gấp 2 lần so với cả 2 năm trước cộng lại. Đây không chỉ đơn thuần là việc tận dụng cơ hội khi thị trường Trung Quốc bất ổn, mà đó là thành quả của sự chuẩn bị lâu dài về marketing, công nghệ, cơ sở vật chất và năng lực đã được chứng minh của DQS với các chủ tàu nước ngoài.
“Bằng chứng là đến thời điểm bây giờ, khi thị trường Trung Quốc ổn định, nhưng DQS vẫn tiếp tục nhận được lời mời đàm phán những đơn hàng mới. Thậm chí, các chủ tàu đã quay lại đặt vấn đề về những hợp đồng đóng mới và DQS đang triển khai những đơn hàng ấy. Trong thời gian tới, DQS sẽ tiếp tục mở rộng việc đóng mới, sửa chữa tàu tại thị trường nước ngoài bên cạnh thị trường truyền thống là sửa chữa các tàu dầu khí và thị trường trong nước. Việc này mở ra một cơ hội rất lớn cho DQS phát triển trong tương lai”, lãnh đạo DQS nhấn mạnh.
Song song với việc từng bước phát triển thị trường nước ngoài, DQS vẫn rất chú trọng phát triển thị trường trong nước. Những hợp đồng không chỉ đến từ các đơn vị trong ngành dầu khí, mà còn đến từ các công ty ngoài ngành. Năm 2019, DQS đã thực hiện 20 đơn hàng ngoài ngành. Có thể kể đến các đơn hàng gia công lắp dựng đường ống mạng ngoài, bảo dưỡng cẩu, lắp đặt kết cấu nhiều thiết bị cho Thép Hòa Phát; sửa chữa tàu Petrolimex 15; sửa chữa sà lan Phú Xuân 18; thi công các hạng mục sơn, sửa chữa đường ống, cắt CNC cho Doosan Vina… Điều này chứng tỏ DQS đã tạo được niềm tin với khách hàng cả trong và ngoài ngành.
Những cơ chế nào cần được tạo điều kiện?
Với những khó khăn cũ về cơ chế tài chính, những khoản nợ mà Vinashin để lại làm cho hồ sơ đấu thầu của DQS dễ bị loại ngay từ đầu. Đây là điều cực kỳ bất lợi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế.
Thế nhưng, khi kiếm tìm được những đơn hàng từ nước ngoài, thì DQS lại gặp khó với các cơ chế, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực sửa chữa tàu nước ngoài tại Việt Nam. Còn đối với tỉnh Quảng Ngãi, từ trước đến nay rất ít có tàu nước ngoài sửa chữa, cập cảng nên chính quyền địa phương gặp khó trong việc áp dụng các điều khoản, luật để cấp thủ tục. Có thể ví dụ như cơ chế về việc tạm nhập, tái xuất tàu khi vào sửa chữa.
Theo quy định, tàu biển nước ngoài vào Việt Nam phải làm thủ tục tạm nhập, tái xuất. Những thủ tục này làm rất lâu, mất đến 1 tuần; trong khi tổng thời gian sửa chữa trong hợp đồng chỉ là từ 10 đến 15 ngày. Để có được các hợp đồng tàu nước ngoài, DQS phải cạnh tranh với các dock của Trung Quốc bằng tiến độ, chất lượng; phải hoàn thành việc sửa chữa tối đa trong 15 ngày. Trong khi việc hoàn thành các giấy tờ, thủ tục đã mất từ 5 đến 7 ngày. Những thứ đó vô hình chung làm giảm năng lực cạnh tranh của DQS.
“Nếu được tạo cơ chế giải quyết những yếu tố lịch sử để lại, và những cơ chế thoáng hơn về thủ tục hành chính thì DQS sẵn sàng tham gia một cách sòng phẳng về chất lượng, tiến độ, giá cả trên thị trường quốc tế. Thực tế đã chứng minh các sản phẩm của DQS đã tạo được sự tin cậy của khách hàng”, một lãnh đạo DQS khẳng định.
Luôn chăm lo cho người lao động
Tích cực tìm kiếm những đơn hàng, phát triển thị trường nhưng tập thể lãnh đạo DQS cũng luôn quan tâm đến đời sống các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên trong công ty. Tổng Giám đốc DQS Phan Tử Giang chia sẻ: “Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người lao động, như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mua bảo hiểm tai nạn (24/24),… Năm 2018, tiền lương trung bình của công nhân lao động trực tiếp là 6,6 triệu đồng, năm 2019 tăng lên 8,32 triệu đồng. Đến 4 tháng đầu năm 2020 tăng lên 9,53 triệu đồng. Lãnh đạo công ty luôn quan tâm đến đời sống anh em từ những việc cụ thể nhất”.
Những nỗ lực, cố gắng đưa công ty vượt qua khó khăn bởi lịch sử để lại cũng như cơ chế luôn được cán bộ, công nhân viên trong công ty ghi nhận và cảm kích. Tổ trưởng Tổ lắp ráp, xưởng kết cấu thuộc DQS Phạm Ngọc Huệ cho biết: “Công ty luôn chăm lo cho đời sống của anh em, các chế độ bồi dưỡng độc hại luôn đầy đủ. Ban Tổng Giám đốc luôn tích cực tìm kiếm các đơn hàng để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Đối với người lao động, mức thu nhập tại DQS bảo đảm cho anh em và gia đình một cuộc sống ổn định”.
Hằng năm, Công đoàn, Đoàn Thanh niên DQS luôn tổ chức những hoạt động thể hiện sự tương trợ, đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn. Từ 5-1-2020, DQS đã bắt đầu chiến dịch phòng, chống COVID-19 bằng cách xây dựng quy chế, phổ biến các thông tin chống dịch, mua đầy đủ trang thiết bị cá nhân, như quần áo, găng tay, khẩu trang. Đồng thời lắp đặt máy khử khuẩn toàn thân tự thiết kế, máy phun thuốc tự động…
“Hội đồng thành viên và Ban Tổng Giám đốc từ những người cao nhất như Chủ tịch hay Tổng Giám đốc Phan Tử Giang ngoài những công việc lớn như quyết sách phát triển công ty còn quan tâm đến những việc cụ thể về đời sống, về tinh thần cho anh em. Đời sống của anh em và gia đình luôn tốt hơn theo từng năm. Trong mùa dịch COVID-19, Ban Tổng Giám đốc cũng đã chỉ đạo quyết liệt về việc phòng, chống, phát phương tiện bảo hộ, trang bị phương tiện phòng dịch cho anh em yên tâm làm việc”, Tổ trưởng Tổ ống, xưởng thiết bị tàu Ngô Thanh Thế chia sẻ./.
Ngành du lịch Vĩnh Phúc chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón khách trở lại  (28/04/2020)
Agribank đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19  (27/04/2020)
Tỉnh Quảng Ngãi đồng hành cùng BSR vượt bão kép COVID-19 và giá dầu giảm  (22/04/2020)
Hiểu cho đúng về thị trường xăng, dầu  (22/04/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam