Lê Duẩn - Người con lỗi lạc của nhân dân Việt Nam

GS,TSKH. Vũ Minh Giang Đại học Quốc gia Hà Nội
23:02, ngày 05-04-2017

TCCSĐT - Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong những thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go, phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình, đồng thời thể hiện xuất sắc các luận điểm đó trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam.

1. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nổi lên như một siêu cường mà đối đầu quân sự với họ là điều không một ai trên thế giới dám nghĩ tới, chứ chưa nói tới việc dám làm. Chính vì vậy, đối với bạn bè quốc tế, chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam giống như một huyền thoại. Người giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong kỳ tích lịch sử này là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ ký kết, dân tộc Việt Nam đã buộc phải bước vào một trận chiến đấu mới. Trong hoàn cảnh lịch sử vô cùng khó khăn, phức tạp của miền Nam sau năm 1954, đồng chí Lê Duẩn đã không tập kết ra Bắc mà nhận nhiệm vụ bí mật ở lại miền Nam tiếp tục nghiên cứu tình hình để đề xuất với Trung ương về chiến lược cách mạng miền Nam. Dưới sự chủ trì của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn, bản Đề cương cách mạng miền Nam ra đời. Đây là một tài liệu có tầm chiến lược, làm cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa II mở rộng - gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 15 (tháng 01-1959), phân tích đúng đắn tình hình và đưa ra những giải pháp kịp thời để phát triển cách mạng miền Nam. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 15, một cao trào đồng khởi đã bùng lên vào năm 1960, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Cơ sở lý luận và thực tiễn của Nghị quyết quan trọng này đã trở thành căn cứ vững chắc cho đường lối cách mạng miền Nam được thông qua tại Đại hội III của Đảng, nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, nhất là công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã dành trọn sự tin cậy vào đồng chí Lê Duẩn. Tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư thứ nhất (Tổng Bí thư). Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go ác liệt nhất thì Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (năm 1969). Gánh vác sứ mệnh nặng nề của người đứng đầu Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp hết sức lớn lao cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến thắng lợi cuối cùng.

Cụm từ “Người con lỗi lạc của nhân dân Việt Nam” mà báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1981 dành tặng khi viết về đồng chí Lê Duẩn, trước hết và chủ yếu là trên ý nghĩa này.

2. Nếu như công lao và cống hiến của đồng chí Lê Duẩn với cách mạng, với đất nước, dù vô cùng to lớn, cũng luôn gắn liền với vai trò của tập thể lãnh đạo và sự hy sinh của hàng triệu con người Việt Nam, thì phẩm chất, phong cách lãnh đạo và phương pháp tư duy lại là những thuộc tính riêng có của cá nhân đồng chí. Đây chính là những cốt cách đã tạo nên một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Điều có thể nhận thấy hết sức rõ ràng và thể hiện nhất quán trong phẩm chất của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là ý thức dân tộc sâu sắc. Qua tâm sự với phóng viên báo Công an nhân dân, Thiếu tướng Lê Kiên Trung (con trai ông) cho biết rằng “Ông là người yêu thích lịch sử. Ông thường đọc đi đọc lại những câu chuyện về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc”(1). Phải là người có tinh thần dân tộc cháy bỏng mới luôn tìm đến những trang sử oai hùng để được tiếp thêm nhiệt huyết truyền lại từ cha ông, trong lúc bộn bề công việc. Người con trai của cố Tổng Bí thư còn nói: “Trong những cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy nghìn năm đất nước tồn tại, ngoài hai lần chống Pháp và Mỹ, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chống quân xâm lược từ phương Bắc kéo xuống. Và dù trong thời gian ngắn hay dài, thì cuối cùng, chúng ta cũng đều đánh đuổi được giặc ngoại xâm phương Bắc. Dân tộc này trong lịch sử chưa từng sợ phương Bắc, và tôi nghĩ ba tôi thấm nhuần truyền thống ấy”(2).

Điều này đã lý giải vì sao trước đối thủ dù hùng mạnh đến mấy hay trong thái độ đối với các cường quốc, đồng chí Lê Duẩn luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng và tư thế của người không bao giờ chịu khuất phục.

Một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chúng ta đã thấm nhuần sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân, nhưng đối với những người lãnh đạo có trọng trách, tư tưởng lớn này còn hàm chứa ý nghĩa độc lập về đường lối chính trị. Trong suốt thời kỳ lịch sử đã qua, Đảng ta luôn giữ vững đường lối tự chủ và sáng tạo. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn là hiện thân của tư tưởng đó. Với cương vị là Tổng Bí thư suốt 26 năm (1960 - 1986) đồng chí đã có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ độc lập trong quá trình hoạch định đường lối.

Trong lúc trò chuyện về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thượng tọa Thích Thanh Quyết lại nhắc đến một nhân vật lịch sử kiệt xuất. Đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Lịch sử thời đại nhà Trần có rất nhiều nét tương đồng với giai đoạn lịch sử Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Ở thế kỷ XIII, từ thảo nguyên - sa mạc Gô-bi, đạo quân Mông Cổ hung hãn đã từng reo rắc nỗi kinh hoàng cho các dân tộc khắp lục địa Á, Âu. Sau khi đánh bại Nam Tống, mở rộng lãnh thổ liền mạch lên tới 24 triệu km2, đế chế Nguyên - Mông lên tới đỉnh cao hùng mạnh. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng nổi lên như một siêu cường không có đối thủ. Vậy mà chỉ sau khi giành lại được độc lập mấy năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đã phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới này. Từ chỗ cung cấp phần lớn chiến phí và hầu hết các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh trong cuộc chiến ở Đông Dương, Mỹ đã từng bước trực tiếp tham chiến ở Việt Nam.

Những chiến công hiển hách của quân và dân Đại Việt thời Trần có công lao hết sức to lớn của hoàng đế Trần Nhân Tông, người đã xây dựng một nền chính trị thân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết toàn dân mà biểu tượng là Hội nghị Diên Hồng. Không những thế, Trần Nhân Tông còn là ông vua anh hùng, trực tiếp chỉ huy hai cuộc kháng chiến, trong đó có chiến thắng Bạch Đằng hiển hách, đánh bại đạo quân 50 vạn người, đập tan ý chí xâm lược của Đại Nguyên, đẩy đế chế này lâm vào tình trạng lục đục và bắt đầu quá trình suy vong. Thần thái của khí phách hiên ngang sau những võ công hiển hách mà sử sách thường gọi là hào khí Đông A chính là ý chí độc lập, tự cường(3). Với tinh thần ấy, hoàng đế Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm với giáo lý là sự dung hợp của các phái Thiền đã có từ trước, là sự hòa quyện của Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo và nhất là sự thấm đẫm tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước và văn hóa truyền thống Việt Nam với tư tưởng Hòa quang đồng trần và triết lý nhân sinh Cư trần lạc đạo(4). Phật giáo Trúc Lâm đã trở thành bệ đỡ tư tưởng cho văn minh Đại Việt và giá trị của di sản ấy vẫn còn đến tận bây giờ.

Là một người yêu sử, luôn học tập tấm gương của các thế hệ tiền bối, lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt, giúp đỡ, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã thể hiện rõ nét tinh thần sáng tạo trong quá trình vận dụng các học thuyết cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Có thể dẫn ra muôn vàn những câu chuyện, những chi tiết để minh chứng cho điều này, nhưng có một chi tiết rất lý thú đó là lời bộc bạch về cha mình của TS. Lê Kiên Thành trong một lần trò chuyện với nhà báo Phan Đăng và Thượng tọa Thích Thanh Quyết, khi bàn về việc vận dụng các học thuyết vào Việt Nam: “Ba tôi từng nói một câu rằng, cứ khi nào chúng ta suy nghĩ và hành động một cách độc lập thì chúng ta thắng, còn khi nào chúng ta suy nghĩ rập khuôn, phụ thuộc bên ngoài một cách máy móc thì chúng ta thất bại”(5).

Một phẩm chất quý báu khác của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là tầm nhìn và khả năng dự báo. Điều đã được lịch sử kiểm chứng là những đường lối về cách mạng miền Nam trong Nghị quyết Trung ương 15 và sau đó là Nghị quyết Đại hội III của Đảng đã diễn ra như sắp đặt. Thậm chí thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, dường như cũng đã có trong dự liệu của đồng chí. Khi chia tay đồng chí Lê Đức Thọ vào năm 1955, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Anh ra nói với Bác, 20 năm nữa tôi mới được gặp Bác”(6). Đến ngày 30-4-1975, sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mới hoàn thành sau đúng 20 năm.

3. Trên đây là một số suy nghĩ nhỏ phác họa về một nhân vật lịch sử có tầm vóc lớn lao nên chắc chắn không thể diễn tả hết. Xin được mượn lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt để kết bài viết này. Trong một bài viết, cố Thủ tướng đã nhận định: Đối với tôi, sau Bác Hồ, anh Ba Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà lý luận uyên thâm, nhà hoạt động thực tiễn lớn của Đảng và của dân tộc ta, người có vai trò đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Điều tôi cảm nhận rất sâu sắc từ nơi anh là ý thức dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và tư duy sáng tạo, trăn trở, tìm tòi trong lý luận, trong thực tế cuộc sống để phát hiện những điều mới mẻ, đúng đắn, có lợi cho nước, cho dân./.

-------------------------------------------

(1) Thiếu tướng Lê Kiên Trung: “Tôi không bao giờ né tránh khi nói về cha mình”. Báo Công an nhân dân, ngày 27-7-2016, Tô Lan Hương (thực hiện)

(2) Thiếu tướng Lê Kiên Trung: Tài liệu đã dẫn

(3) Đông A (東 阿) là lối nói chiết tự của chữ Trần (陳), chỉ họ Trần

(4) Hòa quang đồng trần (Hòa ánh sáng với bụi trần): là khái quát tư tưởng hòa đồng, đặc trưng lớn nhất và nổi trội của văn hóa Việt. Cư trần lạc đạo (Ở đời mà vui đạo): Đây chính là nền tảng tinh thần của những chính sách thân dân và đoàn kết toàn dân của chính quyền thời Trần

(5) Đối thoại với con trai Lê Duẩn và Thượng tọa Thích Thanh Quyết. Dẫn theo Vietnamnet, ngày 04-10-2016, Phan Đăng (thực hiện)

(6) TS. Lê Kiên Thành: Cha tôi không bao giờ biết vì sao mình là người được lựa chọn. Báo An ninh thế giới cuối tháng 4-2015, Lan Hương (thực hiện)