TCCS - Giảm được 1 giờ nộp thuế, doanh nghiệp lợi tiền tỷ - đó là nhận xét của đại diện nhiều doanh nghiệp với những cải cách hành chính về thuế trên địa bàn Hà Nội thời gia qua. Những hỗ trợ tháo gỡ tích cực, tăng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính… là các biện pháp đã và sẽ tiếp tục được các cơ quan thu ngân sách Hà Nội triển khai tích cực để “nuôi dưỡng” nguồn thu, góp phần tăng thu ngân sách.

Người dân và doanh nghiệp làm thủ tục nộp thuế tại cơ quan thuế_Nguồn: qdnd.vn

Giảm 1 giờ, doanh nghiệp lợi tiền tỷ

Nếu như trước đây, quyết toán thuế là giai đoạn doanh nghiệp phải “lên dây cót” để xếp hàng, chen lấn nộp hồ sơ thì những năm gần đây, tại Hà Nội, quyết toán thuế đã trở nên nhẹ nhàng hơn với đa số các doanh nghiệp nhờ sự hỗ trợ tích cực của cơ quan thuế. “Chúng tôi được Chi cục Thuế huyện Mê Linh cử cán bộ xuống tận trụ sở để hỗ trợ làm thủ tục quyết toán thuế. Điều này là rất tốt, vì khi chúng tôi thực hiện tờ khai thuế qua mạng sẽ được hướng dẫn cụ thể, bảo đảm khai đúng, gửi đúng địa chỉ, tránh những sai sót không đáng có. Nhờ đó, dù có số lượng hồ sơ phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân khá lớn nhưng việc hoàn thiện các hồ sơ rất nhanh” - bà Lê Thị Hồng Khánh, Kế toán trưởng Công ty TNHH Khóa Huy Hoàng cho biết.

Công ty Khóa Huy Hoàng là một trong rất nhiều doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, theo đó tiết kiệm tiền của từ các cải cách về thuế.

Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ công nghiệp Nhật Minh (có địa chỉ tại Lô 3, Khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được hoàn trên 1,3 tỷ đồng tiền thuế VAT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm. Điều đáng nói, chỉ mất có 4 ngày kể từ khi hồ sơ của đơn vị được cơ quan thuế chấp nhận, doanh nghiệp này đã nhận được quyết định hoàn thay vì khoảng thời gian trung bình 15 ngày như trước. “Trước đây, việc hoàn thuế không những mất nhiều thời gian hơn mà chúng tôi còn phải thực hiện nhiều thủ tục, như rà soát đối chiếu, điều chỉnh số liệu… Hoàn thuế điện tử giúp tăng nhanh vòng vốn, cũng đồng nghĩa với việc tăng thuận lợi cho doanh nghiệp một cách thiết thực” - đại diện Công ty chia sẻ.

Tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm thời gian, công sức thực hiện các thủ tục thuế, tăng cải cách hành chính là những giải pháp mà các cơ quan thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện để “nuôi dưỡng” nguồn thu, góp phần tăng thu ngân sách thời gian qua. Nhờ đó, số thu ngân sách, đặc biệt là số thu khu vực ngoài quốc doanh đã có tăng trưởng tích cực. Chỉ tính riêng thu nội địa trên địa bàn, tổng thu ngân sách qua Cục Thuế Hà Nội 6 tháng đầu năm ước thực hiện 124.100 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán pháp lệnh, tăng 13,7% so với cùng kỳ. Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá, bền vững với mức bình quân 16,1%.

Mở rộng triển khai hóa đơn điện tử

Nhằm giúp người nộp thuế, các tổ chức, doanh nghiệp làm quen và hoàn thiện giải pháp về hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 11-2018 đến tháng 11-2020, tránh những rủi ro khi áp dụng đồng loạt, 6 tháng đầu năm 2019, Cục Thuế thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai HĐĐT đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có hiệu lực từ ngày 1-11-2018, toàn bộ các tổ chức, cá nhân phải hoàn thành việc chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT từ thời điểm 1-11-2020. Nhằm giúp người nộp thuế, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp tránh những rủi ro khi cơ quan thuế triển khai áp dụng HĐĐT đồng loạt mà doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai HĐĐT đến tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Kế hoạch được triển khai với rất nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT, hướng dẫn chính sách về quản lý, sử dụng HĐĐT. Đồng thời, cơ quan thuế Hà Nội cũng đẩy mạnh tuyên truyền về các hoạt động mà Cục tiến hành triển khai nhằm đẩy mạnh việc sử dụng HĐĐT trên địa bàn. Các cán bộ thuế tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện HĐĐT từ khâu đăng ký đến các khâu sử dụng và báo cáo về hóa đơn thông qua các lớp tập huấn, thông qua điện thoại, email tư vấn phối hợp với hình thức hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan thuế các cấp. Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng sẽ phối hợp làm việc với các nhà cung cấp giải pháp về HĐĐT với mục tiêu đảm bảo kết nối dữ liệu về HĐĐT phục vụ cho công tác quản lý thuế trong giai đoạn vẫn đang sử dụng HĐĐT chưa có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế như hiện tại. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở dữ liệu về hóa đơn để triển khai quản lý hóa đơn theo phương thức mới đã được quy định tại Nghị định số 119/2018/NĐ-CP.

Trước đó, HĐĐT được đưa vào sử dụng từ năm 2011 theo Thông tư 32/2011/TT-BTC. Ngày 12-9-2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định 119/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 1-11-2018 được xem là cầu nối và đòn bẩy giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận và sử HĐĐT.  Ngày 10-1-2019, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã kết luận về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2019. Trong đó, yêu cầu tích cực triển khai Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ về HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bảo đảm hoàn thành áp dụng HĐĐT trong năm 2019 tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Sau hơn 7 năm được đưa vào sử dụng, loại hình hoá đơn này đã và đang khẳng định được sự vượt trội so với hoá đơn giấy truyền thống. Đối với doanh nghiệp, sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn... so với sử dụng hóa đơn giấy. Đồng thời, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ HĐĐT được sao lưu và thường xuyên cập nhật. Bên cạnh đó, sử dụng HĐĐT tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Sau khi nhận HĐĐT, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua.

Đối với cơ quan thuế và cơ quan nhà nước, việc sử dụng HĐĐT giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Theo đó, cơ quan thuế và các cơ quan khác của nhà nước không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Với độ an toàn, chính xác cao của HĐĐT, tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích kịp thời được các cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn.

Đối với xã hội, sử dụng HĐĐT góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên), khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Qua đó giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ việc đặt hàng trên mạng, giao HĐĐT qua mạng, thanh toán qua mạng. Đặc biệt, ứng dụng HĐĐT làm giảm bớt việc sử dụng giấy, góp phần bảo vệ môi trường.

Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Năm 2019, Cục Thuế thành phố Hà Nội được giao dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2019 là 245.726 tỷ đồng, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá, 5 nhóm giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2019.

Cụ thể, ngành thuế Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành thuế và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, hỗ trợ người nộp thuế. Công tác thanh kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá cũng được quản lý chặt chẽ.

Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn cho biết, 3 khâu đột phá mà cơ quan thuế Hà Nội đang thực hiện là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế, lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kỷ cương, kỷ luật, đạo đức thi hành công vụ. Cải cách hành chính thuế, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các mặt công tác quản lý thuế, mục tiêu hướng tới phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Để thực hiện mục tiêu này, Cục sẽ đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, cải cách hành chính để người nộp thuế duy trì, ổn định, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi dưỡng và tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. “Chúng tôi cố gắng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu. Đó là trao đổi hỗ trợ qua thư điện tử, đối thoại, tiếp xúc trực tiếp người nộp thuế; qua các hội, hiệp hội và các đại lý thuế… để tháo gỡ khó khăn, tạo dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi để phát triển, tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khuyến khích các hộ kinh doanh lớn chuyển đổi lên doanh nghiệp. Đồng thời, Cục cũng kịp thời khen thưởng, tuyên dương và tôn vinh người nộp thuế tốt. Cục tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp có thầm quyền sửa đổi, bổ sung những chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đặc biệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện các chính sách pháp luật” - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Mai Sơn nhấn mạnh./.