Trà Vinh tổ chức cuộc đua thuyền truyền thống 
 Ảnh: TXXVN
TCCS - Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh tập trung chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" và đã có tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer. Cuộc vận động đã trở thành động lực trong thực hiện các chính sách xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.

 
 
Cuộc vận động góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Trà Vinh có hơn một triệu người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 30,1% số dân toàn tỉnh và chiếm 27,6% số người Khmer của cả nước, là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và cuộc vận động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; Tỉnh ủy Trà Vinh ban hành Nghị quyết số 06 về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer. Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh đã đặt ra những mục tiêu tổng quát đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer là: đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc và phát huy sức mạnh tổng hợp của phong trào với những tiêu chí cụ thể: 80% số gia đình được công nhận Gia đình văn hóa; 50% số xã có nhà văn hóa, sân thể thao tổ chức hoạt động có hiệu quả; 80% số xã có thiết chế văn hóa.

Trà Vinh đã chọn bước đột phá bằng cách gắn kết, lồng ghép các mục tiêu cuộc vận động với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở những xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer (gọi tắt là Chương trình 135); góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nông thôn, góp phần tạo diện mạo văn hóa nông thôn mới, đồng thời tạo điều kiện để đồng bào được thường xuyên hưởng thụ về văn hóa. Qua hơn mười năm thực hiện lồng ghép chương trình 134, 135 cùng các dự án đầu tư khác, với số tiền gần 200 tỉ đồng, đã hỗ trợ có hiệu quả cho các xã vùng dân tộc Khmer xây dựng cơ sở hạ tầng 600 hạng mục công trình, trong đó có 317 công trình giao thông thủy lợi, 109 trường học, 15 công trình điện, 30 trạm y tế, 95 chợ... Hỗ trợ vốn đầu tư cho những hộ người dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về giống cây trồng, giống thủy sản, muối i-ốt, giống lúa,... với số tiền là 11,4 tỉ đồng. Trước tình hình nhiều hộ nông dân Khmer không có đất sản xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 01 "Về việc giải quyết đất đai, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, góp phần xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer".

Trong những năm qua, Trà Vinh đầu tư các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hàng trăm tỉ đồng, hỗ trợ vốn sản xuất cho trên 30.000 lượt hộ đặc biệt khó khăn. Các địa phương trong tỉnh đã vận động trên 1.000 hộ có nhiều đất sản xuất dành ra trên 600 ha đất để giúp cho 1.400 hộ ít đất hoặc không có đất mượn đất để sản xuất; hỗ trợ 872 triệu đồng cho 3.338 hộ bà con Khmer nghèo chuộc lại 112 ha đất cầm cố... Trong tổng số 48% số hộ nghèo là người Khmer đã có nhiều hộ vươn lên, có khả năng mua sắm tư liệu sản xuất cơ giới, phương tiện sinh hoạt gia đình và xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp; diện mạo nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc ngày càng thay đổi rõ rệt; có trên 85% số hộ được sử dụng nước sạch và 92% số hộ sử dụng điện; hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn phát triển, phần lớn hệ thống giao thông liên xã, liên ấp ở vùng đồng bào Khmer xe 2 bánh đi lại thông suốt hai mùa mưa nắng...

Bằng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ dự án xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo theo Chương trình 134, Quỹ "Vì người nghèo" đã hỗ trợ cho trên 22.000 hộ được xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp trên 5.600 lu chứa nước, lắp đặt 7.750 đồng hồ nước, xây dựng 80 trạm cấp nước và 48 lò hỏa táng, nhà quàn... Chỉ tính trong năm 2009, Trà Vinh đã đầu tư hơn 108 tỉ đồng thực hiện các chính sách, chương trình kinh tế, dự án trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, góp phần làm cho hơn 70% diện tích đất trong vùng đồng bào dân tộc đã được thủy lợi hóa, hơn 80% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 90% số hộ có điện sử dụng, xóa bỏ tình trạng học ca ba. Kết quả thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với lồng ghép thực hiện các các chương trình kinh tế - xã hội, đã giảm hộ nghèo toàn tỉnh từ 28% (năm 2005) còn 20,65% (cuối năm 2008), trong đó số hộ nghèo là đồng Khmer giảm 4%/năm.

Các thiết chế văn hóa tinh thần của đồng bào được hỗ trợ kinh phí sửa chữa. Nhà bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, nhà truyền thống, nhà tưởng niệm các vị sư cách mạng, các khu di tích văn hóa, di tích lịch sử, nhiều chùa chiền được sửa chữa tôn tạo bảo đảm yêu cầu giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, vui chơi góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào Khmer trong tỉnh.

Việc nâng cao nhận thức về văn hóa gia đình, tạo ý thức tự nguyện, tự giác xây dựng và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa"; duy trì thường xuyên chế độ bình chọn, chấm điểm gia đình văn hóa, được tiến hành thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp. Tỉnh đã thực hiện việc đưa quy ước xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến từng gia đình đồng bào. Kết quả tổng hợp của việc lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thu hút ngày càng được đông đảo đồng bào Khmer, nhất là thanh thiếu niên hưởng ứng tích cực; đến nay, đã có trên 44.760 hộ đồng bào Khmer được công nhận Gia đình Văn hóa và 251/363 ấp, được công nhận ấp, khóm văn hóa.

Sau hơn 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh. Có thể rút ra ba điều kiện bảo đảm cho cuộc vận động thành công là:

Thứ nhất, Tỉnh ủy, các ngành trong tỉnh đã kịp thời có những chương trình hành động, gắn kết, cụ thể hóa cuộc vận động với những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa, giữ vững an ninh chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh. Các biện pháp tổ chức thực hiện cuộc vận động đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trúng với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc. Do vậy, sức lan tỏa của cuộc vận động đã đi vào lòng đồng bào, được đông đảo đồng bào Khmer nhiệt tình ủng hộ, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ hai, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ngành, các cấp, thường xuyên bám sát vào nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, hằng năm có sơ, tổng kết, uốn nắn, rút kinh nghiệm; có sự phối hợp đồng bộ và thống nhất để tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm bớt khó khăn cho đồng bào dân tộc Khmer. Sức lan tỏa của cuộc vận động góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, củng cố công tác xây dựng Đảng, chính quyền; tăng thêm sự đồng thuận trong xã hội, tạo ổn định đời sống đồng bào dân tộc, chính là điều kiện, nhân tố bảo đảm cho cuộc vận động ngày càng được đông đảo đồng bào dân tộc tự giác thực hiện.

Thứ ba, thành tựu bước đầu về cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là sự kết hợp công sức, trí tuệ và việc tổ chức, vận động thực hiện bền bỉ của các cấp, các ngành, các địa phương, với sự lao động cần cù, ý chí vượt khó của đồng bào Khmer dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy, các đoàn thể chính trị. Kết quả cụ thể và thiết thực từ cuộc vận động đã củng cố và tăng thêm niềm tin tưởng tuyệt đối của đồng bào dân tộc Khmer đối với các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Và những giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Những kết quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh là những thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với cả tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn cao, đời sống tinh thần, các thiết chế văn hóa vùng đồng bào nhiều xã vẫn còn khó khăn, nguy cơ tái diễn các hủ tục lạc hậu còn tiềm ẩn. Do vậy, trước mắt tỉnh đang tập trung chú trọng giải quyết những vấn đề sau:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, trở thành giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Phải xác định, đây là một cuộc vận động lớn, lâu dài, toàn diện không chỉ về xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống mà còn tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, để cuộc vận động trong vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2006 - 2010 có hiệu quả, ngày càng đi vào cuộc sống của đồng bào, giải pháp hỗ trợ đồng bào có đất sản xuất để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa quyết định thành công. Do vậy, cần triển khai thực hiện ngay đề án hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo giai đoạn 2008 - 2010, theo Quyết định số 74/2008/QĐ của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án này, 24.299 hộ Khmer nghèo với 106.429 người trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền trên 370,4 tỉ đồng.

Ba là, tổ chức đồng bộ các giải pháp kinh tế, với việc lồng ghép các chương trình "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết của các cấp ủy. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, công khai các chính sách đầu tư của Nhà nước, các khoản đóng góp của đồng bào. Xây dựng xã hội nông thôn vùng đồng bào ổn định về chính trị, thực hiện nghiêm pháp luật và các quy ước của cộng đồng; tăng cường phát huy dân chủ; củng cố tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp đỡ nhau; giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bốn là, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong vùng đồng bào dân tộc Khmer chỉ thành công khi có sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện của chính đồng bào Khmer. Do vậy, cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động, tích cực, của đồng bào Khmer trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; kết hợp giữa nội lực của đồng bào với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ngành, địa phương, các cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi cuộc vận động./.