“Ngũ họa”, “Tứ tôn” và “Ngọn lửa” cháy lên!
TCCS - Việc nước nhà thịnh vượng hay suy vong, dân tộc hùng cường hay bạc nhược... luôn là nỗi bận tâm lớn nhất trong các việc chính sự của muôn triều đại, sự liêm sỉ của ức triệu lòng dân nước nhà. Không một thời kỳ nào, một triều đại nào, một thời khắc nào, một người Việt Nam nào, hễ có lương tri, không nghĩ về chuyện trọng đại đó, trải suốt xưa nay!
Ấy là quốc sỉ đất nước, là liêm sỉ mỗi người Việt Nam ta!
Nay, nhìn khắp trong bờ cõi nước non, nhãn tiền thấy bao sự nhiễu nhương đã bất chấp quốc gia cường nhược, đau lòng thấy lắm người vô liêm sỉ, cam tâm bỏ mặc dân tộc thịnh suy.
Kìa, trông lên, nào thì “trên có chính sách, dưới có đối sách” khiến cho đại cục đất nước như “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” làm rạn vỡ sự thống nhất chỉnh thể quốc gia; nào thì “đồ đệ đồng liêu”, “cả họ làm quan”, biến nơi họ phụ trách thành “bầu trời riêng” và họ là những “ông vua con, bà vua con” những mưu toan “anh hùng nhất khoảnh”, “rừng nào cọp ấy”, những “ông tướng, bà tướng”, cả những lũ “ruồi trên đầu hổ” tác yêu tác quái, làm muôn người, dù hiền lành nhất, cũng buộc nổi giận. Nọ trông xuống, đây thì đua nhau, mặc sức “làm quan thần tốc”, “nửa bước thành quan”, đó thì chạy vạy, luồn cúi “bố quan con bố cũng phải quan”, “chồng quan vợ cũng rắp lên quan”, dù đó chỉ là những kẻ “đổ bô”, “đuổi gà không đáng” hoặc phần đông là những hạng nhẹ thì “chữ chẳng hay, cày chẳng biết” hoặc một đống “bụt ốc, đầu rau”, “câu đương làm dấu chặt đứt ngón tay”... khiến cho nặng thêm bộ máy vốn đã cồng kềnh thân nặng, nhưng ngốn bồ thuế dân thì “như tằm ăn rỗi”, “đổ quán siêu đình”... đang làm ly tâm, những người bền lòng cố kết đổ mồ hôi, sôi giọt máu, chỉ vì quốc thái dân an.
Quả đang là mối lo “vạ trong tường vách”, đại họa “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, như người xưa từng lo ngại!
Lại nom sang phía trái, ở không ít nơi, nạn tham nhũng, nạn đạo chích tiền bạc của công nguy hơn chuột đào chân tường; nạn “đạo vị”, nói như Bác Hồ, là “ăn cắp chức vụ” hoành hành, thậm chí làm nhiễu loạn cả không ít chốn công quyền... khiến cho bao người hiền tài, không ít bậc trí giả đành “rũ áo khoanh tay” hoặc chịu thúc thủ, ngặt vì nỗi “nước xa không cứu được lửa gần”; lại ngặt nỗi “quan thì ở xa, bản nha ở gần”, “sấm sét chọn đánh vào... cột thu lôi”. Rồi, trông quẹo phía phải, những “sứ quân” xưa hiện về bằng “lợi ích nhóm” kéo kết nhau thành những “nhóm lợi ích” - nguồn cơn của những “liên minh tội phạm”, “liên minh ma quỷ” khuynh đảo nơi này, quấy phá chốn kia... đang “băm nhỏ” trăm mảnh lợi ích quốc gia, khiến cho muôn dân không ai không nổi giận, làm cho bè bạn, dù thành tâm nhất, cũng nản lòng. Bởi, “đục thì đánh chạm, chạm thì đánh khăng. Đòn đánh lý trưởng thì văng... cả làng”, vì cả sợ...
Quả đang là mối họa “tự bắn chân mình”, “buộc đá chân mình nhảy xuống giếng khơi”, thậm chí “tự thắt cổ mình”, như tiền nhân truyền báo!
Đoái trông lên, lại ngó xuống những bệnh hoạn khôn lường ấy rải rác ở khắp nơi, những hậu họa chết người ấy trú ngụ ở không ít kẻ, lại đang có chiều hướng lây lan... bỗng nhớ “ngũ họa” quốc vong mà tiền nhân tổng kết, cảnh báo, khuyên răn, như rút tự ruột gan mình: Rằng, có năm nguy cơ sẽ làm mất nước: Một là, trẻ không kính già; hai là, trò không trọng thày; ba là, binh kiêu tướng thoái; bốn là, tham nhũng tràn lan; và năm là, sỹ phu ngoảnh mặt.
Nhời tiên báo ấy của bảng nhãn Lê Quý Đôn, cách nay hơn 250 năm. Chỉ phạm vào một trong năm điều họa ấy thôi cũng đủ quốc sỉ bị tổn thương, liêm sỉ khó mà giữ trọn. Năm họa ấy hội lại, thì quốc sỉ mất, liêm sỉ cũng tan, thì đất nước tiêu vong, mà thân phận mỗi người tự do, cũng theo đó, mà mất! Lúc ấy, thử hỏi hối hận liệu có kịp không? Thật phải đáng lo xa! Nói như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Phải biết kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”, chẳng khác gì chống họa ngoại xâm.
Xem thế, lại chạnh nhớ chuyện của hơn trăm năm trước, với nhời của cụ Nguyễn Khắc Niêm, trong “Tứ tôn châm”: “Tôn tộc đại quy. Tôn lộc đại nguy. Tôn tài đại thịnh. Tôn nịnh đại suy”. Nghĩa là: Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp. Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan. Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh. Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.
Theo thiển ý, ấy là tư tưởng đau đáu, vì nước nhà tiến bộ. Nói rộng ra, “Tôn tộc đại quy” - đề cao sự đoàn kết dân tộc, mọi người phải quy về một mối quyết đặt Dân tộc, Tổ quốc, nòi giống lên trên hết. Có được điều đó thì vạn sự tất thành. “Tôn lộc đại nguy” không phải xem thường sự phát triển đất nước giàu có, vì dân giàu nước mới mạnh, mà “tôn lộc” ở đây muốn cảnh báo người làm quan nếu đặt lợi lộc của mình, mưu “lợi ích nhóm” để xâm hại lợi ích cộng đồng, phá vỡ lợi ích dân tộc, thì đó cũng là lúc nguy nan đang đến với đất nước. “Tôn tài đại thịnh” tức phải lấy “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nếu coi thường trí thức, nói như cụ bảng nhãn Lê Quý Đôn, thì “Sỹ phu ngoảnh mặt”. Nếu để họ đứng ra ngoài hành trình của đất nước, tất yếu đất nước suy vong. Nên cần thành thực trọng dụng tài năng, nói như Bác Hồ, “sao cho đối đãi với mọi người” thì việc họ toàn tâm phụng sự quốc gia, hỏi còn đáng lo gì nữa. Được thế, nhất định nước cường dân thịnh. “Tôn nịnh đại suy” - thời nào, ở đâu cũng nhan nhản người nịnh hót. Nếu chỉ thích nghe bọn xum xoe nịnh bợ, ắt biến phải thành trái, ắt biến người tốt thành người xấu... thì họa sát thân kia sẽ ở cận kề. Vì thế, phải đủ bản lĩnh, đủ trình độ, đủ độ tinh tế để nhận ra kẻ nịnh mà lánh xa, người trung để gần gũi, cộng sự.
Từ chủ động cảnh giới, ngăn chặn “ngũ họa” quốc vong tới thành tâm hành sự “tứ tôn” vì nước, phải chăng ấy là một thái độ sống, bản lĩnh hành động cần có của bất cứ ai, trong đại cuộc dọn sạch hủ bại, chấn hưng và phát triển đất nước, ngõ hầu cũng tôn vinh quốc sỉ, gìn giữ và phát huy liêm sỉ cá nhân lúc này?
Từ lâu, và đặc biệt, ngay chính lúc này đây, hôm 31-7-2017, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hạ quyết tâm, trong đại cuộc chống tham nhũng và hủ bại: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy... Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được...”.
Cái Ngọn lửa Dân chủ - Đức trị và Pháp trị phải cháy lên! Và, càng không ai cản được, khi Lòng dân đã dậy sóng, đang giữ Lửa trong lò: “Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây”. Tất cả mỗi người, hãy giữ Lửa để rửa sạch “ngũ họa”, trên nền móng Dân là gốc Nước, Nước là nước Dân!
Như thế, thiển nghĩ, chí ít việc khó hóa dễ, việc lớn hóa nhỏ, lo gì vạn sự hóa giải “ngũ họa” quốc vong kia chẳng thành!./.
PVN hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch quý I/2018  (12/03/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-3-2018)  (12/03/2018)
Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam  (11/03/2018)
Hơn 8 triệu cử tri Cuba đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội  (11/03/2018)
Trung Quốc thông qua sửa Hiến pháp, bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước  (11/03/2018)
- Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Định hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh phi truyền thống ở tỉnh Quảng Ninh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm