Hộ nghèo và huyện nghèo

Hoàng Lâm
21:48, ngày 23-02-2016
TCCSĐT - Không khí buổi tiếp xúc cử tri tại xã X “nóng lên”, khi cử tri nêu thực trạng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhiều hộ tái nghèo, đồng thời kiến nghị huyện cần thêm những giải pháp để xóa nghèo hiệu quả, bền vững.
Xóa đói giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước cần quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tập quán sản xuất của bà con. Thông qua các lớp tập huấn, các mô hình trình diễn, bà con không chỉ “mắt thấy, tai nghe”, mà còn được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm “cầm tay chỉ việc”, dần hình thành phương pháp canh tác mới. Cử tri nêu nguyện vọng.

- Đồng chí Bí thư Huyện ủy (Trưởng Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân Huyện) đứng lên, cho biết: Cùng thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo, mấy năm qua, huyện thường xuyên đẩy mạnh phong trào cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức giúp hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất, cây trồng, vật nuôi, dạy nghề, giới thiệu việc làm... Nhưng, cũng rất cần sự nỗ lực vươn lên của chính hộ nghèo.

- “Ngoài một số hộ già cả neo đơn, không có khả năng lao động, thì nhiều hộ còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chỉ muốn dùng vốn vay để phát triển sản xuất vào những mục đích tiêu dùng” - Một cử tri có ý kiến, Nhà nước cần có điều kiện ràng buộc về thời hạn thoát nghèo trước khi hỗ trợ, cho vay.

- Một bác ở hàng ghế giữa, phát biểu: Trong báo cáo chính trị của đảng bộ huyện, nhiệm kỳ này cũng như nhiệm kỳ trước, đều thấy nêu quyết tâm: huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, xác định khâu đột phá trong lĩnh vực kinh tế để tập trung lãnh đạo thực hiện. Thực tế cho thấy, huyện ta không thuộc diện 30a (huyện đặc biệt khó khăn), có nhiều tiềm năng về thổ nhưỡng, lao động, du lịch sinh thái, đội ngũ cán bộ thì ngày càng được trẻ hóa, trình độ đạt chuẩn, được bồi dưỡng, đào tạo bài bản, trình độ mọi mặt được nâng lên, Đảng bộ huyện nhiều năm trong sạch, vững mạnh. Nhưng, năm nào cũng thế, ngân sách Trung ương vẫn phải cấp bổ sung cho huyện? Thế là thế nào??? Câu hỏi này không phải chỉ mình bác ở hàng ghế giữa thắc mắc.

Không chỉ ở xã X, mà nhiều địa phương hiện nay, tỷ lệ nghèo bình quân vẫn gấp 5,5 lần so tỷ lệ bình quân của cả nước, một số huyện, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%- 60%. Trong khi tỷ lệ chi ngân sách so với GDP của cả nước đạt mức xấp xỉ 30% (đã là con số khá cao so nhiều nước trong khu vực) thì tỷ lệ này của một số nơi, nhất là địa phương nghèo, lên đến 70 - 80%, thậm chí có nơi là 100% GRDP, thường phải có trung ương bổ sung ngân sách hằng năm./.