Liệu cơm mà gắp mắm

Đức Tâm
22:41, ngày 29-12-2015
TCCSĐT - Đang ăn cơm tối thì tôi nhận được cuộc điện thoại của người bạn thân. Anh xin lỗi vì không thể tham dự chương trình giao lưu vào cuối tuần vì còn phải hoàn thiện nốt các văn bản, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi vốn xã hội hóa, xây dựng tượng đài vị anh hùng dân tộc là người của tỉnh nhà.

Chưa biết lý do, mới nghe câu được câu chăng giữa tôi và anh bạn trao đổi qua điện thoại, vợ tôi đã chêm vào: “Anh Thuận không đi, lấy ai pha trò, mất cả vui. Anh ấy bận gì vậy anh?”

- Nghe cậu ta nói là phải chuẩn bị văn bản để kêu gọi xã hội hóa việc xây tượng đài của tỉnh ấy mà.

- Lại hội chứng “đua” xây tượng đài. Mấy hôm rồi, dư luận ầm ầm vì “tượng đài bỏ hoang” ở một địa phương miền Bắc, miền Trung mà các quan nhà ta vẫn không rút kinh nghiệm. Em thấy việc tuyên truyền lịch sử, danh nhân, người có công với nước là cần thiết, nhưng không nên đặt ra mục tiêu lớn, làm bằng được và quá khả năng ngân sách, trong khi vốn dành cho nhu cầu phát triển kinh tế thì đang rất cần. Đó là một sự lãng phí không cần thiết.

- Ô hay, em buồn cười thật. Nước ta đang tiến sâu vào hội nhập kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới, ngoài những giá trị văn hóa hiện đại thì cũng cần tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống chứ.

- Mục đích ấy thì đương nhiên rồi. Nhưng anh cứ thử hình dung, một người thấp bé nhẹ cân mà khoác lên người cái áo rộng thùng thình thì liệu có sang trọng? Đấy là em chưa nói đến một xã hội còn nhiều khó khăn về kinh tế mà lại “chơi trội” về văn hóa thì khác nào “trưởng giả học làm sang”.

- Suy nghĩ của em chỉ như “cơi đựng trầu thôi”. Em không thấy là, khi tham quan, du lịch đến địa phương nào mà có công trình văn hóa đẹp, hoành tráng là mọi người thi nhau chụp ảnh để “lưu giữ khoảnh khắc kỷ niệm” và đăng trên mạng xã hội, khoe với mọi người à? Đó là cách quảng bá hữu hiệu đấy. Em cũng còn có sở thích thế nữa là!

- Anh buồn cười thật. Thôi, em không nói chuyện này với anh nữa. Anh ăn cơm đi để em còn dọn!

Từ đó đến sáng, vợ tôi chẳng nói câu nào, không khí gia đình cứ “nặng như chì”.

Sáng hôm sau đến cơ quan, tôi đem chuyện kể với anh bạn “chè thuốc” trước giờ làm việc. Nghe xong, đã không ủng hộ tôi, anh bạn còn lớn tiếng tuôn một mạch:

- Vợ cậu nói đúng đấy. Theo tớ, để tôn vinh các giá trị văn hóa; tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước,… các địa phương cần cân nhắc, tính toán xây dựng các công trình văn hóa cho hợp với khả năng thu, chi ngân sách. Không nhất thiết phải xây dựng công trình văn hóa to lớn, hoành tráng mới đạt hiệu quả. Nếu thiếu kinh phí thì duyệt quy hoạch tổng thể và xây dần, như kiểu các chiến sĩ ta đào hào vây lấn, đánh bại từng cứ điểm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các địa phương cũng không nên lạm dụng chủ trương “xã hội hóa” để huy động kinh phí, xây dựng những công trình dạng này. Bởi nếu quản lý không tốt, đưa vào khai thác không hiệu quả, để thất thoát, xuống cấp thì rất dễ bị dư luận hiểu lầm là “có vấn đề”. Những gì chúng ta nhìn thấy từ “các công trình văn hóa bỏ hoang” đăng trên báo thời gian qua ở các địa phương là minh chứng hùng hồn nhất cho “cách làm văn hóa chưa tới nơi”.

Tôi không nói gì thêm, chỉ lẳng lặng ngồi vào bàn làm việc. Tôi thầm nghĩ tới câu “liệu cơm gắp mắm” mà các cụ xưa đã dạy. Có lẽ vợ tôi đã đúng. Chiều nay, tôi cần kiếm cớ để làm lành với cô ấy cho “cơm lành, canh ngọt”./.