Cần lắm một “bảo kiếm”

Nguyễn Đức Tâm Báo Quân đội nhân dân
22:43, ngày 22-11-2013
TCCSĐT - Mới đây, Huyện ủy Thanh Chương (Nghệ An) đã ra quyết định miễn nhiệm chức Bí thư Đảng ủy xã Thanh Chi. Trước đó, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện này cũng đã quyết định cách chức Chủ tịch UBND, buộc thôi việc Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chi, vì thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, nên cán bộ dưới quyền “ăn chặn” tiền chính sách của nhân dân trong thời gian dài.

Trước đó, ngày 12-9, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố 4 bị can, trong đó có một phó chủ tịch UBND huyện và 2 cán bộ để điều tra hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thực hiện chính sách hỗ trợ trang trại chăn nuôi tập trung. 

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về tình trạng tham nhũng diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực, ngay cả tiền chính sách của dân nghèo, của trẻ em… cũng bị cán bộ biến chất “xà xẻo”. Chẳng thế mà tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11-9, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thốt lên: “Bây giờ ăn của dân không từ một cái gì”. Còn theo thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, chỉ trong 9 tháng của năm 2012, cơ quan này đã xét xử 33 vụ án với 91 bị cáo phạm các tội về tham nhũng.

Dư luận cho rằng, một số vụ tham nhũng bị đưa ra công luận chỉ là vặt vãnh, còn nhiều vụ lớn chưa bị phát hiện, xử lý. Vậy tại sao, trong khi Đảng, Nhà nước ta kiên quyết chống tham nhũng, đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2006, Luật sửa đổi một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và hàng trăm văn bản, nghị định, thông tư… nhưng tình trạng tham nhũng vẫn không suy giảm? 

Trước hết, tham nhũng là một hiện tượng xã hội, có dưới mọi chế độ. Ở nước ta, tham nhũng đã có từ lâu. Ngay từ khi mới thành lập nước, trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã chỉ ra: Tham ô, lãng phí là có tội với nhân dân, cần phải loại bỏ. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khi Nhà nước triển khai nhiều dự án, nhiều hoạt động, khi công tác quản lý của ta còn yếu thì tất yếu tạo ra những kẽ hở cho tham nhũng phát triển.

Có dư luận cho rằng, tham nhũng phát triển như hiện nay là do cơ quan pháp luật còn quá nương tay, do đạo đức xuống cấp trầm trọng; các vụ tham nhũng bị phanh phui còn ít, do cán bộ trong cơ quan công quyền “bắt tay”, “thông đồng” hưởng lợi… Nhưng, dù có phân tích dưới góc độ nào đi chăng nữa thì hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức là không thể chấp nhận được. Việc này gây mất công bằng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ. Vấn đề hiện nay là phát hiện và xử lý tham nhũng như thế nào?

Theo quy trình chống tham nhũng do Đảng ta triển khai, trong khi việc tuyên truyền, giáo dục được coi trọng thì các khâu như thanh tra, kiểm tra và xử lý lại được tiến hành chưa tới nơi. Cho nên, để quét sạch tham nhũng rất cần sự minh bạch trong công việc của cán bộ từ trên xuống dưới, nhất là trong công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ và trong quy trình thực hiện các dự án. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần chấn chỉnh lại đúng với chức năng. Khâu xử lý tham nhũng cần đúng người, đúng tội, không bao che; không theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, “đánh trống bỏ dùi”. Các cơ quan, đơn vị cần phải thường xuyên quét “rác”, bắt “sâu”, nhổ “cỏ dại”, xây dựng môi trường làm việc “sạch”, phòng ngừa tham nhũng.

Hiện nay, Đảng ta đã thành lập lại Ban Nội chính từ Trung ương tới các địa phương. Tuy nhiên, để cơ quan này hoạt động hiệu quả, thiết nghĩ Đảng, Nhà nước nên trao “bảo kiếm”, để họ độc lập hoạt động, có quyền xử lý ngay những trường hợp tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng. Chỉ có như vậy niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên mới không bị xói mòn./.