TCCSĐT - Từ ngày 8 đến 9-2-2010, tại Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị Quốc tế về Giải trừ vũ khí hạt nhân với sự tham dự của đại biểu 6 nước và 9 tổ chức phi chính phủ với mục đích là tiến tới ký kết một Hiệp ước quốc tế nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Na-ga-sa-ki là thành phố bị ném bom nguyên tử 65 năm trước đây.
 
1. Hội nghị Quốc tế về Giải trừ hạt nhân tại Na-ga-sa-ki

Từ ngày 8 đến 9-2-2010, tại Na-ga-sa-ki (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị Quốc tế về Giải trừ vũ khí hạt nhân với sự tham dự của đại biểu 6 nước và 9 tổ chức phi chính phủ với mục đích là tiến tới ký kết một Hiệp ước quốc tế nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Na-ga-sa-ki là thành phố bị ném bom nguyên tử 65 năm trước đây. Hội nghị được tổ chức 4 năm/lần này, sẽ đưa ra một Nghị quyết kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới; đồng thời cũng gửi thông điệp từ Na-ga-sa-ki tới Hội nghị Chống phổ biến vũ khí hạt nhân dự kiến sẽ diễn ra tại Niu Oóc vào tháng 5-2010.

2. Nghị viện châu Âu thông qua danh sách EC mới

Ngày 9-2-2010, với 488/137 phiếu thuận, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua danh sách Ủy ban châu Âu (EC) mới, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), do quyền Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) đệ trình. Có 72 nghị sĩ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu này. Sau khi Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ trước bị chỉ trích không hành động đủ nhanh để giải quyết những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giờ đây khôi phục kinh tế Liên minh châu Âu là mối quan tâm chính đối với ông Ba-rô-xô và các nhân vật nòng cốt trong ê kíp mới của ông. Việc thông qua danh sách Ủy ban châu Âu lẽ ra phải được tiến hành từ tháng 10-2009, khi nhiệm kỳ đầu của ông Ba-rô-xô kết thúc, song đã bị trì hoãn do những chậm trễ trong việc thông qua Hiệp ước Li-xbon và việc Nghị viện châu Âu bác bỏ đề cử của Ru-ma-ni cho chức vụ Ủy viên phụ trách vấn đề viện trợ nhân đạo.

3. Hội nghị cấp cao các nước vùng biển Ban-tích: Hành động khẩn cấp để cứu vùng biển ô nhiễm

Ngày 10-2-2010, tại Hội nghị Cấp cao các nước vùng biển Ban-tích, diễn ra ở thủ đô Hen-xin-ki (Phần Lan), các nhà lãnh đạo cấp cao 9 nước ven biển Ban-tích và hai nước có sông đổ ra biển Ban-tích là Bê-la-rút và Na Uy, cùng khoảng 350 đại biểu, đại diện cho giới kinh doanh, nghiên cứu khoa học và các tổ chức phi chính phủ đã đưa ra thông điệp “Hành động khẩn cấp để cứu vùng biển ô nhiễm”. Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các nước khẳng định, sự cần thiết hợp tác và phối hợp hành động khẩn cấp của tất cả các nước trong khu vực để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển Ban-tích hiện nay, đồng thời nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ không chỉ vì lợi ích kinh tế của các quốc gia, mà còn liên quan đến lợi ích kinh tế của toàn khu vực. Biển Ban-tích là một tuyến giao thông quan trọng đối với du lịch và thương mại, nhưng trong nhiều thập kỷ qua, vùng biển này đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa sự tồn tại của hệ thống sinh thái biển. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hoạt động khai thác hải sản bừa bãi. Trong nhiều thập kỷ gần đây, biển Ban-tích đã bị biến thành "bãi rác" với hàng chục nghìn tấn chất thải, kể cả chất thải hữu cơ và rác thải công nghiệp của các nước trong khu vực.

4. Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao

Ngày 10-2-2010, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 12-2009 tăng lên tới 40,2 tỉ USD, mức cao nhất trong năm 2009. Giới phân tích kinh tế khẳng định, mức thâm hụt này phản ánh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang phục hồi sau khủng hoảng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu dầu lửa và một số hàng hóa khác tăng cao. Nếu tính cả năm ngoái, thâm hụt thương mại của Mỹ là 380,66 tỉ USD, giảm tới 45,3% so với năm 2008. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991 và là mức thâm hụt thấp nhất trong 8 năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự đoán, thâm hụt thương mại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010 ngay cả khi các nhà sản xuất được hưởng lợi từ doanh thu bán hàng ra nước ngoài do nền kinh tế toàn cầu bắt đầu hồi phục và đồng USD yếu đi.

5. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 11-2-2010, tại Brúc-xen (Bỉ) đã diễn ra Hội nghịthượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) với chủ đề chính là vấn đề kinh tế trong đó gồm các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu, cứu trợ và tái thiết Ha-i-ti và thúc đẩy hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thỏa thuận được các đại biểu mong chờ nhất là giải cứu Hy Lạp, nước đang phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách khổng lồ lên tới 12,7% GDP, vượt xa so với giới hạn 3% của các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại không đạt được mong muốn. Tại cuộc họp, Chủ tịch EU Héc-man Van Rô-py (Herman Van Rompuy) đã không đưa ra một gói trợ giúp tài chính nào.Giới phân tích cảnh báo, Hy Lạp cóthểsẽmởmàn cho những cúsốc khác vềnợtại một sốquốc gia nữa trong khu vực nhưAi-len, BồĐào Nha và Tây Ban Nha. EU thực sự đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng được xem là nghiêm trọng nhất ở khu vực đồng ơ-rô.

6. Khí hậu Bắc Cực biến đổi nhanh hơn dự báo

Ngày 12-2-2010, từ kết quả nghiên cứu khí hậu ở Bắc Cực và Nam Cực của "Năm quốc tế các cực Trái đất", Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo, tình trạng biến đổi khí hậu ở Bắc Cực diễn ra nhanh hơn mọi dự báo bi quan nhất của các nhà khoa học. Kết quả nghiên cứu do 370 nhà khoa học của 27 nước thực hiện trong 15 tháng trên vành đai Bắc Cực cho thấy, Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp 2 lần so với các nơi khác trên hành tinh. Trước đây, dự báo bi quan nhất là Bắc Cực sẽ không còn băng vào năm 2100. Song với tốc độ tan băng hiện nay, thời điểm Bắc Cực không còn băng sẽ trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2030. Không còn băng đồng nghĩa với việc các động vật có vú ở Bắc Cực không còn nơi sinh sản, tìm kiếm thức ăn và tránh dã thú. Các loài cá voi trước đây không sống ở Bắc Cực nay đang tiến đến khu vực này. Biến đổi khí hậu cũng đưa nhiều cơn xoáy lốc đến Bắc Cực làm tan vỡ các tảng băng. Bắc Cực được coi là địa bàn cảnh báo sớm về tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới. Các nhà khoa học ước tính tổn thất kinh tế cho nhân loại do tan băng nhanh ở Bắc Cực sẽ lên tới 2.400 tỉ USD vào năm 2050, do Bắc Cực không còn băng sẽ mất khả năng làm lạnh khí hậu Trái Đất./.