“Loạn”…họp

Mạnh Thắng
11:04, ngày 07-05-2013
TCCS - Tôi cần sang sở B gấp để hợp đồng giải quyết một số công việc thời gian tới, vào phòng làm việc đã thấy anh bạn đồng nghiệp ngồi kỳ cạch gõ máy tính. Tôi nói oang oang, có ý trách:

- Ô! Hôm qua, ông bảo được cử đi họp thay lãnh đạo cơ quan cơ mà, sao bây giờ còn ngồi đây?

- Trời ơi! Ông bé bé cái miệng cho tôi nhờ, tôi xin ông đấy!

- À, thì ra ông trốn họp, biết thế này tôi gọi điện trao đổi và hợp đồng với ông có tiện hơn không, chạy sang bên này mất công quá!

- Trốn là trốn thế nào, ông buồn cười thật! - Anh bạn tôi chống chế.

Thấy phòng chỉ có mỗi anh bạn, tôi lại gần và vặn vẹo: “Được cử đi dự họp mà lại không đi chẳng gọi là trốn họp là gì, vậy theo ông phải dùng từ nào cho thích hợp hơn đây?”.

- Đâu có, tôi đến dự và ngồi vào vị trí ban tổ chức quy định hẳn hoi. Vào họp được một lúc tôi mới về chứ bộ! Mà ông thông cảm cho, việc đang nhiều quá! Anh bạn gãi đầu, cười cười ra vẻ thân thiện, chờ nhận được sự cảm thông, chia sẻ…

Lại một buổi sáng ngày nghỉ gần đây, trong khi đang nhâm nhi ly cà-phê, nhân tiện bàn luận về hiện tượng họp thay và trốn họp, một anh bạn khác hiện là trưởng ban một cơ quan trong bộ chỉ huy quân sự tỉnh khẳng định, đó chỉ là chuyện vặt. Anh lấy ví dụ: Theo quy định, hằng tháng cơ quan của anh phải làm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức họp giao ban về công tác quốc phòng địa phương, lịch đã lên từ tuần trước và thông báo tới các sở, ban, ngành cẩn thận, song khi đến dự họp thấy có nhiều nhân viên, hoặc trợ lý đi thay. Sau hơn 30 phút triển khai, nhìn xung quanh vẫn thấy một số chỗ bị bỏ trống. “Nghĩ cũng bực vì công việc của mình chẳng được coi trọng”, anh bạn tôi nói chua chát, mặt buồn thiu, đôi mắt nhìn xa xăm…

Chiều đó, khi tôi vừa về đến nhà, cậu con trai út 8 tuổi đã chạy ra, ôm chân bố và thắc mắc:

- Con tìm mãi trên Google mà không thấy giải thích về nghề họp bố ạ! Bố vào tìm hộ con với?

Tôi phì cười: Làm gì có nghề họp. Con hồn nhiên kể: Hôm đó, cô giáo bộ môn hỏi một bạn cùng lớp về nghề nghiệp của bố, cậu kia vô tư trả lời rằng: “Bố cháu làm nghề họp”. Cô giáo nghe xong cũng không giải thích được. Thấy lạ tai nên cậu con trai tôi quyết tâm về nhà vào Google để tìm hiểu cho rõ hơn. Nhưng trên Google không có khái niệm này. Sau đó ít hôm tôi mới phát hiện ra bố cậu bé học cùng lớp với con trai tôi đang là phó phòng của một sở liên quan đến quản lý đất đai. Trong điều kiện tỉnh, thành phố và các địa phương đang phát triển nhiều dự án như hiện nay, việc họp nhiều là không thể tránh khỏi, vì thế nên bố cậu ta nói đùa là làm nghề họp. Cậu con trai không hiểu nên cứ vô tư khai với cô giáo đúng như vậy.

Thực tế, nhiều năm nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhất là vào các dịp đầu năm và cuối năm. Nào là giao ban tuần, tháng; họp phối hợp công tác, hội thảo khoa học, khởi công, khánh thành, kỷ niệm truyền thống; họp tổ chức đảng, đoàn, hội phụ nữ, công đoàn; họp phối hợp công tác tổ chức một hoạt động nào đó giữa nhiều cơ quan, đơn vị; họp đội tuyển thể thao, văn nghệ quần chúng; họp ban tổ chức… tất tần tật, việc gì cũng phải họp và hình như nếu không tổ chức họp sẽ không giải quyết được vấn đề gì thì phải?

Vẫn biết, việc tổ chức họp là chính đáng và cần thiết, có những cuộc họp thực sự có ý nghĩa, giúp giải quyết được các vấn đề nóng hổi đang diễn ra tại cơ quan, địa phương một cách nhanh chóng. Song bên cạnh đó cũng có nhiều cuộc họp chưa thiết thực, làm tốn thời gian, lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến các công việc khác. Đã có nhiều phương tiện truyền thông phê bình việc họp nhiều, song xem ra chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm chú ý cải cách, vì vậy mà hiện tượng họp nhiều vẫn cứ tồn tại dai dẳng.

Thiết nghĩ, loại thuốc đặc trị tối ưu nhất hiện nay là giảm các cuộc hội họp không cần thiết. Để làm được điều này, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục nâng cao trình độ chuyên môn; thái độ và ý thức công tác cho cán bộ, nhân viên; nâng cao năng lực phối hợp, hiệp đồng hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị trong cùng một tổ chức; khai thác có hiệu quả hơn nữa các phương tiện công nghệ thông tin hiện có. Các cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị nên chủ động và khéo lồng ghép các nội dung công việc, chỉ đạo giải quyết công việc nhanh, gọn, dứt điểm; làm đâu được đó, không để kéo dài. Nếu làm được như vậy chắc chắn sẽ không còn hệ lụy xảy ra từ… chuyện họp./.