Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với nông dân bị thu hồi đất cho phát triển các khu công nghiệp
Từ năm 1991 đến nay, cả nước có trên 260 khu công nghiệp (KCN) sử dụng đến hơn 70 ngàn ha đất ở 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu hút đến gần 70 tỷ USD vào khoảng 8.000 dự án đầu tư, sử dụng hơn 2 triệu lao động, sản phẩm xuất khẩu năm cao nhất chiếm tới 25% tổng kim ngạch cả nước,... Dự kiến đến năm 2020, các KCN sẽ chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế, sử dụng khoảng trên 85 ngàn ha đất (chiếm 0,25% diện tích đất của cả nước), đạt đến 60% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm đến trên 40% kim ngạch xuất khẩu, là trụ cột đóng góp vào GDP, nơi nâng cao chất lượng lao động, giá trị sản phẩm công nghệ cao, tăng thêm việc làm vào khu vực dịch vụ tạo hiệu ứng quan trọng thúc đẩy đô thị hóa, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tăng hiệu ích sử dụng đất, bảo vệ môi trường,... để nước ta cơ bản thành nước công nghiệp.
Nhưng thành tựu trên có sự đóng góp quan trọng của các cấp, đặc biệt là sự đồng thuận của người nông dân giao đất cho dự án, nhiều khu đô thị mới mở ra, nông dân chuyển đổi sang sản xuất công nghiệp (lao động dưới 35 tuổi) và chuyển sang làm dịch vụ, bảo đảm ASXH, đời sống được cải thiện, nhiều hộ khá giả bền vững. Đó là những kinh nghiệm quý báu ở các địa phương có nhiều KCN như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,...
Hệ số đất đô thị hóa lớn gấp nhiều lần đất KCN, do vậy có nhiều diện tích đất nông nghiệp phải chuyển đổi. Quá trình này diễn ra liên tục từ 25 năm qua với tốc độ cao, có nơi mỗi năm đến 45% diện tích đất giáp nội thành phải chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, lợi ích quá trình chuyển đổi từ hiệu ứng KCN chưa được phân bổ hợp lý, một số nhóm thu lợi quá nhiều trên chính nền đất chuyển đổi của nông dân, một bộ phận nông dân gặp khó khăn, tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài, chiếm đến trên 70% các vụ khiếu kiện.
Chính sách đất đai theo cơ chế thị trường đã đi vào cuộc sống, tuy nhiên đến nay vẫn cần tiếp tục hoàn thiện trước hết ở các KCN đã đang và sẽ thành lập, các cụm điểm công nghiệp ở các huyện, mà nhiệm vụ đầu tiên là bảo đảm ASXH để nông dân giao đất không bị giảm lợi ích so với trước, có việc làm và điều kiện sống tốt hơn. Mặt khác các KCN sớm thu hút đầu tư đã lấp đầy, đang triển khai, sẽ mở rộng phải luôn gắn kết với địa phương, tạo thêm việc làm mới, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tái đầu tư hạ tầng, bảo đảm ASXH bền vững.
Quá trình chuyển đổi đất, chuyển đổi việc làm không phải là một sớm một chiều, trao tiền đền bù là xong mà là một quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại trong đó lấy ASXH là trụ cột để phát triển bền vững. Trong quá trình chuyển đổi đó cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một số chính sách trực tiếp tác động đến sự ổn định đời sống của người nông dân thuộc diện phải giao đất như chính sách đền bù đất đai, chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng nông thôn mới với sự đồng thuận cao độ của bộ ba: Chính quyền - nông dân - doanh nghiệp.
Đề xuất hoàn thiện chính sách ASXH: Nguyên tắc chung là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; các chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân cần nắm vững các quy định pháp luật, thống nhất cách hiểu và khuyến khích đề xuất các giải pháp tích cực nhất theo hướng có lợi cho người dân và đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, dự án việc làm cho người giao đất, các dự án phát triển hạ tầng phục vụ trực tiếp cộng đồng dân cư khu vực xung quanh KCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Do vậy, công việc của chính quyền, doanh nghiệp phải dựa vào dân để đạt được những thỏa thuận cho tuyệt đại đa số nhân dân, giải quyết thấu đáo đúng luật đối với những vướng mắc của thiểu số theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; niêm yết các chế độ, chính sách đến từng người dân.
1. Chính sách bồi thường đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng
Thực hiện Quy chế dân chủ theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH 11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày18-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng và Thông tư liên tịch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bộ Tài chính số 04/2006/TTLT-KH&ĐT-UBTƯMTTQVN-TC ngày 04-12-2006 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg, trong đó chú ý quy định niêm yết công khai trong suốt quá trình thực hiện dự án liên quan đến người dân.
Dự án KCN là dự án kinh doanh vì lợi nhuận, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công nghiệp, không thể quay lại làm đất canh tác. Bản chất là chuyển đổi sang kỳ vọng sinh lợi do đầu tư công nghiệp, do vậy không dùng thuật ngữ “thu hồi đất” như là vi phạm luật bắt buộc cưỡng chế, mà sử dụng từ “trưng mua quyền sử dụng đất” và “giao đất” có đền bù như đề xuất của một số đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII tháng 11-2012.
Giá trưng mua quyền sử dụng đất: Trên cơ sở khung giá quy định của Chính phủ, cần lưu ý khi xây dựng mức giá gồm: Thu nhập của dân trên một đơn vị diện tích bình quân 5 năm trước, cộng với giá trị tài sản còn lại và hoa màu, vật nuôi trên đất. Giá đất sau chuyển đổi có mức cao hơn giá đền bù do yếu tố đầu tư, đô thị hóa, yếu tố lịch sử và lợi thế địa lý của địa phương, mức chênh lệch này do sự đóng góp của nhiều thế hệ mà không phải của riêng nhà đầu tư hay của mỗi người dân. Mức giá trưng mua có thể hình thành khi so sánh với các vị trí tương tự ở các địa phương cùng khu vực, sử dụng các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp đánh giá để tiến đến giá thị trường. Tuy nhiên, người dân không được nhận toàn bộ giá sau chuyển đổi đó mà phần chênh lệch phải công khai, trong đó có lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích cộng đồng thông qua việc hình thành quỹ hỗ trợ của địa phương sau khi giao đất.
Mức hỗ trợ chuyển nghề cần phải dựa vào những căn cứ chủ yếu sau: Số lao động mất việc làm tính trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp phải giao đất (khoảng 12 lao động/ha); chi phí thực tế hợp lý để tạo một chỗ làm việc mới trong các ngành phi nông nghiệp có tính đến số lao động tuổi cao (trên 35 tuổi), không nghề nghiệp, văn hoá thấp chiếm trên 60% số lao động nông nghiệp phải chuyển đổi nghề.
Về phương thức chi trả tiền đền bù: Để hạn chế việc chi tiêu không hiệu quả của các hộ sau khi nhận tiền đền bù, đề xuất cơ cấu và cách thức tri trả như sau: Lần đầu là 50% tổng giá trị, trong đó cho người dân được mua cổ phần nếu công ty đầu tư hạ tầng KCN là công ty cổ phần hoặc công ty cổ phần thuê đất khu công nghiệp cần ưu tiên tạo việc làm và bán cổ phần cho nông dân địa phương, đây là nguồn vốn quan trọng cần được bảo tồn thông qua đầu tư. Người dân cần liên kết đầu tư vào đất dịch vụ để lại (khoảng 5-10% đất dự án và không quá 100 m2/hộ ở vị trí phù hợp) được cấp chứng nhận quyền sử dụng theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ, để tạo nguồn thu ổn định như làm nhà cho thuê, cho thuê lại hoặc trực tiếp kinh doanh; số tiền còn lại là 50% và tiền hỗ trợ học nghề giữ lại ở ngân hàng đứng tên chủ hộ theo nguyên tắc đấu thầu lãi suất để chọn ngân hàng có lãi suất cao nhất. Việc chi trả theo mục đích, trong đó có khoản cố định gửi có thời hạn dài để nuôi dưỡng gia đình có người già, trẻ em, người không có khả năng lao động bằng lãi suất định kỳ, để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, bổ sung vào tiêu dùng tối thiểu.
Đây là những vấn đề người dân giao đất nhận tiền cần thảo luận để có cách sử dụng tiền đền bù tốt nhất, không quá vội chia tiền cho người trong hộ và tiêu dùng quá mức.
2. Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho nông dân
Xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm ngay từ khi duyệt quy hoạch, ra quyết định đầu tư các KCN. Khi xây dựng kế hoạch phải tham khảo ý kiến của các hộ nông dân. Các cấp chính quyền phải trực tiếp xây dựng kế hoạch và thông qua hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt. Trong kế hoạch được duyệt phải thể hiện đầy đủ các giải pháp và tiến độ thực hiện, chú ý lấy cam kết của nhà đầu tư, cam kết của hộ dân.
Phải thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm theo Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18-4-2003 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2892-VPCP/NN ngày 28-5-2007 về việc “Xử lý các vấn đề liên quan đến xây dựng các khu công nghiệp, đô thị nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo”. Trong trường hợp cần thiết ở những nơi giao nhiều đất nông nghiệp, cho phép cấp huyện thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Nguồn quỹ đào tạo nghề được hình thành từ những dự án theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, kết nối với nguồn vốn của doanh nghiệp sử dụng lao động, học phí người được đào tạo và các nguồn vốn quốc gia về giải quyết việc làm.
Hỗ trợ tạo nghề và tìm việc làm đối với lao động trên 35 tuổi: Sớm giao đất dịch vụ và xây dựng hạ tầng giao thông, điện nước khu dịch vụ để số lao động này có điều kiện chuyển nghề mới; hỗ trợ 100% kinh phí học nghề theo sự lựa chọn của cá nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận nghề. Cho vay vốn để phát triển ngành nghề mới với lãi suất ưu đãi thông qua nguồn quỹ quốc gia và địa phương về việc làm. Chính quyền địa phương phải tìm kiếm, khai thác để nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tại các nơi phải giao đất; ưu tiên tuyển dụng vào các doanh nghiệp KCN để thực hiện vệ sinh môi trường, bảo vệ nhà máy, làm nhà ăn công nghiệp, gia công một số chi tiết sản phẩm tại gia, cung cấp nguyên liệu đầu vào như nông sản sơ chế,...
Với lao động dưới 35 tuổi phải sớm được đào tạo nghề mới có địa chỉ, chính quyền địa phương làm việc với các doanh nghiệp, ký cam kết tuyển dụng để doanh nghiệp đào tạo trước khi hoạt động. Tổ chức dạy nghề thông qua các cơ sở dạy nghề hoặc tự tổ chức lớp và mời giáo viên hướng dẫn, toàn bộ kinh phí đào tạo được nhà nước hỗ trợ; hỗ trợ phí khám sức khoẻ, phí làm hộ chiếu, học phí đào tạo nghề và giáo dục định hướng, tổng 3 khoản hỗ trợ tối đa là 3 triệu đồng/lao động cho số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3. Chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế cho nông dân
Đối với các hộ đã giao trên 70% đất nông nghiệp, Nhà nước cần nghiên cứu bổ sung chế độ BHXH tự nguyện cho số lao động tuổi từ 35 - 50, vì số lao động này ít cơ hội tìm việc làm mới ổn định, đề xuất:
Tham gia BHXH tự nguyện theo Khoản 4 Điều 2 Nghị định 190/2007/NĐ-CP ngày 28-12-2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm tự nguyện. Người lao động tự tạo việc làm đều tham gia đóng với thời hạn 6 tháng một lần, riêng lao động từ 50 tuổi trở lên cho đóng theo phương thức đặc thù từ 5 - 7 lần đủ hưởng lương hưu trí khi hết tuổi lao động, Nhà nước hỗ trợ 20% mức đóng trong 5 năm đầu. Nguyên tắc đóng bảo hiểm là tự nguyện nhưng người lao động cần được cơ quan bảo hiểm tư vấn, vận động đóng, số tiền được đền bù và thu nhập từ việc làm mới cần được tách ra để đóng bảo hiểm. Đây là phương thức gắn kết nông dân với cộng đồng, bảo đảm ASXH khá bền vững.
Chính sách bảo hiểm y tế tự nguyện cho nông dân: Xét thực trạng đời sống người nông dân vùng giao đất nông nghiệp, căn cứ vào Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/BHYT ngày 14-11-2008, đề xuất: Người thuộc hộ gia đình có diện tích đất phải giao đất từ 50% đất nông nghiệp trở lên coi như hộ cận nghèo được hỗ trợ mức đóng trong 5 năm kể từ khi giao đất, theo tỷ lệ: Nhà nước 70%, doanh nghiệp nhận đất: 15% và người lao động đóng 15%.
4. Chính sách trợ giúp xã hội cho nông dân
Đối tượng các hộ nông dân giao đất, họ vĩnh viễn không còn đất là tư liệu sản xuất hằng ngày cần được trợ giúp lương thực quy ra tiền: Hỗ trợ 0,2 kg thóc/m2 đất đã giao mỗi năm (72 kg thóc/sào) trong thời gian 2 năm; trợ cấp thường xuyên đối với người tuổi từ 70 - 74 tuổi mỗi tháng 12 kg gạo, quy ra tiền theo thời điểm, mỗi quý cấp một lần. Đối với hộ phải giao từ 50% diện tích đất nông nghiệp trở lên cần miễn học phí cho người đi học hệ phổ thông. Chính quyền địa phương, các đoàn thể thường xuyên rà soát tình hình đời sống của các hộ dân sau khi giao đất, xác định những hộ đặc biệt khó khăn để trợ cấp đột xuất.
5. Chính sách hộ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn
Chính quyền đề xuất, lấy ý kiến người dân về việc xây dựng, duy tu, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới bao gồm: đường giao thông, điện; hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, làng; trường học phổ thông; hệ thống kênh mương tưới tiêu cho nông nghiệp; chợ; công trình văn hóa, cảnh quan phúc lợi cộng đồng;... sắp xếp thứ tự ưu tiên và đề xuất mức hỗ trợ của Trung ương bên nguồn đóng góp của ngân sách địa phương và người dân, cụ thể:
- Hệ thống nước sạch: hỗ trợ 100%, trong đó Trung ương 40%, địa phương 60%;
- Bãi chôn rác thải và thiết bị vận chuyển thu gom, tỉnh hỗ trợ thêm 20% giá trị công trình so với các xã không phải giao đất;
- Đường giao thông liên thôn và trong từng thôn: 80%, trong đó ngân sách tỉnh 50%, doanh nghiệp 30%;
- Kênh mương tưới tiêu nội đồng, nhà văn hoá thôn, trạm y tế, trường học các cấp, trụ sở xã được hỗ trợ theo dự án cụ thể mức tối đa là 50%.
- Xây dựng chợ nông thôn (cấp xã) để thu hút lao động nông nghiệp tuổi cao; hỗ trợ 100% giá trị dự án được duyệt các hạng mục cổng, tường rào, san nền đường nội bộ khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước, trong đó ngân sách địa phương 70%, doanh nghiệp 30%. Trên cơ sở các công trình thiết yếu nêu trên mà địa phương chưa có, chính quyền phải lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn, sớm xây dựng để người dân giao đất thụ hưởng. Trong quá trình xây dựng, cần ưu tiên việc làm cho lao động địa phương và chịu sự giám sát cộng đồng.
6. Tuyên truyền vận động
Đồng thuận liên tục bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, doanh nghiệp và người nông dân giao đất.
Phải coi trọng việc ổn định đời sống người nông dân ở tầm quan trọng như thu hút đầu tư vào KCN, xác định đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp chính quyền đóng vai trò nòng cốt, các doanh nghiệp nhận đất có trách nhiệm quan trọng.
Ngay từ khi lập dự án cần dự liệu các chi phí của các bên một cách chi tiết, có thể sớm đưa cho người dân thảo luận, đóng góp thông qua các đoàn thể để tạo ra đồng thuận trước khi ký các quyết định hành chính về đất đai theo tinh thần của Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng các KCN.
Các doanh nghiệp đầu tư vào KCN cần nhận thức sâu sắc việc các hộ dân đã chấp nhận khó khăn để giao đất cho doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp phải suy nghĩ để tác động trở lại giúp họ. Phải coi đây là trách nhiệm của mình, thường xuyên liên hệ với địa phương và người dân, thực hiện đúng các cam kết.
Người nông dân trực tiếp giao đất cần có tinh thần hợp tác phát triển bền vững, trước hết cần đóng góp ý kiến xây dựng, tìm hiểu luật pháp, thực hiện cam kết dân sự, sử dụng tiền đền bù có hiệu quả, nhận thức chuyển đổi nghề cho thế hệ trẻ, không gây áp lực bằng các hình thức khiếu kiện đông người. Chính quyền địa phương cần tổ chức thông tin tuyên truyền qua các đoàn thể quần chúng trong đó Mặt trận Tổ quốc là nòng cốt, sử dụng các công cụ truyền thông thông báo công khai, giải đáp vướng mắc đến từng người dân.
Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cần rà soát hệ thống văn bản pháp quy, công khai cho dân cả những công văn chỉ đạo của các cấp có liên quan (trừ văn bản mật); giải quyết dứt điểm những sai phạm về đất đai, kiến nghị bổ sung chính sách mới. Trên cơ sở Luật Đất đai, chính quyền địa phương áp dụng theo nguyên tắc tạo sinh kế cho người dân, lấy dự án đúng tiến độ làm hiệu quả lâu dài. Doanh nghiệp KCN chỉ tồn tại và phát triển bền vững cùng nhân dân và chính quyền khi chính sách ASXH được đổi mới./.
Chủ tịch nước chúc Tết bộ đội thông tin và đặc công  (05/02/2013)
Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công cán bộ  (05/02/2013)
Chủ tịch nước thăm, làm việc ở vùng hoa Tây Tựu  (05/02/2013)
Thành phố Hồ Chí Minh họp mặt kiều bào mừng Xuân Quý Tỵ  (05/02/2013)
Thủ tướng dự hỏa táng Thái Thượng hoàng Campuchia  (05/02/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay