TCCS - Tân Hiệp là một trong những huyện trọng điểm nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, với 30.101 hộ, trong đó có 87% số hộ sản xuất nông nghiệp; diện tích trồng lúa hai vụ là 36.186 ha. Điều kiện địa hình, sinh thái, thổ nhưỡng phù hợp với việc bố trí, phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, kinh tế nông nghiệp và nông thôn của huyện có bước chuyển biến nhanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt trên 14% (tỷ trọng nông nghiệp chiếm 27,2%); GDP bình quân đầu người gần 1.300 USD; tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5,59%, không còn hộ đói, thiếu ăn giáp hạt. Toàn bộ diện tích gieo sạ chủ yếu tập trung cho 2 vụ đông xuân và hè thu. Năng suất lúa bình quân trên 14 tấn/ha/năm. Kinh tế hộ đa canh tổng hợp phát triển khá với tổng số trên 4.000 hộ, trong đó có trên 800 hộ đạt tiêu chí trang trại, thu nhập bình quân từ 80 triệu đến 150 triệu đồng/ha/năm.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống an sinh xã hội

Trong chỉ đạo, Đảng bộ luôn chú ý đến xây dựng kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội. Từ nhiều nguồn vốn, trong 3 năm gần đây, huyện đã đầu tư trên 1.000 tỉ đồng vào thủy lợi, đường giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, thông tin liên lạc, chỉnh trang các cụm dân cư... Đường giao thông thủy, bộ thông suốt hai mùa mưa nắng, trên 80% số ấp có đường bê-tông; trên 96% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia; thông tin liên lạc liên tục phát triển, đạt bình quân 20 máy điện thoại/100 dân. Xây dựng trên 400 phòng học kiên cố; 60% số nhà ở kiên cố, 20% bán kiên cố; trên 93% số hộ được sử dụng nước sạch qua lắng lọc... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân tham gia tích cực và ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng.

Là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, do đó trong 3 năm qua, đã dồn sức đầu tư ổn định sản xuất và từng bước phát triển vững chắc. Năng suất lúa năm 2009 đã đạt trên 14 tấn/ha. Việc đưa giống lúa mới vào đồng ruộng được bà con nông dân tham gia với ý thức tự giác cao và có hiệu quả. Theo đánh giá của các nhà khoa học, Tân Hiệp có khả năng và điều kiện tổ chức sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng, xây dựng mạng lưới sản xuất giống lúa cấp xác nhận phục vụ vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thường xuyên được chú trọng, với tiêu chí mỗi nông dân là một kỹ thuật viên. Công tác thủy lợi, tạo mặt bằng đồng ruộng được xem như là một khâu kỹ thuật bắt buộc, 3 năm qua, cả Nhà nước và nông dân cùng đầu tư trên 35 tỉ đồng để đào mới và nạo vét các kênh mương, đầu tư xây dựng kiên cố hóa cống, máng bơm. Công nghiệp hóa nông nghiệp đang từng bước phát triển đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, 100% diện tích canh tác hiện nay được cơ giới hóa khâu làm đất, 85% được bơm tưới bằng điện hoặc động cơ, 65% diện tích thu hoạch bằng máy gặt liên hợp...

Đổi mới và phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Xác định kinh tế hợp tác là nền tảng và điều kiện vững chắc cho việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, gắn với tiêu thụ hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Đến năm 2009, cả huyện có 49 hợp tác xã nông nghiệp (trong đó có 8 hợp tác xã quy mô khu vực), quản lý 80% diện tích sản xuất và thu hút 70% số hộ sản xuất nông nghiệp. So sánh về hiệu quả sản xuất thì hợp tác xã nông nghiệp tỏ rõ sự ưu việt hơn. Thực tế cho thấy, khu vực hợp tác xã nông nghiệp năng suất lúa ổn định từ 13,5 đến 14,5 tấn/năm, lãi sản xuất hằng năm từ 50% - 60%, (nơi không có hợp tác xã nông nghiệp đạt từ 30% -35%), do tiết giảm được chi phí sản xuất, đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ nên giá trị đạt 50 - 60 triệu/ha/năm trở lên, (nơi không có hợp tác xã nông nghiệp chỉ đạt 40 - 45 triệu). Đời sống của hộ xã viên được nâng lên, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo trong hợp tác xã nông nghiệp chỉ chiếm 4,18%, thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn được cộng đồng xã viên đồng tình hưởng ứng tham gia tích cực và có hiệu quả. Xét cho cùng, muốn công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn không thể sản xuất nhỏ lẻ manh mún, tùy tiện, mạnh ai nấy làm. Phải tính đến sản xuất lớn, sản xuất lúa hàng hóa, lúa có thương hiệu và luôn đặt câu hỏi và phải trả lời: lúa làm ra, bán ở đâu? Trả lời câu hỏi này, chỉ có con đường hợp tác làm ăn, mà hợp tác xã nông nghiệp là mô hình cần phải được nhận thức đúng và nhân rộng.

Để sản xuất nông nghiệp đi vào căn cơ, huyện đã thiết lập mối quan hệ với các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp. Đã ký kết hợp tác khoa học, làm vệ tinh lâu dài với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học - kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học An Giang giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2030. GS, TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học - kỹ thuật Việt Nam; GS, TS Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Võ Tòng Xuân, đã hỗ trợ cho huyện thực hiện chương trình công nghệ thông tin Learn-it (thư điện tử về cây trồng, vật nuôi qua mạng In-tơ-nét) trên toàn địa bàn; tổ chức trình diễn, khảo nghiệm và nhân rộng chương trình gạo cao cấp với các doanh nghiệp nước ngoài...

Với những kết quả đạt được, huyện Tân Hiệp đã dẫn đầu tỉnh Kiên Giang về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, phát triển các dịch vụ phục vụ nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, điện khí hóa và đặc biệt là quan tâm nâng cao trình độ nguồn nhân lực để tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp.

Qua thực tiễn, chỉ đạo phát triển nông nghiệp và nông thôn, bước đầu Tân Hiệp rút ra một số kinh nghiệm:

Một là, phải nhận thức rõ vấn đề và tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thực tiễn của cả hệ thống chính trị. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp và vai trò nòng cốt của các đoàn thể chính trị - xã hội. Đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải sâu sát và thật sự gương mẫu đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, qua đó, vận động, thuyết phục, tạo được sự đồng thuận của nhân dân.

Hai là, lãnh đạo chặt chẽ việc quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch nhằm phát huy hết các lợi thế của điều kiện tự nhiên, xã hội, xác định đúng mô hình phù hợp, bố trí đúng cây trồng, vật nuôi, có bước đi thích hợp, kiên trì trong vận động thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lạc hậu, thay đổi bộ giống có chất lượng cao gắn với quy trình sản xuất nông nghiệp sạch để tạo ra được sản phẩm chủ lực có tính ổn định và hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư cơ giới hóa các khâu trong quy trình sản xuất, bố trí phù hợp các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, toàn diện.

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã nông nghiệp, gắn tổ chức sản xuất, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật với tiêu thụ sản phẩm và yêu cầu thị trường. Xây dựng mô hình về hiệu quả sản xuất nông nghiệp để động viên khích lệ và nhân rộng.

Bốn là, thiết lập mối quan hệ hợp tác khoa học với các viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp, với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho cán bộ và nông dân tiếp cận và ứng dụng nhanh, có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiệm vụ và giải pháp những năm tiếp theo

Trước mắt, trong những năm tới, Tân Hiệp tổ chức thực hiện tốt mấy vấn đề sau:

1 - Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn. Giữ ổn định diện tích đất trồng lúa, bố trí cây trồng, giống và mùa vụ canh tác luân canh, xen canh hợp lý trên đất trồng lúa, phù hợp với điều kiện của từng vùng để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác và các hợp tác xã hiện có, phấn đấu đến năm 2010 xây dựng mới 13 hợp tác xã, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hợp tác xã mở rộng liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt động. Quy hoạch và thực hiện 30.000 ha lúa chất lượng cao đồng chủng loại, gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm có lợi thế. Tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tốc độ phát triển công nghiệp - xây dựng và dịch vụ - thương mại; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; sớm hoàn thành khu đô thị mới của huyện, nâng chất lượng hoạt động các chợ hiện có, đồng thời với phát triển các chợ xã với nhiều hình thức đầu tư. Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, nhất là đầu tư đổi mới công nghệ chế biến gạo xuất khẩu.

2 - Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn. Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch phát triển nông, thủy sản, cụm công nghiệp, quy hoạch bố trí dân cư và các cụm tuyến dân cư. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án kiên cố hóa cống, máng bơm. Kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy nước, đến năm 2015 có 98% số hộ sử dụng nước sạch. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, đến năm 2015 nhựa hóa 100% số tuyến đường về trung tâm xã và bê-tông hóa đường liên xã, liên ấp; gắn phát triển giao thông nông thôn với thủy lợi và bố trí dân cư. Xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu sử dụng điện 3 pha phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản... Tiếp tục củng cố phát triển trại thực hành nông nghiệp, trung tâm dạy nghề, mạng lưới khuyến nông, khuyến công, đẩy nhanh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, nâng cao hiệu quả khả năng phòng chống dịch bệnh, bảo vệ tốt cây trồng vật nuôi...

3 - Đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có kế hoạch khảo sát nắm chắc nhu cầu về lực lượng lao động trên địa bàn từ nay đến năm 2010 - 2015. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với yêu cầu sản xuất, đáp ứng nguồn nhân lực cho việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường mở rộng quan hệ với các viện, Trường Đại học Cần Thơ, An Giang trên lĩnh vực đào tạo và chuyển giao ứng dụng, nhất là tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Không ngừng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ dân trí và kiến thức khoa học - kỹ thuật cho người lao động với những hình thức thích hợp, phấn đấu đến năm 2015 có 22% số lao động qua đào tạo nghề, 100% số xã có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch là kỹ sư nông nghiệp.

4 - Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Tiếp tục triển khai chương trình giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,5%; thực hiện tốt chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập cải thiện đời sống. Tập trung giải quyết việc làm qua các chính sách hỗ trợ dạy nghề, phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Tuyên truyền vận động thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, từng bước kiểm soát dân số nông thôn, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống còn dưới 8% vào năm 2010. Đẩy mạnh các phong trào văn nghệ quần chúng, phát triển mạnh mẽ phong trào nhân dân tham gia thể dục rèn luyện thân thể. Nâng lên chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở để mỗi người dân tham gia tích cực hơn vào đời sống chính trị - xã hội ở nông thôn./.