Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại lao động

NGUYỄN THẾ MẠNH
Bí thư Ban cán sự Đảng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam
12:05, ngày 29-12-2021

TCCS - Chính sách bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quan trọng để quản trị thị trường lao động, góp phần xây dựng thị trường lao động chất lượng cao, có tính cạnh tranh và vận hành minh bạch, hiệu quả. Ở nước ta hiện nay, để thực hiện tốt vai trò này, cần đặt chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong chương trình tổng thể chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, tiền lương…, qua đó thực hiện chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng một xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung kiểm tra, nắm tình hình lao động, việc làm và việc triển khai phòng, chống dịch COVID-19 tại Công Ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam_Ảnh: TTXVN

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp - thành quả của công cuộc đổi mới

Sau năm 1986, nước ta chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ đầu, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành nhiều chính sách khi sắp xếp lại tổ chức, lao động theo nguyên tắc bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy năng lực, hiệu suất lao động của từng người. Theo đó, những người tự nguyện xin nghỉ việc sẽ được trợ cấp một lần theo nguyên tắc “cứ mỗi năm công tác trong cơ quan nhà nước được hưởng bằng một tháng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có)”. Các trường hợp lao động dôi dư không tự nguyện xin nghỉ sẽ được nghỉ tạm thời tối đa 12 tháng và được hưởng 75% lương kèm phụ cấp và trợ cấp khác để tìm kiếm việc làm.

Ngày 9-10-1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 176/HĐBT, “Về sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh” nhằm giải quyết cho hàng chục vạn người lao động dư thừa trong khu vực nhà nước với nhiều chế độ, chính sách được áp dụng, như chế độ trợ cấp thôi việc và chế độ trợ cấp tạm ngừng việc... Ngày 23-6-1994, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa IX, Bộ luật Lao động đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-1995, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong điều chỉnh các quan hệ lao động ở nước ta. Tại các lần sửa đổi, bổ sung vào những năm 2002, 2006, 2007, Bộ luật đã có những quy định để giải quyết chế độ, hỗ trợ cho những người đang làm việc trong các thành phần kinh tế bị mất việc làm, bị thôi việc. Cụ thể: Trợ cấp mất việc làm khi người lao động làm việc đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ,... với mức trợ cấp cứ mỗi năm làm việc được trả một tháng lương (tối thiểu 3 tháng) do doanh nghiệp tự chi trả; trợ cấp thôi việc áp dụng đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ 1 năm trở lên bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người lao động chủ động chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp. Mức trợ cấp thôi việc cho người lao động căn cứ vào mức đóng góp của người lao động cho tổ chức, doanh nghiệp và phụ thuộc vào hai yếu tố: Thời gian làm việc thực tế và mức lương của người lao động. Với mỗi năm làm việc, người lao động được hưởng mức trợ cấp là nửa tháng lương và phụ cấp (nếu có). Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp, tổ chức tự chi trả... Để thực hiện chi trả chế độ chính sách đối với lao động dôi dư thì Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư được hình thành trên cơ sở ngân sách nhà nước, nguồn viện trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn khác.

Thất nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và được thể chế hóa bằng các chính sách phù hợp với từng giai đoạn. Điều 140, Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) lần đầu tiên quy định nội dung về bảo hiểm thất nghiệp. Trước yêu cầu cấp thiết cần phải có chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển ngày càng năng động và linh hoạt, ngày 29-6-2006, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2009. Theo đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động; hỗ trợ của Nhà nước từ ngân sách Trung ương; từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác. Sau hơn 4 năm thực hiện, ngày 16-11-2013, Quốc hội đã thông qua Luật Việc làm, trong đó đã nhập các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội để sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sử dụng vào các mục đích chi trả trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp; đầu tư để bảo toàn, tăng trưởng quỹ; chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ quan trọng đối với người lao động và doanh nghiệp, mà còn đóng vai trò giúp ổn định kinh tế - xã hội, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách an sinh xã hội của mỗi quốc gia và quản trị thị trường lao động.

Lao động làm thủ tục đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Về phát triển đối tượng tham gia, mở rộng diện bao phủ của chính sách

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã tăng nhanh từ 5,99 triệu người năm 2009 lên trên 13,32 triệu người vào năm 2020, tăng hơn 2 lần so với năm 2009 là năm đầu chính sách được triển khai (chiếm tỷ lệ khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi). Điều này cho thấy, người lao động và doanh nghiệp đã nhận thấy tầm quan trọng và vai trò “điểm tựa” của bảo hiểm thất nghiệp để tích cực tham gia.

Về chi trả trợ cấp thất nghiệp

Trợ cấp thất nghiệp được chi trả cho những người lao động bị mất việc làm tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên với mức hưởng bằng 60% mức bình quân tiền lương của 6 tháng cuối và thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Cũng trong năm 2020, số người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước vào khoảng 1,12 triệu người, tăng khoảng 32% so với năm 2019. Số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 đã lên tới 17.898 tỷ đồng, tăng trên 49% so với năm 2019. Trong năm 2020, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 dẫn tới việc nhiều người lao động mất việc làm, mất thu nhập. Do đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp càng khẳng định rõ hơn vai trò của mình trong việc bảo đảm ổn định một phần thu nhập của một bộ phận người lao động và gia đình của họ trong dịch bệnh, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Số tiền chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số tiền chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hằng năm (trên 90%). Do đó, số người được trợ cấp thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp hằng năm cũng tăng lên. Năm 2015, tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp là 4.882,9 tỷ đồng (tăng 1,3% so với năm 2014), năm 2016 là 5.113 tỷ đồng (tăng 4,7% so với năm 2015), năm 2017 là 7.935,831 tỷ đồng (tăng 55,2% so với năm 2016), năm 2018 là 10.101 tỷ đồng.

Về tư vấn, giới thiệu việc làm

Bên cạnh việc được nhận trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí phù hợp với trình độ, chuyên môn của lao động và vị trí việc làm mới. Số người được tư vấn, giới thiệu việc làm ngày càng gia tăng. Cụ thể, nếu năm 2010 có 125.562 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm thì đến năm 2015 là 463.859 lượt người (tăng 3,6 lần so với năm 2010); năm 2018 là 1.390.429 lượt người (tăng hơn 10 lần so với năm 2010); năm 2020 là 2.209.048 lượt người (tăng 32,8% so với năm 2019).

Về hỗ trợ học nghề

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề thông qua các cơ sở dạy nghề, mà không nhận hỗ trợ tiền trực tiếp nhằm bảo đảm cho chính sách này đi vào thực chất và để người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ học nghề được quy định bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo pháp luật về dạy nghề. Trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn thì phần vượt quá do người lao động chi trả thêm. Thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo nghề của từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng và chi phí hỗ trợ học nghề được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả. Từ ngày 15-5-2021, mức chi hỗ trợ học nghề được điều chỉnh tăng từ 1 triệu đồng/tháng lên 1,5 triệu đồng/tháng theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg, ngày 31-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ. Việc nâng mức hỗ trợ là rất cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Số người được hỗ trợ học nghề gia tăng trong thời gian qua. Nếu năm 2010 mới có 270 người được hỗ trợ học nghề thì đến năm 2015 đã có 24.363 người được hỗ trợ học nghề và đến hết năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề đã hơn 41.973 người với tổng số tiền chi hỗ trợ trên 148 tỷ đồng. Tuy số người được hỗ trợ học nghề có tăng qua các năm nhưng mới chiếm khoảng 4,18% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo báo cáo của các địa phương, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ giới thiệu học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ sau khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành. Song, nếu so sánh với tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp thì số lượng người học nghề chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do đa số lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn, không có nguồn lực dự trữ hoặc hỗ trợ khác nên khi bị mất việc làm, người lao động chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, không mặn mà với việc học nghề. Thời gian hỗ trợ học nghề ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Mặt khác, tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề...

Về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động

Từ năm 2015, Luật Việc làm đã bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi có đủ các điều kiện, gồm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh; không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo phương án được phê duyệt là không quá 6 tháng. Việc bổ sung chính sách này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm duy trì việc làm cho người lao động, giảm tình trạng sa thải người lao động vì lý do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, hậu quả của dịch bệnh đe dọa làm đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Trong đó, nổi bật là các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, như chính sách điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian 12 tháng với tổng số tiền được giảm đóng khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với thời hạn tối đa 6 tháng với kinh phí dự kiến hơn 8 nghìn tỷ đồng; chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, với kinh phí được Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm, dự kiến khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng... Với phương châm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động trong việc thụ hưởng chính sách, thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ đơn giản, thời hạn giải quyết rút ngắn hết mức có thể. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan thực hiện chính sách.

Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 7-7-2021 “Quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”, theo đó việc thực hiện các chính sách hỗ trợ được đơn giản hóa tối đa cả về hồ sơ và thời gian thực hiện nhằm tạo điều kiện để người lao động và doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất. Ngày 8-7-2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành văn bản số 1988/BHXH-TST, về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó việc thực hiện các thủ tục để thụ hưởng và hoàn thiện hồ sơ thụ hưởng chính sách hỗ trợ do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện được triển khai dưới hình thức đa dạng (giao dịch truyền thống và giao dịch điện tử), linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và doanh nghiệp; đến ngày 16-7-2021 đã thực hiện xong chính sách điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội với thời gian 12 tháng.

Một số vấn đề đặt ra và định hướng thời gian tới

Khu vực kinh tế phi chính thức không có quan hệ lao động còn lớn, thu nhập của số đông người dân thấp và không ổn định khiến việc triển khai bảo hiểm thất nghiệp gặp khó khăn_Ảnh: nguoilamnghe.vn

Quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội thất nghiệp, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại nhiều hạn chế do chính sách bảo hiểm thất nghiệp của nước ta được hình thành và phát triển cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với tốc độ nhanh, dẫn đến nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp chưa theo kịp diễn biến thực tế. Việc hình thành, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đòi hỏi thời gian dài trong khi chúng ta mới thực hiện được hơn 11 năm. Phần lớn quy mô các doanh nghiệp đang hoạt động là nhỏ và siêu nhỏ với công nghệ khá lạc hậu, doanh thu và lợi nhuận còn thấp. Cùng với đó, khu vực kinh tế phi chính thức không có quan hệ lao động còn lớn. Thu nhập của số đông người dân thấp và không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt lớn. Mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức dựa trên mô hình gia đình truyền thống còn cao.

Ngoài đóng vai trò là nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết trợ cấp thất nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm còn có vai trò hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động. Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động là một chính sách chủ động và tích cực của Nhà nước nhằm sớm đưa người lao động thoát khỏi tình trạng mất việc làm, nhưng trong tổ chức còn có một số bất cập. Chưa có sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp; các lớp học nghề chưa thật phù hợp với nhu cầu của thị trường. Mặt khác, chất lượng đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách xã hội quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước. Đây chính là công cụ quan trọng của chính sách thị trường lao động nhằm góp phần điều tiết quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động. Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ bảo đảm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động mất việc làm, mà còn tích cực hỗ trợ đào tạo lại nghề, giới thiệu việc làm,... giúp người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng nhận được các quyền lợi khuyến khích nhằm tiếp nhận và giữ người lao động làm việc lâu dài, nhất là đối với người lao động thuộc nhóm yếu thế. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung vào một số định hướng sau:

Một là, hoàn thiện quản lý bảo hiểm thất nghiệp phải đặt trong chương trình tổng thể cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, tiền lương, thu nhập, mà nền tảng là các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, lao động, việc làm của Nhà nước.

Hai là, tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, hấp dẫn, nâng cao niềm tin, phục vụ đối tượng tham gia, hưởng thụ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ba là,  phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với các bộ, ngành liên quan, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ chức chủ động phát huy giá trị cốt lõi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó, trọng tâm là tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và duy trì việc làm.Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn và hỗ trợ việc làm. Ðây là hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất.

Năm là, nghiên cứu đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền, bảo đảm hiệu quả công tác tuyên truyền gắn với phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp./.