Thành phố Cẩm Phả phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”
TCCS - Thành phố Cẩm Phả có nhiều tiềm năng về du lịch biển, tâm linh, trải nghiệm. Trong lộ trình phát triển, để hạn chế sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thành phố đã chủ động chủ động xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, hoàn thiện hạ tầng du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Thành phố Cẩm Phả được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp như vịnh Bái Tử Long, khu đảo Vũng Đục cùng động Hang Hanh dài 1.300m, chạy xuyên suốt dãy núi đá Quang Hanh ra tới biển hay đường bờ biển dài trên 70km, rất thuận lợi để phát triển du lịch. Đặc biệt, với việc sở hữu nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, có độ mặn và nhiệt độ cao, tỷ lệ Brom chiếm tới 49% tổng độ khoáng đã giúp nguồn khoáng nóng tại Cẩm Phả trở thành một trong ba địa điểm nước khoáng Brom nổi tiếng nhất trên thế giới; tạo tiền đề phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp. Không những thế, Cẩm Phả còn nổi tiếng với khu di tích đền Cửa Ông thu hút hàng triệu khách thập phương mỗi năm. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của hạ tầng giao thông đồng bộ như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn góp phần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu và thu hút lượng khách du lịch đến thành phố Cẩm Phả. Qua đó tạo tiền đề vững chắc cho Cẩm Phả trở thành thành phố du lịch kết nối giữa Hạ Long và Vân Đồn.
Bên cạnh đó, thành phố chủ động đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, cũng như đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở rộng các di tích. Đặc biệt, sự huy động nguồn lực tích cực từ xã hội, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã góp phần làm thay đổi tích cực của ngành du lịch. Hàng loạt dự án được triển khai và đi vào hoạt động, như Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh; cảng tàu và các phương tiện tham quan tuyến vịnh Bái Tử Long, đường dẫn vào khu du lịch Vũng Đục, công viên cây xanh trung tâm, đền Quan Châu, đình Dương Huy... Các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 111 cơ sở lưu trú với gần 1.700 phòng. Đặc biệt, thành phố hiện có 24 di tích đã được kiểm kê, xếp hạng và gần 40 công trình, địa điểm là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị cần được bảo tồn. Để phát huy giá trị di tích, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, thành phố xây dựng Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn. Ngoài ra, thành phố còn nâng cấp Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên các thiết bị di động, triển khai hệ thống dịch, thuyết minh tự động… nhằm cung cấp thông tin cho du khách. Với mục tiêu tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, thành phố Cẩm Phả đã thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh của du khách; lắp đặt biển “Đường dây nóng giải quyết khiếu nại của khách du lịch” theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại 6/6 khu, điểm du lịch; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách du lịch, bán hàng không niêm yết giá, tình trạng ăn xin hoạt động tại điểm du lịch...
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”
Với xu hướng chuyển từ “nâu” sang “xanh”, du lịch đang được kỳ vọng trở thành ngành trọng tâm kinh tế của Cẩm Phả. Thành phố xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, trong đó phải kể đến các chương trình văn hóa, nghệ thuật được đầu tư bài bản, quy mô thu hút hàng vạn du khách đến tham dự và trải nghiệm. Có thể kể đến, Festival Áo dài Quảng Ninh 2022 và Show thời trang biển - chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh bên bờ vịnh Bái Tử Long được tổ chức vào ngày 29-4 và ngày 1-5-2022. Hay như tuyến phố đi bộ “Phố đêm thợ mỏ” khai trương ngày 19-5-2022 không chỉ góp phần bảo tồn nét văn hóa công nhân mỏ đặc sắc mà còn mang đến những trải nghiệm mới mẻ, đặc sắc cho nhân dân. Trong 8 tháng năm 2022, thành phố Cẩm Phả đón trên 656.300 lượt khách, doanh thu đạt trên 357 tỷ đồng. Để lan tỏa và thu hút du khách đến với Cẩm Phả, thành phố đã chủ động kết nối với các đơn vị lữ hành, xây dựng các tour, tuyến tham quan trải nghiệm đa dạng, gắn với các khu du lịch và sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cũng đã đổi mới về nội dung, hình thức quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch, tích cực tuyên truyền, quảng bá những sản phẩm du lịch, dịch vụ chất lượng cao thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội.
Thành phố Cẩm Phả xác định đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với cơ sở vật chất, hạ tầng, sản phẩm chất lượng cao, thu hút khoảng 2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Với thế mạnh là du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh - ba yếu tố hiếm có hội tụ đầy đủ trên một mảnh đất, Cẩm Phả đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, mở rộng tuyến quốc lộ 18, khai thác hiệu quả tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, nâng cấp các khu du lịch trên địa bàn. Thành phố tiếp tục lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang kiến trúc cảnh quan đô thị; đưa ra giải pháp bảo tồn khu vịnh Bái Tử Long, phát triển không gian, loại hình du lịch tương hỗ nhằm giảm tải cho vịnh Hạ Long, gắn liền với việc phát triển các khu đô thị ven biển, kết nối với thành phố Hạ Long và khu kinh tế Vân Đồn. Cùng với đó, gắn việc phát triển du lịch với đặc thù của từng địa phương, như phường Cửa Ông phát triển mạnh mẽ du lịch, dịch vụ gắn với đền Cửa Ông là trung tâm; phường Cẩm Sơn xây dựng phường du lịch, dịch vụ gắn với điển hình công nhân; xã Cộng Hòa trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, đa dạng sinh học, đặc sắc về văn hóa, động lực trong phát triển du lịch dịch vụ sinh thái…
Để du lịch phát huy được tiềm năng, thế mạnh tạo tiền đề cho sự phát triển, thành phố Cẩm Phả xây dựng Đề án phát triển du lịch tổng thể giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050; đồng thời, cập nhật quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng thành phố Cẩm Phả đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050. Trong đó, xác định rõ định hướng phát triển không gian đô thị toàn thành phố theo dạng tuyến từ Quang Hanh đến Cộng Hòa, khu vực phía Tây phát triển đô thị và du lịch hướng ra biển, khu vực phía Nam tập trung cho các loại hình du lịch, điểm du lịch, dịch vụ. Có thể khẳng định, thành phố Cẩm Phả quyết tâm từng bước xây dựng một đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng có bản sắc riêng của tỉnh Quảng Ninh./.
Tỉnh Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp  (08/10/2022)
Thị xã Đông Triều tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp  (02/10/2022)
Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Triển vọng phát triển ngành năng lượng tái tạo  (28/09/2022)
Huyện Tiên Yên: Tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới  (28/09/2022)
Hà Nội: Phát triển kinh tế làng nghề từ du lịch và sản phẩm OCOP  (27/09/2022)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay