Thành phố Hà Nội: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
TCCS - Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo chung của đất nước.
Những chuyển biến tích cực, toàn diện
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, được sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được kết quả toàn diện. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng học tập được tăng cường đầu tư. Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin được nâng cao. Công tác xây dựng trường chất lượng cao và trường chuẩn quốc gia được quan tâm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh đầu cấp và quản lý học sinh được chú trọng đẩy mạnh, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục.
Năm học 2023 - 2024, giáo dục thành phố Hà Nội đạt được những kết quả toàn diện ở các cấp học, ngành học, hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ công tác trọng tâm. Về quy mô giáo dục, toàn thành phố tăng 39 trường học và 48.000 học sinh. Đến thời điểm này, Hà Nội có quy mô giáo dục rất lớn, với 2.913 trường mầm non và phổ thông, gần 2,3 triệu học sinh và 130.000 giáo viên. Về cơ chế, chính sách, thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và phát triển cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm tỷ lệ chi hằng năm từ ngân sách đạt 20%. Đến nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của toàn thành phố đạt gần 80%.
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả, tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2024 tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ, với 99,81% học sinh tốt nghiệp, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023 (từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp vị trí thứ 11), trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục thường xuyên đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục thường xuyên cả nước, là kết quả cao nhất trong 5 năm qua. Học sinh Thủ đô đứng đầu cả nước với 184 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, năm 2024, Hà Nội có 2 học sinh đoạt huy chương vàng Olympic môn sinh học và huy chương vàng Olympic môn hóa học.
Để đạt được những thành quả đó, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động, chương trình khác nhau. Ví dụ, mô hình “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”, nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngành giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường, góp phần thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường nội thành và ngoại thành. Nội dung chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung triển khai mạnh mẽ, thực hiện áp dụng học bạ số với cấp tiểu học, đến nay đạt tỷ lệ gần 100%. Hình thức tuyển sinh trực tuyến tiếp tục được triển khai, với tỷ lệ 100% ở cấp trung học phổ thông, các cấp học còn lại đạt trên 80%. Đặc biệt, năm học vừa qua, thành phố đã chỉ đạo việc tổ chức ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến và cũng đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố thực hiện nội dung này.
Thành phố Hà Nội hiện có 2.840 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 65.190 lớp, 2.194.859 học sinh, 138.904 giáo viên, 67.405 phòng học. Thành phố đã xây mới và thành lập 24 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 528 trường; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,5%.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua 6 nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, trong đó có những cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, như mức học phí, cơ chế hỗ trợ học phí; quy định chế độ hỗ trợ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú … Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được tăng cường, bảo đảm chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm. Công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học không ngừng được đổi mới; nề nếp và kỷ cương được duy trì. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét. Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và các bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục được tập trung triển khai thực hiện. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đạt chuẩn đào tạo trở lên. Triển khai thực hiện khoa học, bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sự chuyển biến tích cực của ngành giáo dục - đào tạo Hà Nội những năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập. Cùng với đó, ngành giáo dục các cấp quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường, phòng, chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách chủ động, chu đáo. Xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên theo tinh thần Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, ngày 30-6-2020, “Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở”; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Một số giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo
Một là, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Trong công tác tuyển sinh đầu cấp, chấm dứt tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thức biểu dương với những đơn vị, cơ sở làm tốt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để làm điển hình cho các trường học, địa phương học tập và làm theo. Để góp phần thay đổi diện mạo các trường, Hà Nội cần tiếp tục phân cấp trong đầu tư xây dựng các trường trung học phổ thông, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường chất lượng cao và các trường liên cấp tiên tiến hiện đại nhiều cấp học….
Hai là, cập nhật, xây dựng chi tiết kế hoạch và các chương trình chuyên đề để thực hiện nhiệm vụ năm học; tập trung nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thành chủ trương đầu tư bảo đảm tiến độ đề ra, rà soát quy hoạch, triển khai xây dựng các trường học; tiếp tục rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trình Hội đồng nhân dân các cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là cơ chế đặc thù trong việc khen thưởng học sinh, giáo viên có thành tích đặc biệt xuất sắc. Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, bảo đảm điều kiện tuyển sinh trực tuyến; có cơ chế đặc thù bố trí, sắp xếp, luân chuyển giáo viên.
Ba là, quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành giáo dục đã đề ra. Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình. Tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 một cách chủ động theo tinh thần Công văn số 1019/BGD-ĐT-NGCBQLGD, ngày 24-3-2021, của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt chú ý chuẩn bị đội ngũ giáo viên giỏi dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Bốn là, thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập, trong đó có việc xây dựng “Đơn vị học tập” cấp thành phố, cấp quận, huyện trên địa bàn; hưởng ứng tốt Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Năm là, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về chất trong tất cả các khía cạnh: dạy và học, kiểm tra và đánh giá; bảo đảm hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; bảo đảm dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường kho học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.
Sáu là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục. Chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các gương người tốt - việc tốt. Chọn được những đơn vị triển khai tốt nhất để biểu dương, làm điển hình, làm mẫu, mô hình để các trường khác, tỉnh thành khác học tập.
Mười nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Thủ đô năm học 2023 - 2024
1- Quan tâm đến công tác cán bộ; làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo…
2- Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thành phố Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
3- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố, đặc biệt là về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ giáo dục và đào tạo.
4- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
5- Phối hợp các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND, ngày 6-5-2022, của Ủy ban nhân dân thành phố, bảo đảm các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
6- Nghiên cứu, đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông.
7- Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện, thị xã.
8- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc.
9- Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.
10- Mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện các phong trào thi đua và truyền thông về các chủ trương, chính sách giáo dục./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2024)  (11/10/2024)
Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo  (08/10/2024)
Nghề giấy dó cổ truyền - di sản quý của thành phố Hà Nội  (07/10/2024)
Hà Nội đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập  (06/10/2024)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm