Một số khuyến nghị phát triển cộng đồng doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ chương chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà nòng cốt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNNVV). Nhờ đó, khu vực DNNVV trong một thời gian dài được tích luỹ, phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, các DNNVV hoạt động hết sức linh hoạt trên mọi ngành nghề sản xuất kinh doanh và khắp mọi miền đất nước.
Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ 98% trong tổng số các doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp trên 42% GDP, trên 65% tổng số việc làm, khoảng 30% tổng số thuế… vị thế ngày càng được nâng lên theo thời gian. Từng bước khẳng định vai trò quan trọng không thể thay thế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay cả trong bối cảnh phải chịu sự tác động bất lợi của đại dịch COVID-19, các DNNVV, mặc dù, gặp muôn vàn khó khăn, “sức khỏe” bị bào mòn, nhưng đại bộ phận vẫn trụ vững, vẫn là điểm sáng trong việc hoàn thành trách nhiệm tạo việc làm và thu nhập cho người lao động và phục hồi phát triển kinh tế. Đồng thời cũng là khu vực thể hiện được khả năng hấp phụ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tương đối tốt. Góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng dương của kinh tế Việt Nam năm 2021.
Bước sang năm 2022, năm đầu của quá trình phục hồi kinh tế và cũng là thời điểm thế giới đang tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, theo xu hướng không tập trung, phụ thuộc vào một quốc gia nhất định, để hạn chế rủi ro khủng hoảng thiếu hụt hàng hóa như năm 2021, đồng thời cũng là yếu tố bảo đảm sự bền vững cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tiếp cận ở góc nhìn tích cực có thể nhận thấy đây thực sự là cơ hội cho các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế xét trên cả hai phương diện địa chính trị và quốc gia tham gia nhiều hiệp định thế hệ mới. Để khai thác thành công điều kiện thuận lợi này, xin đề xuất một số khuyến nghị phát triển cộng đồng DNNVV như sau:
Một số khuyến nghị chung
Thứ nhất, Chính phủ cần xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu cho ổn định kinh tế vĩ mô và tạo việc làm.
Giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, cho phát triển kinh tế trong năm 2022 và những năm tiếp. Theo thống kê chưa đầy đủ đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động bất lợi đến thu nhập của khoảng 30 triệu lao động. Vì vậy, khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, không thể xem nhẹ, hay do dự, chậm trễ trong mục tiêu này.
Thứ hai, bằng mọi giá phải thực hiện thành công chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đất nước, nhân dân và doanh nghiệp được an toàn trong điều kiện bình thường mới. Trên mọi phương diện so sánh thì mục tiêu kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 có nhiều ý nghĩ hơn tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện thể chế kinh doanh trong đó tăng cường tư pháp và thực thi pháp luật được coi là biện pháp trung tâm của cải cách môi trường pháp lý kinh doanh. Bởi lẽ, kinh doanh và kinh tế thị trường đòi hỏi sự chắc chắn của pháp luật. Môi trường pháp lý kinh doanh hiện nay đã bao trùm, gắn chặt và tác động tới doanh nghiệp cả về mặt tổ chức và hoạt động và cả việc giải quyết những vướng mắc, tranh chấp của doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với mọi chủ thể khác. Sự chắc chắn của pháp luật hiểu theo nghĩa của doanh nghiệp mong muốn, là chỉ cần làm đúng quy định pháp luật khi thực hiện một dự án, hay đăng ký sản phẩm, hoặc thực hiện một thủ tục hành chính… là yên tâm chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam trong nhiều trường hợp không phải như vậy. Đây cũng chính là “nút thắt” về cần phải giải tỏa.
Thứ tư, các gói kích thích kinh tế để ngăn chặn suy giảm là rất cần thiết, nhưng không nhất thiết phải “một mũi tên trúng nhiều mục tiêu”. Có thể trong một số gói phải thiết kế cẩn trọng hơn với phương châm “một mũi tên chỉ cần trúng một mục tiêu”, sẽ an toàn hơn cho việc kiểm soát lạm phát.
Chú trọng ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản, du lịch, chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn. Bởi lẽ, trong nhiều nghiên cứu định lượng cho thấy lĩnh vực nông nghiệp, thủy, hải sản, du lịch, chế biến chế tạo và cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn có hiệu ứng liên kết rất cao, tập trung đầu tư vào đây sẽ giải phóng được nhiều nhất sức sản xuất cho các doanh nghiệp nội địa trong đó chủ yếu là các DNNVV. Qua đó, sẽ tạo được sự lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác. Tất nhiên để bảo đảm hiệu quả, chính sách sẽ được thiết kế với những tiêu chí cụ thể về tính công khai, minh bạch cùng với cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ.
Một số khuyến nghị chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, Chính phủ sớm tổ chức thực hiện việc cấp bù lãi xuất[1] để thúc đẩy các ngân hàng phải mở rộng quy mô vốn vay cho các DNNVV, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…
Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2022. Đồng thời với việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi.
Thứ ba, cần nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp DNNVV bao gồm cả tiểu thương nghiệp. Nhằm hỗ trợ cho đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng của khách hàng, bạn hàng từ giao dịch mua, bán hàng hóa trực tiếp sang mua bán online, để giúp họ tồn tại và phát triển. Đây được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt, bởi phần lớn doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương được xác định là công cụ thoát nghèo gắn chặt với vấn đề an sinh xã hội.
Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với giá gói thầu xây dựng dưới 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 3 tỷ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đối với những gói thầu đòi hỏi năng lực khoa học - công nghệ quá cao hoặc giá gói thầu xây dựng trên 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ trên 3 tỷ đồng ưu tiên cho các nhà thầu có sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ[2].
Thứ năm, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật Hỗ trợ DNNVV. Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Startup), doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang khẳng định tiềm năng phát triển theo hướng dựa vào yếu tố nâng cao năng suất thay cho yếu tố như khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Nếu được hỗ trợ đầy đủ, khu vực này sẽ khởi nguồn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, cũng chính là phương án khả thi nhất cho Việt Nam có thể đưa được các kết quả nghiên cứu khoa học - công nghệ từ các viện, trường vào thực tiễn cuộc sống. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam thông qua khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả được nâng tầm ở năng lực sáng tạo và yếu tố khoa học - công nghệ.
Thứ sáu, tạo cơ chế thuận lợi (đặc biệt là mặt bằng và thủ tục trình tự xét duyệt dự án) để khuyến khích các nhà đầu tư, tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho DNNVV như: đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đồng thời hỗ trợ giới thiệu sản phẩm hàng hóa cho các DNNVV. Đây là nội dung hỗ trợ đã được “mở đường”, được khuyến khích thực hiện trong nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước và gần đây nhất là Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là do các địa phương chậm đổi mới về tư duy, với suy nghĩ là những dự án dạng này chỉ có Nhà nước mới làm. Tư nhân thì không thể làm được với nhận định tư nhân đầu tư thì dự án phải có khả năng sinh lời cao. Đây là nhận định đang “lỗi thời” ngược lại với những bằng chứng cho thấy sự đánh giá khác nhau, thậm trí ngược nhau về giá trị sinh lời giữa hai chủ thể tư nhân và một số cơ quan nhà nước.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi. (i) Đối với chính sách phải nhanh chóng kiện toàn và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật, đồng thời hết sức chú ý đến tính hấp dẫn, khuyến khích trong các quy định để thu hút được tối đa nguồn lực ngoài nhà nước. (ii) Khâu thực thi: các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ DNNVV phải ưu tiên bố trí nguồn lực (chủ yếu là kinh phí tài chính) tối thiểu là gấp 10 lần năm 2021, để đạt được “ngưỡng quy mô” cần thiết, đủ tác động tích cực, lan tỏa nhanh chóng đến cộng đồng DNNVV.
Về vai trò nhà nước trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, vai trò nhà nước trong phát triển DNNVV phải thể hiện được: (i) Vai trò kiến tạo và thúc đẩy; (ii) Tạo nên những điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ, phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, Quốc hội và Chính phủ phải bảo đảm kiểm soát và quản lý điều hành để: (i) Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh tốt; (ii) Chính sách pháp luật tốt; (iii) chi phí tuân thủ và thủ tục hành chính tốt; (iv) Kết cấu hạ tầng luôn được cải thiện.
Thứ ba, các bộ ngành và địa phương phải phối hợp hết sức nhịp nhàng, không quyền anh quyền tôi, không lãnh địa riêng, không đùn đẩy trách nhiệm là điều kiện tiên quyết để các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ DNNVV có hiệu quả.
Về trách nhiệm của tổ chức đại diện doanh nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, các tổ chức đại diện doanh nghiệp/DNNVV không ngừng hối thúc và chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh.
Thứ hai, các DNNVV không ngừng liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết và đoàn kết để tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng DNNVV; Hành động quyết liệt, khi cần phải giám tranh cãi, tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng mà Nhà nước đã ban hành. Theo nghiên cứu khảo sát của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, các DNNVV được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đều là những DNNVV hành động quyết liệt./.
-------------------------
[1] Cấp bù lãi xuất là công cụ khá phổ biến trong kinh tế thị trường hiện đại, bản thân nó là công cụ thị trường, không tác động hành chính vào thị trường, bóp méo thị trường
[2] Những quy định này là thông lệ nhiều quốc gia như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang thực hiện
Phát triển kinh tế biển xanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và một số giải pháp  (27/05/2022)
Thế kỷ châu Phi - sự thần kỳ mới của thế giới  (09/04/2022)
Vai trò của truyền thông đối ngoại đối với việc triển khai chính sách đối ngoại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19  (25/01/2022)
Vietcombank ra mắt bộ giải pháp số dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa  (18/11/2021)
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân
- Bảo đảm an ninh phi truyền thống trong bối cảnh hiện nay
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay