Thành phố Hà Nội: Đa dạng sản phẩm để khôi phục và phát triển du lịch
TCCS - Để thích ứng với bối cảnh bình thường mới, bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của ngành du lịch, thành phố Hà Nội đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo. Kết quả, sau đại dịch, ngành du lịch đã phục hồi, phát triển nhanh chóng với nhiều tín hiệu khởi sắc, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế Thủ đô.
Bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch
Hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt hoạt động du lịch Việt Nam, trong đó có thành phố Hà Nội. Trong lịch sử hình thành và phát triển, ngành du lịch Hà Nội chưa bao giờ chịu thiệt hại nặng nề như dịch COVID-19 đã gây ra. Riêng trong 2 năm (năm 2020 và năm 2021), số doanh nghiệp rời bỏ ngành du lịch liên tục tăng, Sở Du lịch thành phố Hà Nội đã thu hồi 469 giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 439 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế và 30 giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Hiện thành phố còn 1.045 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế và 129 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động trong các đợt bùng phát dịch.
Hoạt động du lịch bị đình trệ khiến việc vận chuyển khách điêu đứng, các điểm đến vắng khách, một số di tích, bảo tàng, công viên chỉ sôi nổi vào dịp cuối tuần. Lĩnh vực lưu trú ở Hà Nội cũng chịu thiệt hại lớn. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn từ 1-5 sao năm 2021 ước đạt khoảng 22,9%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 đợt bùng phát dịch đã có khoảng 1.550 trên tổng số 3.725 cơ sở lưu trú ở Hà Nội tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động hay hoạt động “cầm chừng” tăng khiến người lao động trong ngành này cũng hết sức khó khăn. Lao động tạm thời không có việc làm khoảng 21.500 người, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú. Số lao động làm việc cầm chừng, bán thời gian ước khoảng 13.400 lao động, chiếm 21,2%. Số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động ước khoảng 11.600 lao động, chiếm 18,3%. Số làm việc đủ thời gian ước khoảng 16.800 lao động, chiếm 26,7% tổng số lao động trong khối lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội. Những con số này cho thấy ngành du lịch đã chịu nhiều tổn thất nặng nề, để hồi phục và phát triển cần rất nhiều thời gian.
Nhằm mở cửa, phục hồi, phát triển trở lại ngành du lịch, thành phố Hà Nội đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời chuyển trạng thái “không COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Tinh thần này được chỉ rõ trong văn bản số 735/UBND-KGVX, được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 15-3-2022, về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội còn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao để tăng cường tuyên truyền, giới thiệu điểm đến du lịch an toàn; phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, đôn đốc các doanh nghiệp du lịch, cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch trong việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm điều kiện phục vụ đón khách an toàn; xây dựng hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 áp dụng đối với khu du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch; giới thiệu và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến.
Bên cạnh đó, thành phố còn tăng cường chỉ đạo các đơn vị địa phương không được lơ là, chủ quan; tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin; huy động nguồn nhân lực cộng đồng hỗ trợ người mắc bệnh; bổ sung, kiện toàn tổ COVID cộng đồng; bảo đảm đầy đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch; xây dựng, triển khai kế hoạch du lịch, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho khách du lịch,…
Tiếp đến, thành phố còn tập trung đẩy mạnh hoạt động phục hồi, phát triển du lịch theo Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, ngày 7-9-2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; cũng như tinh thần Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngày 29-6-2021, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; hay Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL, ngày 16-12-2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Thành phố Hà Nội xác định rõ quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ của ngành du lịch; phát triển du lịch nội địa, coi đây là nền tảng, động lực cơ bản để phát triển du lịch bền vững; quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch đa dạng, bảo đảm an toàn để khôi phục niềm tin của thị trường vào nền du lịch nội địa; xây dựng các chương trình du lịch trọn gói giá rẻ, chất lượng; ban hành các chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp (miễn, giảm thuế; gia hạn thời gian nộp thuế; miễn, giảm lãi vay;…); người lao động (hỗ trợ mất việc; nghỉ việc có lương;…); hỗ trợ đặc thù cho ngành du lịch (giảm giá điện cho cơ sở lưu trú; giảm phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; giảm tiền ký quỹ thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành;…); tổ chức các chuỗi hoạt động, sự kiện, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô nhằm thu hút khách như: Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; Festival Áo dài Hà Nội, khai trương du lịch Ba Vì, du lịch Gia Lâm, Liên hoan làng nghề, phố nghề năm 2022; triển khai cuộc thi ảnh về Du lịch Hà Nội;…
Với hàng nghìn di tích lịch sử, lễ hội, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đây là điều kiện để thu hút du khách quốc tế. Hiện nay, thành phố Hà Nội đã mở cửa du lịch quốc tế, khôi phục nhiều đường bay quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp du lịch chủ động trong việc tìm kiếm thị trường mới để sẵn sàng phục hồi; tập trung triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích, làng nghề; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Hiện nay thành phố có 26 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 08 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Các hệ thống các cơ sở dịch vụ này ngày càng thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan, mua sắm.
Thành phố cũng tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch; tổ chức các sự kiện, phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm; truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch quảng bá “Live fully in Vietnam”; duy trì hệ thống biển chỉ dẫn, thông tin phục vụ tuyên truyền quảng bá du lịch Hà Nội ở một số điểm đến du lịch…; đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa dữ liệu, hỗ trợ việc quản lý của các doanh nghiệp, cơ sở du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc nghiên cứu, xúc tiến, quảng bá du lịch,… Đặc biệt, thành phố Hà Nội khuyến khích đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường, như du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay, du lịch mua sắm, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, du lịch ẩm thực… Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo đã ra đời, như Tour “Đêm thiêng liêng 2” của di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour xe buýt 2 tầng khám phá Hà Nội, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”… Việc xây dựng, đánh giá, phát triển nguồn nhân lực, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có; phát triển các sản phẩm du lịch mới theo chủ đề, trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng địa phương là hướng đi đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần tạo nên sự đa dạng, mới lạ, nâng cao hiệu quả du lịch.
Nhờ chủ động xây dựng phương án mở cửa, khôi phục lại các hoạt động và sản phẩm du lịch, thành phố Hà Nội đã đưa du lịch trở về trạng thái bình thường; giữ vững vị trí là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, được du khách trong và ngoài nước rất yêu thích.
Năm 2022, du lịch Hà Nội được truyền thông quốc tế đánh giá cao khi chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á. TripAdvisor cũng xếp Hà Nội vào vị trí thứ 15 trong số 25 trải nghiệm thú vị nhất ở châu Á với các hoạt động bao gồm tham gia tour xe máy để khám phá ẩm thực, văn hóa, cuộc sống, phong cảnh và các hoạt động giải trí ở Thủ đô Hà Nội. Dữ liệu từ công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất.
Ngoài ra, du lịch Thủ đô còn đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô, phát triển du lịch cả nước. Theo số liệu của Sở Du lịch thành phố Hà Nội, trong 10 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến thành phố ước đạt 15,38 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt gần 983.000 lượt khách, gần đạt được chỉ tiêu đề ra của năm 2022. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 10 tháng qua ước đạt 14,4 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 43,69 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 10-2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt 43,8%, tăng 1% so với tháng trước và tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 10 tháng của năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 35%, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, trong dịp diễn ra SEA Games 31, thành phố Hà Nội đã đón gần 700.000 lượt khách du lịch nội địa, 31.448 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú đến tham quan và tham gia các sự kiện của ngày hội thể thao Đông Nam Á. Các kết quả hoạt động này cho thấy ngành du lịch Thủ đô đã có bước tiến dài trong quá trình phục hồi. Các gói hỗ trợ đã có những tác động tích cực, giúp người lao động bớt khó khăn trong cuộc sống, không bỏ nghề; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch có thể duy trì hoạt động, tìm cơ hội phục hồi và phát triển trở lại.
Bên cạnh những mặt tích cực, ngành du lịch Thủ đô còn tồn tại một số hạn chế, như mục tiêu để Hà Nội có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt như mong muốn; mặc dù nhiều tiềm năng nhưng du lịch Hà Nội chỉ đứng thứ 6 cả nước trong quá trình cạnh tranh thu hút khách; lượng khách quốc tế còn thấp do nhiều quốc gia còn đang áp dụng biện pháp đi lại, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 990 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa mục tiêu đề ra; nhân lực ngành du lịch bị mất việc đã chuyển đổi ngành nghề khiến du lịch phải đối mặt với khó khăn lớn là thiếu nhân lực khi khôi phục trở lại; chất lượng dịch vụ phục vụ du khách của nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch còn thấp, chưa đạt chuẩn;… Tất cả những điều này nếu không giải quyết sớm sẽ gây tác động không nhỏ đến khả năng phục hồi của ngành du lịch.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển điểm du lịch mới
Trước những thách thức đó, để bảo đảm cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành du lịch, thành phố Hà Nội cần triển khai một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tạo dựng môi trường tốt; phát triển, xây dựng các sản phẩm du lịch mới chất lượng, đặc sắc, đủ tầm quảng bá quốc tế. Các sản phẩm du lịch này phải mang tính xâu chuỗi; ứng dụng công nghệ; có thể là những sản phẩm khép kín bảo đảm chất lượng chuyến đi, an toàn phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm; phù hợp, phát huy tốt các lợi thế thực tế, tiềm năng về kết cấu hạ tầng, văn hóa. Chú trọng xây dựng các sản phẩm văn hóa độc đáo, đặc sắc gắn kết với tâm linh, lịch sử, nông nghiệp, hệ thống làng nghề, mua sắm, khám phá… Xây dựng, quản lý tour theo hướng liên kết vùng, miền, quốc gia, trước mắt chú trọng xây dựng các tuor nghỉ dưỡng, thu hút lượng khách quốc tế ổn định,…
Thứ hai, nâng cao chất lượng, kết nối các khâu dịch vụ du lịch. Để nâng cao dịch vụ, trước hết phải nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực trong ngành du lịch bằng cách: mở các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng mềm; tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử; đẩy mạnh các gói hỗ trợ an sinh để người lao động sớm ổn định cuộc sống, bám trụ với nghề;… Tiếp đến là hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển (miễn, giảm thuế; miễn thị thực; thực hiện chuyển giao công nghệ, ưu tiên đầu tư chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới)…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới, cải tiến chất lượng dịch vụ của mình theo tiêu chuẩn quốc tế; luôn trong tinh thần sẵn sàng phục vụ, phục vụ với dịch vụ tốt nhất; có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về cơ sơ vật chất, nhân lực, tránh tình trạng quá tải, bị động,…
Thứ ba, tiếp tục linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh để thu hút khách du lịch, chuẩn bị sẵn các phương án thay đổi trong hoạt động du lịch sau đại dịch; nâng cao nhận thức, ý thức về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, xác định mỗi người dân vừa là một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống dịch, vừa là một tuyên truyền viên trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Hà Nội./.
Quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô - cốt lõi của nhiệm vụ phát triển y tế Thủ đô hiện đại, đồng bộ trong giai đoạn mới  (25/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay