Tiếp tục cải các hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp thành phố Hà Nội
TCCS - Trong thời gian qua, cải cách hành chính luôn được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xem là “khâu đột phá” và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Những kết quả trong cải cách hành chính được cộng đồng doanh nghiệp và người dân ghi nhận, đánh giá, thể hiện qua nhiều chỉ số khách quan. Đây là tiền đề quan trọng để thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới.
Những kết quả quan trọng trong cải cách hành chính
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, Thành ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã quán triệt và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Ngày 24-8-2016, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND cải cách hành chính nhà nước của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu “xây dựng hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập quốc tế nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; được chuẩn hóa, kịp thời công bố, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Phấn đấu 100% số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn.
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, công tác cải cách hành chính được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các nội dung, từ tổ chức bộ máy đến công tác cán bộ, thủ tục hành chính, tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Thành phố xác định chủ đề năm 2016, 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” và năm 2018, 2019 là “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, qua đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính là tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiệm vụ này được lãnh đạo, chỉ đạo và được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Thể hiện rõ nét là mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công được cải thiện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao và chuẩn hóa. Tư duy, phong cách làm việc, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ có nhiều cải thiện tích cực theo tinh thần phục vụ; giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Thành phố tích cực rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; thí điểm việc kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ước đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Những kết quả cải cách hành chính được thể hiện qua nhiều chỉ số đánh giá khách quan. Các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố được cải thiện qua các năm, cụ thể: Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2018 xếp thứ 2 cả nước (tăng 7 bậc so với năm 2015), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 15 bậc so với năm 2015).
Giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong thời gian tới, Hà Nội xác định nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng giải trình, bảo đảm liên thông, đồng bộ, thống nhất; thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân, lấy sự hài lòng của người dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Trọng tâm của cải cách hành chính là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính với một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức quán triệt, thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính. Tuyên truyền, làm chuyển biến thực sự nhận thức của cán bộ, công chức trong hệ thống bộ máy hành chính các ngành các cấp trên địa bàn Hà Nội để 100% cán bộ, công chức, viên chức thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Hai là, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bãi bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp quy về cải cách hành chính phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, đưa pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh trên địa bàn Hà Nội. Tập trung thực hiện tốt rà soát, cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, bảo hiểm xã hội... Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công; phát huy có hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Trang Thông tin điện tử của thành phố, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhân dân; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Ba là, hoàn thiện tổ chức, bộ máy bộ phận một cửa, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật; thực hiện các chính sách tinh giản biên chế trên cơ sở triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; hoàn thiện việc xây dựng, phê duyệt danh mục vị trí việc làm và khung năng lực của tất cả các cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, công chức, xây dựng được đội ngũ cán bộ có kỹ năng hoạt động thực tiễn cao, nghiệp vụ chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa, một cửa liên thông.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho bộ phận một cửa. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ làm việc của cán bộ, công chức có ý nghĩa rất quan trọng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả công tác. Trang thiết bị phải được đầu tư đầy đủ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu làm việc, đáp ứng yêu cầu liên thông các thông tin từ Trung ương đến thành phố, cơ quan, đơn vị, địa phương và đến người dân. Ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động của các đơn vị, địa phương để đáp ứng yêu cầu kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng, minh bạch; đặc biệt trong việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật./.
Điểm sáng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn Thủ đô  (25/10/2021)
Hà Nội ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt  (25/10/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp