Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
11:56, ngày 30-06-2021
TCCS - Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về biến đổi khí hậu ở Việt Nam
Biến đổi khí hậu (BĐKH) được phản ánh ở nhiều nội dung, tiêu chí khác nhau, chủ yếu ở tiêu chí về việc ấm lên của khí hậu nói chung, thông qua các quan sát về sự tăng lên của nhiệt độ trung bình của không khí và đại dương toàn cầu, sự tan chảy của tuyết và băng ở diện rộng và sự tăng lên của mực nước biển trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu có nguyên nhân từ tác động của con người hoặc/và do các tác nhân tự nhiên. Biến đổi khí hậu trong các thập niên gần đây chủ yếu gây ra bởi khí thải độc hại từ các hoạt động của con người.
Trên cơ sở các chỉ số đánh giá về tình hình BĐKH ở Việt Nam (chỉ số về lượng phát thải khí CO2, mức nhiệt độ ở các khu vực, lượng mưa, mực nước biển, xoáy thuận nhiệt đới, mức độ hạn hán và lũ lụt,...) dự báo trong những năm tới (từ nay đến năm 2030), BĐKH ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn đối với nước ta so với trước đây. Xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn và với cường độ cũng mạnh hơn.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Mức độ ảnh hưởng, tác động của BĐKH phụ thuộc vào các kịch bản BĐKH(1). Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Hơn nữa, nhiệt độ môi trường tăng làm năng suất lúa giảm, dự báo giảm khoảng 4,2%/năm(2) và mực nước biển dâng 13cm vào năm 2030 sẽ làm năng suất lúa giảm 9%(3). Biến đổi khí hậu làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản. Dự báo đến năm 2030, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP(4). Biến đổi khí hậu làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Biến đổi khí hậu thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.
Trong những thập niên gần đây, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề BĐKH và đã có nhiều giải pháp để ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức và thực tiễn ứng phó với BĐKH ở Việt Nam vẫn còn một số bất cập, hạn chế:
Về nhận thức, mặc dù vấn đề ứng phó với BĐKH sớm được quan tâm định hướng, chỉ đạo, triển khai, nhưng nhận thức về vấn đề này vẫn còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; chưa thấy hết tầm quan trọng, ý nghĩa sống còn của công tác này, do đó còn thiếu chủ động trong triển khai thực hiện. Nhận thức về BĐKH của cộng đồng còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc giảm phát thải, chưa đặt trọng tâm vào việc thích ứng với BĐKH; mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực mà chưa quan tâm đến nguyên nhân sâu xa gây ra BĐKH để có những hành động đúng đắn thông qua việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn; chưa chú trọng đến các cơ hội mà BĐKH có thể mang lại.
Về thực tiễn:
- Việt Nam là một trong những nước có tốc độ gia tăng phát thải cao trên thế giới và cường độ các-bon trên GDP của Việt Nam hiện đứng thứ hai trong vùng, sau Trung Quốc. Việt Nam sẽ trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn nếu không đổi mới công nghệ và thay đổi các chính sách sử dụng năng lượng.
- Các giải pháp ứng phó với BĐKH tập trung chủ yếu vào các dự án giảm phát thải, ít chú trọng các giải pháp khác; cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc còn yếu; công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu; kết cấu hạ tầng về phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều bất cập; năng lực thích ứng với BĐKH chưa có bước cải thiện rõ rệt.
- Việc di dời, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thường xuyên bị thiên tai chưa hoàn thành; các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng chưa đạt yêu cầu.
- Hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế; khả năng hấp thụ khí nhà kính bởi các hệ sinh thái rừng tự nhiên tiếp tục suy giảm; vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Định hướng giải pháp góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thích ứng với biến đổi khí hậu
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Văn kiện chỉ rõ, ở trong nước, BĐKH sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó, Văn kiện xác định “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”(5) là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Để thích ứng với BĐKH, Báo cáo chính trị đề ra các nhiệm vụ về nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, giám sát BĐKH; nâng cao năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động, thích ứng với BĐKH; cơ chế huy động, ưu tiên các nguồn lực thích ứng với BĐKH... Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII về chủ động thích ứng với BĐKH, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về bản chất của BĐKH, về quan điểm thích ứng làm trọng tâm và coi chủ động thích ứng với BĐKH là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Nâng cao nhận thức của người dân về các tác động tiềm tàng của BĐKH, thông qua các kênh báo chí, truyền thông, các chương trình giáo dục, hay các sáng kiến thay đổi hành vi, qua đó giúp định hướng đến việc sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn các hàng hóa và dịch vụ thâm dụng các-bon cao.
Thứ hai, tăng cường các chương trình nghiên cứu liên quan đến BĐKH. Trong đó bao gồm đo lường và dự báo sự phát thải khí thải CO2 và khí nhà kính; phân tích tác động của phát thải đến các yếu tố khí hậu; phát triển các mô hình kinh tế để đưa ra những đánh giá toàn diện hơn về tác động của BĐKH (ngắn hạn và dài hạn); tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ theo hướng thâm dụng các-bon thấp.
Thứ ba, đẩy nhanh việc thực thi định giá các-bon, phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác. Trong đó, bao gồm việc đánh giá chi phí - lợi ích của các hình thức định giá để đưa ra lựa chọn phù hợp về cả hình thức, mức giá và quy trình áp dụng. Việc định giá cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng, sáng tạo, hiệu quả và được thực hiện một cách cẩn trọng, thân thiện với tăng trưởng. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, việc định giá nên được phân kỳ với việc tăng giá dần mỗi kỳ, để các doanh nghiệp và hộ gia đình có thời gian điều chỉnh, đi kèm với các chương trình hỗ trợ có tính mục tiêu.
Thứ tư, xây dựng các chính sách thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chuyển dịch nền kinh tế theo hướng thâm dụng các-bon thấp. Thúc đẩy việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng, ví dụ như trong công trình xây dựng hoặc trong việc sản xuất sản phẩm.
Thứ năm, tăng cường huy động các nguồn lực cần thiết đầu tư vào giảm thiểu nguồn gây ra BĐKH (giảm khí thải nhà kính) và thích ứng (khả năng chống chịu) với BĐKH như giảm lãi suất đối với khoản vay cho các dự án phát triển bền vững, qua đó tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thâm dụng các-bon thấp.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về BĐKH. Biến đổi khí hậu là hiện tượng ngoại ứng toàn cầu, do vậy, ứng phó với BĐKH đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả ở quy mô toàn cầu. Việc hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận tiến bộ khoa học và huy động nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các dự án tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH, bao gồm phát triển công nghệ có tính thâm dụng các-bon thấp.
Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về bảo vệ môi trường ở Việt Nam
Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam, được thể hiện ở các mặt sau: 1- Ô nhiễm nước, bao gồm cả nước mặt và nước ngầm và cả môi trường nước biển. Ô nhiễm nước ở Việt Nam diễn ra trên hầu khắp mọi nơi, kể cả ở các vùng nông thôn, nhưng đặc biệt nghiêm trọng là ở các khu công nghiệp có liên quan đến hoạt động xả thải. 2- Ô nhiễm môi trường đất do việc sử dụng phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng. 3- Ô nhiễm không khí do các nguồn tại chỗ và do các nguồn xuyên biên giới. 4- Suy giảm các hệ sinh thái, như suy giảm hệ sinh thái rừng, bao gồm cả rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn, suy giảm hệ sinh thái biển,... Nổi cộm nhất và được chú trọng nhiều nhất là sự suy giảm về độ che phủ và sự tàn phá rừng đầu nguồn vì nó liên quan đến khả năng bảo tồn và duy trì tài nguyên nước ngầm và vai trò phòng hộ trong phòng tránh thiên tai.
Ô nhiễm môi trường đã và sẽ gây ra những thiệt hại ngày càng lớn, những hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam: suy thoái đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái; suy thoái chất lượng rừng và mất chức năng phòng hộ; gia tăng ô nhiễm môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm; gia tăng hạn hán, thoái hóa đất và vấn đề an ninh lương thực; cạn kiệt nguồn tài nguyên và gia tăng các xung đột môi trường; gây nên các mối đe dọa an ninh sinh thái và an ninh môi trường xuyên biên giới; gia tăng tai biến thiên nhiên và sự cố môi trường. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường (BVMT) để phát triển kinh tế - xã hội là thách thức lớn đối với đất nước ta trong thời gian tới.
Hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng về BVMT được hình thành và phát triển, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác BVMT. Nghị quyết nêu 3 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp về BVMT. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã bổ sung, cập nhật quan điểm, định hướng về BVMT, trong đó chỉ ra một trong những hạn chế là: “Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc khắc phục hậu quả về môi trường do chiến tranh để lại còn chậm”(6).
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức và thực tiễn BVMT ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế:
Về nhận thức:
- Bảo vệ môi trường chưa trở thành ý thức, hành động, thói quen, nếp sống, văn hóa của người dân; còn một bộ phận không nhỏ thiếu ý thức giữ gìn, BVMT.
- Một số cấp ủy, chính quyền vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng của công tác BVMT đối với sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững đất nước; còn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện trong bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong chỉ đạo, điều hành, tư tưởng “Ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu BVMT” vẫn còn phổ biến ở một số cấp ủy và lãnh đạo chính quyền các cấp.
- Nhận thức, hiểu biết về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn như là một phương thức để thúc đẩy phát triển bền vững, BVMT vẫn còn hạn chế.
Về thực tiễn:
- Việc phòng ngừa ô nhiễm vẫn chưa thực sự hiệu quả; công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề chưa có nhiều chuyển biến; công nghệ xử lý chất thải rắn còn lạc hậu, việc nhập khẩu chất thải trái phép chưa chấm dứt; phần lớn nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý. Vi phạm môi trường ngày càng tinh vi và phức tạp.
- Nhiều khu vực ô nhiễm, suy thoái môi trường chưa được phục hồi; việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn chậm; chất lượng môi trường không khí chưa được cải thiện.
- Tài nguyên vẫn đang bị khai thác không bền vững, sử dụng không hiệu quả. Canh tác nông nghiệp thiếu bền vững làm cho đất bị thoái hóa, biến chất. Tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm; việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên còn chậm, khó đạt được mục tiêu đề ra; xu hướng suy giảm các loài động, thực vật, nguồn gien còn tiếp diễn.
Những hạn chế, bất cập nêu trên có các nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
Về nguyên nhân khách quan: 1- Quy mô nền kinh tế và dân số nước ta ngày càng tăng, mức độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ngày càng cao, khai thác tài nguyên thiên nhiên ồ ạt và thiếu kiểm soát, phát sinh nhiều nguồn gây ô nhiễm; lượng chất thải ngày càng tăng về thành phần và khối lượng, kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý chất thải còn thiếu và không được đầu tư đồng bộ, dẫn đến áp lực lên môi trường ngày càng cao, tác động xấu đến chất lượng môi trường. 2- Môi trường sinh thái nước ta chịu tác động mạnh của BĐKH toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng cùng với hội nhập quốc tế; vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới ảnh hướng lớn đến nước ta. 3- Còn tồn tại quan điểm ưu tiên và coi trọng tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá và xem nhẹ yêu cầu BVMT; quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa thực sự được thực hiện triệt để; văn hóa, ý thức trách nhiệm BVMT của người dân và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc thực thi các chính sách và công cụ BVMT còn nhiều bất cập và hiệu quả thấp.
Về nguyên nhân chủ quan: 1- Nguyên nhân sâu xa và chủ yếu là hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT còn chồng chéo và bất cập; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và công cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. 2- Năng lực quản lý nhà nước về môi trường và quản trị môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; mô hình tổ chức cơ quan quản lý về BVMT từ Trung ương xuống đến địa phương chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay; cơ quan quản lý địa phương còn phụ thuộc vào các quyết định thu hút đầu tư dự án (kể cả dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng) của ủy ban nhân dân các cấp, chưa coi trọng ý kiến phản biện độc lập trong công tác BVMT hoặc có ý kiến nhưng cũng rất khó được chấp thuận trong một số dự án cụ thể. 3- Nguồn lực tài chính đầu tư cho BVMT từ ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn tài chính cho công tác BVMT. 4- Nhận thức và đạo đức môi trường, ý thức trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng nhiều nơi còn thấp, dẫn đến thiếu ý thức tự giác trong BVMT. 5- Vẫn còn các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường được cấp phép đầu tư; năng lực dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước về BVMT, của địa phương và các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. 6- Tổ chức thực hiện công tác BVMT còn có những điểm yếu kém, nhất là ở cấp địa phương, cơ sở, kể cả cấp độ quản lý nhà nước về BVMT và quản trị môi trường ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề và doanh nghiệp. 7- Công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT trong và ngoài hệ thống giáo dục quốc gia còn hạn chế.
Những định hướng giải pháp cơ bản góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ môi trường
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ bảo vệ, cải thiện môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII(7) nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững trong thời gian tới. Văn kiện tiếp tục khẳng định quan điểm tăng trưởng kinh tế luôn gắn kết với BVMT trong từng bước và từng chính sách phát triển. Văn kiện đề cập đến giải pháp, định hướng BVMT ở một số lĩnh vực, nội dung cụ thể như: Bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia các hoạt động BVMT, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật để ngăn chặn, xử lý theo pháp luật tình trạng gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức BVMT... trong đó nêu rõ: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(8). Trong thời gian tới, để góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, cần thực hiện đồng bộ một số định hướng giải pháp cơ bản sau:
Một là, về nhận thức, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, cần đề cao, coi trọng nhiệm vụ BVMT. Đẩy mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên, tăng cường tái chế, tái sử dụng. Xây dựng bộ tiêu chí GDP xanh cho nền kinh tế.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy các biện pháp kinh tế trong BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp và người dân. Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá trong công tác BVMT.
Ba là, tuyên truyền, tạo ý thức của cộng đồng trong sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng, BVMT sống; thực hiện lối sống xanh, bền vững, hài hòa với thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò của môi trường trong phát triển; biến ý thức thành hành động BVMT của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đào tạo, truyền thông về môi trường; cung cấp thông tin kịp thời về BVMT, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng. Thực hiện chương trình truyền thông mạnh mẽ để tạo thành phong trào BVMT, nhất là trong phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi nilon dùng một lần khó phân hủy.
Bốn là, huy động và ưu tiên các nguồn đầu tư cho công tác BVMT. Tăng dần ngân sách cho BVMT phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực trong BVMT. Xây dựng cơ chế đột phá nhằm huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho công tác BVMT, quản lý tài nguyên thiên nhiên, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường. Hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường; xây dựng các cơ chế tài chính dựa trên các nguyên lý của kinh tế thị trường để thúc đẩy điều chỉnh, thay đổi hoạt động sản xuất, hành vi tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp môi trường, xử lý ô nhiễm, quản lý chất thải, cung cấp dịch vụ BVMT./.
-------------------
Nhóm tác giả: TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS, TS. Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường, Đại học quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Minh Anh, Ngân hàng Trung ương châu Âu
(1) Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã đưa ra các kịch bản về BĐKH (Representative Concentration Pathways - RCP) (IPCC 2014). Mỗi RCP đại diện cho một quỹ đạo phát thải và nồng độ khí nhà kính khác nhau tới năm 2100, RCP cao hơn tương ứng với lượng khí thải nhiều. IPCC đưa ra bốn kịch bản chính về BĐKH, được sử dụng để phân tích tác động và đánh giá tổn thương do BĐKH gây ra, như sau:
- RCP 2.6: đạt đỉnh phát thải vào năm 2020 và sau đó giảm dần đến năm 2100.
- RCP 4.5: đạt đỉnh phát thải trong giai đoạn 2040 - 2050 và sau đó giảm dần đến năm 2100.
- RCP 6.0: lượng khí thải tiếp tục tăng đến năm 2080 và sau đó giảm dần đến năm 2100.
- RCP 8.5: lượng khí thải tăng liên tục đến năm 2100.
(2) B. Yu, T. Zhu and N.M. Hai: “Impacts of Climate Change on Agriculture and Policy Options for Adaptation: The Case of Vietnam”, International Food Policy Research Institute, 2010
(3) Mai Van Trinh, Bui Thi Phuong Loan, Vu Thi Hang, Le Thi Quynh Lien, Luc Thi Thanh Them: “Project: Climate change and impacts on rice production in Vietnam: Pilot testing of potential adaptation and mitigation measures”, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, 2014
(4) Dara: “Climate vulnerability monitor. A guide to the cold calculus of a hot planet, 2nd Edition”, Climate vulnerable forum, Spain, 2012
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 116
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.140
(7) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 202
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 117