Phát huy các năng lượng tích cực của con người Việt Nam để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

GS, TS. NGUYỄN HÙNG HẬU
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

11:11, ngày 10-07-2022

TCCS - Muốn đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn thì một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là giải phóng, phát huy được những năng lượng tích cực của con người Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra các giải pháp lớn cho vấn đề này. Trong thời gian tới, cần hiện thực hóa các giải pháp đó bằng các hành động cụ thể, thiết thực để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các già làng, trưởng bản, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu _Ảnh: TTXVN

1- Năng lượng tích cực của con người Việt Nam trong suốt dòng chảy lịch sử được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều góc độ, như tinh thần yêu nước; ý chí tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết; khát vọng độc lập, tự do, cường thịnh, trường tồn; tinh thần sáng tạo...

Có một đặc thù nổi bật trong lịch sử là dân tộc Việt Nam luôn phải chống giặc ngoại xâm. Nạn ngoại xâm là một nguy cơ gần như có tính chất thường trực đối với đất nước ta. Chỉ tính từ cuộc kháng chiến chống quân Tần ở thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến nay, dân tộc ta đã phải tiến hành gần 20 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; trong đó, 14 cuộc chiến tranh thắng lợi hiển hách, chỉ có 3 cuộc kháng chiến bị thất bại tạm thời, và hàng trăm cuộc khởi nghĩa nhằm giải phóng dân tộc. Thời gian chống ngoại xâm của dân tộc ta cộng lại chiếm hơn nửa thời gian lịch sử (tính từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến nay). Chỉ qua những số liệu tính toán sơ bộ đó thôi đã cho thấy, trên con đường sinh tồn và phát triển, dân tộc ta đã phải liên tiếp chống ngoại xâm; vì thế, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự tôn dân tộc là đặc trưng nổi bật nhất của dân tộc Việt Nam.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê, không có mấy thế kỷ mà dân tộc ta không phải chống xâm lược. Thời Bắc thuộc là hơn 10 thế kỷ liên tục chống xâm lăng. Có những thế kỷ mặc dù độc lập, nhưng dân tộc ta phải tiến hành hai đến ba cuộc chiến tranh hết sức quyết liệt để bảo vệ Tổ quốc. Chẳng hạn, thế kỷ XIII vào thời nhà Trần, chỉ trong vòng 30 năm (1258 - 1288) nước Đại Việt phải đương đầu với ba cuộc xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên khét tiếng trên thế giới đương thời. Cuối thế kỷ XVIII, trong vòng 5 năm (1784 - 1789), dân tộc ta được sự cổ vũ của phong trào Tây Sơn đã vùng lên quét sạch hai đạo quân xâm lược: Xiêm từ phía Nam và Thanh từ phía Bắc. Riêng thế kỷ XX, dân tộc ta đã phải tiến hành bốn cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Cần nhấn mạnh rằng, trong hầu hết các trường hợp, nước đi xâm lược lại mạnh hơn ta nhiều lần về nhiều mặt, do đó, cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc ta thường diễn ra trong so sánh lực lượng rất chênh lệch. Điều đó càng làm nổi bật tính chất khốc liệt, gian khổ của các cuộc kháng chiến này. Điều này được minh chứng trong các cuộc kháng chiến chống quân Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Nhật, Mỹ... Trên thế giới có năm châu thì có đến ba châu đã từng có quốc gia đến xâm lược nước ta. Sở dĩ có hiện tượng này là do nước ta nằm trên một vị trí địa - chính trị vô cùng quan trọng. Mảnh đất hình chữ S này là nơi nối liền đại lục với hải đảo, đại dương; là đầu mối giao thông giữa Bắc và Nam, Đông và Tây của địa cầu. Ngay từ thời rất xa xưa, nơi đây đã là cầu nối, điểm trung chuyển, giao lưu giữa các luồng văn minh, văn hóa. Với vị trí đó, nước ta là nơi “đầu sóng ngọn gió”, là “tiền đồn” của vùng Đông Nam Á.

Xưa nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất kỳ một nước nào có tham vọng chinh phục, bành trướng ra vùng Đông Nam Á, đều coi nước ta là một địa bàn chiến lược cần phải chiếm lấy. Trong ý đồ của các thế lực thực dân, chiếm nước ta không phải chỉ để cướp đoạt những của cải tài nguyên giàu có, mà còn hòng biến xứ sở này thành “bàn đạp” để lan tỏa ra các nước Đông Nam Á, tiến vào đại lục và tràn ra đại dương, hải đảo. Như vậy, chiếm được nước ta sẽ khống chế được toàn bộ vùng Đông Nam Á, án ngữ được ba hướng: Nam, Đông và Đông Nam của châu Á. Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng, tạo hóa vô tri đặt để Việt Nam nhỏ yếu mà trù phú ở bên cạnh người khổng lồ và ở trên ngã ba đường thông thương quốc tế Bắc - Nam, Đông - Tây. Ở vị trí địa lý ấy, Việt Nam khác nào “món thịt ngon phơi trước mồm hổ đói”, tránh sao khỏi “cấu xé, lắm phen bị dẫm đạp”. Trong cảnh ngộ đó, Việt Nam hoặc phải bị nghiền nát như tương, hoặc phải trở nên rắn như thép. Lựa chọn thứ hai đã trui rèn, làm nên bản lĩnh Việt Nam. Do hoàn cảnh nước ta luôn thường trực phải chống giặc ngoại xâm, nên chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử tư tưởng Việt Nam; và, cũng phần nào quy định ý chí tự cường, tự tôn dân tộc; tinh thần đoàn kết; khát vọng độc lập, tự do, cường thịnh, trường tồn; tinh thần sáng tạo của con người Việt Nam.

Những tiềm năng, năng lượng tích cực này, trong thời chiến chúng ta đã giải phóng, phát huy khá tốt, nhưng vấn đề đặt ra là trong thời bình chúng ta cũng cần tiếp tục giải phóng, phát huy để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năng lượng tích cực này cũng là sức mạnh mềm của dân tộc. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, một quốc gia sẽ thực sự hùng mạnh khi kết hợp hài hòa sức mạnh “cứng” với sức mạnh “mềm”. Trong khi sức mạnh “cứng” cần nhiều thời gian, sức lực, tiền của để tạo dựng thì sức mạnh “mềm” là những thứ chúng ta hầu như đang có trong tầm tay. Làm sao để khơi dậy và tận dụng được sức mạnh “mềm” nhiều hơn nữa, tận dụng một cách tối ưu sức mạnh này là vấn đề cấp bách hiện nay để có thể đưa đất nước phát triển một cách bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chú trọng và đề ra những giải pháp căn cơ nhằm phát huy sức mạnh mềm Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Động lực phát triển quan trọng của đất nước là thúc đẩy đổi mới sáng tạo _Ảnh: tapchicongthuong.vn

2- Từ những nội dung, giải pháp được trình bày trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy để giải phóng, phát huy những năng lượng tích cực hay sức mạnh “mềm” của con người Việt Nam trong phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần tập trung thực hiện những nội dung sau:

Một là, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí dân tộc của mỗi người Việt Nam hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhiều lần đề cập tới việc cần phải phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc của mỗi người Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, thì hơn lúc nào hết, chúng ta cần tập trung khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc - động lực quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Yêu nước, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mỗi người phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị của mình, phải đặt lợi ích của Tổ quốc, dân tộc lên trên hết, trước hết. Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rõ, ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn. Người cho rằng, đã là người Việt Nam, thì ít hay nhiều ai cũng có lòng yêu nước: “Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”(1). Có thể có người, ở lúc nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó, vì lợi nhỏ mà quên nghĩa lớn, nhưng nhìn chung trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đã là người Việt Nam thì dù ít hay nhiều, dù lúc này hay lúc khác, đều có lòng yêu nước. Yêu nước, theo Người, không chỉ bằng hành động cầm súng đứng ở tiền tuyến trực diện tiêu diệt quân thù, mà còn thể hiện bằng sự đóng góp ở những công việc cụ thể, nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng và phong phú, đa dạng diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi lứa tuổi, đều nhằm một mục đích là giúp cho kháng chiến mau chóng đi đến thắng lợiNgày nay, quán triệt tư tưởng của Người, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc; phải bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.

Bối cảnh Việt Nam hiện nay cũng khác nhiều so với trước kia, bởi vậy, chủ nghĩa yêu nước hiện nay cũng có những điểm đặc thù khác trước. Nếu như yêu nước trước kia có trọng tâm là đánh đuổi quân xâm lược, thì ngày nay, trọng tâm là phải làm sao cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; dân tộc trường tồn, đất nước hùng mạnh. Vì thế, hiện nay, chúng ta cần phải có cơ chế giải phóng, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí dân tộc để phát triển đất nước nhanh, bền vững, như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Hai là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở; chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân.

Có dân chủ thì mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng người; có dân chủ thì mọi sáng kiến mới được đưa ra; còn mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán thì không ai dám nói, dám làm và sẽ làm thui chột mọi khả năng sáng tạo. Muốn phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì yêu cầu đặt ra là phải thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, chống lại các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Hiện nay, ở một số nơi, một số tổ chức, bề ngoài thì tỏ ra dân chủ, nhưng thực chất bên trong lại mất dân chủ; nếu như thế thì việc hô hào phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng người cũng chỉ là khẩu hiệu trống rỗng mà thôi. Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại căn dặn, đó là dân chủ phải “thật”, “thực”, “thực sự”, chứ không phải là hình thức. Từ đó, việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng còn thẳng thắn chỉ ra, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ... vì thế, phải khắc phục những hạn chế này một cách nhanh chóng.

Ba là, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, không chỉ trong hoạt động kinh tế mà cả trong các cơ chế, chính sách, cách tổ chức quản lý, trong bộ máy lãnh đạo, quản lý nhằm giải phóng, phát huy tiềm năng thế mạnh của mỗi người. Trong Văn kiện Đại hội XIII có nhấn mạnh đến hạn chế là, chúng ta chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước. Cần tập trung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để làm rõ: Trong việc giải phóng, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng con người, chúng ta đang gặp phải những điểm nghẽn, vướng mắc nào? Đồng thời, phải trả lời câu hỏi: Trong các cơ quan nhà nước, chúng ta đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng người chưa?

Bốn là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Không có sáng tạo thì cũng không có sự phát triển, sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển; như vậy, muốn phát triển thì phải sáng tạo. Theo học giả Đào Duy Anh, nhiều người cho rằng dân tộc Việt Nam là dân tộc thực dụng, chỉ biết thu nhận, tiếp biến các hệ thống tư tưởng, tôn giáo từ bên ngoài cho phù hợp với mình, chứ không có sự sáng tạo. Theo đó, họ nêu ra quan điểm cho rằng, dân tộc ta không tạo nên được những hệ thống lý luận triết học, không có các nhà triết học và tôn giáo lớn; người Việt Nam chỉ giỏi bắt chước, tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nhẹ nhàng, nhưng không sâu sắc(?!)... Nhưng việc tiếp thu rồi cải biến các học thuyết, tôn giáo cho phù hợp với thực tiễn của dân tộc và mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, thì điều đó cũng là một sáng tạo lớn.

Đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo Vệ tinh Micro Dragon _Nguồn: congnghe.tuoitre.vn

Thực tế cho thấy, dân tộc Việt Nam đâu phải chỉ biết tiếp thu, cải biến đơn thuần như vậy. Trong Phật giáo, các Thiền sư Việt Nam trên cơ sở “cái phông” Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa, đã tạo nên một hệ thống lý luận mới, chẳng hạn như triết lý “Nhậm vận”, “Vô bố úy” của Vạn Hạnh, “Lục thì sám hối khóa nghi tự” của vua Trần Thái Tông... Nhưng điểm đáng chú ý nhất ở đây không phải chỉ là những thành tựu đó, mà là con đường đi đến giác ngộ bằng hành động thực tiễn hằng ngày của Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam. Không sáng tạo thì làm sao dân tộc ta có thể đánh thắng nổi những đội quân xâm lược hùng mạnh, nếu không muốn nói là hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng sáng tạo, mà còn làm giàu và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin lên một bước mới trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định tinh thần sáng tạo là một tiềm năng tích cực, một sức mạnh mềm của Việt Nam. Sáng tạo trong chiến tranh nhằm đánh thắng quân xâm lược; còn sáng tạo trong hòa bình nhằm phát triển đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ ra, năng lực sáng tạo của các nhà khoa học chưa được phát huy đầy đủ. Vì thế, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trước hết phải nỗ lực hơn nữa nhằm tạo ra được bầu không khí, môi trường, điều kiện phù hợp cho sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh dân chủ hóa đời sống xã hội; có cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Năm là, thu hút và trọng dụng nhân tài. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ, phải tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; phải có cơ chế đột phá để lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia; thiếu nhân tài thì đất nước không thể phát triển nhanh, bền vững được. Trước đây, nhà nho Nguyễn Đức Đạt (1823 - 1887), trong tác phẩm Nam sơn tùng thoại đã cho rằng: Vua phải trọng dụng hiền thần mà xa lánh kẻ nịnh bợ. Vua có trực thần, là gốc của việc trị. Vua có nịnh thần là gốc của việc loạn. Tài năng của ông vua là biết dùng người, và vì không cho mình là tài năng nên lại trở thành người có tài năng.

Từ những kinh nghiệm của cha ông, chúng ta cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện những cơ chế mang tính đột phá để thu hút, lựa chọn, đào tạo, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, như trong Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ ra, chúng ta “chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”. Đây là những hạn chế cần nhanh chóng được khắc phục, để có thể hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đại hội XIII của Đảng, nhằm thu hút, trọng dụng, sử dụng có hiệu quả nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; xây dựng cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo; phát huy tối đa nhân tố con người, vì con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Việc phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước, giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của người Việt Nam phải gắn liền với cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài, cơ chế phát huy dân chủ để chuyển hóa thành nguồn lực phát triển đất nước. Đây là những chủ trương vô cùng đúng đắn, nhưng cần vận dụng, cụ thể hóa một cách hợp lý, mang tính tổng thể để chủ trương sớm biến thành hiện thực và là một nhiệm vụ quan trọng của nhiều cấp, nhiều ngành, trong thời gian dài. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng chỉ ra rằng các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt.

Vì vậy, một trong những cơ chế, giải pháp nhằm phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam, giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo là: “tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(2)./.

----------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 280
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 179