Nhận diện vấn đề đô thị và quản lý phát triển đô thị khi đất nước dần trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (kỳ 1)

GS, TS, KTS. NGUYỄN TỐ LĂNG
Nguyên Vụ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

23:58, ngày 28-01-2021

TCCS - Phát triển đô thị là xu thế tất yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong kỷ nguyên hiện đại hóa, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, các đô thị Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý phát triển đất nước, đặc biệt là khi nước ta đang phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhận diện đô thị là một việc làm cần thiết nhằm đánh giá chính xác thực trạng phát triển và xây dựng các định hướng phát triển trong tương lai.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xem sa bàn khu công nghiệp Liên Hà Thái - Khu kinh tế Thái Bình _Ảnh: TTXVN

Hiện tại ở nước ta, khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đô thị về mặt đất đai (khoảng 90% diện tích đất cả nước); trong khoảng 10% diện tích đất thuộc ranh giới hành chính đô thị, khu vực nội thị chỉ chiếm khoảng 4,4%, dân số chiếm trên 60%(1). Tuy nhiên, các đô thị vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; khu vực đô thị đã đóng góp hơn 70% GDP cho cả nước(2).

Những quan niệm về đô thị đa dạng trên thế giới

Ở Việt Nam, khái niệm đô thị được xác định tại từng khoảng thời gian nhất định. Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009(3): “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”. Trong đô thị có nhiều khu chức năng; các chức năng thường được tổ hợp và bố cục tạo thành ba khối chính phục vụ cho nhu cầu của con người là khối làm việc (nhà máy, xí nghiệp, công sở...),  khối sinh hoạt (nhà ở) và khối nghỉ ngơi, giải trí (công trình dịch vụ công cộng, vườn hoa, công viên...).

Các đô thị Việt Nam hiện nay cơ bản được xây dựng trên cơ sở mô hình đô thị theo đơn vị với hệ thống tầng bậc, được phân chia từ thành phố đến quận, phường, tổ dân phố. Trong mỗi một cấp độ có các trung tâm phục vụ công cộng, như trung tâm thành phố, trung tâm quận, trung tâm phường, trung tâm nhóm nhà ở. Trên thế giới, định nghĩa về đô thị được xác định khác nhau tại các quốc gia khác nhau. Theo một khảo sát tại 114 nước trên thế giới vào năm 1996, có 26 nước căn cứ vào dân số, 20 nước căn cứ vào dân số và các tiêu chí khác, 54 nước căn cứ vào tính pháp lý, chính quyền hành chính và 14 nước không xác định điểm đô thị(4). Tại các nước chỉ căn cứ vào dân số để xác định đô thị thường tùy thuộc vào dân số của cả nước. Đô thị ở Thụy Sĩ, Ma-lai-xi-a phải có trên 10.000 người, trong khi ở An-ba-ni và Ai-xơ-len chỉ cần có trên 400 người và 200 người. Đối với các nước căn cứ vào dân số và các tiêu chí khác để xác định đô thị, các tiêu chí bổ sung thường là mật độ dân số hoặc tỷ lệ người làm việc phi nông nghiệp. Đối với các nước căn cứ vào tính pháp lý hoặc chính quyền hành chính để xác định đô thị, đó là nơi có văn phòng chính quyền, hội đồng thành phố hoặc khu vực quân sự, là thủ đô hay các trung tâm khu vực.

Để thuận lợi cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển, hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay được phân thành 6 loại với 5 tiêu chí theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH, ngày 25-5-2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội(5). Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH đã làm rõ các tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại đô thị về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như trình độ phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nêu ra những khả năng có thay đổi trong áp dụng các tiêu chuẩn đó đối với một số đô thị có tính chất đặc thù như đô thị là trung tâm du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo; đô thị ở miền núi, vùng cao, hải đảo.

Một góc Thành Phố Hồ Chí Minh _Nguồn: zing.vn

Đặc điểm của đô thị hóa ở nước ta qua 35 năm đổi mới

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam(6), đô thị hóa là xu hướng tất yếu của toàn cầu. Đô thị hóa không chỉ là sự phát triển riêng của một đô thị về quy mô và số lượng dân số, mà còn gắn liền với những biến đổi về kinh tế - xã hội và môi trường thiên nhiên của một hệ thống đô thị. Nói cách khác, đô thị hóa là quá trình mở rộng và phát triển mạng lưới đô thị và phổ biến lối sống thành thị, tập trung dân cư trên lãnh thổ. Quá trình đô thị hóa gắn liền với sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ xã hội và được cách mạng khoa học - kỹ thuật thúc đẩy; là quá trình biến đổi về cấu trúc sản xuất, nghề nghiệp, sinh hoạt xã hội, không gian quy hoạch kiến trúc xây dựng từ hình thái nông thôn sang đô thị. Mức độ đô thị hóa là tỷ lệ phần trăm của dân số đô thị trên toàn bộ dân số khu vực, tùy theo các cấp độ khác nhau, như tỷ lệ đô thị hóa của toàn quốc, toàn vùng, toàn tỉnh hoặc của một thành phố hay thị xã..., thường được đánh giá tại từng thời điểm nhất định. Tốc độ đô thị hóa là chỉ số thể hiện tỷ lệ tăng hoặc giảm của giai đoạn sau so với thời điểm trước. Phát triển đô thị là sự mở mang toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, không gian cũng như môi trường sống đô thị; nội dung phát triển bao gồm phát triển vật chất và phi vật chất. Phát triển đô thị khác với đô thị hóa ở chỗ, phát triển đô thị chỉ xét cho từng đô thị riêng biệt, còn đô thị hóa thì xét cho cả mạng lưới đô thị.

Có thể nêu những đặc điểm chính của đô thị hóa như sau:

Một là, dân số tập trung vào các đô thị với tốc độ nhanh chóng.

Trên thế giới, dân số đô thị tăng lên rất nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1920 chỉ có 266,4 triệu người dân đô thị, chiếm 14,3% tổng số dân nhưng đến năm 1960 đã tăng lên đến 760,3 triệu người và chiếm 25,4% tổng số dân; mức độ đô thị hóa trên thế giới năm 2000 là gần 50%, năm 2018 là 55% và đến năm 2050 sẽ đạt khoảng 62,5% với số dân khoảng 5.107 triệu người(7). Số lượng đô thị lớn đã và đang tăng lên nhanh chóng, số dân đô thị tập trung cao độ vào các đô thị lớn. Năm 1950, trên thế giới chỉ có thành phố Niu Oóc (Mỹ) có số dân trên 10 triệu người, thành phố lớn thứ 15 là Béc-lin (Đức) chỉ có 3,3 triệu người. Năm 2005 và năm 2011, trên thế giới có lần lượt là 20 và 26 thành phố trên 10 triệu dân. Năm 2015, kể cả các vùng lân cận, trên thế giới đã có 32 thành phố (và vùng đô thị) có trên 10 triệu người. Đến cuối năm 2016, con số này là 36 đô thị(8).

Tại Việt Nam, nhìn chung, các đô thị có số dân tăng trưởng trung bình, các đô thị nhỏ có số dân tăng trưởng chậm, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số dân tăng trưởng nhanh. Chỉ tính trong hơn 10 năm gần đây, dân số Hà Nội tính đến tháng 4-2009 là 6.451.909 người(9) và tháng 4-2019 là 8.053.663 người(10); dân số Thành phố Hồ Chí Minh tính đến tháng 4-2009 là 7.162.864 người và tính đến tháng 4-2019 là 8.993.082 người. Cả hai thành phố đều có mức tăng dân số khoảng 25% sau 10 năm so với năm 2009. Số lượng dân cư trên đây của hai thành phố chưa tính đến những người sinh hoạt và lao động không chính thức.

Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 12% so với năm 2009. Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2. Năm 2009, mật độ dân số trung bình ở Hà Nội là 1.926 người/km2, ở Thành phố Hồ Chí Minh là 3.399 người/km2, cao gấp 7,4 lần và 13,1 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước là 259 người/km2. Có những quận ở Hà Nội có mật độ siêu cao, như quận Đống Đa là 38.896 người/km2, cao gấp 150 lần mật độ chung của cả nước(11).

Hai là, sự phát triển các đô thị đã tạo nên các vùng đô thị hóa cao độ.

Các vùng đô thị trên thế giới được hình thành và phát triển với quy mô khổng lồ. Sự phát triển của các vùng đô thị đó dựa trên cơ sở của một thành phố lớn và các đô thị lân cận. Có những vùng đô thị có quy mô dân số lên tới gần 50 triệu người, như vùng Quảng Châu, Trung Quốc. Đến cuối năm 2018, có 36 vùng đô thị có dân số trên 10 triệu người, trong đó các nước đang phát triển chiếm trên 3/4 số vùng này(12). Ở Việt Nam, hai vùng đô thị lớn được hình thành và phát triển là Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm thành phố Hà Nội và 9 tỉnh lân cận: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7km2 (chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 21 - 23 triệu người, trong đó, dân số đô thị khoảng 11,5 - 13,8 triệu người, dân số nông thôn khoảng 9,2 - 9,5 triệu người; khoảng 12  - 13,2 triệu lao động; mức độ đô thị hóa đạt khoảng 55% - 60%(13). Vùng Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh lân cận, là Bà Rịa  - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2 (chiếm 9,2% diện tích tự nhiên toàn quốc), với dân số toàn vùng đến năm 2030 ước tính khoảng 24 - 25 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 18 - 19 triệu người, dân số nông thôn khoảng 6 - 7 triệu người; khoảng 18 - 19 triệu lao động; mức độ đô thị hóa khoảng 70% - 75%(14).

Ba là, quá trình tập trung hóa dân số vào các thành phố và các khu vực không giống nhau.

Theo Liên hợp quốc, năm 1920, có 5,8% dân số sống trong vùng đô thị ở các nước đang phát triển và 29,4% ở các nước phát triển. Năm 1960, tỷ lệ này tương ứng là 15,4% và 46%. Đến năm 2000, mức độ đô thị hóa ở các nước đang phát triển là 43% với dân số khoảng 2.080 triệu người và ở những nước phát triển là 83% với dân số khoảng 1.010 triệu người. Châu Phi năm 1920 chỉ có 4,8% dân số, Nam Á có 5,7% dân số sống ở đô thị, trong khi ở châu Âu là 34,7%, ở Bắc Mỹ là 41,4%. Đến năm 1960, tỷ lệ này ở châu Phi là 13,4%, ở Nam Á là 13,7%, ở châu Âu là 44,2% và ở Bắc Mỹ là 58%(15).

Tại Việt Nam, số lượng đô thị tăng nhanh và phân bố không đồng đều trên cả nước, chất lượng đô thị giữa các địa phương, vùng miền trong từng loại đô thị còn chênh lệch nhau rất lớn. Mức độ đô thị hóa cũng khác nhau nhiều giữa các vùng; ở vùng Đông Nam Bộ là trên 72%, trong khi ở vùng trung du và miền núi phía Bắc là dưới 22%(16). Quy mô đất đai của các đô thị cũng rất khác nhau, trong 25 đô thị lớn nhất nước ta, chỉ có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là khác biệt.

Tình hình đô thị hóa tại 25 đô thị lớn nhất Việt Nam tính theo diện tích đất đô thị giai đoạn 2000 - 2010 (Nguồn: World Bank, 2015)_Ảnh: Tư liệu


Bốn là, quá trình đô thị hóa làm thay đổi tương quan dân số thành thị và nông thôn.

Hiện nay, nhịp độ tăng dân số thành thị đã vượt nhịp độ tăng dân số nông thôn. Dân số nông thôn có xu hướng giảm đi do di cư vào thành phố với mong muốn tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn và có công ăn, việc làm tốt hơn, đặc biệt là tại các khu công nghiệp. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật đã tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa như là một hiện tượng toàn cầu. Điều đó dẫn đến những thay đổi sâu sắc cả về số lượng và chất lượng dân cư. Theo tổng kết của Liên hợp quốc, tỷ lệ dân số đô thị có xu hướng tăng dần trên toàn thế giới, kể cả các khu vực cũng như từng quốc gia. Có những nước đang phát triển, đặc biệt là một số nước đang phát triển ở khu vực Mỹ La-tinh, tỷ lệ này đạt rất cao, ví dụ: U-ru-goay là 95,2%, Ác-hen-ti-na là 91,6%, Chi-lê là 89,4%, Bra-xin là 85,4%(17).

Đô thị hóa ở Việt Nam chứa đựng đặc trưng sự gia tăng tốc độ cũng như gia tăng diện tích và dân số. Tuy nhiên, những đặc trưng này chủ yếu diễn ra tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tỷ lệ mở rộng khu vực đô thị của hai thành phố này là 3,8% và 4% hằng năm.

Đô thị hóa trong bối cảnh định hướng phát triển của đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Thứ nhất, đô thị hóa và sự thay đổi nghề nghiệp. 

Một trong những hệ quả cơ bản của quá trình đô thị hóa là sự thay đổi cơ cấu thành phần kinh tế - xã hội và lực lượng sản xuất, thể hiện qua sự biến đổi và chuyển giao lao động xã hội từ khối kinh tế này sang khối kinh tế khác. Giăng Phuốc-rát-xti-ê (Jean Fourastiér), nhà xã hội học Pháp đã phân tích và đưa ra khái niệm về sự biến đổi của ba khu vực lao động trong các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa. Lao động khu vực I bao gồm lao động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Thành phần này chiếm tỷ lệ cao ở thời kỳ tiền công nghiệp và giảm dần vào các giai đoạn sau. Lao động khu vực II bao gồm lực lượng sản xuất công nghiệp, xây dựng, phát triển rất nhanh ở giai đoạn công nghiệp hóa, chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kỳ hậu công nghiệp và sau đó giảm dần do sự thay thế trong lao động công nghiệp bằng tự động hóa. Lao động khu vực III bao gồm các thành phần lao động khoa học và dịch vụ. Các thành phần này từ chỗ chiếm tỷ lệ thấp nhất trong thời kỳ tiền công nghiệp đã tăng dần và cuối cùng chiếm tỷ lệ cao nhất trong thời kỳ văn minh khoa học - kỹ thuật (hậu công nghiệp).

Trên thế giới, lao động khu vực II được coi là đạt đỉnh điểm vào khoảng năm 1950 với tỷ trọng là 45%. Theo dự kiến, vào năm 2100 tỷ trọng của các khu vực là: 10% cho khu vực I, 10% cho khu vực II và 80% cho khu vực III(18). Như vậy, theo xu thế chung, lực lượng lao động sẽ chuyển dần từ khu vực I sang khu vực II và khu vực III, đặc biệt là trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Ở nước ta, việc phát triển công nghiệp chậm hơn so với thế giới, hiện tại chúng ta đang phấn đấu để sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời với việc phát triển các ngành khoa học, công nghệ, dịch vụ.

Dân số của nước ta năm 2019 ước tính là 96,48 triệu người. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2019 là 54,7 triệu người, trong đó lực lượng lao động đang làm việc ở khu vực I khoảng 19 triệu người, chiếm 34,7% tổng số lao động; ở khu vực II khoảng 16,1 triệu người, chiếm 29,4%; ở khu vực III khoảng 19,6 triệu người, chiếm 35,9%(19). Trong tương lai, nước ta sẽ phải phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại tất yếu mở rộng quy mô, phạm vi của khoa học, dịch vụ; đồng thời, khu vực nông thôn cần được công nghiệp hóa với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ hai, đô thị hóa và vấn đề di dân.

Một trong những nhân tố quan trọng của sự tăng trưởng đô thị hóa là di dân từ nông thôn ra thành thị gắn với các hoạt động kinh tế, như việc làm, sản xuất công nghiệp, trao đổi kinh tế. Quá trình di dân đã làm thay đổi không chỉ nơi cư trú mà cả nghề nghiệp của họ. Cơ hội tìm kiếm việc làm và các điều kiện văn hóa - xã hội, như giáo dục, y tế, nhà ở, thông tin liên lạc, điều kiện làm việc và nghỉ ngơi đã kích thích việc di dân từ nông thôn ra thành thị. Các thành phố đòi hỏi lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp và các nhân tố văn hóa - xã hội ngày càng có ảnh hưởng quan trọng hơn trong việc di cư từ nông thôn ra thành thị. Trong khi ở các nước phát triển, “lực hút” của các đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc di dân từ nông thôn ra thành thị, thì ở các nước đang phát triển như nước ta, “lực đẩy” từ nông thôn lại đóng vai trò quan trọng hơn. Điều kiện sống khó khăn trong các vùng nông thôn ở các nước đang phát triển đã tạo đà “đẩy” con người di cư ra thành thị với hy vọng tìm được việc làm và điều kiện sống tốt hơn. Một số lượng lớn dân cư từ nông thôn ra thành thị đã dẫn đến “đô thị hóa quá mức” ở những nước có nền công nghiệp chưa phát triển. Ở nước ta, do tỷ lệ dân cư đô thị thấp và nền kinh tế phát triển chưa cao đã gây nên sức ép mạnh mẽ về công ăn, việc làm, đời sống văn hóa tinh thần, nhà ở,...

Ở Việt Nam, các khu vực công nghiệp phát triển là các điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, nhất là các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương) _Ảnh: TTXVN

Ở Việt Nam, các khu vực công nghiệp phát triển là các điểm đến thu hút nhất đối với người di cư, nhất là các khu công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người nhập cư nhiều hơn số người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (chiếm 200,4‰), tiếp theo là tỉnh Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng với tỷ suất di cư thuần dương lần lượt là 85,3‰, 75,9‰ và 68,4‰(20). Tìm việc hoặc bắt đầu công việc mới hoặc theo gia đình là những lý do di cư chủ yếu. Người di cư thường gặp khó khăn về chỗ ở, có 43% người di cư đang phải sống trong các căn nhà thuê mượn, gấp gần 8 lần tỷ lệ này của người không di cư. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông là những nơi có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất, như các tỉnh Bình Dương (74,5%), Bắc Ninh, Đồng Nai, thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng có tỷ lệ này khá cao (từ 40 đến 50%) bao gồm: Thái Nguyên, Hưng Yên, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Thứ ba, đô thị hóa với lối sống đô thị.

Lối sống bao gồm những điều kiện và hình thức hoạt động sống của con người đặc trưng cho xã hội, giai cấp và tầng lớp. Quá trình chuyển đổi từ lối sống nông thôn sang lối sống đô thị diễn ra phổ biến tại tất cả các nước. Quá trình này bao gồm hai hình thức: 1- Quá trình chuyển đổi sang lối sống đô thị của những người nhập cư từ nông thôn đến; 2- Quá trình mở rộng ảnh hưởng của lối sống đô thị tại các vùng nông thôn. Văn hóa và lối sống đô thị, xét về mặt lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện sự tiến bộ của văn minh công nghiệp. Lối sống đô thị có những đặc điểm nhất định. Đó là dân cư đô thị có thể dễ dàng thay đổi môi trường làm việc và nơi ở do tính chất sản xuất công nghiệp; có nhu cầu giao tiếp cao, có sự giao tiếp đa dạng và phức tạp hơn so với dân cư nông thôn. Lối sống đô thị phụ thuộc phần lớn vào dịch vụ công cộng và yêu cầu ngày càng cao của người dân. Nhu cầu văn hóa, giáo dục của người dân đô thị ngày càng tăng. Do đô thị có nhiều cơ quan khoa học, trường đại học, thư viện và những phương tiện thông tin - văn hóa khác nên người dân đô thị có điều kiện nâng cao trình độ, phát huy năng lực sáng tạo và phát triển toàn diện. Người dân đô thị sử dụng thời gian tự do rất đa dạng vào việc học thêm để nâng cao trình độ, giải trí, nghỉ ngơi, luyện tập sức khỏe và làm nghề phụ cho gia đình. Họ dễ lựa chọn những công việc thích hợp hơn và có hiệu quả hơn cho thời gian tự do để phát triển con người toàn diện. Lối sống đô thị thay đổi đã làm thay đổi điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức của một bộ phận người dân đô thị; lối sống đô thị tại các nước đang phát triển dẫn đến sự phân hóa giàu - nghèo, gia tăng cách biệt về đời sống giữa đô thị và nông thôn.

Nếu các đô thị lớn của Việt Nam không xử lý được tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng sẽ gây những thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội - môi trường (Trong ảnh: Ùn tắc kéo dài tại đường Thanh Xuân - Nguyễn Trãi, Hà Nội) _Ảnh: TTXVN

Thứ tư, đô thị hóa với môi trường đô thị.

Sự tăng trưởng của đô thị tạo ra hàng loạt ảnh hưởng tích cực đến môi trường và con người. Mặt khác, sự tăng trưởng của đô thị làm cho môi trường của hầu hết các thành phố đang bị xấu đi nhanh chóng, ô nhiễm nước và không khí, các chất thải ngày càng tăng, kể cả các chất độc hại. Chất lượng môi trường đô thị xuống cấp đã gây ra tình trạng dịch bệnh gia tăng, sức khỏe kém và không an toàn cho người dân, đặc biệt là người nghèo, và sức sản xuất của đô thị cũng giảm, đồng thời gây ra những thiệt hại không thể khôi phục được cho các hệ sinh thái tự nhiên. Tại một số nước đang phát triển, chính sách kinh tế của họ đã coi trọng việc tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến tác động của vấn đề ô nhiễm gây nên các thiệt hại đáng kể về môi trường. Quá trình đô thị hóa là hệ quả của sự bùng nổ dân số, sự phát triển công nghiệp thấp kém, sự phát triển không đồng đều giữa các vùng trong một nước và sự suy thoái của nông nghiệp và nông thôn tạo ra sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng chậm phát triển và vùng phát triển.

Quá trình đô thị hóa thường dẫn đến việc hạ tầng đô thị bị quá tải, mất cân bằng sinh thái và sự phát triển kinh tế - xã hội không cân bằng với tăng trưởng dân số, khi việc di cư từ các đô thị nhỏ, vừa và các vùng nông thôn vào các đô thị lớn không có khả năng kiểm soát. Hệ quả là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị xuống cấp nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề nhà ở và vệ sinh môi trường ngày càng nan giải và nhiều vấn đề xã hội xuất hiện. Đô thị hóa nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo nên sự phát triển giả tạo, gây quá tải trong các đô thị lớn và tình trạng nghèo đói ở đô thị. /.

(Còn nữa)

--------------------------------------------------------

(1) Bộ Xây dựng: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 của ngành xây dựng, Hà Nội, tháng 12-2019
(2) Quản lý phát triển đô thị Việt Nam (2008 - 2018), Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2018, tr. 82
(3) Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, ngày 17-6-2009
(4) David Clark: Urban World/ Global City, Routledge, London and New York, 1996
(5) Xem: Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, ngày 25-5- 2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “Về phân loại đô thị”
(6) Xem: Nguyễn Thế Bá, Trần Trọng Hanh, Lê Trọng Bình, Nguyễn Tố Lăng: Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2008, tr. 15; Nguyễn Tố Lăng: Quản lý đô thị ở các nước đang phát triển, Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2016, tr. 5
(7) World Bank: World Development Indicators, 2019
(8) World Bank: Demographia World Urban Areas, April-2017
(9) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Báo cáo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà ở, ngày 1-4-2009
(10) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4- 2019 - Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2019
(11) Xem: Quản lý phát triển đô thị Việt Nam 2008  - 2018, Sđd, tr. 187
(12) World Bank: World Development Indicators, 2019
(13) Quyết định số 768/QĐ-TTg, ngày 6-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
(14) Quyết định số 2076/QĐ-TTg, ngày 22-12-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”
(15) David Clark: Urban World/ Global City, Sđd
(16) Quản lý phát triển đô thị Việt Nam 2008 - 2018, Sđd, tr. 83
(17) World Bank: World Development Indicators, 2015
(18) Xem: Nguyễn Thế Bá, Trần Trọng Hanh, Lê Trọng Bình, Nguyễn Tố Lăng: Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, Sđd, tr. 20
(19) Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019, Hà Nội, ngày 27-12-2019
(20) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Tổng điều tra dân số và nhà ở, ngày 1-4-2019  - Tổ chức thực hiện và kết quả sơ bộ, Sđd