Bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
16:57, ngày 12-12-2022
TCCS - Bảo đảm an ninh kinh tế là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Lực lượng công an được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong quá trình này. Hiện nay, nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để độc lập, chủ quyền và lợi ích kinh tế quốc gia được giữ vững, các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế sớm được nhận diện và ứng phó hiệu quả.
Bảo đảm an ninh kinh tế - vấn đề quan trọng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Nhận thức rõ các nguy cơ, thách thức, mối đe dọa đến với nền kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, công tác bảo đảm an ninh kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Điều đó được thể hiện rõ trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng từ Đại hội VI đến Đại hội XII, cũng như nhiều chỉ thị của Bộ Chính trị, văn bản của Chính phủ(1). Đến Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới, vấn đề an ninh kinh tế chính thức được đề cập trong phương hướng, nhiệm vụ an ninh, tạo cơ sở quan trọng cho thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để bảo đảm đẩy lùi, ngăn chặn, vô hiệu hóa những nguy cơ, thách thức mới nổi lên về an ninh kinh tế trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Quán triệt và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp,... từ Trung ương đến địa phương xác định rõ hơn trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh; khắc phục một bước hạn chế về nhận thức và cách làm thuần túy về kinh tế, xem nhẹ việc bảo đảm an ninh; bước đầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế. Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô và tiềm lực của nền kinh tế của nước ta tăng qua từng năm, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Khả năng tự chủ sản xuất trong nước được nâng cao. Tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta được giữ vững. Thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta tăng dần qua các năm và luôn ở mức cao trong những năm gần đây, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm.
Hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương cơ bản được xây dựng, thẩm định chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh. Các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng, tài chính, tiền tệ, dự trữ ngân sách nhà nước, nợ công... được chủ động xây dựng. Chúng ta chủ động hơn các phương án ứng phó với những tác động, “cú sốc” về kinh tế từ bên ngoài; tích cực triển khai biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn hoạt động lợi dụng hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, đầu tư để gây phương hại đến an ninh kinh tế và lợi ích quốc gia - dân tộc.
Lực lượng công an nhân dân phát huy vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh kinh tế
Xuất phát từ vị trí, chức năng trong bảo đảm an ninh kinh tế, lực lượng công an nhân dân đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh kinh tế, các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế; chống tham nhũng, tiêu cực trong các ngành kinh tế. Lực lượng công an đã tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và bảo đảm an ninh đất nước trong đàm phán, ký kết, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Tích cực tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở trong quản lý, xử lý sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là hệ thống ngân hàng. Phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động kinh tế, nhất là trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Xây dựng và triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh tại các dự án, công trình, mục tiêu kinh tế trọng điểm, an ninh du lịch, an ninh lương thực, thực phẩm, an ninh nông, lâm nghiệp và kinh tế biển. Đấu tranh phòng, chống âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, ngăn ngừa các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm hình sự thông thường, tội phạm trên lĩnh vực kinh tế, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kết quả các mặt công tác bảo vệ an ninh kinh tế của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an đã góp phần quan trọng bảo đảm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, các thành phần kinh tế hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, kinh tế gắn với xã hội, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Chủ động phòng ngừa, từng bước ngăn chặn nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu, lệ thuộc nước ngoài, thông qua kinh tế để chuyển hóa chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế.
Trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đất nước ta đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, song cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa chưa được đẩy lùi, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu để “tác động chuyển hóa” đường lối, chính sách kinh tế của nước ta, triệt để lợi dụng việc Việt Nam đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để lồng ghép, gây sức ép buộc ta chấp nhận các điều kiện đi kèm về chính trị, mưu toan hướng lái, thâm nhập nội bộ, thu thập bí mật nhà nước trên lĩnh vực kinh tế.
Cạnh tranh chiến lược, cọ xát kinh tế, thương mại giữa các nước lớn và xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và bảo đảm an ninh kinh tế, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh kinh tế đất nước, như lệ thuộc nhiều hơn vào nước ngoài thông qua các dự án hợp tác cụ thể trong quá trình tham gia các chiến lược, sáng kiến của các nước triển khai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, tụt hậu về kinh tế; thiếu năng lực tự chủ chiến lược và khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, suy giảm tiềm lực và chậm đà phát triển...
Nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại nhiều yếu tố phát triển thiếu bền vững và nguy cơ mất cân đối vĩ mô. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế trong nước, nhất là các thách thức mang tính toàn cầu, như an ninh mạng, khủng hoảng tài chính, năng lượng, lương thực, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, sản xuất, buôn bán tiền giả, gian lận thương mại, buôn lậu, lừa đảo kinh tế, trốn thuế, chuyển giá... Những thách thức, khó khăn khi thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA thế hệ mới; tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn tới khủng hoảng kinh tế - chính trị, xã hội tại các nước và ảnh hưởng tới Việt Nam; lợi dụng hội nhập kinh tế để gây sức ép về chính trị, quốc phòng, an ninh gia tăng mức độ phức tạp. Tình trạng đình công tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án; biểu tình, gây rối an ninh, trật tự do ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... đang là nguyên cớ để các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để tập hợp lực lượng, tập dượt “cách mạng màu”.
Chênh lệch đời sống giữa các vùng, miền, phân hóa giàu - nghèo, phân cực xã hội tiếp tục diễn ra. Một số vấn đề xã hội bức xúc, như lao động, việc làm, thu nhập, chậm được giải quyết; tình trạng tham nhũng, quan liêu, bất bình đẳng xã hội chưa được đẩy lùi; sơ hở, thiếu sót trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, nhất là trong cơ cấu lại nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sử dụng tài nguyên đất, rừng, biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước, suy giảm sức mạnh quốc gia, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, đe dọa sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn, lâu dài, trở thành thách thức đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế còn diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều tội phạm mới trong quá trình phát triển kinh tế số làm cản trở phát triển kinh tế của đất nước.
Bảo đảm an ninh kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của thời kỳ mới
Để tăng cường bảo vệ an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về bảo đảm an ninh kinh tế, cần quán triệt một số quan điểm có tính nguyên tắc và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần quán triệt và thống nhất quan điểm: An ninh kinh tế là phạm trù rất rộng, bao gồm an ninh năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, lương thực, nguồn nước..., trong đó có cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Công tác bảo đảm an ninh kinh tế giữ vai trò trọng yếu, là trung tâm của bảo đảm an ninh quốc gia; là việc bảo vệ thực hiện đường lối, chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế; gắn hội nhập quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, các cấp và toàn dân, trong đó chịu trách nhiệm chính là cấp ủy, thủ trưởng các ban, bộ, ngành, cấp ủy chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, lực lượng công an giữ vai trò tham mưu, nòng cốt; là điều kiện “tiên quyết” góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho khởi nghiệp, phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Bảo đảm an ninh kinh tế gắn liền với bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, bảo vệ cán bộ, đảng viên, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, xác định rõ yêu cầu của bảo đảm an ninh kinh tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, các ban, bộ, ngành, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cán bộ, đảng viên, chủ động phát hiện, phối hợp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế. Nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh kinh tế của cơ quan chức năng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bình thường của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế với bảo đảm an ninh kinh tế. Theo đó, trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phải quan tâm đến bảo đảm an ninh, trật tự; bảo đảm an ninh kinh tế là phần không tách rời trong từng chính sách, bước đi, kế hoạch và trong từng dự án đầu tư phát triển kinh tế. Coi trọng thẩm định các dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trên các địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh; giám sát việc thực hiện dự án tại các địa bàn nhạy cảm, biên giới, vị trí trọng yếu từ thẩm định, cấp phép, thi công.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, xác định rõ việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong mọi hoạt động kinh tế; bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, nhất trí của bộ máy tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ các cơ quan, tổ chức kinh tế. Nâng cao trình độ lý luận chính trị, kinh tế, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao ý thức cảnh giác về âm mưu, hoạt động phá hoại kinh tế của các thế lực thù địch, phản động. Kiểm soát chặt chẽ thông tin báo chí và dư luận xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là các ngành sản xuất, kinh doanh trọng điểm. Tăng cường bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ bí mật nhà nước trên lĩnh vực kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng các cơ quan hoạch định chính sách. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về quan hệ, tiếp xúc của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị kinh tế với các đối tác nước ngoài.
Thứ năm, tăng cường đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn lợi dụng kinh tế để làm tổn hại, suy giảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế, chuyển hóa chính trị, tạo sự lệ thuộc, xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc và an ninh quốc gia; phát hiện, xử lý kịp thời các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh kinh tế. Bảo đảm việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý ngân sách, đầu tư công, tài sản công, bảo đảm an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an ninh kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ an ninh kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, ứng phó với biến đổi khí hậu./.
-------------------------
(1) Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 14-10-2006, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”, Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22-6-2015, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”, Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 13-9-2017, về Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”....