Ba mươi năm Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga: Nền tảng vững chắc thúc đẩy hợp tác trong giai đoạn mới

PGS, TS HÀ MỸ HƯƠNG - Ths ĐOÀN ANH TUẤN
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Trường Đại học Ngoại thương

23:21, ngày 19-06-2024

TCCS - Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga được ký kết (1994 - 2024). Đây là điều ước quốc tế đặc biệt quan trọng, được hai nước bổ sung, thay thế Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô (năm 1978). Trên cơ sở bản hiệp ước này, trong suốt ba thập niên qua, cho dù các mối quan hệ quốc tế đã và đang biến động khó lường, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nga vẫn ngày càng phát triển và được nâng lên tầm cao mới về chất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư, năm 2018 _Ảnh: TTXVN

Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga 

Nhìn lại lịch sử, ngày 30-1-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang diễn ra ác liệt, Việt Nam và Liên Xô - siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới - chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện này đã đặt nền tảng vững chắc để quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực hợp tác song phương và trên trường quốc tế. Liên Xô dành sự hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ to lớn, chí nghĩa, chí tình đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp trong nửa sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ngày 3-11-1978, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1978) được ký kết. Hiệp ước bao gồm 9 Điều, với nội dung bao trùm là Liên Xô tiếp tục hợp tác, giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam về mọi mặt theo nguyên tắc và tinh thần “tương trợ anh em”. Đây cũng là văn kiện hợp tác ở cấp độ cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương Việt Nam - Liên Xô. Vào cuối năm 1991, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô sụp đổ (trước đó là ở các nước Trung, Đông Âu). Điều này đã tác động mạnh và nhiều mặt đến quan hệ quốc tế. Về quan hệ Việt Nam - Nga, mặc dù Nga được thừa nhận là “quốc gia kế thừa Liên Xô” (được hiểu là kế thừa tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của Liên Xô trên trường quốc tế), song trong những năm đầu thời kỳ “hậu Xô viết”, mối quan hệ giữa hai nước rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Nguyên nhân chủ yếu là do cả hai bên tập trung vào các mục tiêu khác nhau; đồng thời, do cơ chế quan hệ truyền thống Việt Nam - Liên Xô bị đổ vỡ, cơ chế mới chưa kịp thiết lập và do những biến động khó lường của tình hình quốc tế,...

Quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu được thay đổi từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, trước hết do sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga theo hướng cân bằng, thiết thực hơn và chú trọng hơn quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam(1). Về phần mình, Việt Nam nêu cao phương châm “muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đẩy mạnh chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại và đã tiến những bước dài trong cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, khu vực và các nước lớn. Việt Nam cho rằng, bất luận những thay đổi ở Liên Xô trước đây, việc duy trì quan hệ với Nga và các nước khác từng thuộc Liên Xô là cần thiết, đáp ứng lợi ích nhiều mặt của Việt Nam. Xuất phát từ các quan điểm song trùng này, cả Việt Nam và Nga đều nhận thấy cần nhanh chóng khôi phục mối quan hệ hợp tác truyền thống, song trước tiên cần tạo dựng một khuôn khổ, một nền tảng pháp lý mới cho quan hệ Việt Nam - Nga, thay thế Hiệp ước năm 1978. Với những nỗ lực của cả hai phía, ngày 16-6-1994, Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (sau đây gọi tắt là Hiệp ước năm 1994) đã được hai bên ký kết tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Liên bang Nga), nhân chuyến thăm chính thức nước Nga của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Từ đây, những trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu.

Hiệp ước năm 1994 bao gồm 12 Điều, cũng là văn kiện hợp tác Việt Nam - Nga ở cấp độ cao nhất, song toàn diện hơn so với Hiệp ước năm 1978. Bản Hiệp ước năm 1994(2) có nội dung cốt lõi, điều chỉnh đáng chú ý:

Một là, Hiệp ước năm 1994 tôn trọng và kế thừa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Liên Xô trước đây. Các nguyên tắc quan hệ song phương được nêu rõ từ đầu, trong Điều 1 của Hiệp ước: “Hai bên ký kết Hiệp ước từ nay trở đi sẽ duy trì và phát triển các mối quan hệ hữu nghị dựa trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi, và sẽ tạo ra những cơ chế đối thoại thích ứng với điều đó”. Như vậy, Điều 1 của Hiệp ước năm 1994 đã giữ nguyên (nhưng có bổ sung) những nguyên tắc quan hệ song phương từng được nêu trong Điều 1 của Hiệp ước năm 1978. Điều 10 của Hiệp ước năm 1994 cũng xác định: “... Trên cơ sở Hiệp ước này, hai bên sẽ nỗ lực đổi mới và hoàn thiện các hiệp ước, hiệp định và các văn kiện khác đã được ký kết trước đây”. Những nội dung này rất đáng chú ý, vì xét trên nhiều mặt, Nga không phải là Liên Xô trước đây, song trên thực tế không khó để lý giải vì sao có sự kế thừa ấy trong Hiệp ước năm 1994. Đối với Nga, bắt nguồn từ vai trò, vị thế của Nga trong Liên Xô, cũng như từ những căn nguyên lịch sử, truyền thống và văn hóa chính trị, Nga kế thừa những giá trị vốn có của Liên Xô, trong đó có những giá trị trong quan hệ gần gũi, gắn bó với Việt Nam mà hai nước đã từng xây dựng. Đối với Việt Nam, việc phát triển quan hệ với Nga không những nằm trong tổng thể chủ trương “muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”, mà còn bởi trong tư duy đối ngoại và trong thực tiễn các mối quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, quan hệ với Nga luôn chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt.

Hai là, Hiệp ước năm 1994 có một số thay đổi, điều chỉnh về nội dung so với Hiệp ước năm 1978. Với 12 Điều, ngoài việc bổ sung các nguyên tắc “cùng có lợi”, tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” và “các quy tắc công pháp quốc tế khác được thừa nhận rộng rãi”, Hiệp ước năm 1994 trình bày toàn diện, chặt chẽ, rõ ràng và cụ thể quan điểm chỉ đạo cũng như các lĩnh vực hợp tác song phương và đa phương. Có thể nhận thấy sự khác biệt trong một số điều của Hiệp ước năm 1994. Đơn cử như, nếu Điều 6 của Hiệp ước năm 1978 quy định: “Hai bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau về tất cả các vấn đề quốc tế quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước. Trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công thì hai bên ký kết Hiệp ước sẽ lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm loại trừ mối đe dọa đó và áp dụng những biện pháp thích đáng có hiệu lực để bảo đảm hòa bình và an ninh của hai nước”(3), thì Điều 3 của Hiệp ước năm 1994 ghi rõ: “Hai bên ký kết Hiệp ước sẽ trao đổi ý kiến với nhau ở các cấp độ khác nhau về tất cả các vấn đề quan trọng có liên quan đến lợi ích hai nước và thực hiện những cuộc tiếp xúc qua con đường ngoại giao. Không bên nào trong hai bên sẽ ký kết với nước thứ ba những hiệp ước, hiệp định hoặc có các hành động xâm hại đến chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của bên kia. Trong trường hợp xuất hiện tình huống, theo ý kiến của một trong hai bên, sẽ tạo ra nguy cơ đối với hòa bình và an ninh quốc tế, có thể kéo theo những phức tạp quốc tế, hai bên sẽ ngay lập tức tiếp xúc với nhau để tham vấn nhằm ngăn chặn nguy cơ đó”. So sánh hai Điều này có thể thấy, Điều 3 của Hiệp ước năm 1994 đã thay đổi hẳn tính chất quan hệ giữa hai nước theo hướng chặt chẽ và bao quát hơn.

Các chuyên gia Nga hỗ trợ kỹ thuật tại một dàn khoan của Vietsovpetro _Ảnh: TTXVN

Ý nghĩa lịch sử và vai trò của Hiệp ước năm 1994

Thứ nhất, bản Hiệp ước năm 1994 được Việt Nam và Nga ký kết là phù hợp với thực tiễn đời sống quốc tế đương đại, phản ánh trung thực tính chất quan hệ giữa hai nước và đáp ứng yêu cầu của từng nước trước những biến chuyển của tình hình thế giới cũng như tình hình mỗi nước. Tinh thần và nội dung của Hiệp ước năm 1994 đã giúp hai nước, một mặt, thêm trân trọng, gìn giữ và phát huy tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp, sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác nhiều mặt vốn có; mặt khác, giúp tháo gỡ trở ngại đã và đang cản trở quan hệ song phương cũng như giải tỏa được vướng mắc trong tư duy và trong hành động đang hiện hữu ở cả hai phía, để từ đó tìm ra đường hướng phù hợp với bối cảnh lịch sử mới, cũng như đưa ra cách thức, biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển quan hệ hợp tác một cách bền vững và hiệu quả.

Thứ hai, vai trò chính yếu, nổi bật và căn bản của Hiệp ước năm 1994 là tạo dựng được nền tảng, khung khổ pháp lý mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga. Những thay đổi, điều chỉnh về nội dung, cách diễn ngôn, theo đó là tinh thần của Hiệp ước năm 1994 giúp việc cải thiện và thúc đẩy mối quan hệ này mang tính thiết thực hơn. Những nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ Việt Nam - Nga được nêu trong Hiệp ước năm 1994 là phù hợp với công pháp quốc tế, với tính chất của thời đại và các mối quan hệ quốc tế nói chung sau Chiến tranh lạnh. Hiệp ước năm 1994 cũng cho thấy, nếu các bên có thiện chí và nỗ lực tạo dựng khuôn khổ pháp lý để thiết lập trên thực tế mối quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi thì sẽ không chỉ đem lại thành công cho mỗi nước, mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì một trật tự thế giới công bằng, dân chủ, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi quốc gia, dân tộc cùng phát triển và cùng được tôn trọng.

Như vậy, với việc ký kết Hiệp ước năm 1994, Việt Nam và Nga đã tiếp nối truyền thống lịch sử, phát triển quan hệ đối tác hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, để cùng bước sang giai đoạn phát triển mối quan hệ mới về chất. Do vậy có thể nói, Hiệp ước năm 1994 là một văn kiện lịch sử có giá trị lớn lao, vừa tạo dựng cơ sở, nền tảng, vừa là “kim chỉ nam” cho các nhà lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Nga trong quá trình khôi phục, đổi mới và phát triển quan hệ hợp tác song phương trên mọi bình diện, để ngày càng gặt hái nhiều thành tựu.

Những bước tiến nổi bật của quan hệ Việt Nam - Nga

Sự kiện quan trọng được coi là dấu mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga V. Pu-tin (năm 2001), với việc hai nước ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga. Cần lưu ý rằng, Nga là nước đầu tiên mà Việt Nam xác lập quan hệ đối tác chiến lược và việc này diễn ra ngay từ đầu thế kỷ XXI. Tuyên bố chung đã xác định khung khổ mới cho hợp tác Việt Nam - Nga trên cơ sở tin cậy, hợp tác chặt chẽ và lâu dài. Việc xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược đi cùng quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo hai nước đã đưa hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại những thành công đáng khích lệ.

Những thành tựu của quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga nói riêng, thực tiễn quan hệ quốc tế nói chung trong thập niên đầu thế kỷ XXI đã trở thành cơ sở cho hai nước đặt mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - Nga phát triển toàn diện và sâu sắc hơn. Đó cũng là nền tảng thúc đẩy hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ đối tác bằng việc xác lập khuôn khổ hợp tác mới là đối tác chiến lược toàn diện. Sự kiện này diễn ra vào tháng 7-2012 nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ hợp tác cao nhất này đã tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước với sự tin cậy lẫn nhau và được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao, cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường niên, như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng... Quan hệ giữa hai nước trên lĩnh vực này phát triển ngày càng mạnh mẽ thông qua tất cả các kênh, từ kênh Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến hợp tác giữa các tỉnh, thành phố và đối ngoại nhân dân. Những năm gần đây, hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội của Việt Nam; Tổng thống, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội của Nga) cũng như nhiều chuyến thăm và làm việc cấp cao khác, bàn thảo nhiều vấn đề nhằm đạt mục tiêu đưa hợp tác toàn diện Việt Nam - Nga đạt hiệu quả cao. Một thành tựu nổi bật trong những năm qua là việc hai nước đồng tổ chức Năm Chéo Việt Nam - Nga nhân kỷ niệm 25 năm ký kết Hiệp ước năm 1994 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với hơn 200 hoạt động đa dạng, diễn ra trong hai năm 2019 - 2020 ở cả hai nước, khẳng định tính chất đối tác chiến lược toàn diện của quan hệ Việt Nam - Nga và quyết tâm của cả hai nước thắt chặt và củng cố mối quan hệ đó bằng mọi biện pháp. Mới đây, tại Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh Việt Nam - Nga lần thứ 13 tổ chức tại Việt Nam (tháng 3-2024), hai bên đánh giá cao tính hiệu quả của cơ chế đối thoại chiến lược, ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong hợp tác song phương thời gian qua, khẳng định quyết tâm duy trì, thúc đẩy hợp tác song phương thực chất, hiệu quả trong thời gian tới(4).   

Quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam - Nga không ngừng phát triển (Trong ảnh: Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được trang bị cho Lữ đoàn Tàu ngầm 189 Hải quân, nâng cao năng lực phòng thủ, bảo vệ chủ quyền biển đảo) _Ảnh: VGP

An ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước, được đánh giá là ổn định, vững chắc, thiết thực và đạt hiệu quả cao. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục coi Nga là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực này. Tại Đối thoại chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Nga lần thứ 6 tổ chức tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Liên bang Nga) (tháng 7-2023), lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đánh giá, kể từ Đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ 5 (tháng 12-2019), quan hệ quốc phòng giữa hai nước tiếp tục được triển khai hiệu quả, phù hợp với các thỏa thuận, cơ chế hợp tác đã thiết lập, cũng như với Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030 (tháng 7-2021). Hai nước cũng thống nhất nhận định, quan hệ hợp tác quốc phòng tiếp tục là trụ cột và là hướng ưu tiên phát triển vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.

Trong lĩnh vực kinh tế, năng lượng, đặc biệt là dầu khí - lĩnh vực hợp tác truyền thống, được coi  là lĩnh vực then chốt, trụ cột, có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Nga. Đây cũng là lĩnh vực hợp tác kinh tế hiệu quả nhất trong nhiều thập niên qua, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Điều đáng nói là giờ đây, hợp tác dầu khí Việt Nam - Nga đã có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động ở cả hai nước. Một điểm mới đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam vào Nga trong những năm gần đây tăng nhanh. Cho đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Nga vào Việt Nam đạt trên 970 triệu USD, với 171 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; Việt Nam có 17 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài(5). Theo đó, hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ với 100% vốn của người Việt Nam đang hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả tại Nga. Về thương mại, trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, thương mại Việt Nam - Nga đã ghi nhận những bước tiến tích cực. Nếu năm 2000, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga chỉ hơn 363 triệu USD, thì năm 2010 tăng lên gần 2 tỷ USD, năm 2020 đạt khoảng 4,5 tỷ USD, và đạt mức cao nhất năm 2021 với 5,5 tỷ USD(6). Trong bối cảnh hai nước đang hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế số, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chủ doanh nghiệp,... của cả hai nước tích cực tìm kiếm các giải pháp, phương sách, nguồn lực,... nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực đầy tiềm năng này.  

Đối với lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, điểm sáng nổi bật của hợp tác hiệu quả là Trung tâm Nhiệt đới Việt Nam - Nga thành lập từ năm 1988. Đây là cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp đa ngành về nhiệt đới, được triển khai theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, trong tương lai có thể trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu trong khu vực và trên thế giới(7). Hiện tại, hoạt động của Trung tâm đáp ứng lợi ích của cả hai nước và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào việc củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Nga. Hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang tiến triển tích cực. Hằng năm, Chính phủ Nga dành 1.000 suất học bổng cho công tác đào tạo sinh viên Việt Nam tại các trường đại học hàng đầu của Nga, còn Việt Nam gần đây cũng đã dành một số suất học bổng cho du học sinh Nga sang Việt Nam học tập (năm 2024, phía Việt Nam thông báo cấp 75 suất học bổng cho du học sinh Nga). Các hoạt động giao lưu văn hóa - học thuật giữa hai nước diễn ra sôi nổi hằng năm và luân phiên, để lại những ấn tượng và dư âm tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai nền văn hóa Việt Nam - Nga. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng mang lại những kết quả tích cực khi số lượng khách du lịch Nga sang Việt Nam những năm gần đây tăng khá cao. Năm 2018, Việt Nam đón 606.637 lượt khách du lịch Nga, năm 2019 khoảng 650.000 khách du lịch Nga (nhưng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, số lượng khách du lịch Nga sang Việt Nam giảm). Ở chiều ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch.

Tuy nhiên, trong kết quả khả quan về hợp tác song phương Việt Nam - Nga kể trên, kinh tế là lĩnh vực hợp tác được các chuyên gia đánh giá còn nhiều hạn chế so với quy mô, tiềm năng của nền kinh tế hai nước. So với các nước đối tác chiến lược toàn diện khác của Việt Nam, thương mại hai chiều Việt Nam - Nga ở mức thấp. Về đầu tư, vốn đầu tư của Nga vào Việt Nam ít hơn vốn đầu tư của Việt Nam vào Nga, cũng rất thấp so với quy mô nền kinh tế Nga; các dự án đầu tư phần lớn nhỏ lẻ, trong khi một số dự án lớn và quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau chậm được triển khai. Thực trạng thương mại, đầu tư Việt Nam - Nga còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - U-crai-na, các lệnh cấm vận Nga của các nước phương Tây, khoảng cách địa lý,...; đồng thời, do việc thiếu thông tin, thói quen kinh doanh của doanh nghiệp,.... Trước thực trạng này, các khóa họp lần thứ 22, 23, mới đây là khóa 24 (tháng 4-2023) của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, cũng như các cuộc làm việc trong khuôn khổ các cơ chế đối thoại, hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác nhau từ lâu đã rất quan tâm, phối hợp nghiên cứu, bàn thảo để đưa ra cách thức, biện pháp tháo gỡ rào cản, khắc phục khó khăn, trở ngại cản trở sự phát triển quan hệ kinh tế cũng như các lĩnh vực khác. Tại Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh lần thứ 13, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga V. Ti-tốp đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục phát huy tốt vai trò điều phối trong triển khai các thỏa thuận song phương, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc, mở rộng hợp tác đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại của mỗi nước(8). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Nga, được xây dựng bởi nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước; nhấn mạnh Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam(9).

Chương trình nghệ thuật khai mạc Những ngày Văn hóa Nga tại Việt Nam năm 2023 _Nguồn: toquoc.vn

Trên cơ sở những định hướng chỉ đạo hợp tác song phương cũng như các quan điểm mang tính vĩ mô của lãnh đạo cấp cao hai nước, có thể nêu một số hướng cụ thể để góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước như sau:

Một là, về tư duy, để ứng phó hiệu quả với bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, khó lường, cần bám sát và dựa trên những giá trị cốt lõi trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Đối với Việt Nam, mối quan hệ với một quốc gia có sự gắn kết về lịch sử, sức mạnh vượt trội về năng lượng, nền tảng khoa học - kỹ thuật vững chắc, vị thế cường quốc thế giới như Nga là hết sức quan trọng. Các vấn đề thiết yếu, như an ninh năng lượng, an toàn không gian số, ổn định chuỗi cung ứng, ổn định thị trường tiền tệ,... là các vấn đề mà sự hợp tác chặt chẽ với Nga có thể góp phần giải quyết. Cũng cần xác định rõ ràng rằng, mặc dù hợp tác kinh tế Việt Nam - Nga còn nhiều khó khăn, hạn chế, song nếu cả hai bên có quyết tâm, nỗ lực cải thiện thì có thể vượt qua để hướng đến lợi ích chiến lược toàn diện, lâu dài.

Hai là, triển khai chính sách hợp tác cụ thể để phát huy lợi thế so sánh, bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Cần chú trọng tháo gỡ khó khăn, tận dụng triệt để những ưu đãi mà Hiệp định tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mang lại để nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Nga nói riêng, với các nước thành viên EAEU nói chung. Theo nhận định của các chuyên gia, có bốn lĩnh vực kinh tế chủ chốt cần được hai nước hợp tác phát triển: 1- Lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics; 2- Lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo; 3- Lĩnh vực công nghiệp và sản xuất xanh; 4- Lĩnh vực kinh tế số và an toàn không gian số. Về công cụ thanh toán, hai nước cần tìm ra giải pháp thanh toán có thể quy đổi trực tiếp giữa đồng rúp Nga và đồng Việt Nam để khơi thông dòng chảy giao thương trực tiếp, không bị lệ thuộc vào đồng tiền thanh toán của bên thứ ba. Về dài hạn, cần chuẩn bị nguồn lực (con người, cơ chế, chính sách,...) để đón nhận cơ hội đầu tư lớn giữa Việt Nam và EAEU có khả năng bùng nổ trong những năm tới.

Như vậy, mặc dù còn một số khó khăn, trở ngại, hạn chế, song lịch sử quan hệ Việt Nam - Nga trong gần 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2024), 30 năm ký kết Hiệp ước năm 1994, cho thấy sự nổi trội của những thành tựu, thành công, những bước tiến về chất của mối quan hệ này. Có thể nói, tình hữu nghị lâu đời, sự tin cậy chính trị lẫn nhau ở mức cao là nền tảng quan trọng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai nước trong việc gìn giữ, vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Nga ngày càng phát triển bền chặt. Đại sứ Nga tại Việt Nam G. S. Be-dơ-đét-cô (G. S. Bezdetko) nhấn mạnh: “Cho dù có nhiều thay đổi địa chính trị xảy ra trên thế giới nhưng mối quan hệ Việt Nam - Nga được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước tạo dựng, vun đắp vẫn không hề lay chuyển; tiếp tục tạo nền tảng phát triển quan hệ hợp tác hai nước trong điều kiện lịch sử mới”(10). Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga V. Ti-tốp nhấn mạnh, Nga coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam là đối tác tin cậy. Nga coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ thực chất với Việt Nam...”(11). Về phần mình, quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu. Trong quá trình thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam mong muốn cùng Nga phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên mọi lĩnh vực vì lợi ích của người dân mỗi nước, vì sự thịnh vượng của hai dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, chúng ta tin tưởng rằng điều ước quốc tế then chốt này đã và sẽ giúp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga vượt qua mọi thách thức và khó khăn, phát triển toàn diện, nâng lên tầm cao mới về chất./.

----------------------

(1) Xem: Hà Mỹ Hương: “Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Liên bang Nga trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX” trong cuốn Nước Nga hậu Xô viết qua những biến thiên của lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 108 - 120
(2) Tất cả trích dẫn Hiệp ước năm 1994 trong bài này đều lấy ở bản gốc “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga”, Tài liệu lưu trữ ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, bằng tiếng Việt và tiếng Nga
(3) Bộ Ngoại giao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Bộ Ngoại giao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết: Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1983, tr. 583
(4) Minh Anh: “Nga coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ thực chất với Việt Nam”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 4-3-2024, https://dangcongsan.vn/preview/newid/660601
(5) “Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 6-4-2023, https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-lien-bang-nga-co-hoi-hop-tac-moi-va-cac-linh-vuc-tiem-nang-635074.html
(6) “Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - LB Nga”, Báo TTXVN/Vietnam+, ngày 16-10-2023, https://www.vietnamplus.vn/infographics-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-viet-nam-lb-nga-post902338.vnp
(7) Minh Ngọc: “Hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột của quan hệ Việt - Nga”, Báo Quân đội nhân dân điện tử, ngày 7-7-2023, https://www.qdnd.vn/preview/pid/0/newid/733709
(8) Minh Anh: “Nga coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ thực chất với Việt Nam”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tlđd
(9) “Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Nga”, Báo TTXVN/Vietnam+, ngày 3-3-2024, https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-tiep-thu-truong-thu-nhat-bo-ngoai-giao-nga-post930666.vnp
(10) Dương Trí - Vũ Lộc: “Đại sứ Nga G.S. Bezdetko: Triển vọng hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo”, Báo TTXVN/Vietnam+, ngày 8-2-2024, https://www.vietnamplus.vn/dai-su-nga-bezdetko-trien-vong-hop-tac-viet-nga-trong-linh-vuc-doi-moi-sang-tao-post927205.vnp
(11) Minh Anh: “Nga coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ thực chất với Việt Nam”, Tlđd