Tăng cường hợp tác, liên kết; gắn kết kinh tế với quốc phòng - an ninh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
TCCSĐT - Xác lập vùng kinh tế trọng điểm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy thế mạnh của mỗi vùng, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của cả nước. Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn, từng vùng lãnh thổ là một tất yếu khách quan, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện được xem là địa bàn phát triển nhanh và năng động nhất của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp từ 1,2 - 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước trong những năm gần đây, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò ngày càng quan trọng, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của khu vực Nam Bộ và cả nước.
Tuy nhiên, với những tiềm năng và vị thế có được, sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho tới nay còn thiếu yếu tố bền vững và chưa tương xứng với sự mong đợi, nguyên nhân cốt lõi là chưa có được một sự liên kết chặt chẽ và có hiệu quả giữa các địa phương trong vùng. Vì thế, cần thiết phải tăng cường hợp tác, liên kết trong vùng, làm cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực sự trở thành một cực tăng trưởng nhanh về kinh tế, đồng thời là một địa bàn chiến lược quan trọng trong quốc phòng - an ninh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phía Nam.
Tiềm năng và vị thế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được hình thành vào cuối năm 1997 đầu năm 1998, đến nay có 8 tỉnh, thành phố gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang. Diện tích tự nhiên của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xấp xỉ 30 ngàn km2, chiếm 9,2% diện tích cả nước, với dân số toàn vùng khoảng 16,8 triệu người (2010), chiếm 19,4% dân số cả nước. GDP toàn vùng chiếm 40% GDP cả nước và GDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần so với mức bình quân chung của cả nước.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu mối giao lưu quốc tế, là cửa ngõ giao thương, là nơi hội tụ các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ với các tỉnh, thành khác trong cả nước, có các cửa khẩu quan trọng như Mộc Bài (Tây Ninh), Mộc Hóa (Long An), Lộc Ninh (Bình Phước). Đây cũng là một trung tâm công nghiệp trọng yếu và lớn nhất của cả nước, có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và cơ bản, các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đóng vai trò nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của cả nước như cơ khí chế tạo, luyện cán thép, năng lượng điện, điện tử, tin học, hóa chất cơ bản, vật liệu xây dựng, dầu khí, hóa dầu,… Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn là một trung tâm thương mại và dịch vụ có tầm cỡ khu vực và quốc tế, đặc biệt là đối với các loại hình dịch vụ chất lượng cao như du lịch, tài chính, ngân hàng, viễn thông, nghiên cứu - ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…
Với lợi thế vượt trội về các mặt địa lý, địa hình, tài nguyên, đất đai, lao động không chỉ đối với Việt Nam mà cả trong khu vực Đông Nam Á, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành phía Nam và cả nước, đồng thời cũng là địa bàn chiến lược và trọng điểm phòng thủ vững chắc cho vùng biên giới phía Tây Nam và vùng biển Đông, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ vùng trời và vùng biển phía Nam của Tổ quốc…
Thực trạng hợp tác, liên kết trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Sau gần 20 năm thành lập và mở rộng, đến nay Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn chưa xác lập được một không gian thống nhất, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển. Sự tăng trưởng của vùng trong thời gian qua chủ yếu là do nỗ lực tự thân của từng địa phương, chưa dựa trên sự hợp tác - liên kết trong một chiến lược phát triển chung, nhằm vào những mục tiêu chung của cả vùng.
Mỗi địa phương trong vùng hiện vẫn tồn tại với tư cách là một đơn vị riêng rẽ, phân biệt bởi địa giới hành chính, có các mục tiêu phát triển riêng. Sự hợp tác và liên kết nội vùng, từ khâu quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, đến cơ chế quản lý, phối hợp, điều hành, còn khá lỏng lẻo, rời rạc. Các phương án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của các địa phương trong vùng chưa được xây dựng dựa trên các lợi thế đặc thù của từng địa phương và ít có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau nên động lực liên kết không cao. Phần lớn các hoạt động hợp tác, liên kết nếu có cũng chỉ mang tính cục bộ, sự vụ, nhất thời, hoàn toàn không có tính chiến lược hay thống nhất trong toàn vùng.
Thực trạng quy hoạch phát triển theo địa giới hành chính, làm cho không gian vùng trở nên manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Cơ cấu ngành, cơ cấu lĩnh vực ở hầu hết các địa phương trong vùng đều “na ná” như nhau, chưa có sự chọn lọc để hướng tới sự gắn kết, hợp tác một cách căn cơ và hiệu quả. Định hướng đầu tư của các địa phương trong vùng cũng theo một khuôn mẫu chung giống nhau, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, làm suy giảm năng lực phát huy các nguồn lực của cả vùng, làm cho môi trường đầu tư thiếu sức hấp dẫn, kém hiệu quả và gây lãng phí lớn.
Các chương trình, dự án đầu tư và phát triển nhằm hỗ trợ cho sự hợp tác - liên kết, phát huy lợi thế của cả vùng diễn ra chậm chạp và thiếu hiệu quả. Hạ tầng giao thông giữa các tỉnh, thành trong vùng chưa được thực hiện đồng bộ, gây khó khăn trong việc kết nối giữa các địa phương trong vùng. Sự hợp tác, liên kết trong việc hình thành và sử dụng các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tiện ích, công trình an sinh, cơ sở quốc phòng giữa các địa phương trong vùng còn nhiều bất cập
Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch gắn kết phát triển kinh tế với bảo vệ Tổ quốc trên toàn địa bàn vùng còn mang tính hình thức. Việc triển khai các chương trình, dự án lồng ghép giữa hai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh - quốc phòng gặp khó khăn nên không thể hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành với chất lượng thấp,…
Trên thực tế, đã xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng mang tính hệ quả của quá trình phát triển thiếu sự hợp tác - liên kết, trong đó nổi bật là các vấn đề về lãng phí tài nguyên, khan hiếm nguồn lực, mất cân bằng năng lượng, hủy hoại môi trường sinh thái, xung đột lợi ích, phân hóa giàu nghèo…
Hướng tới một không gian liên kết toàn diện và bền vững trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sớm xác lập một không gian thống nhất, xét cả về phương diện kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, dựa trên sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng, nhằm phát huy lợi thế trên toàn địa bàn vùng. Với định hướng đó, các giải pháp chủ yếu sau đây được xem là cơ bản và cấp thiết.
Một là, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển vùng, tạo cơ sở cho sự hợp tác, liên kết trong vùng
Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải xác định rõ: mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển của vùng; các yếu tố, điều kiện phát triển, khả năng khai thác, sử dụng hợp lý, có hiệu quả lợi thế so sánh trên toàn địa bàn vùng; các phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế - xã hội trên lãnh thổ vùng; các giải pháp về cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm; ảnh hưởng của các yếu tố trong nước và quốc tế đến sự phát triển của vùng…
Cần tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên toàn vùng, tiến hành điều chỉnh, nâng cao tính thiết thực và tăng cường hiệu lực thực thi, trong đó đặc biệt lưu ý tới những quy hoạch về phát triển các khu đô thị, các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp, hệ thống cảng biển.... Trên cơ sở quy hoạch đã được điều chỉnh phù hợp, xây dựng cơ chế để tăng cường sự quản lý, phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương trong thế liên kết chung của vùng.
Việc bố trí, quy hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải trên cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc. Trong phát triển kinh tế, phải tính đến nhu cầu quốc phòng - an ninh và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, kết hợp xây dựng, phát triển kinh tế với tổ chức, phân bố các tiềm lực quốc phòng trên toàn địa bàn vùng.
Hai là, xác lập một cơ chế điều phối - liên kết hữu hiệu, tăng cường vai trò và trách nhiệm của các bên hữu quan, bảo đảm quá trình liên kết vùng được thực hiện một cách tích cực, bền vững
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sớm hình thành một hệ thống các cơ chế điều phối vừa định chuẩn vừa linh hoạt để thúc đẩy và đáp ứng nhu cầu đa dạng của sự liên kết - hợp tác giữa các địa phương trong vùng.
Cơ chế định chuẩn được thiết lập dựa trên các định chế, quy phạm pháp luật của chính quyền Trung ương, thông qua ban điều phối vùng, với sự tham gia của tất cả các bộ, ngành liên quan. Cơ chế linh hoạt bao gồm: i) Cơ chế hợp tác, liên kết được xây dựng dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi do các tỉnh, thành trong vùng cùng đứng ra ký kết và thực thi; ii) Cơ chế hợp tác, liên kết được thực hiện thông qua các tổ chức kinh tế - xã hội ở các địa phương trong vùng; iii) Cơ chế hợp tác, liên kết thông qua thị trường, theo các quy luật điều tiết của thị trường.
Việc xác lập cơ chế điều phối cần thực hiện theo hướng vừa phát huy sự đồng thuận giữa các địa phương thông qua việc tăng cường đối thoại giữa các cấp chính quyền địa phương, vừa tăng cường sự điều phối, giám sát của chính quyền Trung ương trong trường hợp có sự xung đột về thẩm quyền hoặc mâu thuẫn về lợi ích trong việc thực hiện các mục tiêu, quy hoạch phát triển chung.
Để tăng cường cơ chế điều phối, cần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo điều phối phát triển vùng, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng, sớm ban hành các văn bản xác định đầy đủ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, quy định rõ những biện pháp chế tài; đồng thời, xây dựng các công cụ hỗ trợ để loại bỏ tính cục bộ, bảo đảm tính kết nối theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả vùng.
Ba là, phối hợp phát triển cân đối, đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng, các khu kinh tế tập trung, khu kinh tế cửa khẩu, khu dân cư, khu đô thị; xây dựng đồng bộ các khu kinh tế - quốc phòng và quốc phòng - kinh tế trên địa bàn vùng
Mạng lưới kết cấu hạ tầng, các khu kinh tế tập trung, khu dân cư, khu đô thị, khu kinh tế - quốc phòng và quốc phòng - kinh tế,… được xem là bộ khung kết cấu, tạo lập sự vững chắc cho không gian liên kết trên toàn địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần được phát triển theo mô hình tập trung - đa cực với các đô thị, cụm đô thị, tạo sự liên kết mang tính hệ thống trong vùng. Đô thị trung tâm - hạt nhân gồm Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận sẽ là khu vực phát triển mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ ngang tầm quốc tế. Vùng phát triển phía Đông tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai sẽ là nơi phát triển mạnh công nghiệp dầu khí, hóa dầu, kinh tế biển với các dịch vụ cảng, du lịch, nghỉ dưỡng. Vùng phát triển phía Bắc tập trung ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước sẽ phát triển lâm nghiệp và cây công nghiệp, khai thác tài nguyên nước, năng lượng điện, du lịch rừng sinh thái và kinh tế cửa khẩu. Vùng phát triển phía Nam là các tỉnh Long An, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp đa ngành, du lịch sinh thái…
Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế là nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế vừa có vị trí quan trọng trong thế trận quốc phòng ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, ven biển, vừa có ý nghĩa chiến lược đối với thế trận quốc phòng chung của cả nước. Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh của vùng, an ninh biên giới, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, phối hợp khai thác, huy động, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cần thiết
Về nguồn vốn đầu tư phát triển
Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm, cần huy động tối đa mọi nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đồng thời tăng cường quản lý nguồn vốn, có sự phối hợp điều chỉnh cơ cấu để nâng cao hiệu quả đầu tư.
Đối với các nguồn đầu tư từ ngân sách, cần xây dựng chiến lược đầu tư, có danh mục đầu tư ưu tiên theo quy hoạch phát triển từng thời kỳ cụ thể để xác định rõ giới hạn, phạm vi ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước đầu tư hay các thành phần kinh tế khác đầu tư, đồng thời tập trung nguồn lực vào các công trình trọng điểm, đầu mối và các công trình có nhiều hiệu ứng tiếp theo.
Để thu hút có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài, cần có sự phối hợp xây dựng các chương trình chính sách chung, có tính nhất quán cho cả vùng, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu, phá vỡ tính thống nhất và làm giảm giá trị các nguồn lực trên địa bàn vùng.
Để điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng hiệu quả - hợp lý, mỗi địa phương cần rà soát thật kỹ quy hoạch phát triển trên địa bàn để có cơ sở đầu tư tập trung, ưu tiên đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế, nâng mức đầu tư cho các ngành kinh tế chủ lực, kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, chấm dứt những dự án kém hiệu quả hoặc thiếu tính khả thi.
Về nguồn lực đất đai
Căn cứ vào số liệu thống kê về diện tích và cơ cấu đất đai các địa phương trong vùng, có thể nhận thấy những địa phương có thế mạnh về diện tích đất nông nghiệp là Long An, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang; những địa phương có thế mạnh về diện tích đất lâm nghiệp là Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh; những địa phương có thế mạnh về diện tích đất chuyên dùng là Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh; những địa phương có thế mạnh về diện tích đất ở là Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai…
Do vậy, khi nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển vùng, nhất thiết phải xem xét đến vấn đề sử dụng đất đai một cách tối ưu. Các địa phương khi ban hành chính sách đất đai cần gắn với mục tiêu, chiến lược phát triển chung của vùng, có sự phối hợp chặt chẽ, tạo ra một tiếng nói chung. Cần gắn việc quy hoạch, sử dụng đất đai với việc xác định lợi thế của từng địa phương, trên từng địa bàn cụ thể. Cần sử dụng chính sách giá đất như là một biện pháp hữu hiệu để định hướng hoạt động đầu tư theo đúng mục tiêu, quy hoạch đề ra…
Về nguồn nhân lực
Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển, các chuyên gia dự kiến đến năm 2020 trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải có ít nhất 45 - 50 trường đại học và 55 - 60 trường cao đẳng, đào tạo ra khoảng 650.000 sinh viên/năm. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay và trong tương lai vẫn là vùng kinh tế lớn nhất nước, nhu cầu nhân lực cho sự phát triển là rất lớn.
Do vậy, các địa phương trong vùng cần phối hợp, phấn đấu để có được một đội ngũ nhân lực bảo đảm về các mặt số lượng, chất lượng, cơ cấu. Những giải pháp chủ yếu là: mở rộng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng tay nghề - kỹ năng với những tiêu chuẩn chất lượng được quy định chặt chẽ, nhằm xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ về số lượng và bảo đảm yêu cầu chất lượng; xây dựng cơ chế và hỗ trợ việc liên kết giữa các cơ sở đào tạo của các địa phương trong việc đào tạo và sử dụng lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; quy hoạch, quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ chuyên nghiệp trên địa bàn vùng, có chế độ chính sách mới để khuyến khích đội ngũ trí thức và nhân tài; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo (đại học, cao đẳng và dạy nghề) theo hướng chú trọng đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật phục vụ sự phát triển hiện đại, công nghệ cao; phối hợp đào tạo nguồn nhân lực giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoại vi, giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các khu vực ngoài vùng để lôi kéo lực lượng lao động ngoài khu vực tham gia vào các hoạt đông kinh tế - xã hội trong vùng…
Vấn đề cần quan tâm là phải có một sự phân công hợp lý: Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng đô thị trung tâm sẽ tập trung vào các chương trình đào tạo chất lượng cao với những ngành mũi nhọn, những lĩnh vực công nghệ mới, còn các địa phương khác sẽ tập trung đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu lao động của các ngành truyền thống, phổ thông trong vùng./.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp các Tổ chức lớn của Nhật Bản  (22/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên