Tầm nhìn và chỉ đạo chiến lược trong chiến thắng Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCS - Chiến thắng Điện Biên Phủ cho thấy dấu ấn sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm nhìn dự báo và hoạch định đường lối chiến lược, về sử dụng nhân lực và binh lực, về phương pháp tác chiến, về sự khích lệ động viên bộ đội và đồng bào ta trong chiến tranh nhân dân, làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Chiến thắng lịch sử ấy tạo đà cho thắng lợi trên bàn đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ và là minh chứng cho giá trị hiện thời về chân lý độc lập, hòa bình, hạnh phúc và sức mạnh chính nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời mình và để lại những dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Một trong những cống hiến ấy là quá trình Người lãnh đạo, chỉ đạo chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vẻ vang, khơi dậy và phát huy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, gắn kết và quy tụ sự đồng lòng của hậu phương và tiền tuyến, của quân đội và nhân dân, của “ý Đảng và lòng dân” trong việc hoạch định đường lối chiến lược cho phù hợp với bối cảnh, cách thức tổ chức chiến thuật và phát triển lực lượng, động viên toàn dân và toàn quân vượt qua khó khăn, nhất tề quyết chiến, quyết thắng giành thắng lợi.
Dự báo và hoạch định đường lối chiến tranh
Thực dân Pháp chủ trương và tổ chức xây dựng khu tổ hợp công sự Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm giành thế đứng chân ở vùng Tây Bắc và Thượng Lào, thực hiện âm mưu kéo quân chủ lực của ta lên đây để tiêu diệt, tạo điều kiện cho việc bình định ở đồng bằng và trung du, hòng làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương. Thực dân Pháp và can thiệp Mỹ quyết định chọn tướng Na-va làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vạch ra kế hoạch Na-va với âm mưu mở rộng và kéo dài chiến tranh, hòng cứu vãn tình thế thất bại của chúng. Từ giữa tháng 11-1953, thực dân Pháp, với sự giúp sức của đế quốc Mỹ, đã từng bước xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số quân hơn 16.000 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 2 tiểu đoàn và 3 đại đội pháo lớn, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay, tổ chức thành 8 cụm với 49 cứ điểm. Việc Na-va quyết định giao chiến ở Điện Biên Phủ là do đánh giá chủ quan về quân ta không có khả năng đánh một tập đoàn cứ điểm, lại không thể đưa vũ khí hạng nặng và tiếp tế từ miền xuôi lên Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của kế hoạch Na-va và là điểm quyết chiến chiến lược trên chiến trường Đông Dương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, trong đó, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng; lực lượng tham gia chiến dịch là Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 351, Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn)... Tại Khuổi Tát (Định Hóa, Thái Nguyên), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Người trước khi lên Tây Bắc, nêu ra những trở ngại khi tác chiến ở xa nên không thể thường xuyên xin ý kiến Người và Bộ Chính trị. Người nói: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(1). Lời căn dặn của Người đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành kim chỉ nam trong tư duy chiến thuật, quyết chiến chiến lược của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Vấn đề đặc biệt quan trọng là đường lối chiến tranh, phương châm của chiến dịch có ý nghĩa quyết định đến tương lai cách mạng của dân tộc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự liệu và nhất quán phương châm chiến dịch, lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết tâm đánh chắc, tiến chắc và động viên toàn dân dốc toàn lực lượng chi viện cho tiền tuyến đánh thắng hoàn toàn. Nhận định tình hình địch đã củng cố công sự phòng ngự rất nhanh chóng, mạnh mẽ, có sự yểm trợ của không quân; trong khi phía ta tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế về quân lực và khí tài, lại chưa kinh qua hợp đồng tác chiến lớn, cùng với những khó khăn về trang bị cho bộ đội và hậu cần chưa bảo đảm kịp thời, nên Đảng đã chỉ rõ: “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại thì hết vốn”(2).
Phương châm từ đánh nhanh, thắng nhanh được thay đổi sang đánh chắc, tiến chắc là đòi hỏi quyết tâm rất lớn, như đồng chí Võ Nguyên Giáp nói đó là “quyết định khó khăn nhất”. Đánh nhanh, giải quyết nhanh trong khi địch chưa kịp chuẩn bị củng cố trận địa phòng ngự, chủ yếu là những công sự dã chiến, một số cứ điểm lộ ra sơ hở, tiếp tế chủ yếu bằng máy bay; quân ta đã tập kết chung quanh Điện Biên Phủ, tinh thần công kiên rất cao, nhưng có bất lợi là chưa có kinh nghiệm tác chiến lớn với nhiều lực lượng tinh nhuệ và triển khai linh hoạt các biện pháp phòng ngự của quân Pháp. Đánh chắc, tiến chắc thì phải tiến hành trên quy mô lớn và diễn ra trong thời gian khá dài, trên mọi địa hình và trong công sự vững chắc kế tiếp nhau cho đến khi quân địch bị tiêu diệt và đầu hàng hoàn toàn. Đánh chắc, tiến chắc thì công tác chuẩn bị kéo dài; thời gian chiến đấu kéo dài sẽ phát sinh nhiều khó khăn mới, do địch có thời gian thúc đẩy chi viện tiếp tế và củng cố trận địa, đánh phá ngày càng ráo riết, ác liệt làm cho bộ đội ta sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng, còn công tác hậu cần tiếp tế sẽ phải diễn ra dài ngày và tăng lên.
Trong khi đó, phía địch đã đề ra kế hoạch phòng thủ gồm bốn bước: 1- Dùng không quân oanh tạc, nhằm làm chậm bước tiến của quân ta trên các tuyến giao thông chính từ Yên Bái và Thanh Hóa đi Tây Bắc; 2- Đánh phá và đánh chiếm hòng đánh bật quân ta ra khỏi Lai Châu; 3- Oanh tạc gây thiệt hại và chặn các cuộc tiến công của quân ta vào Điện Biên Phủ; 4- Khuếch trương lực lượng, mở rộng vùng chiếm đóng. Những khó khăn đó càng làm nổi bật tính sáng tạo và quyết tâm lớn lao của chúng ta. Lực lượng của ta tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị làm đường mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, chuẩn bị lực lượng bộ đội về mọi mặt, hầm trú ẩn, hậu cần và theo dõi chặt chẽ tình hình địch.
Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn vào ngày 13-3-1954 và đã diễn biến làm ba đợt: 1- Đánh chiếm, tiêu diệt các vị trí Him Lam và phân khu bắc (phía bắc và đông bắc); 2- Bao vây, khống chế sân bay, tiêu hao và tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch ở khu vực phòng ngự then chốt của phân khu trung tâm, thu hẹp phạm vi chiếm đóng các ngọn đồi phía đông và vùng trời của địch; 3- Đánh chiếm các điểm cao cuối cùng ở phía đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của quân địch. Sau 55 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, với 3 đợt tiến công, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch, trong đó có tướng Đờ Cát-xtơ-ri và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh điểm là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta đã đập tan kế hoạch Na-va.
Nhân tố chủ yếu nhất, quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là chủ trương kiên quyết kháng chiến, xác định phương châm và cách đánh, thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo, đoàn kết trên dưới đồng lòng theo đường lối quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người lãnh đạo và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung lực lượng, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, phát huy thế mạnh của ta để giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược này.
Chiến lược đại đoàn kết toàn dân, huy động nhân lực và binh lực
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đều mang chiến lược đại đoàn kết toàn dân và tính chất nhân dân sâu sắc, “là điển hình thành công của việc quán triệt và tổ chức thực hiện tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta”(3).
Xuất phát từ niềm tin vào tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo của đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm động viên quân và dân ta trong quá trình chuẩn bị cho đến khi giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Người đã gửi nhiều thư động viên, cổ vũ, khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn để làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Tháng 12-1953, trong Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, Người khẳng định: “Các chú phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh”(4).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo rất quan trọng về chiến tranh toàn dân với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Đó là tư tưởng của Người về chiến tranh nhân dân ở cơ sở và chiến tranh nhân dân ở địa phương, động viên đồng bào bám trụ và làm chủ bản làng, quê hương, đường phố để đánh địch. Đáp lại lòng tin cậy của Người vào sức mạnh của đồng bào và bộ đội, nên trong quá trình chuẩn bị và tác chiến tại chiến trường Điện Biên Phủ đã có nhiều sự đùm bọc, chia sẻ, quyết tâm và sáng tạo, như việc chặt tre nứa luồn xuống dưới lớp cỏ rồi chống lên như giàn mướp tạo thành giàn ngụy trang cho con đường kéo pháo vào các điểm trận địa được an toàn; phong trào “săn Tây, đánh tỉa”, đánh tập kích quân địch và giữ vững trận địa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là cách đánh du kích, đánh điểm, diệt viện, chiến thuật “điệu hổ ly sơn”… Ngày 16-1-1954, trong bài viết Đẩy mạnh phong trào du kích dưới bút danh Nguyễn Thao Lược đăng Báo Nhân dân, Người khẳng định vai trò và nhiệm vụ to lớn của lực lượng du kích trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện; giới thiệu vài kinh nghiệm thiết thực trong việc đánh giặc, như biết địch, biết ta, đánh giặc, thương dân. Cuối bài viết, Người khẳng định: “Chúng ta phát triển lực lượng du kích mạnh mẽ rộng khắp, thành một “thiên la địa võng”, giặc đi đến đâu là bị tiêu diệt đến đó, thì giặc nhất định thua, ta nhất định thắng”(5). Đó chính là tư duy của Người về phát triển nghệ thuật chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh kháng chiến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành Trung ương đã đánh giá cao sự chuẩn bị của các bộ phận tham gia chiến dịch, hợp đồng tác chiến của các đơn vị và quyết tâm quyết chiến, hy sinh của quân dân ta.
Sức mạnh vĩ đại của toàn quân, toàn dân ta đã làm nên mọi thắng lợi trong lịch sử. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phía địch đã không đánh giá đúng tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ta. Tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường đó đã giúp toàn quân, toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, khắc phục những hạn chế về lực lượng, khí tài và làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thi đua, khen thưởng kịp thời cho quân dân, tạo động lực trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Ngày 15-2-1954, Người đã ký Sắc lệnh số 201-SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho đồng bào và cán bộ khu Tây Bắc; ông Bùi Hương Chất (truy tặng) - Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Tả Ngạn. Ngày 15-3-1954, Người gửi điện thăm hỏi, khen thưởng toàn thể cán bộ và chiến sĩ đã giành thắng lợi trong hai trận đầu tiên ở mặt trận Điện Biên Phủ và bày tỏ quyết tâm: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”(6)… Theo đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng gửi Lệnh động viên đến từng đơn vị: “Đây là chiến dịch công kiên quy mô lớn nhất trong lịch sử quân đội ta từ trước đến nay… Giờ ra trận đã đến! Tất cả các cán bộ và chiến sĩ, tất cả các đơn vị, tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công, giật lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên phát huy cao độ tinh thần yêu nước của đồng bào và chiến sĩ, để rồi 55 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn, bao nhọc nhằn vất vả, hy sinh bao xương máu để chiến thắng. Ngày 19-5-1954, Người có cuộc gặp gỡ các chiến sĩ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri; tối cùng ngày, Người mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập công trong chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ nhiều ngày hoặc thậm chí sau nhiều năm, Người vẫn gửi thư đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người thăm hỏi những gia đình có liệt sĩ, các thương binh, đặc biệt là Người có ý định thưởng huy hiệu cho tất cả là “Chiến sĩ Điện Biên”.
Cách thức phát triển tầm nhìn chiến lược và chiến thuật
Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về xác định mục tiêu, nhiệm vụ và “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong quá trình tiến hành cách mạng. Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo (thuộc thôn Lục Giã, nằm dưới chân núi Hồng, huyện Định Hóa, Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Người nhấn mạnh: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”(8) - bàn tay Người mở ra, mỗi ngón tay chỉ về một hướng. Kết thúc cuộc họp, Người nói: “Phương hướng chiến lược không thay đổi”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa(9)...
Trên cơ sở phát triển thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc, Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao Đại tướng Võ Nguyên Giáp phổ biến tinh thần cách mạng, xác định và hoàn thành các nhiệm vụ: “Tiêu diệt sinh lực địch”, “tranh thủ nhân dân”, “chúng ta phải sửa đường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, anh dũng chiến đấu, chịu đói, chịu rét, trèo đèo lội suối, đi xa vác nặng, tìm đến tận sào huyệt quân địch để tiêu diệt chúng, để giải phóng đồng bào ta”(10).
Ngày 21-3-1954, trong bài viết Kế hoạch AV-AN dưới bút danh C.B đăng trên Báo Nhân dân, Người đã nêu những thất bại của quân đội Pháp từ ngày 1-1 đến ngày 10-3-1954 trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt là trên mặt trận đánh giao thông vận tải (Kế hoạch “đánh què giặc” của ta). Người dự báo trước rằng: “Kế hoạch Nava của địch đã thất bại một phần và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn vì “ta đã đánh cho kế hoạch Nava què hóa ra kế hoạch AV-AN””(11).
Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp dự báo tình hình, tạo lực, lập thế và tranh thủ thời cơ. Người đã nhận định tình hình lợi thế và thực lực của địch, những bất lợi của thực dân và sử dụng những thông tin báo chí nhằm góp phần đẩy mạnh quyết tâm và khí thế cách mạng của quân dân ta. Người đặc biệt quan tâm đến xây dựng lực lượng cách mạng (lực lượng vật chất, lực lượng tinh thần, bố trí lực lượng, xây dựng trận địa, tình hình quân sự và địa hình, diễn biến tác chiến) cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trên Báo Cứu quốc số 2358, ra ngày 22-2-1954, trong bài viết Phản động Pháp mắng thực dân Pháp, Người viện dẫn những bình luận trên các báo của Pháp, như Báo Thời tiết (ngày 20-1-1954), Báo Lơ Phigarô (ngày 22-1-1954), Báo Dân chúng (ngày 4-2-1954) và khẳng định: “Bọn đế quốc khi tạm thắng thì huênh hoang, khi thất bại thì lục đục. Bởi vì giặc Pháp thất bại liên tiếp, cho nên báo chí phản động Pháp hoang mang và cằn nhằn”(12). Người chỉ dạy, người cách mạng khi tạm bại thì không nản, khi thắng lợi thì không kiêu và có niềm tin rằng “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”(13).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết các bài như “Chiến tranh xâm lược Việt Nam làm cho người ở Pháp chết”,… nhằm lên án mạnh mẽ thực dân Pháp gây chiến tranh ở Việt Nam, không những giết người Việt Nam, mà còn giết cả người Pháp; bởi vì, để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã tập trung tiền của mua sắm vũ khí làm cho nhiều người Pháp không có cơm ăn, không có nhà ở, rơi vào đói khổ, bệnh tật mà chết.
Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phương pháp kết hợp các hình thức đấu tranh, ghi nhận thành quả cách mạng được thể hiện sâu sắc qua Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người lãnh đạo, chỉ đạo phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và tổng hợp mọi sức mạnh dân tộc để tạo đà tiến công thắng lợi trên mặt trận Điện Biên Phủ, kể cả việc kết hợp các hình thức đấu tranh và tranh thủ sức mạnh thời đại, của nhân dân tiến bộ ủng hộ nền hòa bình của Việt Nam. Vấn đề nổi bật trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phương pháp so sánh tương quan lực lượng nhằm tạo ưu thế về binh lực và hỏa lực trong từng trận tác chiến, phân tích chính xác tình hình và quyết định tấn công chắc thắng qua từng trận đánh, phát triển chiến thuật và hiệp đồng binh chủng, xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch; động viên toàn dân và toàn quân thấm nhuần đường lối quân sự, đoàn kết để quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do. Kinh nghiệm quan trọng của Người về đánh giá khách quan tình hình cách mạng có những chuyển biến tích cực, thuận lợi để có những bước chỉ đạo tiếp theo ở mặt trận Điện Biên Phủ. Do đó, ngày 24-4-1954, trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn, Người đã ký ban hành Sắc lệnh số 205-SL thành lập Ủy ban kháng chiến hành chính khu Tây Bắc, gồm 5 đồng chí do đồng chí Bùi Quang Tạo làm Chủ tịch, nhằm nâng cao khả năng lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc trong sự nghiệp cách mạng.
Ngày 7-5-1964, sau khi tròn 10 năm chiến thắng, Người ghi trong sổ lưu niệm của Nhà Bảo tàng Điện Biên Phủ, nhấn mạnh đây là chiến thắng “kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, anh dũng của quân và dân nước ta chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”(14).
Và sau gần 12 năm thắng lợi Điện Biên Phủ, trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm (ngày 16-3-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ thắng lợi là vì Điện Biên Phủ đánh thắng lớn… Cố nhiên ngoại giao là rất quan trọng, nhưng cái vốn chính là mình phải đánh thắng và mình phải có sức mạnh thì ngoại giao sẽ thắng”(15). Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của độc lập dân tộc đối với chủ nghĩa thực dân, đế quốc, không chỉ của Việt Nam, mà còn là thắng lợi của chính nghĩa, góp phần cổ vũ các dân tộc đứng lên đấu tranh giành độc lập, hòa bình trên thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương; đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân, góp phần vào phong trào đấu tranh vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ của loài người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”(16)./.
-----------------------------
(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 28
(2) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14, tr. 59
(3) Đại tướng Văn Tiến Dũng: “Điện Biên Phủ và mấy vấn đề tư tưởng chiến tranh toàn dân, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, in trong sách Chiến thắng Điện Biên Phủ cột mốc vàng lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr. 97
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 378
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 390
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 434
(7) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 285 - 286
(8) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 5, tr. 301
(9) Xem: Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t. 5, tr. 301
(10) Xem: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, Sđd, tr. 268
(11) Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t. 5, tr. 353
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 412
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 413
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 320
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 60 - 61
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 315
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay  (28/06/2024)
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay  (28/06/2024)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng tươi đẹp, tiến bộ, hạnh phúc - Những chỉ dẫn quan trọng cho giai đoạn hiện nay  (15/06/2024)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng tươi đẹp, tiến bộ, hạnh phúc - Những chỉ dẫn quan trọng cho giai đoạn hiện nay  (15/06/2024)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay