Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025
TCCS - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Nho Quan luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số; qua đó, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và giảm nghèo nhanh, bền vững.
Khái quát đặc điểm, tình hình
Nho Quan là huyện miền núi, nằm ở phía tây bắc tỉnh Ninh Bình; phía bắc giáp các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình); phía đông giáp các huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình), phía nam giáp thành phố Tam Điệp; phía tây giáp huyện Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa). Diện tích tự nhiên là 458,3km2, địa hình phức tạp, được phân chia thành 3 vùng (vùng đồi núi, vùng bán sơn địa và vùng chiêm trũng). Huyện Nho Quan có 27 đơn vị hành chính (26 xã và 1 thị trấn), với tổng số 286 thôn, xóm, bản, tổ dân phố; dân số trên 175.000 người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Mường) chiếm 17,3%, sinh sống chủ yếu ở 7 xã Thạch Bình, xã Cúc Phương, xã Yên Quang, xã Văn Phương, xã Kỳ Phú, xã Phú Long, xã Quảng Lạc, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 18,2%. Đảng bộ huyện Nho Quan có 71 tổ chức cơ sở đảng (với 32 đảng bộ, 39 chi bộ), có 481 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với trên 9.950 đảng viên; trong đó, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 12,5%. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Nho Quan luôn đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị đề ra. Năm 2022, 2023, Đảng bộ huyện Nho Quan được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2022, huyện Nho Quan được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra. Ngày 15-9-2023, huyện Nho Quan được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu thuộc tỉnh Ninh Bình.
Kết quả phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025
Trong những năm qua, Đảng bộ huyện Nho Quan đã lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết, hướng dẫn, quy định về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và tổ chức thực hiện có hiệu quả; đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu trong công tác, lao động và học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện luôn được giữ vững, kinh tế phục hồi trên đà phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt; diện mạo xây dựng nông thôn mới có nhiều đổi mới.
Tính đến 30-8-2024, Đảng bộ huyện Nho Quan có 7 đảng bộ trực thuộc có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với 59 chi bộ trực thuộc cơ sở. Hầu hết các đảng bộ, chi bộ đã kịp thời kiện toàn tổ chức, hoạt động có hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn huyện.
Việc thực hiện chủ trương bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn huyện có 36/286 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, tổ dân phố; trong đó, có 3 đồng chí là người dân tộc thiểu số. Chất lượng của đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy cơ sở và chi bộ, trong đó có người dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị ngày càng cao hơn. Tổng số cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số của Đảng bộ huyện là 1.239 người, chủ yếu là người dân tộc Mường, chiếm 12,45% đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện; trong đó, đảng viên nữ là 422 đồng chí, chiếm 34,05 %.
Về trình độ chuyên môn: Đại học, trên đại học có 253 đồng chí; cao đẳng có 121 đồng chí; trung cấp có 116 đồng chí. Về trình độ chính trị: Cử nhân, cao cấp có 73 đồng chí; trung cấp có 273 đồng chí; sơ cấp có 139 đồng chí; với độ tuổi bình quân 45,9 tuổi. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Nho Quan xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cho từng đảng bộ, chi bộ trực thuộc, đặc biệt quan tâm công tác phát triển đảng viên mới là người dân tộc thiểu số. Do vậy, công tác phát triển đảng viên mới qua các năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh Ninh Bình giao.
Từ năm 2020 đến nay, huyện Nho Quan đã kết nạp được 1.347 đảng viên mới; trong đó, có 249 đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,5%. Cụ thể, năm 2020: Kết nạp được 215 đảng viên mới, đạt 107,5% kế hoạch; trong đó, có 36 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 16,7%; năm 2021: Kết nạp được 220 đảng viên mới, đạt 110% kế hoạch; trong đó, có 40 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,1%; năm 2022: Kết nạp được 246 đảng viên mới, đạt 123% kế hoạch; trong đó, có 58 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 23,5%; năm 2023: Kết nạp được 320 đảng viên mới, đạt 109,9% kế hoạch; trong đó, có 51 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 15,9%; 6 tháng đầu năm 2024: Kết nạp được 346 đảng viên mới, đạt 119,8% kế hoạch; trong đó, có 64 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 18,5%.
Trong những năm qua, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhất là phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Tập trung chăm lo, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được quan tâm, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đông đồng bào theo đạo Công giáo, chú trọng tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo của một số tổ chức cơ sở đảng ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; vai trò tiên phong, gương mẫu của một số ít cán bộ, đảng viên chưa cao; công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở một số chi bộ chưa sát với thực tế, còn tình trạng nể nang, ngại đụng chạm, “dĩ hòa vi quý”.
Nội dung sinh hoạt chi bộ còn khô cứng, tinh thần phát biểu, góp ý xây dựng nghị quyết của cán bộ, đảng viên còn hạn chế, nhất là đảng viên trẻ; công tác tạo nguồn ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, công tác phát triển đảng viên mới ở một số chi bộ hiệu quả còn thấp.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là ở khu dân cư không đồng đều; khả năng chỉ đạo, phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh tại cơ sở có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thời gian qua, huyện Nho Quan bị ảnh bởi dịch bệnh COVID-19, tác động không nhỏ đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động ở thôn, bản, tổ dân phố vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thực sự tạo động lực họ toàn tâm, toàn ý với công việc được giao; nguồn kết nạp đảng viên chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, nhưng do thanh niên địa phương hiện nay chủ yếu đi học tập, lập nghiệp hoặc đi làm ăn xa, thoát ly khỏi địa phương, nên công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận thanh niên gắn bó với quê hương chuyên tâm sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, nhưng ít tham gia các hoạt động phong trào, nên khó để phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp vào Đảng; một số chi bộ chưa thật sự làm tốt công tác bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để họ có động lực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Huyện ủy về công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Hai là, thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ thôn, bản, tổ dân phố. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, mở rộng và phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của chi bộ và tạo được không khí cởi mở, chân thành để cán bộ, đảng viên bày tỏ chính kiến, tâm tư nguyện vọng của mình, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của Đảng; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ để mọi người học tập, noi theo.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện cho đảng viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, có ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao. Tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm chống phá, Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động; làm tốt công tác quản lý đảng viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; phát hiện, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực; kịp thời nhắc nhở, giáo dục, nhằm giúp đỡ đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ hoặc khi có khuyết điểm, vi phạm để nhận thức rõ và có biện pháp khắc phục, phấn đấu vươn lên trở thành đảng viên tốt.
Bốn là, tiếp tục phân công cấp ủy viên, đảng viên trong việc phát hiện, tạo nguồn phát triển đảng viên; phân công các đồng chí phụ trách địa bàn thường xuyên dự sinh hoạt với các chi bộ, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển đảng viên. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các chi bộ, các tổ chức cơ sở đảng trong triển khai thực hiện công tác phát triển đảng viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên tham gia vào các phong trào thi đua của địa phương, thi đua phát triển kinh tế, nhằm phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú; qua đó, tạo sức hút, sự lan tỏa đến các đoàn viên, hội viên, quần chúng ưu tú trong việc phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Năm là, thực hiện đúng quy trình, quy định, về công tác phát triển đảng viên; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Quan tâm đến đội ngũ cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng đồng bào thiểu số bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp. Tiếp tục thực hiện kế hoạch luân chuyển vị trí công tác, tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện phấn đấu, trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng không gian xanh và một số kiến nghị chính sách cho Ninh Bình  (16/10/2024)
Các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình tham gia các phong trào thi đua yêu nước: Kết quả và nhiệm vụ thời gian tới  (06/10/2024)
Huyện ủy Kim Sơn vận động các tôn giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh  (05/10/2024)
Ninh Bình phát triển kinh tế xanh từ lợi thế tài nguyên văn hóa  (05/10/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên