Pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam

TS BÙI ĐỨC HIỂN
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
18:40, ngày 30-09-2024

TCCS - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên ghi nhận phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo ra những quan điểm cơ bản đầu tiên cho quá trình nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, ở Việt Nam. Tuy vậy, để quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thì việc nghiên cứu làm rõ các vấn đề pháp lý cơ bản về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Khái quát pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phổ biến của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một quốc gia nông nghiệp, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam không thể tách rời lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến ngày 31-12-2022, tổng diện tích đất tự nhiên trên cả nước là 33.134.482ha, trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 28.002.574ha, chiếm 84%. Diện tích đất nông nghiệp chiếm phần lớn trong tổng diện tích đất đai tại Việt Nam(1). Có thể thấy, những năm qua tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam với các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ nông nghiệp,... liên tục tăng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt được thành công bước đầu, tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%). Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD (mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước)(2)... góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm quyền sống của con người(3). Bên cạnh những thành tựu trên, thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cơ bản vẫn còn manh mún; tài nguyên đất ở không ít vùng, địa phương được sử dụng chưa hợp lý, hiệu quả; chưa tận dụng hết tiềm năng đất đai, khí hậu, con người, thị trường trong phát triển, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp; nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn phục vụ nông nghiệp chậm được triển khai(4); nhiều sản phẩm nông nghiệp được tạo ra đại trà, năng suất, chất lượng chưa cao, khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ với giá cả thấp; nếu biết tận dụng nhiều phụ phẩm phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng bị loại bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường; việc làm và thu nhập của người nông dân chưa ổn định... Thực tế này dẫn tới hệ quả là mặc dù những năm qua ngành nông nghiệp có tăng trưởng và đóng góp nhất định vào quá trình phát triển chung của đất nước, nhưng chưa bền vững, năng suất lao động xã hội trong nông nghiệp của Việt Nam vẫn thấp. Là nước xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới trong nhiều năm, nhưng đời sống của người nông dân chưa có nhiều cải thiện; nhiều nông dân chưa thể hoặc khó làm giàu trên mảnh đất của mình, thậm chí không ít hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn dẫn tới hiện tượng người nông dân bỏ ruộng, bỏ đất nông nghiệp, ly nông, ly hương. Việc thúc đẩy xây dựng các mô hình, các tổ hợp, hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là chìa khóa quan trọng góp phần biến các phế, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp thành tài nguyên, nguyên, nhiên liệu đầu vào của quá trình sản xuất tiếp theo; đồng thời, giảm thiểu khai thác tài nguyên, hạn chế chất thải từ hoạt động nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Để đạt được các mục tiêu này, chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần giải quyết các vấn đề: Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là gì?, Tại sao phải phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?, Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp bao gồm những nội dung gì?, Ai tham gia thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?, Ai được lợi từ việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?, Các yếu tố nào tác động đến xây dựng, thực hiện pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?, Mối quan hệ giữa kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp với phát triển xã hội, phát triển văn hóa, phong tục, tập quán, trật tự, an toàn xã hội, an ninh - quốc phòng, đối nội, đối ngoại?, Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chịu sự điều chỉnh của những lĩnh vực pháp luật nào?, Lộ trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam thực hiện ra sao?, Không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả thì xử lý các quan hệ pháp lý liên quan ra sao?, Tính công khai, minh bạch và bảo đảm trách nhiệm giải trình từ quy hoạch đến thực hiện các dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp?, Ai giám sát quá trình thực hiện pháp luật về thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp với các dự án cụ thể?, Trách nhiệm pháp lý của các chủ thể tham gia như thế nào.

Kinh tế tuần hoàn không phải là một khái niệm mới, mà đã xuất hiện trong lĩnh vực nông nghiệp từ thế kỷ XVIII(5). Đến nay, trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế tuần hoàn. Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (khoản 1, Điều 142) xác định: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động từ nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu đầu vào, thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, tái sử dụng, tái chế, biến chất thải thành tài nguyên được thực hiện theo một chu trình khép kín. Mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là chu trình hoàn chỉnh, bao gồm các công đoạn: Nguồn nguyên liệu đầu vào - thiết kế quy trình - sản xuất hàng hóa - phân phối sản phẩm - sử dụng, tái sử dụng và sửa chữa - thu gom phế thải - tái chế. Mô hình này giúp tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động lúc nông nhàn ở nông thôn, tối ưu hóa việc sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, giảm tích tụ chất thải, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện môi trường đất, nước, không khí...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp thì việc xây dựng hành lang pháp lý về vấn đề này đóng vai trò quan trọng. Pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là tổng thể nguyên tắc, quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu đầu vào, thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ, tái sử dụng, tái chế chất thải nông nghiệp; trong quá trình đó phế phẩm, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp được quay trở lại làm tài nguyên để sản xuất sản phẩm mới, giúp giảm thiểu chất thải, giảm thiểu khai thác tài nguyên và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thực tế pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Có thể thấy, đến nay trên thế giới và ở Việt Nam có khá nhiều mô hình khác nhau về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được thực hiện thành công. Các mô hình này có sự tính toán chặt chẽ từ lựa chọn giống cây trồng, lựa chọn nguyên liệu đầu vào, thiết kế sản xuất, tiêu dùng, sử dụng lại, tái chế, gắn với việc ứng dụng công nghệ cao, trang bị trí tuệ nhân tạo. Có thể chỉ ra ví dụ điển hình, như mô hình thủy canh cà chua tại Hà Lan, dùng năng lượng lấy từ địa nhiệt để sưởi ấm nhà kính nơi trồng cà chua; việc cung cấp nước tưới, giữ độ ẩm được tiết kiệm tối đa; cà chua được trồng theo phương pháp thẳng hàng để tiết kiệm đất canh tác; không sử dụng thuốc trừ sâu; giấy bọc bao bì đóng gói sản phẩm được sản xuất từ bộ phận thân cây thải loại; hạn chế tối đa tài nguyên đầu vào, như đất, nước, nhiệt, sử dụng nước tái chế; lượng khí thải ra môi trường được kiểm soát chặt chẽ; phân bón được sử dụng từ sản phẩm phụ của các trang trại... Trong quá trình này, doanh nghiệp còn ứng dụng công nghệ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, hệ thống tưới bón, công nghệ giám sát mực nước từ xa, điều kiện của cây trồng, phun nước, tưới nước đúng thời điểm, giúp giảm 30% lượng nước sử dụng tại các nông trại. Hay mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn tại Vinamilk ở Việt Nam với việc đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thực hành nông nghiệp tái sinh, sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo nhằm mục đích sử dụng bền vững và góp phần bảo tồn các nguồn năng lượng, tài nguyên hữu hạn(6). Ở phạm vi lớn hơn, “vòng tuần hoàn” được hình thành giữa các trang trại và các hộ nông dân liên kết. Người dân canh tác cỏ cung cấp cho trang trại để làm thức ăn cho bò, ngược lại trang trại sẽ hỗ trợ nông dân về phân bón, công nghệ, cải tạo đất,...

Mặc dù ở Việt Nam nhiều mô hình có chứa đựng yếu tố của kinh tế tuần hoàn được thực hiện, như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC), vườn – ao - chuồng - khí sinh học (VACB),... Đây là các mô hình sơ khai phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Các mô hình trên đều hướng tới việc thu hồi chất thải quay vòng cho tái chế, chuyển hóa chất thải nhằm gia tăng lợi ích tổng thể, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đa số mô hình này vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự kết nối từ khâu nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, đến sản xuất, chế biến, tiêu dùng, biến chất thải thành tài nguyên, tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu tái chế, sản phẩm từ nguyên liệu tái chế,... chưa phát triển được các tổ hợp, liên hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh, hiện đại trong nông nghiệp.

Những năm qua Đảng, Nhà nước ta ngày càng quan tâm đến vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Trước Đại hội XIII của Đảng, mặc dù thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” chưa được đề cập trực tiếp trong các văn kiện của Đảng, nhưng nội dung căn bản của kinh tế tuần hoàn cũng đã được thể hiện, như quan điểm về thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, bổ sung phát triển khâu tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế; từng bước áp dụng các biện pháp buộc cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi và xử lý sản phẩm đã qua sử dụng do cơ sở mình sản xuất, nhập khẩu... Đến Đại hội XIII,  Đảng ta khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường(7). Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước ta hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Bước tiến mới của quá trình này là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, lần đầu tiên quy định về kinh tế tuần hoàn và cụ thể hóa trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, ngày 10-1-2022, của Chính phủ, về “Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”. Nghị định quy định về điều kiện quy hoạch các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; nhấn mạnh việc quản lý chất thải; đưa ra các tiêu chí phát triển kinh tế tuần hoàn; quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thúc đẩy thực hiện, phát triển kinh tế tuần hoàn; quy định về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn... Có thể thấy, nghị định này đã xác lập một số quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là quy định về quản lý chất thải nhằm đạt được mục tiêu tuần hoàn tài nguyên, nhưng còn thiếu nhiều quy định về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần các yếu tố: 1- Xác định điều kiện thổ nhưỡng đất đai, nguồn nước, khí hậu để lựa chọn loại giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương; 2- Thiết kế các mô hình, tổ hợp, liên hợp, hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu dùng và có thể quay lại làm đầu vào cho quá trình sản xuất theo hướng bền vững; 3- Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo hướng tiết kiệm sử dụng tài nguyên đất, nước; biến các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ lĩnh vực nông nghiệp thành nguyên liệu đầu vào tạo ra sản phẩm khác có giá trị kinh tế cao; 4- Sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt gắn với tiết kiệm năng lượng; 5- Ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; tái sử dụng nước thải, tăng cường cải tạo đất, giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường; 6- Tăng cường sử dụng lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân nơi có dự án. Điều này bước đầu cho thấy pháp luật về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp có phạm vi bao phủ rộng, và các quy định hiện hành chưa đáp ứng được việc điều chỉnh này, cụ thể là:

Thứ nhất, các quy định pháp luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn chủ yếu là các quy định chung, tản mạn trong nhiều văn bản có giá trị pháp lý khác nhau, do các cơ quan khác nhau ban hành. Thiếu các quy định cụ thể, đồng bộ, thống nhất về thúc đẩy mô hình, tổ hợp, liên hợp kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả áp dụng các quy định pháp luật về vấn đề này chưa cao.

Thứ hai, chưa quy định cụ thể, rõ ràng về khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ, thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, xây dựng, phát triển các mô hình, tổ hợp, hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đặc biệt, còn thiếu các quy định về kết nối tổ chức, cá nhân có hoạt động trên theo hướng tuần hoàn hoặc hỗ trợ kết nối các hoạt động này trong chính một tổ hợp kinh tế tuần hoàn. Ví dụ: kết nối giữa nhà nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi với người nông dân; giữa người sản xuất nông nghiệp với nhà tái chế phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp, với nhà xuất khẩu... Hay thiếu các quy định cụ thể hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng tổ hợp kinh tế tuần hoàn bao gồm tất cả các khâu trên trong tổ hợp.

Thứ ba, pháp luật về đất đai chưa có quy định cụ thể về ưu tiên quỹ đất cho phát triển các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, chưa có quy định cụ thể về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ưu tiên cho dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; quy định về tiếp cận đất đai theo hướng thu hồi đất cho các dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp có thể gây ra mâu thuẫn về mặt lợi ích, dẫn tới khiếu kiện vượt cấp kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội; quy định về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí liên quan đến tiếp cận quyền sử dụng đất thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn chưa cụ thể, khó thực hiện được trên thực tiễn; quy định về giám sát chủ đầu tư trong sử dụng đất thực hiện các dự án này chưa rõ ràng; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư nếu vi phạm mục đích sử dụng đất...

Thứ tư, để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành quy định nhiều vấn đề, trong đó có quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, thuế bảo vệ môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, về phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong nông nghiệp, trách nhiệm thu hồi sản phẩm của nhà sản xuất (EPR) đối với sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các quy định này đều khá chung chung, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường đối với dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Thứ năm, các quy định về phát triển thị trường trao đổi, mua bán phế phẩm, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; mua bán sản phẩm sau tái chế từ phế phẩm, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp rất quan trọng. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn chưa cụ thể. Ví dụ: Nhà nước hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí với các sản phẩm này như thế nào? Khuyến khích mua bán, sử dụng ra sao?... Do vậy, các cơ quan có trách nhiệm đưa các vấn đề này vào chính sách, pháp luật cụ thể để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường giao dịch phế, phụ phẩm, chất thải nông nghiệp cũng như thị trường sản phẩm sau tái chế từ các phế phẩm, phụ phẩm này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ sáu, các quy định về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung đã có, nhưng còn thiếu cụ thể đối với lĩnh vực nông nghiệp; chưa rõ về cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Trung ương cũng như địa phương; chưa xây dựng được kế hoạch quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn tại các địa phương. Quy định hiện hành chưa phát huy được vai trò của truyền thông trong giám sát thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Thứ bảy, các quy định về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong các dự án về năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối trong phát triển kinh tế nông nghiệp được ghi nhận bước đầu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhưng vẫn thiếu các văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực năng lượng.

Sản xuất nấm xuất khẩu từ phụ phẩm nông nghiệp _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Một số giải pháp

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, thương mại theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đầu tư hợp tác phát triển các mô hình, tổ hợp kinh tế tuần hoàn, trong đó có kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Theo đó, các quy định này sẽ giúp thay đổi về chất trong đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam. Hiện nay, đa số mô hình kinh tế nông nghiệp của Việt Nam chưa được coi là mô hình kinh tế tuần hoàn hoàn chỉnh mà chỉ được xác định là có một số yếu tố của kinh tế tuần hoàn, như tập trung vào tái chế, sử dụng lại phế phẩm, phụ phẩm, chất thải từ lĩnh vực nông nghiệp và có sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, nhưng lại thiếu sự gắn kết giữa các chủ thể thực hiện các hoạt động này. Do vậy, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, thương mại cần bảo đảm quy trình kinh tế tuần hoàn được vận hành thông suốt, quay vòng liên tục và có sự gắn kết chặt chẽ giữa các chủ thể, các khâu trong chu trình.

Thứ hai, cụ thể hóa các quy định của Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến tiếp cận đất đai cũng như điều tiết hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất với chủ đầu tư và Nhà nước. Các văn bản hướng dẫn luật cần quy định cụ thể hơn về ưu tiên lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đầu tư dự án phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, nên thu hẹp các trường hợp được phép thu hồi đất trong luật. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức người dân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê đất sử dụng cho các mô hình, tổ hợp kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm bảo đảm quyền của người sử dụng đất, chủ đầu tư dự án, tránh khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây mất an ninh, trật tự, bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về lao động, nguồn nhân lực theo hướng tạo điều kiện cho người dân nơi có các hoạt động, dự án, tổ hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được đào tạo, làm việc tại các doanh nghiệp này với mức lương và chế độ ưu đãi nhất định để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Có thể thấy, người dân ở địa phương nơi có tổ hợp kinh tế tuần hoàn vừa tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp và được hưởng lợi tức, tiền cho thuê đất, vừa được hưởng lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế... sẽ được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ tổ hợp kinh tế tuần hoàn khi được nhận vào doanh nghiệp làm việc.

Thứ tư, hoàn thiện pháp luật về sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quản lý chất thải (trách nhiệm của chủ nguồn thải trong phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, tái chế hoặc trả chi phí xử lý chất thải), sản xuất, tiêu dùng sạch, kinh tế xanh, mua sắm xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong nông nghiệp... Đây là các quy định đặc biệt quan trọng, giúp giảm thiểu khai thác tài nguyên, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng hiệu quả chất thải, phế phẩm, phụ phẩm từ hoạt động nông nghiệp, biến chúng thành nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất liên tục quay vòng mang lại giá trị kinh tế cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, khác hoàn toàn với mô hình kinh tế tuyến tính, coi quá trình sản xuất đến tiêu dùng và thải bỏ là một đường thẳng, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, hoàn thiện pháp luật về đầu tư, khai thác, sử dụng năng lượng theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường, thúc đẩy nhà đầu tư mô hình, liên hợp, tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp xây dựng, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối để phục vụ cho chính hoạt động của mình và có thể bán nguồn năng lượng này cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đặc biệt, cần lưu ý giám sát việc thực thi các quy định này khi triển khai trên thực tiễn.

Thứ sáu, quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác và truyền thông trong thực hiện các mô hình tổ hợp phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp vì đây là chủ thể chính tham gia vào quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân, thống nhất quản lý đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý, là chủ thể tạo thể chế và bảo đảm thực thi trong suốt quá trình này, nên việc xây dựng quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của Nhà nước trong thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, là chủ thể tham gia đầu tư phát triển tổ hợp kinh tế tuần hoàn nên nếu thể chế rõ ràng, doanh nghiệp nắm được quyền, nghĩa vụ và thấy được lợi ích từ việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tư sẽ được thúc đẩy. Còn tổ chức, cá nhân khác là chủ thể chịu ảnh hưởng của quá trình này nếu thể chế rõ ràng, đầy đủ thì quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương nơi có dự án. Bên cạnh đó, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của chủ thể trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn và giám sát quá trình này./.

---------------------

(1) Xem: Phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai của cả nước năm 2022, ngày 8-6-2024, https://isponre.gov.vn/vi/news/thong-bao/phe-duyet-va-cong-bo-ket-qua-thong-ke-dien-tich-dat-dai-cua-ca-nuoc-nam-2022-2398.html,
(2) Xem: Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16-7-2024, https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2023-dat-tren-53-ty-usd-656879.html
(3) Hà Văn: Thành tựu nông nghiệp của Việt Nam truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều nước, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 24-4-20232024, https://baochinhphu.vn/thanh-tuu-nong-nghiep-cua-viet-nam-truyen-cam-hung-manh-me-cho-nhieu-nuoc-102230424172937116.htm
(4) Trần Đức Viên: Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Vấn đề đặt ra và một số giải pháp, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 23-10-2023, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/828917/phat-trien-nong-nghiep-viet-nam--van-de-dat-ra-va-mot-so-giai-phap.aspx
(5) W. Schivelbusch, Das verzeehrende Leben der Dinge: Versuch uber die Konsumtion. Muchen: Carl Hanser Verlag GmbH CoKG, 2015, (Tạm dịch: Đời sống tiêu dùng của vạn vật: Tiểu luận về tiêu dùng). Manyen: Carl Hanser Verlag GmbH CoKG, 2015
(6) Ví dụ: hệ thống xử lý chất thải Biogas trong các trang trại bò sữa đã giúp biến chất thải thành “tài nguyên”, phục vụ lại cho hoạt động của trang trại. Cụ thể, lượng khí mê-tan thu được từ hệ thống Biogas sẽ dùng để sấy khô cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò, bê, thanh trùng sữa cho bê, đun nóng nước dùng cho hoạt động trang trại. Chất thải được xử lý để thành phân bón cho đồng cỏ, bắp... và phục vụ cải tạo đất. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí về điện, phân bón... từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm cho mỗi trang trại
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 331