Phát triển nông nghiệp Việt Nam: Vấn đề đặt ra và một số giải pháp
TCCS - Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của đất nước, cả trong quá khứ, hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời gian tới, để ngành nông nghiệp của Việt Nam “cất cánh” theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 24-6-2022, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Một số vấn đề đặt ra đối với phát triển nông nghiệp
Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Để trở thành nước công nghiệp, xét tiềm lực cơ sở vật chất, nhân lực và quản trị xã hội của Việt Nam, chúng ta cần lấy điểm tựa cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nông nghiệp (NN); công nghiệp hóa, hiện đại hóa trước hết là cho NN và phát triển nông thôn. Đó mới là gốc, là sức mạnh nội sinh của chúng ta!
Nông nghiệp không chỉ là lợi thế so sánh, là nguồn lực quan trọng của quốc gia, mà còn là lựa chọn rất quan trọng và cần thiết, nếu chúng ta muốn đất nước sớm “cất cánh” thì các ngành, nghề, lĩnh vực khác phát triển như thế nào đều cần và phải xoay quanh cái “trục” mang tính quyết định này, đó là NN, nông thôn và nông dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, ngành NN của Việt Nam còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển:
Một là, nền NN Việt Nam về cơ bản vẫn còn là nền NN quảng canh, quản trị theo hình thái tiểu nông nên rủi ro cao và hiệu quả thấp, giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa còn thấp hơn nữa. Nền sản xuất NN ấy được thể hiện qua các đặc trưng: thô về sản phẩm, thấp về đẳng cấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa thấp, sức cạnh tranh thấp; thậm chí, ở một số lĩnh vực, đi sau so với thế giới khá xa.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của Việt Nam chưa gắn bó với công nghiệp thành một hệ thống để bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Số lượng doanh nghiệp lớn, nhưng vai trò dẫn dắt trong quá trình hội nhập cho ngành NN còn ít.
Hai là, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm NN thấp do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, kích cỡ, màu sắc không đồng đều, thiếu nhận diện, chưa có truy xuất nguồn gốc, chưa có thương hiệu trên thị trường. Đa phần sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm 70 - 80% kim ngạch xuất khẩu(1); thị trường xuất khẩu còn lệ thuộc nhiều vào nước ngoài; tăng trưởng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá ở phân khúc chất lượng thấp, chưa dựa vào lợi thế cạnh tranh về chất lượng.
Không những thế, quy mô sản xuất NN manh mún, nhỏ lẻ. Diện tích bình quân đất NN/người của Việt Nam tiếp tục giảm và ở mức thấp của thế giới; điều đó đã và đang tác động trực tiếp đến việc cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác lợi thế theo quy mô, cũng như việc triển khai ứng dụng các mô hình NN tiên tiến. Sản xuất quy mô nhỏ thể hiện qua diện tích canh tác bình quân hộ nông dân chỉ ở mức dưới 0,5ha(2).
Ba là, mô hình sản xuất nông hộ chậm được đổi mới. Hình thức tổ chức sản xuất chính trong NN ở Việt Nam là nông hộ, chiếm 90% tổng diện tích sản xuất NN, vẫn là những gì hộ nông dân đã có từ thời sau đổi mới. Trong những năm qua, kinh tế hộ gia đình đã phát huy hiệu quả, nhưng cũng đã tới ngưỡng “kịch trần” của xu hướng phát triển theo chiều rộng. Bên cạnh đó, các nông hộ chưa chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có, ít theo tín hiệu thị trường. Kinh tế hộ là hạt nhân của kinh tế nông thôn, nhưng rất cần nâng lên một tầm cao mới, một vị thế mới. Liên kết ngang trong sản xuất, kinh doanh giữa nông dân với nông dân (dưới dạng tổ nhóm sản xuất, hợp tác xã) để nâng cao lợi thế cạnh tranh chưa được phát huy do hợp tác xã chưa thể hiện được tính thiết thực với nông dân. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân gặp khó khăn trong đàm phán và ký kết hợp đồng với nhiều hộ, rủi ro cao, chi phí đầu tư lớn,...
Bốn là, đầu tư vào NN chưa tương xứng với tiềm năng. Mức đầu tư vào NN còn hạn chế và dàn trải, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của ngành đối với nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất NN. Các dịch vụ hỗ trợ NN cũng chưa phát triển, đặc biệt là khâu bảo quản sau thu hoạch và logistics. Các ngành công nghiệp chế biến và chế biến sâu nông sản chưa phát triển, đa phần là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Nhiều chính sách thu hút nguồn lực vào NN không phát huy được hiệu quả. Tác động tích cực của một số chính sách “cởi trói” trong NN và nông thôn dường như đã tới hạn, thậm chí một số chính sách lại cản trở sự phát triển của NN.
Năm là, đời sống kinh tế của người nông dân vẫn thấp và bấp bênh. Mặc dù bộ mặt nông thôn đã thay đổi nhiều, thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân được cải thiện đáng kể, song thu nhập tăng với tốc độ chậm, trong khi chi tiêu cũng tăng nên khả năng tích lũy thực tế của hộ nông dân rất thấp. Vì vậy, người nông dân rất khó tự đầu tư mở rộng sản xuất, tự nâng cao trình độ, hay tự ứng phó với những cú sốc về giá cả hay rủi ro do thời tiết, dịch bệnh.
Sáu là, lao động trong ngành NN đa số trình độ thấp, có khoảng 70% số lao động chưa qua bất kỳ một khóa đào tạo chuyên môn nào; lao động có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 9%(3); còn thiếu kiến thức khoa học, kiến thức quản trị sản xuất, thông tin thị trường nên chưa giúp doanh nghiệp và nông dân có quyết định đúng để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao thu nhập. Vì thế, nhiều nông dân sản xuất ra sản phẩm hôm nay không biết ngày mai bán cho ai, ở đâu, giá cả thế nào, bao gói ra sao. Chuyển dịch cơ cấu lao động chậm. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn thấp, nhưng thời gian lao động thực tế không cao. Tình trạng này gần giống như lãn công trong các ngành kinh tế khác. Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, nhưng thời kỳ này đang qua đi nhanh. Chúng ta hầu như chưa chuẩn bị gì nhiều để đón nhận thời kỳ “dân số vàng” quý giá này cho ngành NN.
Bảy là, xu hướng di cư ra khỏi khu vực nông thôn đang diễn ra mạnh, nhưng số lượng tuyệt đối các hộ sống ở nông thôn vẫn tiếp tục tăng. Nông dân chuyển đổi sinh kế theo hướng giảm tỷ trọng NN, nhưng tỷ lệ lao động làm việc phi chính thức rất cao(4). Tỷ lệ người cao tuổi sống ở nông thôn là 67,2% (tương ứng là 7,7 triệu người), gấp 2 lần người cao tuổi sống ở khu vực thành thị, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn và sẽ tiếp tục tăng cùng với hàng triệu lao động từ các khu công nghiệp sẽ quay về nông thôn(5). Đây là một gánh nặng không nhỏ cho phát triển nông thôn.
Tám là, nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ mũi nhọn phục vụ NN chậm được triển khai. Các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến và chế biến sâu và các lĩnh vực khoa học của kỷ nguyên số,... ứng dụng vào NN còn thấp do thiếu nhân lực trình độ cao và đầu tư chưa đồng bộ, vì vậy chậm được triển khai. Hầu như các loại giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, phần lớn vật tư NN,... đều là sản phẩm ngoại nhập.
Bên cạnh đó, điều kiện vật chất kỹ thuật của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo bị tụt hậu, không đồng bộ so với nhu cầu, nhiệm vụ và so với mặt bằng chung của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về NN của các nước có nền NN tiên tiến mà chúng ta đang hướng tới; thiếu các nghiên cứu chuyên sâu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm nói riêng, cho sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt Nam nói chung.
Chín là, làng - không gian sinh tồn của người nông dân - đang bị “biến dạng”. Diện mạo và đặc trưng của nông thôn Việt Nam là làng; không gian sống của người nông dân, cụ thể và gắn bó nhất, là làng. Làng mới làm nên sức mạnh văn hóa và văn hiến Việt Nam, làm nên sức mạnh cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, làng mất dần các không gian văn hóa đặc trưng xưa, cần “gạn đục, khơi trong” trong quá trình xây dựng nông thôn mới để làng vẫn giữ được không gian này, nhưng với hơi thở mới, mang tính thời đại.
Giải pháp phát triển nông nghiệp trong thời gian tới
Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng hơn, việc đang đàm phán, ký kết, thực thi gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành NN nói riêng nhờ thị trường nông sản tiếp tục được mở rộng. Vị thế của ngành NN chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nhờ có thêm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Chất lượng nông sản sẽ chinh phục và mở rộng thị trường, ở đó chứa đựng hình hài, tầm vóc và vị thế của văn hóa Việt Nam, chứa đựng sức mạnh nội tại của dân tộc Việt Nam.
Với những vận hội mới từ hội nhập, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ không còn thờ ơ với NN Việt Nam. Ngành NN sẽ đón những dòng đầu tư mới, nhất là đầu tư vào NN ứng dụng công nghệ cao, NN hữu cơ, công nghiệp hỗ trợ cho ngành NN - những lĩnh vực hiện nay còn bỏ ngỏ do chúng ta đang thiếu nguồn lực. Các tác động lan tỏa từ gia tăng đầu tư vào NN sẽ thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tầng lớp nông dân mới, nông dân của thời Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang dần hình thành và phát triển. Họ có đủ trí tuệ và phẩm chất để kiến tạo nên một nền NN Việt Nam mới, với vai trò trụ cột thuộc về hợp tác xã, doanh nghiệp NN, hiệp hội, ngành hàng do họ làm chủ.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội mở ra, ngành NN Việt Nam cũng đã, đang và sẽ chịu không ít thách thức. Biến đổi khí hậu là thách thức vô cùng to lớn trong việc sử dụng tài nguyên nước, đất và sinh học. Bên cạnh đó, các dịch bệnh diễn biến bất thường, khó kiểm soát; căng thẳng thương mại, các xung đột địa - chính trị, xung đột tôn giáo, văn hóa khó lường;... Một số nước gắn việc nhập khẩu nông sản với chủ nghĩa bảo hộ, với hàng rào phi thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi; cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên gay gắt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm NN của Việt Nam còn nhiều hạn chế...
Thêm vào đó, áp lực từ các tập đoàn siêu quốc gia trong việc xây dựng và phát triển nền NN hội nhập cao, nhưng vẫn là nền NN độc lập, tự chủ; thiếu chính sách và hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng nền NN hội nhập sâu rộng, nhưng vẫn là nền NN độc lập, tự chủ; năng suất lao động NN thấp; hình thức tổ chức sản xuất chính trong NN ở Việt Nam là nông hộ;... Thực tế cho thấy, hợp tác xã, dù đã được đổi mới vẫn chưa “hấp dẫn” các hộ nông dân. Đây là thách thức không nhỏ mà nền nông nghiệp Việt Nam muốn “cất cánh” phải đối mặt.
Để cơ cấu lại ngành NN của Việt Nam trong thời gian tới, gắn với Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa NN, nông thôn thành công, phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp nêu ra cần hướng vào việc hóa giải các “nút thắt”, khó khăn, thách thức nêu trên, sát hợp với tình hình cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế. Chúng ta cần đặt phát triển NN trong dòng chảy của đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn; trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tầm quan trọng của NN và lợi thế NN của Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, nhất là các cơ quan quản trị quốc gia, cá nhân có vai trò trong hoạch định chính sách và người nông dân, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tầm quan trọng của NN trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết hữu cơ giữa phát triển NN và công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị và nông thôn; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc cơ cấu lại NN cần tập trung mạnh vào cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững các chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, miền, từng địa phương, từng ngành hàng; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, chế biến và chế biến sâu nông sản.
Thứ ba, gắn kết hữu cơ giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn, giữa phát triển NN và công nghiệp. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là tất yếu, tuy nhiên thời gian qua, mô hình tăng trưởng dựa vào các cực phát triển chưa gắn kết chặt chẽ giữa nông thôn và thành thị, giữa NN và công nghiệp, nên khoảng cách nông thôn - thành thị, NN - công nghiệp, nông dân - thị dân, giàu - nghèo, miền xuôi - miền ngược đang doãng ra.
Thứ tư, thực hiện quy hoạch NN “thông minh” hướng tới thị trường mở. Không nên cố định diện tích lúa, nhưng cần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phải bảo tồn được diện tích đất NN. Trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, cần thực hiện quy hoạch phát triển NN cho cả mục tiêu ngắn hạn (10 - 20 năm), trung hạn (20 - 30 năm) và dài hạn (50 hay 100 năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất NN thiết thực và hiệu quả.
Thứ năm, xây dựng và phát triển tầng lớp nông dân mới. Nông nghiệp thời hội nhập cần có đội ngũ những người nông dân mới, với “chân dung” và “gương mặt” mới. Do đó, nhất thiết phải đầu tư phát triển nhân lực NN, nhất là trong giai đoạn “cửa sổ vàng” tuổi dân số còn mở, để nông dân Việt Nam thực sự là những người lao động NN chuyên nghiệp, làm NN là kinh doanh NN, làm NN là một nghề, bình đẳng và cao quý như tất cả nghề khác.
Để có tầng lớp nông dân mới, có 2 vấn đề cốt lõi nhất, đó là: 1- Đào tạo họ thành các nông dân chuyên nghiệp, hạnh phúc với đồng quê, yêu mến và tôn trọng thiên nhiên, biết làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh NN; 2- Nhà nước tiếp tục trao quyền cho họ và cùng họ vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh NN theo cơ chế thị trường.
Trong thời đại ngày nay, trao quyền cho nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là động lực chính cho phát triển NN và xây dựng nông thôn mới để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của ruộng đồng, của nông thôn. Một khi được trao quyền với các khế ước xã hội tạo động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, họ sẽ khởi tạo nên một thời đại mới của NN Việt Nam, của nông thôn Việt Nam. Môi trường số sẽ góp phần quan trọng để biến thanh niên nông thôn sau tốt nghiệp trung học cơ sở thành “thanh nông trí điền” của thời chuyển đổi số, thay cho lớp “lão nông tri điền” của một thời chưa xa.
Thứ sáu, Nhà nước cần thực sự đóng vai trò kiến tạo trong quá trình chuyển đổi sâu rộng NN và nông thôn, mấu chốt là cải thiện đầu tư công và cải thiện dịch vụ công trong phát triển NN và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước tập trung vào các hoạt động quản lý vĩ mô, như xây dựng chiến lược, ban hành chính sách, đàm phán pháp lý, hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vào cung cấp các dịch vụ công mà hộ nông dân chưa thể tự đảm đương được; không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tìm kiếm lợi nhuận,... Thông qua các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã và hội nông dân, Nhà nước giao các hoạt động này cho tư nhân và nông dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh rào cản về điều kiện kinh doanh NN, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN. Tập trung thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, với vai trò dẫn dắt kinh tế nông thôn thuộc về doanh nghiệp.
Thứ bảy, tổ chức lại sản xuất NN bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp, trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và hiệu quả, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác nhằm phát triển hợp tác xã theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó hợp tác xã là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để “làm bạn” với doanh nghiệp lớn; từ đó, hình thành các hiệp hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn lao động nông thôn.
Liên minh hợp tác xã cần được phân cấp để có năng lực tham gia cung cấp vốn, vật tư, thiết bị cho nông dân và kinh doanh tiêu thụ nông sản, trở thành chỗ dựa chính, hỗ trợ nông dân trên thị trường. Trên cơ sở đó, tham gia các hoạt động bảo vệ sản xuất, đời sống và nâng cao phúc lợi cho cư dân nông thôn. Có như vậy, các nông hộ nhỏ lẻ mới có thể sản xuất hướng tới thị trường, chấm dứt vận hành sản xuất theo hướng “trọng cung” để chuyển sang sản xuất theo hướng “trọng cầu”.
Thứ tám, đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường, chú trọng đến thị trường 100 triệu dân trong nước, với tầng lớp trung lưu lên đến cả chục triệu người. Dần hình thành văn hóa: Nông sản nào ngon, quý, chất lượng nhất thì ưu tiên để dân trong nước tiêu dùng.
Đồng thời với phát triển thị trường trong nước, cần xây dựng kế hoạch sử dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đẩy mạnh xuất khẩu các nông sản chủ lực sang các nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bên cạnh đó, duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc và mở rộng thị trường nông sản sang các vùng lãnh thổ có tiềm năng khác. Hiện nay, chúng ta chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc, chưa chú trọng và khai thác các thị trường châu Âu, Mỹ (rau quả chiếm 1% thị trường châu Âu, có thể lên đến 5% khi tận dụng EVFTA, xuất khẩu sang Mỹ, Trung Đông đang rất thuận lợi)(6). Vì thế, xây dựng vùng nguyên liệu cho từng loại thị trường để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới tổ chức quản lý các ngành hàng nông sản, thử nghiệm hình thành “ban điều phối ngành hàng” đủ sức làm chủ thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Thứ chín, ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là các công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số trong NN ở các khâu then chốt, có thể làm ngay, như truy xuất nguồn gốc, giao dịch và tiêu thụ nông sản,... Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng để người Việt Nam làm chủ các công nghệ nguồn, các bài toán lõi, làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá trị gia tăng của nông sản. Có điều cần lưu ý, trên tất cả chuỗi giá trị, đầu tư vào tài sản vô hình, như nghiên cứu và phát triển, nhãn hiệu và sở hữu trí tuệ, đã tăng gấp đôi trong tỷ trọng doanh thu (từ 5,5 lên 13,1%, kể từ năm 2000). Các doanh nghiệp về máy móc và thiết bị dành 36% doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)(7)... Vì vậy, Việt Nam cần và nên đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực R&D cho NN.
Thứ mười, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và một số vấn đề khác. Môi trường nông thôn không chỉ là môi trường sống cho cư dân, mà còn là môi trường tạo ra niềm tin của chất lượng nông sản, môi trường cho sức mạnh cạnh tranh của nông phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt Nam, tạo ra năng suất lao động cao của nghề nông,... Từ đó, xây dựng và phát triển nền NN tuần hoàn, NN hữu cơ, tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro và các loại dịch bệnh. Cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo từ xa, quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh, gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn NN.
Xây dựng và thực thi chiến lược quốc gia về an ninh chuỗi cung ứng. Tình hình kinh tế thế giới thay đổi quá nhanh và có nhiều bất trắc, khó đoán định, đòi hỏi khả năng thích ứng khác biệt ở cả cấp độ sản xuất, kinh doanh và hoạch định chính sách. Đại dịch COVID-19 tạo ra một cú sốc đối với hoạt động sản xuất toàn cầu, nhưng cũng mở ra cơ hội đối với nền kinh tế số, trong đó việc tìm kiếm nguồn cung, tổ chức sản xuất và phân phối đều được “số hóa” với tốc độ và quy mô lớn chưa từng thấy. Việc tổ chức lại chuỗi cung ứng các ngành hàng nông sản nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đối phó với dịch bệnh, các thảm họa tự nhiên và các bất ổn địa - chính trị hay các rủi ro về tài chính, giá cả,... với mục đích không gì khác ngoài việc Việt Nam cần và phải trở thành một quốc gia tự chủ, tự cường. Để thúc đẩy nền kinh tế cho năng suất cao hơn, chất lượng hơn, bền vững hơn (cả trên khía cạnh chính trị, kinh tế và môi trường), Việt Nam cần tăng cường kết nối sản xuất trong nước vào các chuỗi cung ứng mới ở khu vực và toàn cầu; đặc biệt, cần chủ động xây dựng chiến lược quốc gia về an ninh chuỗi cung ứng.
Tiếp tục gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, với nòng cốt là phát triển cộng đồng thôn bản, làng xóm. Nông thôn là nơi lưu giữ hồn cốt Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, các giá trị văn hóa cốt lõi của người Việt Nam. Xã, huyện, tỉnh chỉ là các đơn vị hành chính trong quản lý nhà nước, có thể chia tách, sáp nhập, còn làng xóm thì không. “Nhà” và “làng” đã và mãi làm nên sức mạnh Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà trong từ vựng của người Việt Nam lại có từ “làng nước”, “nước nhà”, có làng mới có nước, có nhà (hộ gia đình) mới có nước!
Thêm vào đó, cần chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu. Khuyến khích doanh nghiệp tập trung vào chế biến nông sản, sản xuất và cung cấp đầu vào, giảm lệ thuộc lớn vào thị trường nhập khẩu, để có một nền kinh tế NN tự chủ, phòng ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng. Khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chủ chuỗi, đầu tư vào NN bằng cách: 1- Tiếp tục đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công vào NN: kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi; 2- Cung cấp các dịch vụ công cho NN để kiến tạo thành vùng nguyên liệu đủ lớn cho các nhà máy chế biến sâu; 3- Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hình thành vùng nguyên liệu và liên kết vùng,.../.
------------------------------
* Đây là kết quả của Đề tài KX04-20/21-25
(1) Trung Chánh: “Việt Nam là cường quốc xuất khẩu nông sản, nhưng đa phần là sản phẩm thô”, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 28-4-2021, https://thesaigontimes.vn/viet-nam-la-cuong-quoc-xuat-khau-nong-san-nhung-da-phan-la-san-pham-tho/
(2) Xem: Quốc Bình: “Xóa rào cản để phát triển nông nghiệp”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 30-10-2019, https://nhandan.vn/xoa-rao-can-de-phat-trien-nong-nghiep-post375408.html
(3) Xem: Hoàng Thị Minh Hà - Đinh Thị Hảo: “Cơ cấu lao động theo trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đến năm 2025”, Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam, số 1-2021
(4) Xem: Tri Nhân: “Để lao động phi chính trở thành lao động chính thức”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, ngày 29-11-2022, https://thitruongtaichinhtiente.vn/de-lao-dong-phi-chinh-tro-thanh-lao-dong-chinh-thuc-43388.html
(5) Xem: Nhật Dương: “Tuổi thọ người Việt cao nhưng không khỏe mạnh”, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ngày 15-12-2022, https://vneconomy.vn/tuoi-tho-nguoi-viet-cao-nhung-khong-khoe-manh.htm
(6) Gia Thành: Tận dụng EVFTA đưa rau quả tới “mảnh đất vàng” EU, Báo Thế giới và Việt Nam, ngày 16-5-2022, https://baoquocte.vn/tan-dung-evfta-dua-rau-qua-toi-manh-dat-vang-eu-183802.html
(7) Đỗ Văn Huân - Đinh Thị Thủy: Đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chế biến, chế tạo, Tạp chí Con số và Sự kiện, ngày 18-1-2022, https://consosukien.vn/dau-tu-hoat-dong-nghien-cuu-phat-trien-va-doi-moi-cong-nghe-cua-doanh-nghiep-che-bien-che-tao.htm
Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững từ thực tế tỉnh Đắk Nông  (14/12/2022)
Một số giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới  (01/10/2022)
Đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững  (15/08/2022)
Agribank - khẳng định vai trò chủ lực đầu tư “tam nông”  (03/08/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển