Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19
TCCS - Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực cho phát triển đất nước là vấn đề cấp thiết, yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mọi quốc gia, ở mọi thời đại. Đại dịch COVID-19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội; để tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn. Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn hẹp, cần có cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội cho quá trình này.
Huy động mọi nguồn lực cho tái thiết và phát triển
Năm 2021, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến khu vực kinh tế nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước. Hệ quả là các chỉ số kinh tế vĩ mô xấu đi trông thấy. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nhưng với những chính sách hỗ trợ hợp lý và kịp thời từ Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã sớm phục hồi trong năm 2021 và đang quay trở lại đà tăng trưởng của thời điểm trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, đợt làn sóng dịch lần thứ tư và thứ năm ảnh hưởng nặng nề đến quá trình phục hồi này. Thu nhập của người lao động giảm sút, cùng với đó là các gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội. Đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều vấn đề xã hội mà Việt Nam phải đối diện đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, như tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao; tiền lương, thu nhập giảm, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn; sự dịch chuyển một lượng lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh (1). Hệ quả là khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng thì các trung tâm kinh tế thiếu hụt lao động trầm trọng, trong khi tại nhiều địa phương, áp lực giải quyết việc làm tại chỗ rất lớn.
Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách tài chính nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Việc chi cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân chiếm một nguồn lực rất lớn. Ước tính năm 2021, các giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 có quy mô 185.984 tỷ đồng, tương đương 2,2% GDP. Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện các chính sách miễn, giảm cước phí viễn thông, học phí, tiền điện và chi hỗ trợ từ các quỹ bảo hiểm với tổng quy mô 83.480 tỷ đồng. Như vậy, tổng quy mô các chính sách chi hỗ trợ từ tài khóa và ngoài tài khóa là 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, ngày 11-1-2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, “Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350 nghìn tỷ đồng. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc chủ động phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.
Đây là đòn bẩy kinh tế rất quan trọng cho tái thiết và phục hồi kinh tế, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì con số này còn khá khiêm tốn. Trong bối cảnh nguồn lực của Nhà nước còn hạn hẹp rất cần có những cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội khác để phục vụ công cuộc tái thiết và phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19.
Để tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội phải huy động nhiều nguồn lực, công cụ chính để thực hiện chương trình này là chính sách tài khóa, tiền tệ và các gói hỗ trợ. Ngoài ra, các nguồn lực xã hội cũng rất quan trọng, đó là nguồn lực từ nhân dân thông qua các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội; nguồn vốn từ các quỹ ngoài ngân sách, quỹ doanh nghiệp, khu vực tư nhân và thông qua các dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP)…
Nguồn lực xã hội: Phát huy chưa xứng tiềm năng
Nguồn lực trong nhân dân rất to lớn, bao gồm nhân lực, tài lực và vật lực. Trong hơn 35 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từ năm 1999 - 2020 giảm từ 60% xuống còn 2,75%, có khoảng 40 triệu người dân thoát nghèo. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nghèo đa chiều chung của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,8% năm 2020.
Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng được cả thế giới ghi nhận về công tác an sinh xã hội. Nhiều trí thức, nhà khoa học và công nhân kỹ thuật đã có những phát minh, sáng chế, cải tiến kỹ thuật góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đội ngũ doanh nhân đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động, đóng góp chủ yếu nguồn thu ngân sách nhà nước, đóng góp lớn cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Bà con nông dân cả nước đã góp hàng triệu ngày công, hiến hàng nghìn héc-ta đất, góp hàng nghìn tỷ đồng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2). Trên 5 triệu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hằng năm đã gửi nguồn kiều hối khoảng 15 tỷ - 17 tỷ USD về xây dựng đất nước. Năm 2021, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn đạt 12,5 tỷ USD.
Các nguồn lực xã hội này chủ yếu được thu hút theo 2 hình thức sau:
Thứ nhất, huy động nguồn lực nhân dân thông qua các tổ chức xã hội.
Một trong những kênh quan trọng thu hút nguồn lực này là thông qua hoạt động có tổ chức khơi dậy ý thức cộng đồng của nhân dân tham gia khắc phục hậu quả, tái thiết nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ở Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng, vừa là trung tâm đoàn kết, tập hợp đông đảo các lực lượng quần chúng nhân dân, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các thành viên, vừa thực hiện vai trò cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, tổ chức động viên nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh các tổ chức chính trị - xã hội, còn có hàng trăm tổ chức xã hội khác.
Trong bối cảnh đại dịch vừa qua, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội đã chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân, phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch; tích cực vận động, hỗ trợ người dân tham gia, góp phần làm sâu sắc, mật thiết hơn mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đem lại cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, với vị trí, vai trò của mình đã đồng thuận cao với chủ trương, chính sách phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bằng các hoạt động thiết thực, như tuyên truyền, vận động hội viên cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước trong phòng, chống dịch bệnh; tích cực tham gia các tổ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cộng đồng, các chốt kiểm soát dịch bệnh; “giải cứu nông sản” cho nông dân các địa phương trên cả nước; ủng hộ, tặng trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho người dân và lực lượng tuyến đầu ở các vùng dịch. Xuất hiện nhiều tổ chức xã hội thiện nguyện đăng ký tình nguyện trong phòng, chống dịch, tham gia đóng góp tài chính, vật lực cho hoạt động phòng, chống dịch, thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội cho các nhóm yếu thế. Người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi về ủng hộ trong nước hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế. Đồng thời, nhiều doanh nhân, trí thức kiều bào đã tham gia đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới. Nhiều mô hình hay, cách làm mới thể hiện tính nhân văn, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, cùng chung tay, góp sức vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như: Mô hình “Tổ An toàn COVID-19” tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đoàn viên, thanh niên, hội viên hội phụ nữ tự làm mũ chống giọt bắn, may khẩu trang vải tặng cho lực lượng phòng, chống dịch bệnh COVID-19; các tổ dân phố thành lập “Tổ tự quản phòng, chống dịch bệnh COVID”; các câu lạc bộ thiện nguyện tự tổ chức nấu ăn và phát các suất ăn miễn phí cho các trung tâm cách ly và các bệnh nhân chữa trị COVID...
Mặc dù đã nỗ lực vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống đại dịch COVID-19, nhưng nhìn chung, vẫn còn nhiều nguồn lực chưa thực sự được phát huy tốt.
Thứ hai, thu hút nguồn vốn từ người dân, doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách huy động nguồn vốn trong nhân dân, doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện rõ nét nhất là ở sự tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân. Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng từ mức 38,26% giai đoạn 2011 - 2015 lên 42,7% giai đoạn 2016 - 2020, ước tính năm 2021 tăng lên 58,6% (3). Đặc biệt, thông qua hình thức hợp tác công - tư (PPP) đã huy động được nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân. Trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân, như Sun Group đầu tư thành công dự án BOT sân bay Vân Đồn, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; Tập đoàn Đèo Cả với các dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân,…
Bên cạnh những thành tựu quan trọng, vấn đề huy động nguồn lực về vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn không ít hạn chế. Một mặt, do quá trình chuyển từ nhận thức sang hành động nhiều khi còn chậm, không kịp thời, nên bỏ lỡ nhiều cơ hội để huy động vốn cho phát triển kinh tế. Mặt khác, do cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn để huy động nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển.
Ngoài ra, chiến lược phát triển thị trường, trong đó có thị trường vốn, triển khai còn chậm và chưa thực sự hiệu quả. Hai kênh huy động vốn là hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năng lực tài chính, quản trị, kiểm tra, giám sát nội bộ của một số tổ chức tín dụng còn yếu, nợ xấu còn cao. Sở hữu và hoạt động của một số ngân hàng thương mại cổ phần thiếu minh bạch, có mặt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc minh bạch hóa thông tin và kiểm soát thông tin của các công ty niêm yết chưa thực sự tốt khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro... Chính điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng và chứng khoán.
Đề xuất một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội
Để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho cho tái thiết và phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19, trong thời gian tới, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp sau:
Một là, tạo cơ chế, môi trường thuận lợi cho huy động các nguồn lực xã hội.
Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân để khơi dậy các nguồn lực cho phát triển đất nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện rất rõ trong phòng, chống dịch bệnh vừa qua, đặc biệt trong huy động các nguồn lực xã hội. Để tiếp tục phát huy vai trò đó, trước hết cần phát huy tốt dân chủ trong Đảng. Đây sẽ là nguồn động viên, khích lệ việc mở rộng dân chủ trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đồng thời, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, trong cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Đảng tăng cường lãnh đạo mở rộng dân chủ trực tiếp cho người dân nhằm nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, năng lực tham gia quản lý xã hội của nhân dân. Chú trọng các cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch lớn của Nhà nước. Để tăng niềm tin cho nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, cần giáo dục cán bộ, đảng viên sống, làm việc gương mẫu, nói đi đôi với làm, đồng thời xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật.
Tăng cường quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả để thực thi quyền lực của nhân dân, phát huy các nguồn lực trong nhân dân cho phát triển đất nước. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo.
Đặc biệt, có chính sách khuyến khích đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài có phát minh, sáng chế, có sáng kiến, hiến kế… có hiệu quả cho phòng, chống đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn vừa qua, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước đã có đóng góp lớn cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, an sinh xã hội, nhất là các hoạt động từ thiện, cứu trợ,… Cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách huy động, phát huy hiệu quả mọi nguồn vốn trong nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển…
Hai là, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân, trong đông đảo đoàn viên, hội viên.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết với 46 thành viên; tổ chức Công đoàn có hơn 9 triệu đoàn viên; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trên 15 triệu hội viên; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trên 7 triệu đoàn viên; Hội Nông dân có hơn 10 triệu hội viên; Hội Cựu chiến binh có gần 3 triệu hội viên… Đó là lực lượng đoàn viên, hội viên rất đông đảo. Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhiều đoàn viên, hội viên, các chủ doanh nghiệp, những nhà trí thức, khoa học, lao động kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực,... đã có đóng góp to lớn thông qua nhiều hình thức.
Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cần tập trung vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên nỗ lực phấn đấu, thi đua trong điều kiện mới, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, tiếp tục vận động, đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh.
Đối với các tổ chức xã hội, trên cơ sở đặc điểm, tình hình ở từng địa phương, từng giai tầng xã hội để lựa chọn nội dung phát động các hình thức, phong trào thi đua phù hợp, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng tham gia. Đây là những giải pháp quan trọng góp phần phát huy nguồn lực trong nhân dân cho tái thiết và phát triển đất nước.
Đẩy mạnh việc thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần xây dựng kịch bản sản xuất, kinh doanh có tính thích ứng cao với bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, đồng hành với chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động khi tạm dừng sản xuất. Chủ động đưa ra những “kịch bản” và chiến lược đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Phát huy vai trò tham gia của các cộng đồng thiện nguyện. Các cộng đồng thiện nguyện cần chủ động, đoàn kết và phát huy hơn nữa tính tự nguyện, tinh thần tự quản, tương thân, tương ái trong tham gia phòng, chống dịch và trợ giúp xã hội; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với người có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng dòng tộc, tổ trưởng tổ tự quản khu dân cư, khu phố…), với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đóng góp nguồn lực vật chất, tinh thần trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh và triển khai hiệu quả các hoạt động thiện nguyện đến các nhóm yếu thế trong cộng đồng. Tránh tình trạng tự phát, thiếu phối hợp, gây ảnh hưởng tới các hoạt động trợ giúp xã hội, thiện nguyện.
Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút vốn đầu tư trong xã hội.
Đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng và xu hướng chuyển đổi số. Phát triển và kiểm soát thị trường trên cơ sở phát huy vai trò của thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực về vốn để phát triển kinh tế bền vững gắn với từng bước giảm thiểu vai trò kinh doanh, đầu tư trực tiếp của Nhà nước.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm cơ sở nền tảng, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, đồng thời tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng ngành, địa phương, từng khu vực và xu hướng phục hồi của kinh tế thế giới.
Tiếp tục mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là chủ động, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế; tận dụng các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại và xu hướng dịch chuyển các dòng đầu tư sau đại dịch. Tích cực thực hiện các cam kết quốc tế gắn liền và lồng ghép với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Củng cố và làm lành mạnh hóa các kênh huy động vốn quan trọng là ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán. Sửa đổi cơ chế và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Kiên quyết thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nâng cao tính minh bạch và kiểm soát thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán; hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của thị trường chứng khoán.
Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng hàng đầu để huy động vốn của mọi tầng lớp dân cư vào sản xuất, kinh doanh. Trong các yếu tố của môi trường đầu tư, cần chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế để giảm gánh nặng tài chính cho xã hội.
Chú trọng các hình thức hợp tác công - tư (PPP), phát huy lợi thế từ PPP mang lại. Ngày 11-1-2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật, trong đó có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Tuy vậy, chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP cần được cụ thể, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư theo hình thức này. Vừa qua, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông, các nhà đầu tư tư nhân chưa mặn mà với các dự án PPP thành phần, khiến số vốn rất lớn cho dự án này phải lấy từ nguồn đầu tư công, trong bối cảnh ngân sách đang phải gánh vác nhiều nhiệm vụ chi. Để hình thức PPP thu hút được các nhà đầu tư tư nhân, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung những nội dung mang tính cấp bách, tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật./.
------------------------------------
(1) Theo Tổng cục Thống kê: Khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ tháng 7 đến tháng 9, trong đó có khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ Thành phố Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành phố khác phía Nam
(2) Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: Tổng nguồn lực huy động đầu tư vào nông nghiệp trong 5 năm 2016 - 2020 khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 - 2015. Nông dân đã đóng góp trên 100 nghìn tỷ đồng, trên 47 triệu ngày công, hiến trên 424 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 293 nghìn ki-lô-mét kênh mương nội đồng và 542 nghìn ki-lô-mét đường giao thông nông thôn,…
(3) Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Văn Tùng: “Cơ cấu lại nền kinh tế: Nhìn lại giai đoạn 2016 - 2021 và những định hướng cho giai đoạn 2025 - 2030”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2, tháng 1-2022
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội ở Việt Nam hiện nay  (24/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Hưng Yên  (23/12/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển