Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026: Một số lưu ý để tránh xảy ra thiếu sót
TCCS - Qua các lần bầu cử, nhất là bầu một lần toàn bộ đại biểu dân cử, khối lượng công việc vô cùng lớn, vận hành trong một khoảng thời gian hạn hẹp, dù đã rất cố gắng nhưng vẫn còn những khiếm khuyết nhất định. Rút kinh nghiệm các lần bầu cử trước, lần bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 năm nay đang vào thời gian “nước rút”, phải nỗ lực hạn chế tới mức thấp nhất các thiếu sót đã vấp phải, mà trước hết là những thiếu sót “thường bị lặp lại”.
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, đất nước ta đã tiến hành bầu cử 4 nhiệm kỳ đại biểu dân cử và tới đây là nhiệm kỳ thứ 5. Trong 5 nhiệm kỳ thì có 3 nhiệm kỳ bầu một lần cả đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND). Có thể nhìn lại một vài thiếu sót ở những lần trước để phòng, tránh cho lần này.
Một là, ở một vài địa phương, tới “phút chót” mới phát hiện ra những sai sót trong bản kê khai lý lịch của một, hai ứng cử viên. Thiếu sót này trước hết là ứng cử viên thiếu trung thực, tiếp đó là trách nhiệm chưa cao của cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử. Trong hội nghị lấy ý kiến cử tri, có người biết, nhưng lo sợ “rắc rối” về sau nên sau đó mới thầm lặng viết đơn tố cáo, đơn vị mới kiểm tra làm rõ. Sát ngày bầu cử, không thể bổ sung ứng cử viên khác được nên đành thực hiện theo phương án rút bớt một đại biểu được bầu ở đơn vị bầu cử đó để bảo đảm nguyên tắc đủ số dư theo luật định. Lần bầu cử này, còn hơn một tháng nữa, trong hiệp thương lần thứ ba (lần cuối), cần chỉ đạo hết sức sâu sát, chặt chẽ, tỉ mỉ để không tái diễn sự việc đáng tiếc.
Hai là, ở các đơn vị bầu cử, tổ bầu cử, nơi trực tiếp tác nghiệp đã từng xảy ra một số thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình bầu cử. Có thể ví dụ một tình huống cụ thể, đó là việc in sai tên người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, tình trạng này đã xảy ra ở một số đơn vị bầu cử của một số tỉnh, thành phố; có người ứng cử bị in sai họ; có người ứng cử bị in sai tên; có người ứng cử bị in sai tên đệm... Đáng lưu ý là, có tỉnh thiếu sót này xảy ra ở ba, bốn tổ bầu cử. Từ một nửa đến hai phần ba số cử tri đã bỏ phiếu rồi mới phát hiện ra. Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo lập biên bản, buộc phải dừng bỏ phiếu, in lại phiếu bầu (danh sách người ứng cử) và bỏ phiếu lại. Một tình huống khác, ở cả hai lần bầu cử trước, một số khu vực bỏ phiếu có sơ suất trong việc kiểm soát số phiếu phát ra, số phiếu thu về không chặt chẽ và có những cử tri bỏ phiếu xong, nhưng thẻ cử tri không đóng dấu “Đã bỏ phiếu”. Các khu vực đó đều phải tổ chức bầu cử lại... Những thiếu sót này đã gây ra nhiều phức tạp, phiền toái, tốn kém chi phí vật chất, gián đoạn bầu cử, bầu cử lại bị dồn ép thời gian... Nguyên nhân chủ yếu là thiếu tinh thần trách nhiệm và sự chủ quan của các thành viên các tổ bầu cử đó khi làm phiếu bầu, kiểm soát, quản lý phiếu. Tiếp đó là sự chỉ đạo thiếu sâu sát của ban bầu cử và sự giám sát của các cấp theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... Tuy là thiếu sót cũ nhưng là bài học còn nguyên giá trị cho những cuộc bầu cử lần sau. Người trực tiếp làm phiếu bầu phải hết sức cẩn trọng; các thành viên tổ bầu cử phải hết sức tập trung vào nhiệm vụ được phân công trong suốt cả ngày bầu cử, trong đó có việc kiểm soát phiếu bầu, đóng dấu đã bỏ phiếu; các cấp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải thật sự sâu sát, tỉ mỉ, kỹ càng.
Ba là, ở địa phương, ủy ban bầu cử và ban bầu cử biết rất rõ, không nên bố trí các ứng cử viên có sự chênh lệch quá xa về vị thế, chức vụ, trình độ... vào cùng một đơn vị bầu cử (mà cử tri nói dân dã là bố trí kiểu “quân xanh”, “quân đỏ”). Nhưng ở một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng này. Trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XII, vẫn có đơn vị bầu cử có biểu hiện này. Ở một đơn vị bầu cử của một tỉnh miền núi phía Bắc đã sắp xếp bí thư, chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch hội nông dân tỉnh, chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cùng bảng với một nữ giáo viên và một nữ là cán bộ văn phòng cấp xã; 5 người, chọn lấy 3, kết quả là 3 lãnh đạo cấp tỉnh trúng cử, 2 ứng cử viên là nữ thì rớt. Hay là, ở một đơn vị bầu cử của một tỉnh Nam Bộ đã sắp xếp phó bí thư thường trực tỉnh ủy, chủ tịch liên đoàn lao động tỉnh, một ứng cử viên Trung ương được phân bổ về, cùng bảng với nữ chủ tịch liên đoàn lao động huyện và một nữ giáo viên; 5 người, bầu chọn lấy 3, kết quả là 2 ứng cử viên là nữ không trúng cử... Trong các đơn vị bầu cử nói trên, tất cả những ứng cử viên bị bố trí kiểu “quân xanh”, phần lớn nữ đều không trúng cử. Cần lưu ý rằng, đây có thể cũng là một trong những lý do vì sao số ứng cử viên ĐBQH là nữ thì cao mà tỷ lệ nữ trúng cử lại vẫn thấp.
Bốn là, có những thiếu sót từ phía cử tri. Theo quy định tại Điều 71, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND hiện hành thì việc bỏ phiếu được bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng, hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tối cùng ngày. Để thực thi quyền lợi và nghĩa vụ này, ở khu vực nông thôn, bà con cử tri thường bàn bạc, mạn đàm hai phương án: một là, tranh thủ làm tròn nghĩa vụ công dân, đi bầu trước, sau đó về, yên tâm ra đồng làm việc; hai là, sáng ra đi làm cho “trọn ngày, đày buổi”, để cuối ngày về mới làm nghĩa vụ công dân. Thực tế cho thấy, tất cả những nơi thực thi theo phương án một đều đạt kết quả tốt về tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử. Những nơi theo phương án hai, có những nơi xảy ra những sự cố bất thường trong công việc đồng áng nên không ít tổ bầu cử phải kéo dài thời gian bỏ phiếu. Cá biệt sắp tới giờ kết thúc, có những tổ bầu cử mới có hơn một nửa số cử tri đi bầu, làm cho những công việc cuối ngày bỏ phiếu vô cùng gấp gáp, dễ phát sinh những sơ suất... Trong các nguyên nhân của thiếu sót này có thiếu sót của công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở chưa thật tốt theo Điều 70 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, “trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương”.
Năm là, có những thiếu sót do “cộng hưởng” từ thiếu sót của nhiều công đoạn dồn lại. Trong một cuộc bầu cử ĐBQH, ở 6 đơn vị bầu cử trong cả nước, có 37 ứng cử viên đạt trên 50% phiếu bầu, trong đó có 8 ứng cử viên đạt trên 55% và 3 ứng cử viên khác đạt trên 58% số phiếu bầu mà không trúng cử, trong khi bầu thiếu 7 ĐBQH. “Kết cục” này có phần do sắp xếp ứng cử viên vào đơn vị bầu cử có số dư lớn (ứng cử viên “ngang tài, ngang sức” là tốt, nhưng số dư lớn, 4 ứng cử viên, chỉ bầu lấy 2 thì phiếu bầu sẽ bị phân tán, “chia đều”); có phần do chỉ đạo chưa sát của ủy ban bầu cử địa phương; có phần do vận động bầu cử của các ứng cử viên và có phần thiên kiến lựa chọn cụ thể của cử tri. Trong cuộc bầu cử tới, các chủ thể có liên quan nói trên đều phải lưu ý khắc phục và bộ máy thông tin, tuyên truyên phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần giúp cử tri chọn lựa hợp lý, chính xác hơn...
Để không lặp lại những thiếu sót, hạn chế nói trên, giải pháp hàng đầu là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, triệt để và thực thi đúng đắn Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20-6-2020, của Bộ Chính trị “Về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” và Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong đó, nhiệm vụ thứ 5 và thứ 6 của Chỉ thị số 45-CT/TW nhấn mạnh, đề cao trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách bầu cử, nhất là trong các nhiệm vụ thẩm định hồ sơ người ứng cử; tuyên truyền vận động bầu cử để cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; khắc phục có hiệu quả những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các khóa gần đây./.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026: Cuộc vận động chính trị quan trọng và đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân*  (16/02/2021)
Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026  (23/12/2020)
Vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử ở nước ta hiện nay  (12/07/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay