Bảo đảm an ninh năng lượng để phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam
TCCS - Trong gần 35 năm qua, nền kinh tế Việt Nam luôn có tốc độ phát triển nhanh ở châu Á với tỷ lệ tăng trưởng GDP hơn 6%/năm, trong đó, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng. Việc tiếp cận với nguồn năng lượng ổn định và có chi phí thấp là yếu tố hàng đầu bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế. An ninh năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được ưu tiên trong chính sách năng lượng quốc gia. Trong những năm trở lại đây, đầu tư cho ngành năng lượng suy giảm tạo ra khoảng trống, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của nước ta. Với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, an ninh năng lượng cần được coi là trụ cột trong chính sách phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
An ninh năng lượng quốc gia là tiền đề quan trọng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam không ngừng gia tăng, trong khi nguồn cung năng lượng ngày càng cạn kiệt. Do vậy, chúng ta cần có lộ trình cụ thể trong xây dựng mô hình năng lượng sạch trong tương lai.
Ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết khẳng định, phát triển năng lượng gắn với thực thi chính sách bảo vệ môi trường, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Những mục tiêu cụ thể mà nghị quyết đặt ra là:
Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; trong đó, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu TOE (tấn dầu quy đổi), đến năm 2045, đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷKWh. Đáng chú ý, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15% - 20% vào năm 2030; 25% - 30% vào năm 2045.
Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105 - 115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160 - 190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420 - 460kgOE/1.000 USD GDP; năm 2045 từ 375 - 410kgOE/1.000 USD GDP. Bên cạnh đó, các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.
Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
Quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, coi đó là nền tảng, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm , xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng.
Việt Nam cần phải phát triển ngành năng lượng gắn liền với phát triển kinh tế, để các ngành kinh tế nhận thức được giới hạn của ngành năng lượng, từ đó xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển phù hợp. Khi toàn bộ nền kinh tế không còn sức ép lên ngành năng lượng, mới có khả năng bảo đảm được an ninh năng lượng quốc gia.
Thách thức cho an ninh năng lượng Việt Nam
Việt Nam là một nước có nguồn năng lượng đa dạng. Ngành năng lượng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cung cấp năng lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, nước ta vẫn còn là một nước có mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người thấp.
Thực trạng tiêu thụ năng lượng Việt Nam thời gian qua tăng nhanh. Tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018 bình quân với tốc độ khoảng 6%/năm; tiêu thụ điện giai đoạn 2011 - 2019 tăng nhanh (khoảng 10%/năm), năm 2019 tổng công suất điện đạt trên 54.880MW, sản xuất điện năng đạt gần 240 tỷ kWh. Kết cấu hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Hiện nay, quy mô nguồn điện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 23 trên thế giới. Yêu cầu sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng còn nhiều bất cập.
Giai đoạn từ năm 2021 - 2025, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII cho thấy, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030 với điện thương phẩm, năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Theo đó, điện thương phẩm sẽ thấp hơn 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo báo cáo thường niên EVN cho thấy, cường độ năng lượng đã giảm mạnh từ 568 kgOE (năm 2000) xuống còn không đến một nửa, khoảng 260 kgOE (từ năm 2015 - 2018), trong khi cường độ điện năng vẫn có xu thế tăng dần trong suốt hai thập niên qua, từ hơn 500kWh (năm 2000) đến gần 700 - 800kWh (năm 2015 - 2018). Diễn biến của các chỉ tiêu tương quan năng lượng/kinh tế này chỉ ra rằng: tính hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là hiệu quả sử dụng điện (sử dụng tới 700kWh để làm ra 1.000 USD) trong phát triển kinh tế của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiệu quả sử dụng năng lượng, được hiểu tổng quát là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để sản xuất một đơn vị vật chất/tiền tệ. Ở các nước, hiệu quả sử dụng năng lượng thường được đo lường bằng cường độ năng lượng và cường độ điện đối với GDP - nghĩa là cần bao nhiêu đơn vị năng lượng/điện năng để có được một đơn vị GDP.
Ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Từ năm 2015, Việt Nam trở thành một nước nhập khẩu năng lượng, nhập khẩu thuần than kể từ 2015 và xu hướng này ngày càng tăng. Từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu (theo Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (EOR 2019)).
Theo thống kê quốc tế năm 2018, tiêu thụ năng lượng bình quân thế giới khoảng 1.795 kgOE/người, tiêu thụ điện bình quân của thế giới là khoảng 3.450 kWh/người, sản xuất điện bình quân khoảng 3.100 kWh/người. Việt Nam có tiêu thụ điện tính bình quân đầu người là 2.200 kWh/người. Trong khi các nước trong khu vực, tiêu thụ điện bình quân đầu người năm 2018 quy đổi theo kWh là: Singapore: 8.300, Malaysia: 4.300, Thái lan: 2.736, Trung Quốc: 4.018, Hàn Quốc: 9.872, Nhật Bản: 7.480... Với mức tiêu thụ như trên, so với các nước, tiêu thụ năng lượng nói chung Việt Nam chỉ mới đạt khoảng từ 35% - 40%, về tiêu thụ điện chỉ khoảng 65% so với bình quân đầu người trên thế giới.
Tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện năng. Tỷ lệ giữa nhu cầu tiêu thụ năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn hai lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới một. Vì vậy, an ninh năng lượng là vấn đề cấp thiết đặt ra. Thiếu hụt nguồn cung điện đang là vấn đề nan giải hiện nay đối với các nhà quản lý và hoạch định chính sách năng lượng ở Việt Nam. Việc sử dụng công nghệ cao, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường là điều cần quan tâm.
Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay - khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện.
Một số vấn đề của ngành điện gặp phải hiện tại là khá lớn. Giai đoạn từ năm 2020 - 2024 được dự báo sẽ bị thiếu điện trầm trọng do nguyên nhân một số các nhà máy nguồn điện có công suất lớn bị chậm tiến độ cũng như một số các dự án truyền tải cũng đang gặp khó khăn… Thị trường điện vận hành chậm chạp, thực tế giá điện không phản ánh đầy đủ các chi phí theo thị trường có thể xem là lý do khiến các đối tác tham gia không mặn mà, góp phần dẫn tới lỗ hổng về an ninh năng lượng.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.
Giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam
Việt Nam cần thực hiện tốt những vấn đề sau nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa đang diễn ra trên thế giới:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Trên cơ sở đó, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm của hệ thống năng lượng nước ta. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiêp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận các thông tin về công nghệ, các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vay tín dụng ưu đãi theo cơ chế hỗ trợ đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Theo đánh giá của các chuyên gia WB, các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 25% - 40%. Cùng với các chỉ số về hiệu quả sử dụng năng lượng như đánh giá ở trên thì đây là con số đáng để chúng ta suy ngẫm khi nghiên cứu soạn thảo quy hoạch phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.
Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này. Cần áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; quan tâm đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ…
Thứ hai, cần phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.
Thứ ba, đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, ngay cả với các nguồn năng lượng tái tạo, như rác thải từ điện mặt trời… hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ tư, thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó. Cần hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
Thứ năm, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia một cách bền vững là yêu cầu sống còn đối với một quốc gia, là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới./.
Xây dựng hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm cho lao động nông thôn di cư hòa nhập xã hội thành thị, chuyển đổi nghề nghiệp ổn định và bền vững  (20/11/2020)
Tỉnh Kon Tum đầu tư trọng điểm ba vùng kinh tế động lực, tạo bước đột phá để phát triển bền vững  (19/11/2020)
Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020  (09/11/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay