Nhà nước tạo lập tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam

ThS. Vũ Thị Thu Hương
Học viện Tài chính
15:49, ngày 10-06-2020

TCCS - Việc chuyển đổi từ nền nông nghiệp lạc hậu sang nền nông nghiệp hiện đại công nghệ cao, ngoài nhân tố năng lực nội tại của ngành nông nghiệp, lấy thị trường làm động lực, Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập điều kiện tiền đề cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng trưng bày nông sản ứng dụng công nghệ cao tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2010 - 2020_Ảnh: TTXVN

Vai trò quan trọng của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, Nhà nước có thể tạo lập các điều kiện tiền đề cần thiết cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng nhiều phương thức. Một mặt, Nhà nước gia tăng nguồn lực đầu tư để tạo lập các điều kiện mà thị trường chưa thể tạo lập hoặc tạo lập chưa đầy đủ. Mặt khác, Nhà nước sử dụng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ nguồn lực công theo nguyên tắc cạnh tranh và tạo lập đầy đủ các loại thị trường nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Hai phương thức này tương hỗ lẫn nhau, giúp hoàn thiện vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Theo đó, trong tạo lập điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước ta đã nỗ lực thực hiện những bước đi cụ thể sau:

Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất. Về mặt pháp lý, Nhà nước thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng lâu dài cho người dân sử dụng. Người dân có quyền sử dụng đất nông nghiệp để canh tác, cho thuê, góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp, thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp vay vốn ngân hàng để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiêp theo quy định của pháp luật… Những quy định đó tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ và tập trung đất nông nghiệp theo nguyên tắc thị trường để hình thành nền nông nghiệp hiện đại. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện dồn diền, đổi thửa hình thành những mảnh đất có diện tích lớn hơn; khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các nông dân với nhau để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.

Thứ hai, hỗ trợ về vốn trong phát triển. Xác định rõ vốn là điều kiện có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước ta đã sớm có những chính sách hỗ trợ về vốn, như Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, của Chính phủ, Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, với chính sách cho vay tín chấp ở hạn mức phù hợp; Nghị quyết số 30/NQ-CP,ngày 7-3-2017, của Chính phủ, về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đặc biệt, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, ngày 7-9-2018, của Chính phủ, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9-6-2015, của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có nhiều điểm đột phá mới về cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể: Khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trong khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án; doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Thứ ba, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Đảng ta đã đề ra quan điểm chỉ đạo nâng cao quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020 (1). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; đến nay, ngành nông nghiệp triển khai đào tạo được trên 2,3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, đạt 75% kế hoạch. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2019 đào tạo 1,15 triệu - 1,4 triệu lao động, đạt 82% so với mục tiêu (2). Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, nâng cao thu nhập đạt trên 90%. Nông dân sau khi học nghề đã áp dụng được kỹ năng mới vào sản xuất. Nhiều lao động sau học nghề mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập gấp 3-4 lần trước đây.

Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học - công nghệ theo hướng thị trường, từng bước hình thành thị trường khoa học - công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Việc chuyển đổi các tổ chức khoa học - công nghệ công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP, ngày 5-9-2005, của Chính phủ, Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, hoặc doanh nghiệp khoa học - công nghệ theo Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, ngày 19-5-2007, của Chính phủ, Về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đã tạo cơ sở cho các tổ chức khoa học - công nghệ thay đổi cách thức hoạt động, chú trọng tới thị trường và khách hàng nhiều hơn... Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ bên có nhu cầu sử dụng sản phẩm khoa học - công nghệ; ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua việc thành lập các loại quỹ: Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương... Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh để phát triển.

Nhiều viện nghiên cứu nông nghiệp chuyển đổi cơ chế hoạt động sang cơ chế thị trường đã tạo ra nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều giống mới ra đời có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Thời gian qua, khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi (3). Nhiều trung tâm, phòng thí nghiệm công nghệ sinh học hiện đại ra đời và hoạt động đã tạo điều kiện vật chất cao hơn cho việc nghiên cứu.

Thứ năm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường ở cả trong và ngoài nước. Nhu cầu của xã hội ngày càng đòi hỏi những nông sản có chất lượng cao hơn, tạo ra động lực cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đối với thị trường ngoài nước, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam. Nông sản Việt Nam từng bước xâm nhập vào những thị trường có sức mua lớn, đòi hỏi cao về chất lượng như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Ô-xtrây-li-a. Đối với thị trường truyền thống và rộng lớn là Trung Quốc, Nhà nước tích cực đàm phán với các đối tác, hỗ trợ người nông dân chuẩn hóa vùng trồng, đánh mã số vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ, nâng cao chất lượng nông sản để chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch. Chẳng hạn, sản phẩm sữa của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch, tạo cơ sở cho sự xâm nhập sâu hơn vào những thị trường rộng lớn và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng này. Chính sự đòi hỏi cao về chất lượng của nông sản xuất khẩu đã tạo động lực lớn cho việc tái cấu trúc nền nông nghiệp trong nước, phải chuyển mạnh sang nền nông nghiệp lớn và ứng dụng công nghệ cao.

Vẫn còn những hạn chế

Khu nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình khép kín trồng dưa lưới quanh năm do Công ty cổ phần Sản xuất - Xây dựng - Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương (tỉnh Bình Phước) đầu tư bước đầu có hiệu quả _Ảnh: TTXVN

Có thể khẳng định, trong thời gian qua, Nhà nước đã thực hiện tốt vai trò trong việc tạo lập điều kiện cần thiết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, còn một số hạn chế nhất định sau:

Một là, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm. Quy mô diện tích bình quân một mảnh ruộng vẫn thấp, chưa đủ lớn để ứng dụng những thành tựu công nghệ hiện đại trong nông nghiệp. Điều này là do thủ tục hành chính liên quan đến chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp còn phức tạp, nội dung nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, lạc hậu, mâu thuẫn với nhau; cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai còn thiếu chính xác, chưa cập nhật kịp thời, khả năng tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn nhiều hạn chế, chưa cung cấp được thông tin đầy đủ, chính xác về đất nông nghiệp với chi phí thấp để hình thành thị trường giao dịch quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc thu hồi, đền bù, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại các địa phương còn có những sai phạm, gây tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Hai là, tiếp cận vốn và tín dụng ưu đãi đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp khó khăn. Mặc dù các quy định về tiếp cận vốn ưu đãi cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao đã thông thoáng và ưu đãi hơn, song trên thực tế, người đi vay cần đáp ứng được nhiều thủ tục theo yêu cầu của các ngân hàng, như phương án kinh doanh khả thi, có tài sản thế chấp, khả năng trả nợ,… khiến doanh nghiệp, người nông dân cảm thấy rất khó vay được tiền của ngân hàng. Sự ràng buộc chặt chẽ trong điều kiện vay cũng làm xuất hiện nghịch lý: Người vay (doanh nghiệp, nông dân vay tiền phát triển nông nghiệp công nghệ cao) nếu không vay được ngân hàng sẽ khó có đủ năng lực tài chính để hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết, từ đó có thể ký hợp đồng ổn định đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó, các ngân hàng lại đặt điều kiện chỉ cho vay khi đã có chuỗi liên kết và đã có đầu ra ổn định. Nghịch lý đó tạo ra “nút thắt”, hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của các chủ thể kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao.

Ba là, quy mô và chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao vừa thiếu, vừa yếu. Hiện nay, nguồn nhân lực có khả năng sử dụng, vận hành thành thạo, làm chủ được các công nghệ cao trong nông nghiệp rất khan hiếm, có khoảng 46% nguồn nhân lực trong nông nghiệp hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nông nghiệp nói chung, doanh nghiệp trong nông nghiệp nói riêng (4). Điều này cho thấy, hiệu quả một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp còn thấp. Tình trạng đào tạo “cung” chưa khớp với “cầu” còn phổ biến, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo nghề trong nông nghiệp cho lao động nông thôn với quá trình cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới. Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động, từ đó chưa phát huy việc đào tạo gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động. Cơ chế đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vẫn dựa chủ yếu trên các cơ sở đào tạo công lập và chương trình khuyến nông được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí. Việc dạy và học nghề ở nhiều nơi còn mang tính hình thức. Nhiều chương trình đào tạo nghề cho nông dân nặng về mục đích giải ngân kinh phí, nội dung kiến thức chưa phù hợp với nhu cầu của nông dân hiện nay, chưa quan tâm đến chất lượng và nhu cầu chất lượng lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhu cầu học nghề của người lao động.

Bốn là, cơ chế quản lý khoa học - công nghệ còn mang nặng tính bao cấp, chưa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của các cơ sở nghiên cứu. Cơ chế phân bổ đề tài nghiên cứu khoa học ở một số nơi vẫn mang nặng tính bao cấp, xin - cho, phân bổ theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, dẫn đến hiện tượng “cai”, “thầu” các đề tài nghiên cứu, thủ tục xét duyệt kinh phí đề tài còn phức tạp. Một số hoạt động nghiên cứu còn xa rời thực tiễn, chưa bám sát yêu cầu hoặc chưa giải quyết kịp thời yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có hiệu quả ứng dụng thực tiễn không cao. Nhà nước trao cho các cơ sở nghiên cứu khoa học về nông nghiệp quyền tự chủ về tài chính nhưng cần được tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy. Bảo vệ sở hữu trí tuệ chưa được thực hiện nghiêm minh.

Năm là, kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu và lạc hậu, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vận chuyển, kho bảo quản, công nghệ chế biến nông sản. Sự yếu kém về kết cấu hạ tầng bảo quản và chế biến nông sản đã làm tăng chi phí, giảm giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nhà nước cũng đã ban hành cơ chế huy động vốn đầu tư của tư nhân vào xây dựng kết cấu hạ tầng trong nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng theo hình thức đối tác công - tư. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân do tỷ suất sinh lợi của các dự án kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp thấp, thời gian thu hồi vốn dài. Cơ chế quản lý, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng hiện có trong nông nghiệp chưa hiệu quả. Chi phí quản lý của Nhà nước chỉ đủ duy trì hoạt động của các công trình thủy lợi lớn, còn những công trình thủy lợi nhỏ, chưa được quản lý khai thác và nâng cấp một cách hiệu quả.

Hiện nay, một trong những khó khăn lớn đối với nông nghiệp là người nông dân rất khó thu thập và phân tích thông tin về thị trường nông sản thế giới, trong khi thông tin thị trường thế giới nhiều, đa dạng và thường xuyên biến động. Nhà nước đã có cơ chế hình thành các trung tâm, các doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ cung ứng, phân tích thông tin về thị trường, song hiện nay giá dịch vụ đó khá cao, chất lượng các dịch vụ không ổn định,… làm hạn chế khả năng tiếp cận thông tin thị trường của nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, sự cạnh tranh trên thị trường thế giới gay gắt, đầu mối nhập khẩu nông sản ở nước ngoài bị thao túng bởi các chuỗi phân phối lớn, không dễ tiếp cận…, trong khi năng lực sản xuất nông sản công nghệ cao ở Việt Nam còn nhỏ bé và chưa ổn định.

Những giải pháp cần thiết

Mô hình trồng rau nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm, xã Minh Tân (Lương Tài, Bắc Ninh)_Ảnh: TTXVN

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Nhà nước cần gia tăng các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp cao để phát huy lợi thế nông nghiệp quốc gia. Đồng thời, coi trọng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực công đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tạo ra quan hệ cạnh tranh trong phân bổ nguồn lực. Qua đó, các nguồn lực công trong nông nghiệp sẽ được khai thác và sử dụng có hiệu quả. Những giải pháp cụ thể hơn cần triển khai bao gồm:

Thứ nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hình thành cơ sở dữ liệu số có bảo đảm tính pháp lý về đất đai, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về đất đai cho người dân và doanh nghiệp để phát triển thị trường chuyển nhượng và cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh giao quyền tự chủ toàn diện đối với các cơ sở nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp để phát huy tính năng động sáng tạo của đội ngũ nhà khoa học trong nông nghiệp, gắn kết hoạt động nghiên cứu với những giải pháp kỹ thuật công nghệ phát triển sản xuất.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với các cơ sở đào tạo nghề cho lực lượng lao động trên địa bàn nông thôn, gắn hoạt động đào tạo nghề với các doanh nghiệp sử dụng lao động bằng cách cho phép các doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia quá trình đào tạo nghề; trao quyền lựa chọn, đánh giá chất lượng đào tạo lao động cho người học đối với những chương trình đào tạo được tài trợ bằng kinh phí của Nhà nước.

Thứ tư, đối với nguồn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần thu hẹp phạm vi đối tượng được hưởng ưu đãi với những quy định cụ thể về điều kiện hồ sơ tín dụng, để vừa phù hợp với năng lực của các ngân hàng, vừa có thể triển khai được trong thực tế./.

-----------------------

(1) Quyết định số 1216/QĐ-TTg, ngày 22-7-2011, của Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020,https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Quyet-dinh-1216-QD-TTg-phe-duyet-Quy-hoach-phat-trien-nhan-luc-Viet-Nam-126974.aspx

(2) Khánh Linh: Đào tạo nghề lao động nông thôn góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2019-08-19/dao-tao-nghe-lao-dong-nong-thon-gop-phan-tai-co-cau-nong-nghiep-75323.aspx

(3) Đức Tuân: Thủ tướng: việc đầu tiên phải làm là đổi mới sáng tạo cách trọng dụng con người, http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Thu-tuong-Viec-dau-tien-phai-lam-la-doi-moi-sang-tao-cach-trong-dung-con-nguoi/381377.vgp

(4) Sơn Hà: Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, https://www.nhandan.com.vn/kinhte/item/40443202-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nong-nghiep.html