Phát triển hệ thống lô-gi-stíc phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam
TCCS - Việc đầu tư gắn liền chuỗi dịch vụ lô-gi-stíc với chuỗi giá trị nông nghiệp từ khâu nguyên liệu tới thị trường tiêu thụ, tối ưu hóa chi phí vận chuyển, vận tải, bảo quản nhiệt độ đúng quy trình tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản và ngành nông nghiệp Việt Nam có được vị thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường khi chất lượng sản phẩm được bảo đảm và giá thành sản phẩm hợp lý có thể cạnh tranh với các nước khác. Từ đó, thương hiệu cùng các giá trị vô hình khác cũng sẽ đến.
Những vấn đề của hệ thống lô-gi-stíc phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương, Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD(1), tăng trên 15,3 lần so với năm 1995 - kể từ khi bắt đầu tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân 12,6%/năm. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới, thứ hai Đông Nam Á. Nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị xuất khẩu và vị trí rất cao trên thế giới, như tiêu, điều, tôm, cá tra, cà-phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo.
Tuy nhiên, chúng ta đang xuất khẩu sản phẩm thô là chủ yếu nên thứ hạng về giá trị xuất khẩu lại rất thấp, chưa định rõ loại hình chất lượng, 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác. Tỷ lệ tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch còn cao, cả về mặt số lượng và chất lượng, chi phí giao dịch cao, giảm giá trị gia tăng và ảnh hưởng đến uy tín nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản thiếu trang, thiết bị cơ sở vật chất vận hành chuỗi cung ứng hiệu quả, khiến tổn thất cao về lượng và chất nông sản. Hệ thống kho bãi và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế, chưa được vận hành hiệu quả. Có thể thấy, hệ thống lô-gi-stíc có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với nông nghiệp, nơi nông dân đa phần khó tiếp cận tới hoạt động bên ngoài cơ sở sản xuất của họ, nhất là thị trường quốc tế.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Chỉ số hoạt động lô-gi-stíc (LPI), công bố ngày 24-7-2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước thuộc ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng LPI hàng đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng này thực hiện việc xếp hạng LPI năm 2017.
Theo Báo cáo Lô-gi-stíc Việt Nam 2018(2), ngành dịch vụ lô-gi-stíc tiếp tục đà tăng trưởng của các năm trước với mức độ tăng trưởng khoảng 12% - 14% nhờ đà tăng trưởng của kinh tế nói chung và xuất, nhập khẩu nói riêng và đặc biệt là sự quan tâm phát triển dịch vụ lô-gi-stíc của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, nhất là các DN.
Tuy nhiên, hệ thống lô-gi-stíc còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Một số hạn chế chính bao gồm:
Chi phí lô-gi-stíc còn cao và các DN (đa số là DN vừa và nhỏ) không đủ điều kiện thuê trọn gói dịch vụ lô-gi-stíc. Chi phí lô-gi-stíc chiếm 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo. Chi phí lô-gi-stíc phục vụ phát triển nông nghiệp ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, cao hơn Ma-lai-xi-a 12% và cao hơn Xin-ga-po 300%. Các dịch vụ lô-gi-stíc giá thấp kèm theo tình trạng thiếu tiêu chí kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), do đó thường có độ tổn thất cao do hư hỏng, nhiễm khuẩn.
Chuỗi cung ứng lô-gi-stíc đặc trưng bởi nhiều bên thu mua vận chuyển và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Các DN lô-gi-stíc trong nước (3.000 DN) phần lớn là DN vừa và nhỏ chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn trong chuỗi dịch vụ lô-gi-stíc cho các nhà cung cấp dịch vụ lô-gi-stíc quốc tế. Trong khi đó, hiện có hơn 80 DN nước ngoài cung cấp dịch vụ lô-gi-stíc tại Việt Nam, trong đó có đủ mặt 20 hãng lô-gi-stíc hàng đầu thế giới, như APL, MitSui, Maert Logistics, NYK Logistics, Logitem, Mol Vietnam... chiếm giữ 70% - 80% thị phần và tự đưa ra các loại phí khác nhau. Do quy mô nhỏ nên các DN trong nước gặp khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại để hỗ trợ cho hoạt động lô-gi-stíc đang ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống vận tải đường bộ. Sự liên kết giữa DN nông nghiệp và DN lô-gi-stíc còn chưa chặt chẽ, giao dịch giữa hai bên chủ yếu theo hình thức hợp đồng, thời vụ mà chưa có sự liên kết và hợp tác lâu dài để hỗ trợ nhau nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hạ giá thành sản phẩm.
Cùng với mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp, năng lực vận chuyển, lưu kho còn hạn chế nên tỷ lệ tổn thất nông sản trong khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển còn cao. Tỷ lệ tổn thất trung bình trong nông nghiệp hiện khoảng 25% - 30%, trong đó thủy, hải sản: 35%; rau quả và trái cây có thể lên đến 45%. Các DN thu mua, vận chuyển, chế biến nông sản thiếu trang thiết bị cơ sở vật chất vận hành chuỗi cung ứng lạnh hiệu quả khiến tổn thất nông sản cả về lượng và chất. Hệ thống kho bãi và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế, chưa được vận hành hiệu quả. Theo thống kê của Công ty tư vấn StockPlus, tổng diện tích của các trung tâm phân phối tại Việt Nam là khoảng 3 triệu mét vuông, trong đó có 155 kho ngoại quan. Về hệ thống kho lạnh, tổng sức chứa là khoảng 450.000 kệ kê hàng (pallet). Hơn 70% diện tích kho bãi nằm ở khu vực phía Nam. Chuỗi cung ứng lạnh cho thị trường nội địa, hệ thống nhà hàng siêu thị trong nước còn hạn chế. Các DN trong chuỗi cung ứng lạnh đa phần là DN trong nước quy mô nhỏ (chiếm 48%), do đó hoạt động chuỗi không xuyên suốt.
Các trung tâm lô-gi-stíc của Việt Nam hiện còn phân bố manh mún và phát triển tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa có tính kết nối. Hệ thống trung tâm lô-gi-stíc mới được hình thành và phát triển chưa nhiều. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 50 trung tâm lô-gi-stíc (trong đó có 8 trung tâm lô-gi-stíc hạng I, 38 trung tâm lô-gi-stíc cấp tỉnh, 1 trung tâm lô-gi-stíc chưa phân hạng). Các trung tâm lô-gi-stíc hoạt động ở Việt Nam đều mới được phát triển từ năm 2008 đến nay, phân bố tập trung ở một số khu công nghiệp. Quy mô của các trung tâm lô-gi-stíc nhìn chung còn nhỏ (dưới 10ha), trung tâm quy mô cấp vùng chưa phát triển. Hiện nay, có 2 trung tâm lô-gi-stíc cấp vùng đang được đầu tư xây dựng tại thành phố Bắc Giang và khu kinh tế cảng Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh).
Với các trung tâm thuộc sở hữu tư nhân trong nước, kết cấu hạ tầng được đầu tư nhỏ lẻ, trang bị kỹ thuật thô sơ, chưa có các giải pháp công nghệ hỗ trợ vận hành. Các trung tâm lô-gi-stíc chưa được kết nối với nhau dựa trên phân tích nhu cầu của toàn thị trường cũng như các yếu tố lợi thế của từng trung tâm lô-gi-stíc và phân cấp các hoạt động. Bên cạnh đó, các DN sản xuất và DN dịch vụ lô-gi-stíc trong nước chưa khai thác được tiềm năng của các trung tâm lô-gi-stíc hiện tại do chưa có nhận thức tốt về vai trò của trung tâm lô-gi-stíc và chưa có đủ năng lực cung cấp các giải pháp lô-gi-stíc trọn gói, do đó các trung tâm lô-gi-stíc hiện tại chủ yếu được khai thác bởi các nhà cung cấp dịch vụ lô-gi-stíc nước ngoài.
Hạ tầng thương mại phục vụ cung ứng nông sản đang có nhiều thay đổi nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Các hình thức bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở các đô thị và thu hút đầu tư từ các DN nước ngoài(3). Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng trở thành kênh bán lẻ hàng hóa quan trọng. Tỷ trọng lưu chuyển hàng hóa bán lẻ qua kênh phân phối này đã tăng khá nhanh với tốc độ khoảng 25%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng bình quân gần 21%/năm của lưu chuyển hàng hóa bán lẻ chung trên địa bàn cả nước(4).
Tuy nhiên, phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành; chưa phát triển tại các khu vực nông thôn, ngoại thành. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ lần lượt chiếm 49,23% và 52,76% so với số lượng siêu thị và trung tâm thương mại cả nước(5).
Mặc dù bị cạnh tranh gay gắt của các hình thức cung cấp nông sản hiện đại, nhưng chợ truyền thống, trong đó có chợ đầu mối, vẫn có thế mạnh riêng của mình vì chợ vẫn là một nơi giao dịch hàng hóa hữu hình, nơi người mua có thể “mắt thấy tay sờ” được sản phẩm. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại trong thời gian gần đây nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm khoảng 35% - 40% và vẫn giữ được vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt ở khu vực nông thôn. Thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ tại địa bàn nông thôn chiếm khoảng 50% - 70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân của cả nước.
Trong quy hoạch hiện có 8.539 chợ, trong đó số chợ hạng I là 234 chợ (chiếm 2,8%); số chợ hạng II là 888 (chiếm 10,6%); số chợ hạng III là 7.295 (chiếm 86%). Trong tổng số chợ cả nước, chợ nông thôn chiếm gần 75%, chợ thành thị chiếm 25%. Đa phần là các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ; số lượng chợ đầu mối, chợ tổng hợp quy mô lớn, có chức năng bán buôn, thu gom, phân luồng hàng hóa không nhiều. Về số lượng chợ đầu mối, theo thống kê báo cáo của sở công thương 63 tỉnh, thành phố, tính đến thời điểm tháng 3-2019, cả nước có 41 chợ đầu mối và khoảng 40 chợ mang tính chất đầu mối. Số lượng chợ đầu mối chiếm một tỷ lệ không đáng kể (0,48%) trong tổng số chợ trên cả nước.
Hệ thống lô-gi-stíc phục vụ thương mại biên giới còn nhiều hạn chế. Hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng bao gồm vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh/chuyển tải. Điều kiện tự nhiên của Việt Nam cho phép chúng ta phát triển song song vừa là vùng nguyên liệu, vừa là trung tâm thương mại, dịch vụ đối với nông, lâm, thủy, hải sản tươi sống, chế biến và hàng công nghiệp lắp ráp, chế tạo. Tuy nhiên hệ thống lô-gi-stíc chưa đáp ứng được nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa. Kết cấu hạ tầng và dịch vụ lô-gi-stíc phục vụ thương mại biên giới hạn chế, kho bãi còn đơn sơ, các dịch vụ lô-gi-stíc hỗ trợ xuất, nhập khẩu qua đường biên còn đơn giản, chưa tạo giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản Việt Nam.
Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, còn chắp vá, lạc hậu, chưa xác định hệ thống cảng cửa ngõ quốc gia (gateway), có sự mất cân đối giữa các loại đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không trong điều kiện riêng của Việt Nam(6). Việc vận chuyển hàng hóa phụ thuộc lớn vào dịch vụ vận tải đường bộ, một mặt, gây sức ép lên hệ thống kết cấu hạ tầng đường sá, cầu cống; mặt khác, làm phát sinh nhiều chi phí đường bộ và khiến giá cước vận tải đường bộ có sự cạnh tranh không lành mạnh so với các loại hình khác. Ngoài ra, việc đầu tư thiếu đồng bộ giữa các phương thức vận tải, hệ thống kết nối giữa đường bộ với đường thủy, đường sắt, đường hàng không còn kém khiến các loại hình vận tải này chẳng những chưa phát huy được hết tiềm năng, mà còn góp phần làm tăng giá thành hàng hóa(7).
Để phát triển hệ thống lô-gi-stíc phục vụ chuỗi giá trị nông nghiệp
Về hạ tầng giao thông, cần nâng cấp hệ thống vận tải một cách toàn diện theo hướng bảo đảm các hành lang vận tải đa phương thức đường thủy, đường hàng không, đường sắt, đường bộ, bao gồm cả hạ tầng và phương tiện.
Về phát triển dịch vụ kho bãi, cần đầu tư đồng bộ cho kết cấu hạ tầng kho thường, kho lạnh, kho ngoại quan, bến bãi xe tải, xe công-ten-nơ, nhà ga hàng hóa kèm phương tiện xếp dỡ, chuyển tải, hệ thống phần mềm quản lý, kể cả cho hàng thương mại điện tử tại khu vực miền Nam và miền Bắc.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, cần đầu tư đồng bộ từ nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới tới các ứng dụng quản lý vận tải, giao nhận, kho hàng, quản lý vùng nguyên liệu, các trung tâm vận tải, hệ thống phân phối, quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng, áp dụng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Về phát triển nguồn nhân lực, cần đầu tư phát triển trình độ kỹ năng quản lý chuỗi cung ứng lô-gi-stíc hiện đại các cấp từ lãnh đạo - quản trị, tới quản lý điều hành, kỹ thuật nghiệp vụ cho các cơ quan, DN, lực lượng lao động và sinh viên.
Về phát triển hệ thống cung ứng nông sản, cần xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại với từng mô hình cụ thể khác nhau về quy mô, chức năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các mô hình trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ gắn kết với nhau, phục vụ kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu, bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ phát triển. Các mô hình trung tâm cung ứng nông sản hiện đại sẽ bao gồm: 1- Các trung tâm cung ứng nông sản hiện đại cấp tỉnh/phố đặt tại các thành phố lớn; 2- Các trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất trọng điểm; 3- Các trung tâm xuất khẩu nông sản đường biên đặt tại các tỉnh biên giới có các cửa khẩu quan trọng sang các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia; 4- Mạng lưới các chợ vệ sinh ATTP tại các xã phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Hình 1: Hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại
Hệ thống cung ứng nông sản hiện đại cần được thực hiện theo nguyên tắc mạng cung ứng kỹ thuật số, tiếp cận thị trường theo đa kênh, hoạt động lô-gi-stíc của nó phải thực hiện trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Nền tảng này sẽ tương tác với nhiều nền tảng khác, như nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, các cổng thông tin nông sản, thủy sản, sàn dịch vụ vận tải, giao hàng, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm... Nó cho phép hàng trăm nghìn nhà cung cấp tiếp cận hàng chục triệu tài khoản khách hàng. Quan trọng hơn, cùng với nền tảng này là hệ thống mạng lưới các trung tâm lô-gi-stíc với cả ba loại (tại vùng nguyên liệu, tại thị trường tiêu thụ (các chợ đầu mối) và các trung tâm xuất, nhập khẩu). Nó tạo thành hệ thống cung ứng Online-to-Offline (O2O) - là xu hướng hiện đại ngày nay./.
------------------------------
(1) Trong đó, 5 mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD, gồm gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD; tôm: 3,59 tỷ USD; rau quả: 3,81 tỷ USD; cà-phê: 3,46 tỷ USD; hạt điều: 3,43 tỷ USD
(2) Bộ Công Thương: Báo cáo Lô-gi-stíc Việt Nam 2018, Nxb. Công Thương, Hà Nội, 2018
(3) Trong giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng của siêu thị, trung tâm thương mại lần lượt là 7,5% và 11,6%/năm. Sự phát triển của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại với phương thức hoạt động văn minh, hiện đại đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo thương mại nội địa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 189 trung tâm thương mại (tại 41/63 địa phương) và 957 siêu thị (tại 62/63 địa phương, tỉnh Hà Giang chưa có siêu thị)
(4) Tỷ trọng hàng hóa qua kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) đã tăng từ khoảng 16% năm 2010, lên khoảng 22% - 25% năm 2015
(5) Nguyễn Văn Huân: Phát triển hạ tầng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng thị trường, http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=342564, ngày 29-7-2018
(6) Trong năm 2016, khối lượng hàng hóa được vận chuyển bằng giao thông đường bộ chiếm 77,2%; đường thủy (đường sông và đường biển): 22,3%; đường sắt: 0,41% và đường hàng không: 0,02%. Tính theo chiều dài quãng đường vận chuyển hàng hóa, vận tải đường biển chiếm tỷ lệ cao nhất về khối lượng luân chuyển, với 56%; đường bộ chiếm 27,7%; đường sông chiếm 18,6%; đường sắt và đường hàng không còn hạn chế, chiếm lần lượt là 1,3% và 0,3%
(7) Việt Nam là một nước có mật độ sông, kênh vào loại lớn trên thế giới (2.360 con sông và kênh các loại, với tổng chiều dài khoảng 41.900km, mật độ bình quân 0,27kmd/1km2, có 124 cửa sông ra biển), nhưng chưa được khai thác tốt để mang lại hiệu quả kinh tế cao
Hàn Quốc - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN  (28/11/2019)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm chỉ tiêu dự toán ngân sách thành phố 2019  (03/11/2019)
Để phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay  (02/11/2019)
Thúc đẩy phát triển kinh tế đạt mục tiêu đề ra của năm 2019  (02/11/2019)
Nhìn lại ba năm thực hiện quản lý thu - chi ngân sách thành phố Hà Nội  (23/10/2019)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay