Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-02-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:47, ngày 12-02-2019

TCCSĐT - Áp lực nâng "tấm đệm rủi ro" với hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang đến gần. Bốn ngân hàng đang tìm đủ mọi cách để không chạm vào giới hạn này và đã có nhà băng thành công, tuy nhiên điều này là không hề dễ dàng.


Vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong tháng 1 năm 2019

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong tháng 01-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) tính từ đầu năm đến thời điểm 20-01-2019 có 226 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 805 triệu USD, tăng 36,1% về số dự án và tăng 81,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, có 72 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 340,3 triệu USD, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm đạt hơn 1,145 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong tháng còn có 489 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 761,9 triệu USD, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 72 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 384,91 triệu USD và 417 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 376,97 triệu USD. Cũng trong tháng 1, vốn FDI thực hiện ước tính đạt hơn 1,55 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ tháng 01-2018.

Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,58 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 67,9% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 13,4 tỷ USD, bằng 95% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI của các dự án cấp mới trong tháng tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt 591 triệu USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành vận tải, kho bãi đạt 65,3 triệu USD, chiếm 8,1%. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 59,2 triệu USD, chiếm 7,4%; các ngành còn lại đạt 89,5 triệu USD, chiếm 11,1%.

Ngay từ đầu năm 2019, Nhật Bản đã “rót” vốn đầu tư gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư, dẫn đầu 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Minh chứng là Dự án Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kyoshin (Việt Nam) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh ngày 17-01-2019 tăng vốn đầu tư thêm 134,7 triệu USD. Đây là dự án được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 với mục tiêu sản xuất, gia công và xuất khẩu các linh kiện đồ điện, khuôn mẫu.

Hay như Dự án Katolec Global Logistics Việt Nam được đầu tư bởi Katolec Corporation (Nhật Bản) với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD với mục tiêu kho bãi và lưu giữ hàng hóa tại Hà Nam; Dự án Nhà máy Sews-Components Việt Nam II, với tổng vốn đầu tư đăng ký 64,89 triệu USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Hưng Yên…

Đứng vị trí thứ 2 là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 349,1 triệu USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 307,8 triệu USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư.

Ngân hàng tìm cách tăng vốn điều lệ

Áp lực nâng "tấm đệm rủi ro" với hệ thống ngân hàng đang trở nên cấp bách khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II đang đến gần. Bốn ngân hàng đang tìm đủ mọi cách để không chạm vào giới hạn này và đã có nhà băng thành công, tuy nhiên điều này là không hề dễ dàng.

Ngay đầu năm Kỷ Hợi, Vietcombank đã đón nhận tin vui khi mà sau 3 năm trao đổi, bàn bạc thì cuối cùng ngân hàng này cũng đã chốt bán cho GIC - Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore hơn 94 triệu cổ phần mới, tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần Vietcombank. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã bán thêm cho Mizuho - đối tác chiếc lược - gần17 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank.

Với hai khoản đầu tư của GIC và Mizuho, Vietcombank đã thu về 6.200 tỷ đồng và vốn điều lệ của ngân hàng này đã tăng lên 37.100 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,6 tỷ USD) và tạo nền tảng vốn vững chắc cho việc đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu của Vietcombank trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Qua giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank dự tính giảm từ 77,11% xuống 74,8%. Đây là tỷ lệ sở hữu lớn, đồng nghĩa với dư địa còn lại khá lớn để ngân hàng tiếp tục có các kế hoạch chào bán trong tương lai, theo các giai đoạn phát triển với nhu cầu vốn từng thời kỳ.

Với giao dịch trên, dự kiến từ năm 2019, Vietcombank sẽ được cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn, có thêm điều kiện vốn và không gian để tăng trưởng trong năm 2019.

BIDV hiện là ngân hàng quốc doanh niêm yết có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao nhất, đạt hơn 95%. Hơn 8 năm nay, nhà băng này vẫn đang tìm đối tác chiến lược để chào bán riêng lẻ nhưng chưa thành công. "Cửa phát hành” đang mở ra khi mới đây, BIDV đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với ngân hàng Hàn Quốc KEB Hana, tuy nhiên thương vụ này vẫn chưa được tiết lộ.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định: "Quá trình phê duyệt hiện chưa có thời điểm rõ ràng, nhưng thương vụ này nếu thành công sẽ là yếu tố quan trọng để đưa hệ thống BIDV tiến gần hơn sự đạt chuẩn của Basel II".

Còn ông Trần Quốc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, cũng chia sẻ ngân hàng này phải phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng để giải ngân nhu cầu vốn vụ mùa nông nghiệp. Ông Khánh cho biết đóng góp đáng kể trong đợt tăng vốn cấp 2 là của người lao động Agribank.

Còn VietinBank vẫn là ngân hàng sẽ khó có khả năng tăng vốn nhất bởi lẽ tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại ngân hàng này đã giảm về mức tối thiểu theo quy định (~65%). Việc phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu cũng khó khả thi khi mà Nhà nước chủ trương sẽ không đầu tư thêm vào ngành ngân hàng, giờ chỉ còn trông chờ vào những thay đổi từ chính sách qua việc chia cổ tức và giảm sở hữu vốn Nhà nước.

Các 'đại gia' ngành năng lượng thế giới thắng lớn nhờ giá dầu tăng

Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới đã ghi nhận mức lợi nhuận khổng lồ trong năm 2018 nhờ giá dầu tăng cao hơn và việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động chi tiêu. Song giới chuyên gia cảnh báo việc “thắt lưng buộc bụng” trong đầu tư có nguy cơ hạn chế năng lực sản xuất trung hạn của những công ty này.

Năm "siêu đại gia" - gồm các công ty Chevron và ExxonMobil của Mỹ, BP của Anh, liên doanh Royal Dutch Shell giữa Anh và Hà Lan, cùng Total của Pháp - đã kiếm được gần 80 tỷ USD lợi nhuận ròng trong năm ngoái. Tất cả những công ty này đều ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh, với một số thậm chí đạt mức cao kỷ lục kể từ khi giá dầu thô đạt đỉnh trên 100 USD/thùng hồi năm 2014.

Nhìn chung, việc giá dầu tăng cao từ mức trung bình 54 USD/thùng hồi năm 2017 lên 71 USD/thùng trong năm 2018 đã giúp những công ty trên đạt lợi nhuận “khủng”, mặc dù quý IV vừa qua đã chứng kiến nhiều biến động mạnh mẽ trên thị trường.

Các “siêu đại gia” ngành năng lượng vẫn duy trì nghiêm ngặt những kỷ luật tài chính mà họ đã áp dụng kể từ sau khi giá dầu thô lao dốc hồi năm 2014, bao gồm cắt giảm chi phí và hạn chế đầu tư.

Theo giới quan sát, những công ty này đã “thắt lưng buộc bụng” đủ chặt để có lãi ngay cả khi giá dầu ở mức thấp. Và khi giá dầu tăng trở lại, không khó hiểu khi lợi nhuận của họ cũng tăng vọt.

Giới lãnh đạo của các “siêu đại gia” trên, bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Patrick Pouyanne của Total và CEO Bob Dudley của BP, đều cho biết họ sẽ duy trì những biện pháp tiết chế chi tiêu và đầu tư đó khi thị trường năng lượng vẫn đối mặt với nhiều bất ổn, nhất là khi những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa chấm dứt, trong khi đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Do vậy, hoạt động đầu tư của các công ty này sẽ vẫn bị hạn chế trong năm 2019. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới lĩnh vực dịch vụ dầu mỏ - gồm những công ty chuyên tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác - mà còn trở thành một mối đe dọa trong trung hạn.

Theo giới chuyên gia, các giàn khoan dầu luôn cần nguồn vốn để có thể tiếp tục sản xuất trong khi những giàn mới cần được đưa vào hoạt động để thay thế các giàn khoan cũ tại những nơi đã cạn kiệt trữ lượng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã từng cảnh báo rằng mỗi năm thế giới cần 3 triệu thùng dầu/ngày để vừa bù đắp cho nguồn cung bị mất từ những mỏ dầu đã cạn kiệt, vừa đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng trưởng mạnh mẽ. Con số trên tương đương với sản lượng của Biển Bắc mỗi năm.

Trong khi một số công ty năng lượng vẫn đang tăng sản lượng dầu, các chuyên gia cho rằng đó là kết quả của các khoản đầu tư được thực hiện từ nhiều năm trước chứ không phải là gần đây. Việc tốn nhiều thời gian xây dựng các giàn khoan dầu mới đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của sự hạn chế đầu tư hiện tại sẽ chưa xuất hiện rõ ràng trong vài năm nữa.

Song sự “thắt lưng buộc bụng” này có thể trở thành những rủi ro đối với thị trường năng lượng trong tương lai nếu dầu đá phiến của Mỹ không thể lấp đầy những khoảng trống. Một số chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể xảy ra vào khoảng năm 2021 - 2023.

EU xem xét sử dụng đồng euro trong giao thương với Nga


Theo Sputniknews, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin ngày 09-02 tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng có thể chuyển sang sử dụng đồng euro trong giao thương với Nga, trong khi Moskva cũng coi đó là một phương án khả thi.

Thứ trưởng Pankin cho biết, tại Brussels, "có những quan điểm đồng tình, bao gồm cả ở cấp Ủy ban châu Âu, liên quan tới tính khả thi của việc chuyển sang giao dịch bằng đồng euro... Chúng tôi cũng đang xem xét tính khả thi (của việc này)". Tuy nhiên, theo quan chức ngoại giao trên, khả năng chuyển sang giao dịch bằng đồng euro đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm nay là thấp.

Ông Pankin nhấn mạnh: "Dường như đây là một hướng đi đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, lời giải đáp cho câu hỏi liệu điều này có xảy ra trong năm 2019 hay không là vô cùng hóc búa vì mối quan hệ của chúng tôi với Liên minh châu Âu (không phải với các nước EU, mà với tổ chức quốc tế này) đang không trong tình trạng khả quan".

Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nợ công ở các nước Arab tăng cao

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 09-02 cho biết nợ công tại các quốc gia Arab đã tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao.

Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Arab ở Dubai, bà Lagarde cho biết: "Thật không may, vùng này vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và những trục trặc kinh tế lớn khác trong thập kỷ qua".

Theo bà, tăng trưởng kinh tế tại các nhà nhập khẩu dầu mỏ đã tăng vọt, nhưng vẫn thấp hơn mức từng đạt được trước khi xảy ra khủng hoảng. Nợ công ở các nước này đã tăng từ 64% GDP đến 85% GDP trong thập kỷ tính từ năm 2008. Giờ đây, tại gần một nửa trong các nước trên, con số này thậm chí vượt quá mức 90% GDP.

Trong khi đó, nợ công tại các nước xuất khẩu dầu mỏ - bao gồm cả sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh, tăng từ 13% lên 33% GDP, do dầu mỏ sụt giá thảm hại cách đây năm năm. Bà Lagarde cho biết: "Các nước xuất khẩu dầu mỏ chưa thực sự phục hồi sau cú sốc giá dầu thảm hại năm 2014. Vẫn tăng trưởng nhưng khiêm tốt, trong khi triển vọng rất không chắc chắn".

Theo Tổng Giám đốc IMF, các nước sản xuất dầu mỏ cần hướng đến năng lượng tái tạo trong những thập kỷ sắp tới, phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, vốn thúc đẩy giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Bà hoan nghênh các cuộc cải cách về chi tiêu và thu nhập, trong đó có việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế môn bài ở Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên, bà kêu gọi cải cách nhiều hơn nữa, và áp dụng các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường minh bạch về tài chính.

Hồi tháng trước, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cũng như của cả khu vực Trung Đông-Bắc Phi do dầu thô "rớt" giá, sản lượng thấp, và các căng thẳng địa chính trị./.