Phát triển bền vững làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế
TCCSĐT - Làng nghề và nghệ nhân là tài sản quý của từng địa phương và của cả quốc gia mà ông cha để lại. Đào tạo nghệ nhân, thợ tay nghề cao, bảo vệ môi trường, ổn định đầu ra là ba vấn đề cốt lõi và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ sở và người dân làng nghề để duy trì, phát triển bền vững làng nghề ở nước ta, tạo ra bộ mặt đô thị hóa mới cho nông thôn, để nông dân “ly nông nhưng không ly hương” và làm giàu trên quê hương mình, cả trong hiện tại, cũng như trong tương lai.
Làng nghề - nơi hội tụ và lan tỏa các tiềm năng, giá trị cộng đồng
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 6-2018, cả nước có 5.411 làng nghề và làng có nghề (trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận), trong đó 60% ở vùng đồng bằng sông Hồng, 23% ở khu vực miền Trung và 17% ở khu vực miền Nam; thu hút khoảng 11 triệu lao động (khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn), trong đó số qua đào tạo có chứng chỉ sơ cấp trở lên chiếm 12,3%. Các làng nghề cả nước đã và đang tạo ra hàng trăm dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng hóa đa dạng khác nhau, kết tinh trí tuệ và bàn tay tài hoa Việt nghìn năm văn hiến, điển hình như: Hàng mây tre đan, lá, cói; hàng sơn mài; đồ gỗ và chạm khắc gỗ; hàng thêu và dệt; hàng kim khí, sắt thép; chế tác vàng, bạc, đá quý, gốm, sứ và sừng, vỏ ốc; thời trang lụa và hàng nông sản chế biến, hàng gia vị, mỹ phẩm, tinh dược phẩm, thảo dược…Trong năm 2017, chỉ riêng ngành hàng thủ công mỹ nghệ cả nước đã có 2.000 doanh nghiệp, cơ sở tham gia xuất khẩu đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD tới hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ…
Hiện các làng nghề hoạt động theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn; Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định sửa đổi, bổ sung về quy định phong tặng nghệ nhân quốc gia; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ... Đặc biệt, kể từ ngày 01-6-2018, theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề được công nhận phải đạt cả 3 tiêu chí về tổng số (tối thiểu 20%) hộ trên địa bàn tham gia; về thời gian (tối thiểu 2 năm liên tục) sản xuất kinh doanh ổn định và về yêu cầu bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành. Với làng nghề truyền thống, ngoài những tiêu chí trên, phải có ít nhất một nghề truyền thống với 3 tiêu chí: Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và đang tiếp tục phát triển; nghề tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc và nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Thực tế cho thấy, các làng nghề hiện chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết và định hướng sản xuất gắn với thị trường; năng lực sản xuất và cạnh tranh còn nhiều hạn chế; vẫn còn có tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, không chỉ thiếu thợ trẻ, nhiều làng nghề đang thiếu thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo, yếu tố quyết định tạo ra các sản phẩm (như gốm sứ, sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thêu, dệt lụa, mây tre đan…) ngày càng đa dạng, chất lượng cao, chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất làng nghề thường có quy mô nhỏ, nằm trong khu dân cư, mặt bằng chật hẹp, sử dụng công nghệ cổ truyền và kỹ thuật lạc hậu; việc đăng ký thương hiệu và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm. Theo khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ, có tới 46% số làng nghề được khảo sát bị ô nhiễm nặng nề do hệ thống xử lý môi trường chung chưa được đầu tư thích đáng và ý thức về bảo vệ môi trường của người dân chưa cao… Tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường (cả về không khí, tiếng ồn, nước thải, chất thải rắn,… từ quá trình tái chế và gia công kim loại, nhựa; chăn nuôi và giết mổ và chế biến lương thực, thực phẩm, ươm tơ, dệt vải và thuộc da…) tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng xấu đến tổ chức sản xuất và chất lượng sản phẩm, cũng như sức khỏe người dân, mà còn khiến nhiều cánh cửa thị trường lớn và khó tính nước ngoài chưa thực sự mở rộng đối với nhiều sản phẩm làng nghề và khiến làng nghề nước ta luôn phát triển dưới tiềm năng, với hàng nghìn hộ và hàng trăm làng nghề đứng trước nguy cơ phá sản, mai một…?!
Ngày 07-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Chương trình OCOP sẽ được tiến hành đồng bộ trên cả nước nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ then chốt trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu tới năm 2020, Chương trình OCOP sẽ tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp, triển khai 8 đến 10 mô hình “Làng văn hóa du lịch”; kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Ngày 17-5-2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng. “Mỗi xã một sản phẩm” nhưng có thể sản xuất cùng một loại sản phẩm, theo chu trình 6 bước, trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” gồm: 1- Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; 2- Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; 3- Nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; 4- Triển khai phương án, dự án; 5- Đánh giá và xếp hạng sản phẩm và 6- Xúc tiến thương mại. Mục tiêu, đến năm 2020, tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% sản phẩm hiện có, tương ứng với 2.400 sản phẩm; phát triển 8 - 10 mô hình làng văn hóa du lịch và củng cố và kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình, phát triển mới 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia chương trình, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn cho 1.200 cán bộ quản lý nhà nước, 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 4-2018, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành triển khai xây dựng khung Chương trình OCOP cấp tỉnh; Trong đó, có 30 tỉnh đã lập xong đề án; 28 tỉnh đang lập và lấy ý kiến của các đơn vị liên quan của tỉnh, chờ đề án quốc gia phê duyệt sẽ làm căn cứ phê duyệt đề án riêng của tỉnh. Các địa phương đã tập trung đầu tư, phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, trong đó, đã có 744 chuỗi nông sản an toàn. Cả nước có khoảng 4.823 sản phẩm đặc sản cấp xã, huyện có lợi thế, trong đó mới có 1.086 sản phẩm (khoảng 22,52%) có đăng ký/công bố tiêu chuẩn chất lượng; có 695 (14,4%) sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Cả nước có 30 liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 11.668 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân khoảng 980 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân khoảng 200 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động là 1,5 triệu đồng/tháng; số lượng HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã cũng tăng lên từ dưới 10% trước đây lên 20,5%.
Sự phát triển bền vững làng nghề phụ thuộc quan trọng vào các chính sách hỗ trợ các làng nghề, nhất là về quy hoạch và mặt bằng kinh doanh, về kết cấu hạ tầng và công nghệ bảo vệ, xử lý môi trường; về vốn và về phát triển thương hiệu, ổn định đầu ra; gắn với quy hoạch và chiến lược tổng thể xây dựng nông thôn mới; lồng ghép trong triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP),… nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (giảm bớt tình trạng dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Cần giải pháp đồng bộ cho phát triển bền vững làng nghề
Yêu cầu phát triển bền vững làng nghề trong bối cảnh hội nhập đòi hỏi những nhận thức mới về giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội và môi trường của làng nghề, những đột phá chính sách cần thiết và những giải pháp đồng bộ, phát huy động lực từ sự năng động, sức sáng tạo tự thân của cơ sở, cá nhân làng nghề và sự hỗ trợ của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phát triển và quản lý hoạt động làng nghề…
Theo đó, cần nâng cấp cơ sở pháp lý cho quản lý và phát triển làng nghề, tiến tới xây dựng Luật Làng nghề hoặc Pháp lệnh Làng nghề. Đặc biệt, cần coi trọng và gắn phát triển làng nghề với “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phù hợp với quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế trên phạm vi cả nước và phù hợp thực tiễn mỗi địa phương, vùng miền; coi đây như một trọng tâm ưu tiên của chính quyền các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và bảo đảm an sinh xã hội địa phương, với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa nghìn năm dân tộc, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân; chủ động mở cửa tiếp nhận những tinh hoa văn hóa và công nghệ thế giới để cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh và làm giàu thêm văn hóa bản địa.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung và thông qua các quy hoạch làng nghề gắn với quy hoạch theo yêu cầu “Mỗi xã một sản phẩm” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hơn nữa cần bảo đảm các quy hoạch này được định hướng kết nối tạo chuỗi thích hợp, theo hướng kết hợp với du lịch làng nghề, du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm - lịch sử, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cao và hiệu quả về kinh tế và văn hóa xã hội trong phát triển làng nghề. Cùng với tăng cường quản lý thống nhất chung cả nước về làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng (cho vay theo chuỗi sản phẩm, vay tín chấp do hội làng nghề bảo lãnh, giảm lãi suất...), ưu đãi về thuế, giao đất, cho thuê đất,… cần khuyến khích các địa phương chủ động sáng tạo trong việc khai thác các nguồn lực, coi trọng bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực bảo tồn và phát triển làng nghề.
Bên cạnh đó, cần coi trọng bồi dưỡng kiến thức quản trị kinh doanh cho chủ hộ, doanh nghiệp làng nghề; đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, cả truyền nghề, cấy nghề và đào tạo nghề mới gắn với vùng nguyên liệu; thường xuyên tổ chức phong tặng, công nhận khen thưởng và tôn vinh các danh hiệu làng nghề, như những “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”, “Nghệ nhân làng nghề”, “Làng nghề tiêu biểu”, “Doanh nghiệp làng nghề tiêu biểu”, “Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống”, “Sản phẩm làng nghề tiêu biểu”…
Hơn nữa, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động của Hiệp hội và cộng đồng làng nghề cả nước; tổ chức các địa điểm thường xuyên trưng bày sản phẩm tinh hoa làng nghề và các hoạt động triển lãm, hội chợ, khảo sát, giao lưu quốc tế để giới thiệu và mở rộng hợp tác với các tổ chức (nhất là sứ quán và đại diện thương mại), các cá nhân trong nước và quốc tế (kể cả Việt kiều),… tạo hợp lực mạnh mẽ và đa dạng hóa kênh đưa sản phẩm làng nghề Việt Nam ra thế giới. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động Thời báo Làng nghề Việt (gồm báo in và trang thông tin điện tử: thoibaovietlangnghe.com.vn) và cổng thông tin điện tử (website) www.hiephoilangnghevietnam.com. hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và góp phần tích cực vào đời sống làng nghề trong cả nước.
Đặc biệt, Hiệp hội làng nghề Việt Nam với 13.113 hội viên cần tiếp tục mở rộng hội viên, kiện toàn tổ chức và chủ động kết hợp với các cơ quan chức năng địa phương, bám sát cơ sở để triển khai các Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; Chương trình phát triển doanh nghiệp làng nghề; Chương trình xúc tiến thương mại; Chương trình thông tin; Chương trình văn hóa, du lịch làng nghề; Chương trình đối ngoại… Trước mắt, tập trung hỗ trợ các làng nghề về kết nối cung - cầu, về thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tăng cường các dịch vụ khuyến công và tư vấn hỗ trợ xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu; ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, phát triển các kênh thông tin thị trường và tiếp cận với khách hàng, cập nhật và tuân thủ các yêu cầu bảm đảm chất lượng, an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường theo các cam kết và quy chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế; kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, mẫu mã mới, sản xuất an toàn vào làng nghề; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm làng nghề tiêu biểu; liên kết xây dựng và tổ chức các sản phẩm tour du lịch làng nghề trong địa phương và liên vùng, xuyên quốc gia…
Làng nghề và nghệ nhân là tài sản quý của từng địa phương và của cả quốc gia mà ông cha để lại. Đào tạo nghệ nhân, thợ tay nghề cao, bảo vệ môi trường và ổn định đầu ra là ba vấn đề cốt lõi và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ sở và người dân làng nghề để duy trì và phát triển bền vững làng nghề ở nước ta, tạo ra bộ mặt đô thị hóa mới cho nông thôn, để nông dân “ly nông nhưng không ly hương” và làm giàu trên quê hương mình, cả trong cả hiện tại, cũng như trong tương lai…!./.
Xây dựng văn hóa trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam  (21/12/2018)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội  (21/12/2018)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong nâng cao sức mạnh chiến đấu quân đội  (21/12/2018)
Thủ tướng mong hàng Việt không “trước tốt, sau kém”  (20/12/2018)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên