Chuyển biến tích cực về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở huyện Vũng Liêm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW
TCCSĐT - Vũng Liêm là huyện thuần nông, có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, giá trị sản phẩm nông nghiệp của huyện đã tăng gần 3 lần; số hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người; bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, nhất là về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ở Vũng Liêm, vẫn còn nhiều hạn chế cần có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chuyển dịch nông nghiệp của huyện hiệu quả, tích cực hơn nữa trong thời gian tới.
Chỉ đạo sát sao và tuyên truyền phong phú, cụ thể
Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (Nghị quyết 26) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh ủy Vĩnh Long cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 04-11-2008 và Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Vũng Liêm xây dựng Chương trình hành động số 24-CTr/HU, ngày 02-12-2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, triển khai đến các chi bộ, đảng bộ, với nội dung trọng tâm là đầu tư xây dựng nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường phù hợp với tiềm năng của địa phương, tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, từng bước làm đổi mới diện mạo nông thôn, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở.
Huyện Vũng Liêm đã tiến hành tổ chức triển khai cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn học tập, quán triệt, tuyên truyền được 3.968 cuộc, với 164.119 lượt người tham dự, thông qua các hình thức như tập huấn triển khai, triển khai lồng ghép thông qua các cuộc họp,... Đồng thời, in cấp tài liệu tuyên truyền 186.500 tờ bướm, 146.320 quyển sổ tay và tài liệu hướng dẫn về thực hiện nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở địa phương, xây dựng 92 pa-nô tuyên truyền, phát thanh trên hệ thống loa không dây ấp - khóm hơn 1.200 cuộc.
Qua triển khai quán triệt, tuyên truyền, đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân có nhận thức đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa và vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dần đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận của đại đa số nhân dân, hình thành phong trào rộng lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Một số kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trung bình của ngành nông nghiệp 3,72%/năm; thu nhập bình quân nhân khẩu nông thôn 34 triệu đồng/năm; số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 7/19 xã. Kết quả đạt được cụ thể như sau:
Một là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Huyện đã rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan. Phát triển ngành trồng trọt theo hướng thâm canh, quy mô lớn, sản xuất an toàn; tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu: bước đầu huyện đã xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, diện tích 3.500ha ở các xã(1), với 6 hợp tác xã sản xuất lúa, 05 hợp tác xã(2) cây ăn trái. Ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của huyện: Hình thành 20 gia trại chăn nuôi bò; 05 trang trại chăn nuôi heo(3). Đẩy mạnh các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có lợi thế của địa phương như: may xuất khẩu, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí đóng tàu, bóc vỏ hạt điều, thú nhồi bông, đan thảm lục bình, đan len, hàng thủ công mỹ nghệ từ cây lác, cây dừa,...
Hai là, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Bên cạnh việc cấp phát vốn từ ngân sách, huyện đã thu hút được nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa, như đóng góp của các doanh nghiệp của người gốc Vũng Liêm đang sản xuất, kinh doanh ngoài tỉnh, đóng góp vốn, công lao động để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi; hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông; đầu tư cho văn hóa, giáo dục, y tế... Nhờ đó, đến nay đã có 7 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân của huyện lên 13 tiêu chí/xã.
Ba là, đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Huyện công nhận 08 trang trại trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản ở các xã. Thành lập 15 hợp tác xã nông nghiệp và thủy sản ở các xã, so năm 2008 tăng 10 hợp tác xã với 184 thành viên tham gia, vốn điều lệ 5,253 tỷ đồng. Thành lập 279 tổ hợp tác trên các lĩnh vực, có 9.934 tổ viên tham gia, với diện tích 5.253 ha.
Bốn là, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. (i) Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực: Quan tâm đào tạo và thu hút nguồn nhân lực về công tác trên địa bàn, đã có 18/19 xã có cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn theo quy định, góp phần thực hiện công tác quản lý hành chính nhà nước cấp cơ sở thuận lợi. (ii) Phát triển nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ: Đổi mới, đẩy mạnh khuyến nông và công tác cung cấp giống, có 95% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống cấp xác nhận và tương đương, so năm 2008 tăng 50%, giống cây ăn trái và đàn bò có tỷ lệ lai đạt 100%, so năm 2008 tăng 35,5%. (iii) Xúc tiến thương mại, tiếp thị đầu tư, nghiên cứu và dự báo thị trường: Hàng năm huyện tổ chức các cuộc họp mặt và tọa đàm hoặc thông qua các hội chợ triển lãm, trang thông tin của huyện … giới thiệu quảng bá những lợi thế, tiềm năng, những sản phẩm nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương hiện có, mời gọi các tổ chức, cá nhân có điều kiện đầu tư, ký hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Năm là, thực hiện tốt cơ chế, chính sách để khai thác các nguồn lực phát triển nhanh kinh tế - xã hội nông thôn. Thực hiện xã hội hóa lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng đường, bến phà, đầu tư sân bóng đá mini, nhà thi đấu thể thao đa năng. Tranh thủ nguồn kinh phí trên cấp kết hợp kinh phí vận động xã hội hóa tập trung trên 95% cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là cho đầu tư xây dựng xã nông thôn mới.
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là Hội Nông dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy sâu sát, với phương châm đảng viên phải hiểu rõ nội dung, chương trình kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trước, từ đó vận động quần chúng nhân dân tham gia, tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chủ động tổ chức thực hiện, trong thực hiện có kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, tổng kết rút kinh nghiệm, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và biểu dương khen thưởng cho những địa phương, ngành có thành tích tiêu biểu. Tập trung lãnh đạo, giao nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể thực hiện công tác vận động quần chúng tham gia. Phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, vẫn còn nhiều hạn chế và vấn đề đặt ra như: (i) Tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đúng và đầy đủ về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế nước ta, nhất trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, chưa hiểu rõ yêu cầu cấp thiết của việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới. (ii) Một số nơi vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên, ít chú trọng đến phát huy nguồn lực, nội lực của địa phương. (iii) Một số người dân chưa chủ động trong thực hiện các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; chưa tích cực, chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ người dân tham gia cùng chính quyền; còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Những hạn chế trên có các nguyên nhân khách quan và chủ quan như sau:
- Nguyên nhân khách quan: Đời sống người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn nhiều, công tác huy động sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Một số tiêu chí (6, 10, 13,…) nông thôn mới còn cao so với thực tế và xuất phát điểm của một số xã thấp nên tiến độ thực hiện tiêu chí chưa đạt kế hoạch đề ra.
- Nguyên nhân chủ quan: Trong tổ chức thực hiện giai đoạn đầu còn lúng túng do chính sách còn chung chung, chưa có nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể các hoạt động thực hiện vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn có những hạn chế; một số ngành xây dựng kế hoạch hỗ trợ các xã còn chưa cụ thể. Trách nhiệm của một số cấp ủy và chính quyền cấp xã chưa tập trung, chưa tích cực phấn đấu vươn lên, chưa phát huy hết tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cơ sở nhất là người dân; mô hình có hiệu quả được nhân rộng chưa nhiều.
Qua thực tiễn, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Trước hết là, thực hiện xây dựng nông thôn mới phải vận động toàn xã hội tham gia, trong đó Nhà nước có vai trò hướng dẫn, hỗ trợ dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy. Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, thực hiện lồng ghép các chương trình dự án và phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Tiếp theo là, thực hiện xây dựng nông thôn mới phải tập trung vào mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Khi chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên sẽ là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các cuộc vận động thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Một bài học nữa là, trong quá trình tổ chức thực hiện phải thống nhất vai trò chủ thể thực hiện xây dựng nông thôn mới là do người dân làm chủ. Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phải tạo điều kiện cho người dân tham gia ngay từ khâu lập quy hoạch, lập dự án.
Giải pháp tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân
Để xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, trong thời gian tới huyện Vũng Liêm cần tập trung vào một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung công tác thông tin, tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng sâu rộng, thường xuyên, sinh động và gắn với hành động cụ thể của các ngành, các xã; với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thông qua Đài Truyền thanh huyện, kết hợp các loại tài liệu tuyên truyền trong nhân dân như tài liệu hỏi đáp, tờ bướm, sổ tay, pano.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, tập trung, quy mô lớn và phát triển bền vững; thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại nông nghiệp. Rà soát, bố trí lại vùng sản xuất gắn với lợi thế và tiềm năng của huyện. Tập trung thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu cho cây lúa, cây ăn trái và chăn nuôi, chú ý hình thành hợp tác xã sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế cao ở các xã có điều kiện(4).
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ngành nghề, dịch dụ, chuyển dịch cơ cấu nông thôn. Tạo mọi điều kiện để người dân phát triển sản xuất nhất là các loại ngành nghề phi nông nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, kết hợp Trung tâm Khuyến công tỉnh chuyển giao các quy trình công nghệ phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp(5), từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề chế biến sản phẩm nông nghiệp, gia công may mặc, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái nông thôn, cơ giới hóa nông nghiệp nhất là khâu sản xuất lúa.
Thứ tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở nông thôn về giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% đường giao thông liên xã, 78,7% giao thông liên ấp, 65,2% đường liên xóm được xây dựng đạt chuẩn, 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín và tưới tiêu chủ động, 80% hộ dân nông thôn sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung, 63% xã có nhà văn hóa đạt chuẩn. Về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao: đến năm 2020 xây dựng 100% trạm y tế xã đạt chuẩn, 90% dân số có tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo đội ngũ y, bác sỹ phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống trường lớp, có 66% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh phát triển văn hóa và thể thao, có 12 xã được đầu tư nhà văn hóa xã, ấp đạt chuẩn; thực hiện xã hội hóa lĩnh vực thể thao.
Thứ năm, đẩy mạnh giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn. Thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều biện pháp thiết thực thông qua các chương trình, kế hoạch của trên kết hợp vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ thực hiện, tập trung cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn ở mức dưới 3%. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở địa phương.
Thứ sáu, bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Rà soát quy hoạch sử dụng đất và khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là việc khai thác cát trên các tuyến sông lớn, phát triển nuôi thủy sản trên đất bãi bồi, các khu vực chăn nuôi lớn, đảm bảo hợp lý, vừa khai thác vừa bảo vệ, tránh khai thác quá mức gây tác động xấu đến môi trường. Xây dựng một số công trình như hệ thống đê bao và cống đập ven các tuyến sông để ngăn mặn phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Thứ bảy, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn(6) giải quyết lao động địa phương. Phát huy vai trò kinh tế hợp tác của huyện về lúa, trái cây, chăn nuôi, thủy sản, tạo điều kiện để các hợp tác xã tiếp cận và ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, gia trại, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ hiệu quả thấp, không an toàn.
Thứ tám, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn. Kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương từ huyện đến xã theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp, công ty, “đào tạo theo đơn đặt hàng”.
Thứ chín, phát triển khoa học công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế. Thông qua việc liên kết với các viện, trường, trung tâm ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả, phát triển bền vững. Tăng cường quảng bá sản phẩm trên các phương thiện thông tin truyền thông, nhất là trên internet để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp của địa phương, với các sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, giá thành hợp lý.
Thứ mười, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền vận động nhân dân ý thức chấp hành về cung cấp dịch vụ công, an toàn thực phẩm, kịp thời phát hiện, đề xuất ngành chức năng xử lý kịp thời vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng./.
---------------------------------------------------
(1) Tân An Luông 450ha, Hiếu Phụng 350ha, Hiếu Nhơn 600ha, Trung Hiếu 700ha, Trung Hiệp 400ha, Trung Ngãi 400ha, Trung An 600ha.
(2) 03 HTX trồng xoài: Quới An, Trung Chánh, Quới Thiện; 02 HTX trồng cam sành: Hiếu Nghĩa, Hiếu Thành.
(3) Xã Hiếu Thành (01 trang trại), Trung Hiệp (02 trang trại), Trung Nghĩa (01 trang trại), Thanh Bình (01 trang trại).
(4) Xoài, bưởi da xanh, sầu riêng ở các xã Quới An, Thanh Bình, Quới Thiện,…
(5) Đan thảm từ nguyên liệu lục bình, tơ sơ dừa và cây lác, kết cờm, bóc võ lụa hạt điều, may công nghiệp.
(6) Nuôi cá tra xuất khẩu, trồng lúa chất lượng cao, thu mua và chế biến trái cây, chăn nuôi...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại An Giang  (14/12/2018)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2018  (14/12/2018)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 03 đến ngày 09-12-2018)  (14/12/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển