Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-8 đến 02-9-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
09:02, ngày 06-09-2018

TCCSĐT - Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến được tổ chức từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 ngày 13-9-2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC). Hội nghị sẽ thảo luận về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời giới thiệu các chính sách, cơ hội đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, kết cấu hạ tầng...

Tổng thu ngân sách đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2018 đóng góp 18% GDP cả nước

Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 31-8 tại Cần Thơ, ông Nguyễn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, vùng đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,5% (mục tiêu là 8,6%); Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người năm 2018 đạt 2.217 USD (mục tiêu 2016 - 2020 là 2.750 - 2.850 USD).

Tổng thu ngân sách toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2018 đạt hơn 243.200 tỷ đồng, đóng góp 18% GDP cả nước, trong đó thành phố Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng điều tiết ngân sách về Trung ương. Cũng trong giai đoạn này, giá trị xuất khẩu hàng hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 45,8 tỷ USD, đạt 47,6% kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 (96,3 tỷ USD).

Theo đánh giá chung, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, luôn có chỉ số PCI đứng trong nhóm đầu cả nước (Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ...), môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính được cải thiện theo hướng minh bạch, thực chất.

Tuy nhiên, thu hút FDI của nơi được coi là vựa lúa, trái cây và thủy sản của Việt Nam còn ở mức thấp cả về dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 4/6 vùng của cả nước; các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58%, thấp hơn các vùng khác trong cả nước, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế...

Giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến giao cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là gần 184.000 tỷ đồng. Kết quả giữa kỳ, tổng nguồn vốn đã giao so với kế hoạch đạt 57%, tương ứng 105.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương giao 36.171 tỷ đồng (51%), ngân sách địa phương giao 69.123 tỷ đồng (61%) so với tổng số vốn trung hạn 2016 - 2020.

Năm 2019, tổng nhu cầu vốn được 19 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đề xuất thực hiện đầu tư công là 136.507,5 tỷ đồng, tăng 11,4% so với kế hoạch của năm 2018 và bằng 69% kế hoạch trung hạn 2019 - 2020 còn lại.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu so với dự kiến tổng nguồn đầu tư năm 2019 của cả nước là 429.300 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 199.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 230.300 tỷ đồng, thì nhu cầu vốn của 19 địa phương khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong năm tới chiếm gần 32%.

Trong phần vốn ngân sách Trung ương 199.000 tỷ đồng thì 60.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA; vốn trái phiếu Chính phủ 40.000 tỷ đồng và từ phần ngân sách Trung ương là 99.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tuấn, nhu cầu nguồn vốn ngân sách Trung ương của các địa phương trong năm 2019 tăng cao do trong 3 năm 2016 - 2018 giao với mức độ tăng thấp. Cùng với đó, một số địa phương còn đề xuất sử dụng nguồn ngân sách Trung ương dự phòng (nguồn này chiếm 10% vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020).

Với đề xuất được sử dụng ngân sách dự phòng 10% đã được giao cho địa phương, theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án đang thực hiện mà địa phương định bổ sung tiền thì hoàn toàn có thể làm được ngay. Do đó các tỉnh có thể chuyển vốn cho các dự án cấp bách có giải ngân tốt nếu địa phương thấy cần thiết. Đối với những dự án mới, ông Mạnh đề nghị các địa phương tổng hợp gửi về Bộ để báo cáo tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong khi đó, đối với đề xuất sử dụng 10% ngân sách Trung ương dự phòng, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, trong Tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông đã đề nghị Bộ trưởng báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Chiều 30-8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 (Hội nghị WEF ASEAN 2018).

Sự kiện sẽ chính thức diễn ra từ ngày 11 đến 13-9 tới tại Hà Nội do Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, nhiều doanh nghiệp hàng đầu và các đối tác truyền thông lớn trên thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết với chủ đề "Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối & Sáng tạo," Hội nghị WEF ASEAN 2018 dự kiến được tổ chức từ 13 giờ 30 đến 17 giờ 30 ngày 13-9-2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (NCC). Hội nghị sẽ thảo luận về vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đồng thời giới thiệu các chính sách, cơ hội đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, kết cấu hạ tầng...

Theo kịch bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ chính thức khai mạc Hội nghị và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Hội nghị sẽ tập trung giới thiệu những cơ hội mới trong kinh doanh của Việt Nam, với phần tham gia thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành như tài chính, giao thông vận tải... cũng như đại diện các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Dự kiến sẽ có hơn 1.200 đại diện doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEA...., đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế và các Tổ chức quốc tế tham dự hội nghị.

Hội nghị năm nay là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận cơ hội kết nối trực tiếp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực ASEAN và thế giới.

Cùng với đó, các doanh nghiệp được cập nhật chuyên sâu về nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và ASEAN; tìm hiểu cơ hội kinh doanh mới trong các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế tại Việt Nam, đồng thời trao đổi cơ hội, kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực và nắm bắt xu hướng mới, tầm nhìn mới về hoạt động kinh doanh trong khu vực để phát triển kế hoạch, hoạch định chiến lược một cách phù hợp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế chính là kết nối và sáng tạo. Đây là hai đường ray cho con tàu kinh tế phát triển. Việt Nam là điểm kết nối giữa nền kinh tế thế giới với ASEAN. Việt Nam cũng là trái tim của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đổi mới và sáng tạo đang là trọng tâm phát triển vào lúc này và Việt Nam đang nỗ lực trở thành nền kinh tế sáng tạo, gắn liền với tinh thần khởi nghiệp.

Việt Nam cũng là một trong 20/60 nền kinh tế được khảo sát là có chỉ số tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam đang lên rất cao và khởi nghiệp sáng tạo đã trở thành điểm nổi bật của nền kinh tế Việt Nam.

Nếu xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối và đổi mới sáng tạo, Việt Nam có quyền hy vọng nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và tạo làn sóng mới ở Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Argentina tăng lãi suất ngân hàng lên 60% để vực dậy đồng peso

Ngày 30-8, Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) đã thông báo việc tăng lãi suất cơ bản lên 60% nhằm vực dậy đồng nội tệ peso đang trên đà lao dốc.

Theo BCRA, quyết định nâng lãi suất được đưa ra nhằm đối phó với tình hình tiền tệ hiện nay, cũng như nguy cơ gia tăng lạm phát sau khi đồng peso tiếp tục mất giá trong những ngày gần đây. Lãi suất ngân hàng được ấn định ở mức 45% hồi đầu tháng này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30-8, đồng peso tiếp tục giảm hơn 13% và thiết lập kỷ lục mới ở mức 38,20 peso ăn 1 USD bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Argentina (BCRA) tăng lãi suất cơ bản từ mức 45% lên 60% và bán ra thị trường 500 triệu USD.

Trong phiên giao dịch thậm chí có thời điểm tỷ giá hối đoái đã vọt lên trên 41 peso/1 USD. Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày đồng peso Argentina đã suy giảm 20% và so với đầu năm 2018 thì đồng tiền này đã giảm gần 100%.

Trước mối đe dọa về một đợt suy thoái mới đối với nền kinh tế, chỉ số rủi ro của Argentina đã tăng lên 728 điểm, tăng 5,6% so với trước đó một ngày và đưa Argentina trở thành quốc gia thứ 2 tại Mỹ Latinh, sau Venezuela, có thị trường mất ổn định nhất. Mặc dù vậy, Chánh Văn phòng Tổng thống Argentina Marcos Pena vẫn trấn an dư luận và cho rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo ông Pena, đất nước đang phải trải qua một giai đoạn thay đổi sâu sắc, song hướng đi đúng đắn sẽ giúp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ngày 29-8, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cho biết IMF đã đồng ý đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói viện trợ cho nước này nhằm hỗ trợ chương trình "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.

Cụ thể, IMF sẽ đẩy nhanh việc giải ngân khoản vay trị giá 50 tỷ USD đã nhất trí hồi tháng Sáu vừa qua, sau khi Chính phủ Argentina cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ mức 3,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2017 xuống còn 2,7% trong năm nay và 1,3% vào năm tới.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình trên các thị trường tài chính và tiền tệ của quốc gia Nam Mỹ này đang rất bấp bênh do những lo ngại nguy cơ lạm phát, suy thoái kinh tế và thâm hụt ngân sách.

Lạm phát tại Argentina dự báo sẽ vượt ngưỡng 30% vào cuối năm nay, và đồng peso đã mất hơn 40% giá trị kể từ đầu năm 2018. Nền kinh tế Argentina đã suy giảm 6,7% hồi tháng Sáu, tháng thứ ba liên tiếp bị tăng trưởng âm. Nếu tính theo năm thì tăng trưởng là âm 0,6%.

Chính phủ Trung Quốc công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế

Đài phát thanh nhà nước Trung Quốc ngày 30-8 cho biết nước này sẽ công bố các biện pháp mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Thông báo trên được đưa ra sau một cuộc họp của chính phủ.

Tại cuộc họp do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, Chính phủ Trung Quốc thông báo rằng những biện pháp mới, trong đó gồm cắt giảm thuế, sẽ cắt giảm chi phí cho các công ty trong năm nay thêm 45 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,59 tỷ USD).

Thông báo của Chính phủ Trung Quốc nêu rõ: "Cắt giảm thuế và giảm bớt các chi phí là những sáng kiến chủ chốt nhằm thực hiện chính sách tài chính linh hoạt và bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế".

Cũng tại cuộc họp, Chính phủ Trung Quốc đã quyết định tăng tỷ lệ hoàn thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm, tăng mức tín dụng mà các ngân hàng cho các doanh nghiệp nhỏ vay và không đánh thuế tiền lãi gửi ngân hàng. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải trả thuế doanh nghiệp và thuế VAT đối với lợi nhuận từ đầu tư vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong 3 năm.

Bắc Kinh đang tăng cường chi cho kết cấu hạ tầng và đề xuất hỗ trợ những công ty nhỏ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của cường quốc châu Á này đang hạ nhiệt và những căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Cũng liên quan cuộc chiến thương mại hiện nay, giới chuyên gia Mỹ cho rằng việc Trung Quốc cắt giảm trợ cấp đối với các thiết bị năng lượng Mặt Trời nội địa đã gây ra tình trạng dư thừa những tấm pin năng lượng Mặt Trời giá rẻ do Trung Quốc sản xuất trên thị trường toàn cầu, khiến giá mặt hàng này giảm và giảm nhẹ tác động từ việc Mỹ áp thuế đối với các thiết bị năng lượng Mặt Trời nhập khẩu.

Đây được xem là thông tin tốt đối với các công ty Mỹ chuyên mua và lắp đặt các tấm pin năng lượng Mặt Trời nhập khẩu như Inovateus Solar và Pine Gate Renewables, những doanh nghiệp từng cho rằng chính sách bảo hộ thương mại sẽ làm tăng chi phí và khiến hoạt động kinh doanh bị trì trệ.

Tuy nhiên, giá giảm sẽ gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất pin năng lượng Mặt Trời như Jinko Solar của Trung Quốc và Hanwha Q CELLS của Hàn Quốc, các doanh nghiệp từng thông báo đầu tư hàng trăm triệu USD vào hoạt động sản xuất pin năng lượng Mặt Trời với hy vọng việc áp thuế của Mỹ sẽ giúp tăng lợi nhuận.

Trước đó, hồi tháng Một năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý áp mức thuế 30% đối với mặt hàng nhập khẩu pin Mặt Trời để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, giới chức trong ngành công nghiệp năng lượng Mặt Trời cho rằng mức thuế trên sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng, làm mất hàng nghìn việc làm và hàng tỷ USD đầu tư mà không giúp nguồn cung trong nước đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng.

Tổng giám đốc WTO kêu gọi bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo thương mại toàn cầu đang bị đe dọa, đồng thời kêu gọi tất cả phải hành động để bảo vệ trật tự thương mại thế giới.

Trang web Swissinfo của Đài truyền hình quốc gia Thụy Sĩ ngày 28-8 dẫn phát biểu của ông Azevedo cho biết dữ liệu của WTO cho thấy một sự leo thang đáng kể các biện pháp hạn chế thương mại được ghi nhận trong 6 tháng qua. Ông Azevedo nhấn mạnh: "Sự leo thang tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đe dọa việc làm và tăng trưởng ở tất cả các nước, đánh vào những nước nghèo nhất và khó khăn nhất".

Tổng Giám đốc WTO cho biết thêm nhiều biện pháp thúc đẩy nhập khẩu cũng được ghi nhận trong cùng kỳ, tuy nhiên ảnh hưởng của những biện pháp này đến kim ngạch thương mại đang giảm, trong khi tác động của những biện pháp hạn chế thương mại gia tăng nhanh.

Ông Azevedo kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết những vấn đề trên. Người đứng đầu WTO cho biết ông đã tham vấn với các chính phủ và giới lãnh đạo trên khắp thế giới, hối thúc đối thoại và tìm kiếm các bước đi nhằm tháo gỡ tình hình hiện tại. Ông Azevedo cũng cho rằng sự im lặng của các quốc gia cũng giống như hành động khơi mào cuộc chiến thương mại. Ông cho biết đã tiến hành một loạt cuộc tiếp xúc với các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có các nghị sỹ, doanh nhân, giới chuyên gia và giới truyền thông để nâng cao nhận thức về những mối đe dọa hiện nay.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ với các nước đối tác gây áp lực không nhỏ đối với hệ thống thương mại đa phương. Đặc biệt, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa tìm được lối thoát đang tác động nặng nề không chỉ đối với nền kinh tế hai nước mà còn với cả thế giới. Các chuyên gia kinh tế ước tính mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế có thể khiến thương mại toàn cầu sụt giảm khoảng 0,5%./.