TCCSĐT - Các nhà lãnh đạo của 16 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan tâm đến việc tham gia một hội nghị thượng đỉnh không chính thức về cuộc khủng hoảng di cư tại Brussels vào ngày 24-6 nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc hiện nay tại châu Âu. Ngay trước thềm hội nghị, quan điểm của các nước châu Âu về vấn đề này vẫn còn rất khác nhau, một số nước ủng hộ, số khác lại công khai phản đối.

Châu Âu: Nóng vấn đề người di cư

Libya là một điểm xuất phát của hàng nghìn người di cư từ khu vực bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi để vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Mỗi năm, hàng trăm người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt biển Địa Trung Hải trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong 3 ngày gần đây, Hải quân Libya đã cứu sống hoặc ngăn chặn tổng cộng 900 người di cư trái phép. Những người tị nạn này sau đó được đưa đến các trung tâm tạm giữ để chờ hồi hương. Trong thời gian này, số người di cư trái phép vượt Địa Trung Hải tới châu Âu gia tăng do thời tiết thuận lợi. Hôm 21-6, Hải quân Libya đã cảnh báo “sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng người di cư bất hợp pháp”.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23-6, Maersk Line - công ty vận tải hàng hải hàng đầu thế giới của Đan Mạch - cho biết một trong những tàu chở hàng của hãng đã cứu 113 người di cư ngoài khơi phía Nam Italy. Đây không phải lần đầu tiên tàu của Maersk cứu người tị nạn trên biển. Hiện chiếc tàu đang neo đậu ngoài khơi thị trấn Sicily để chờ hướng dẫn từ Trung tâm Phối hợp cứu hộ Italy. Chính phủ mới ở Italy không ủng hộ tiếp nhận người nhập cư và đã có những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn người di cư tới quốc gia này, trong đó có cả việc bắt giữ những tàu cứu người di cư.

Cùng ngày, giới chức Tây Ban Nha cũng cho biết đã giải cứu 418 người di cư trong 3 chiến dịch cứu hộ trên biển riêng rẽ. Trong chiến dịch lớn nhất, 262 người di cư đã được giải cứu khi đang lênh đênh trên 15 chiếc thuyền ở eo biển Gibraltar. 27 người khác được tìm thấy trên vùng biển Địa Trung Hải giữa Tây Ban Nha và Maroc và thêm 129 người được giải cứu ngoài khơi đảo Canary trên Đại Tây Dương.

16 nước tham gia hội nghị

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề người di cư trong bối cảnh xuất hiện những chia rẽ mới trong châu Âu về việc bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm với những người di cư trước tiên khi mà các quốc gia tuyến đầu như Italy và Hy Lạp đều cho rằng các thành viên khác của EU cần chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Đây là hội nghị thượng đỉnh không chính thức trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU sẽ diễn ra vào ngày 28 và 29-6 tới để đánh giá lại hệ thống tiếp nhận tị nạn của châu Âu vốn đang chịu nhiều áp lực kể từ khi cuộc khủng hoảng di cư nổ ra từ năm 2015. Hội nghị hoan nghênh mọi quốc gia thành viên nhưng không mang tính chất bắt buộc. Tại hội nghị này, các bên sẽ không đưa ra quyết định nào và cũng không có họp báo sau đó nhưng các lãnh đạo có thể tự do đưa ra bình luận sau hội nghị. Theo thông báo sơ bộ, hội nghị sẽ tập trung thảo luận các biện pháp đẩy nhanh quy trình đưa người tị nạn trở về quốc gia có trách nhiệm xử lý các đơn xin tị nạn. Vấn đề này vốn đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia tuyến đầu của EU như Italy và Hy Lạp bởi theo nguyên tắc Dublin những quốc gia đầu tiên người tị nạn đặt chân tới sẽ phải chịu trách nhiệm xét duyệt đơn tị nạn.

Người phát ngôn EC Alexander Winterstein cho biết hiện số các quốc gia "đánh tín hiệu" tham gia hội nghị đã tăng lên 16 nước so với 8 nước đăng ký tham gia ngay từ khi lời kêu gọi của ông Juncker được đưa ra. Trước đó, hồi đầu tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Malta Joseph Muscat đã xác nhận tham dự. Ngoài ra các nguồn tin châu Âu cho biết Italy, Hy Lạp, Áo và Bulgaria cũng sẽ có mặt. Các lãnh đạo của 4 nước từ chối tiếp nhận người di cư là Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia sẽ không tham dự.

Thủ tướng Đức: Vấn đề di cư là thách thức lớn nhất của châu Âu hiện nay

Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định vấn đề di cư được xem là thách thức lớn nhất của châu Âu tại thời điểm này, đồng thời kêu gọi một giải pháp chung thay vì giải pháp đơn phương trong khối.

Phát biểu khi tham dự một sự kiện nhân Ngày Tị nạn thế giới ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh Chính phủ Đức đang đứng trước nhiệm vụ bảo vệ người dân khỏi chiến tranh và khủng bố, đồng thời cam kết duy trì sự gắn kết giữa các nước châu Âu. Theo bà, vấn đề di cư hiện đang là một thách thức lớn nhất đối với châu Âu, do đó Liên minh châu Âu cần đoàn kết để có thể đối phó và vượt qua thách thức này.

Thủ tướng Đức cho rằng EU cần phải tổ chức và quản lý vấn đề di cư theo các quy tắc rõ ràng và những chuẩn mực chung trong khối, đặc biệt trong việc xác định rõ những đối tượng nhập cư. Theo bà Merkel, đây là mối quan ngại sâu sắc nhất của các nước thành viên EU nhằm duy trì và đảm bảo một EU đoàn kết trong các vấn đề lớn liên quan đến chính sách đối ngoại, di cư và nhập cư.

Phát biểu trên của Thủ tướng Merkel được đưa ra trong bối cảnh đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà đang có những bất đồng sâu sắc về chính sách tị nạn với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo trong liên minh cầm quyền tại Đức. Thủ tướng Merkel sẽ phải tìm một giải pháp chung của châu Âu cho chính sách di cư tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 28 và 29-6 tới. Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức về vấn đề di cư vào ngày 24-6, Thủ tướng Merkel có thể thảo luận với các nhà lãnh đạo những nước bị ảnh hưởng bởi di cư như Pháp, Italy, Hy Lạp, Bulgaria và Tây Ban Nha trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp chung của châu Âu đối với vấn đề di cư.

Nhóm Visegrad tẩy chay

Ngày 21-6, lãnh đạo Nhóm Visegrad với thành viên là các quốc gia Trung Âu gồm Hungary, Séc, Slovakia và Ba Lan thông báo sẽ không tham dự hội nghị do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Clause Juncker tổ chức nhằm thảo luận về chính sách nhập cư dự kiến diễn ra cuối tuần này.

Phát biểu sau cuộc họp lãnh đạo các nước trên và Áo tại Budapest, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã mô tả cuộc họp không chính thức về người di cư vào ngày 24-6 là "không thể chấp nhận được" và nhấn mạnh sẽ không tham gia sự kiện này. Ông nói: "Họ muốn làm nóng lại đề xuất mà chúng tôi đã bác bỏ". Trong khi đó, người đồng cấp Hungary Viktor Orban khẳng định cuộc họp này đi ngược lại với những quy định truyền thống của Liên minh châu Âu và diễn đàn phù hợp nhất chính là hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến trong các ngày 28 và 29-6 tới.

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Nhóm Visegrad và Áo diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước thành viên EU liên quan đến chính sách di cư và nhập cư. Theo Visegrad, châu Âu có thể bảo vệ các đường biên giới cũng như bảo đảm an toàn cho công dân của mình. Song vấn đề này đang đặt ra nhiều câu hỏi như việc bảo vệ biên giới phía ngoài EU cũng như thiết lập các trại tị nạn để tiếp nhận những người di cư bên ngoài lãnh thổ EU. Cho đến nay, Visegrad và Áo vẫn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề người như cư và bác bỏ mọi đề xuất mang tính bắt buộc về kế hoạch áp đặt hạn ngạch đối với người nhập cư giữa các nước thành viên.

Italy, Pháp khẩu chiến vì vấn đề di cư

Ngày 23-6, Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho rằng một nước Pháp “kiêu ngạo” có nguy cơ trở thành “kẻ thù số 1” của Italy trong vấn đề người di cư. Tuyên bố này được ông Di Maio đưa ra trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp tại thủ đô Brussels để bàn về vấn đề di cư gây chia rẽ khu vực này.

Bình luận về những phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng dòng người di cư tới châu Âu đã giảm so với vài năm trước, ông Di Maio khẳng định ông Macron đang quá xa rời thực tế.

Trên mạng xã hội Facebook, ông Di Maio viết: “Italy đang phải đối mặt với tình trạng báo động về người di cư, một phần là do Pháp tiếp tục đẩy lui dòng người di cư tại biên giới. Tổng thống Macron có thể sẽ biến nước Pháp thành kẻ thù số 1 của Italy trong vấn đề này”.

Tuyên bố của Phó Thủ tướng Luigi Di Maio thể hiện lập trường cứng rắn của chính phủ mới ở Italy trong vấn đề người nhập cư trong bối cảnh dòng người nhập cư tiếp tục vượt biển Địa Trung Hải tới Italy trong khi nhiều nước Liên minh châu Âu vẫn từ chối tiếp nhận người nhập cư theo hạn ngạch phân bổ của liên minh này.

Cũng trong ngày 23-6, Tổng thống Pháp cho biết ông ủng hộ việc trừng phạt tài chính những nước thành viên EU từ chối tiếp nhận người di cư.

Tại cuộc họp báo chung với tân Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ở thủ đô Paris, khi được hỏi về quan điểm của ông liên quan tới khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, Tổng thống Macron nói: "Cá nhân tôi ủng hộ cơ chế thực sự tính tới điều này". Bên cạnh đó, ông còn nhấn mạnh: "Chúng ta không thể có những quốc gia được hưởng lợi lớn từ sự đoàn kết của EU và chỉ lớn tiếng bảo vệ lợi quốc gia mình khi nói tới vấn đề người di cư".

Những đóng góp kinh tế của người tị nạn

Trong khi tâm lý không thiện cảm với người tị nạn gia tăng trên toàn châu Âu, một nghiên cứu được các nhà chuyên gia Pháp công bố trên Science Advances ngày 20-6 cho thấy những người di cư tới "Lục địa Già" không đặt gánh nặng lên tài chính công mà còn đóng góp cho nền kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp tại nước sở tại.

Các nhà chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia, Đại học Clermont-Auvergne và Đại học Paris-Nanterre đã tiến hành phân tích số liệu kinh tế và nhập cư trong 30 năm qua của các nước Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Na Uy, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Liên hiệp Anh. Kết quả cho thấy những người tị nạn đóng góp cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng nguồn thu thuế đến 1% cho nước sở tại. Theo nghiên cứu, những người tị nạn đóng góp nhiều nhất cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một nước sau 3-7 năm sinh sống tại nước đó. Bên cạnh đó, số dân này cũng giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ và tài chính công gần như không bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo thường niên do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 19-6, số người tị nạn trên thế giới năm 2017 tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2016, mức tăng cao nhất từng thấy trong một năm, lên mức 25,4 triệu người./.